Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Về những ca khúc viết trong tù

          T.Vấn


                                     ( Hát Trong Tù – Tranh : Trần Thanh Châu )

Chúng tôi đã sống qua một thời, mà giờ đây khi ngoảnh lại nhìn, không ai trong chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy mình vẫn còn sống sót. Và càng ngạc nhiên  hơn nữa, khi quẩn quanh giữa những kỷ niệm còn tươi rói trong mớ hồi ức già nua của chúng tôi về những ngày tháng ấy , chúng tôi có cảm tưởng chúng đáng nhớ không chỉ vì sự khắc nghiệt mà đã có rất nhiều người nói đến, mà còn là vì cái lãng mạn, vừa hào hùng vừa bi thảm , của một lớp người tuổi vừa trên 20 xấp xỉ 30,  bị bắt buộc ra khỏi cuộc chiến tàn khốc để chỉ bước vào một cuộc chiến khác với hai tay bị trói, với bàn chân trần lê khắp mọi nẻo đường đất nước và trên vai là bộ quân phục của chính mình nhưng không phù hiệu, không cấp bậc.

 Những ngày tháng ấy , thoáng ẩn thoáng hiện như đã xẩy ra hàng trăm năm về trước, như vừa mới xẩy ra hôm qua, như đã và sẽ xẩy ra trong những giấc mơ  nửa đêm về sáng , ở những đời người nổi trôi như vận nước nổi trôi, ở những mảnh hồn chưa bao giờ biết đến một giây phút an bình.

Những ngày tháng ấy là những ngày tháng khốc liệt nhất của một giai đọan lịch sử đầy biến động của đất nước. Sự khốc liệt không phải chỉ ở những tàn phá của chiến tranh mà còn ở chính nỗi tuyệt vọng của hòa bình, ở lòng hận thù từ phía những người anh em cùng máu đỏ da vàng, ở sự đau đớn do những chia lìa ruột thịt không biết đến bao giờ được gặp lại, ở sự phá sản mọi giá trị cao quý nhất mà con người có thể tin tưởng.

Trong hòan cảnh đó, những tù khúc – những ca khúc viết ở trong tù – lọai hình nghệ thuật ( trong tù ) được ưa chuộng nhất, dễ được phổ biến nhất, ra đời.

Âm nhạc, do chức năng đặc biệt của nó, không bao giờ tách rời khỏi những biến động lịch sử . Càng gian nan khốn khổ, càng uất ức chịu đựng, người ta càng cần đến âm nhạc. Thế nên, ở giai đọan lịch sử khốc liệt mà đất nước đã trải qua trong mấy chục năm nay, âm nhạc đã nghiễm nhiêm đóng vai trò chứng nhân cho nhiều thế hệ tương lai vì nó phản ánh trung thực thời đại.

Chúng ta đã nghe và biết đến rất nhiều những tác phẩm âm nhạc nói về những cuộc vượt biển tìm tự do ( hay là chết ), về tâm tư những người sống lưu vong xứ người lúc nào cũng nhớ đến thân nhân, bạn bè , đồng đội còn kẹt lại quê nhà được phổ biến rộng rãi nhất trong khỏang nửa sau của thập niên 1970s và nửa đầu của thập niên 1980s. Giá trị lớn nhất của những tác phẩm âm nhạc ấy, dù được sáng tác bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp chính là gía trị chứng nhân lịch sử . Tiên khởi, chúng ra đời là để đáp ứng nhu cầu của người thưởng ngọan, chính xác hơn, những nạn nhân của cơn biến động lịch sử. Đối với những thế hệ tương lai, âm nhạc  - cùng với những bộ môn nghệ thuật khác – trở thành chứng nhân.
Có thể 20 năm sau, người ta nghe bài hát “ Chút quà cho quê hương “ của nhạc sĩ Việt Dzũng không phải với sự xúc động chảy nước mắt như người đương thời, nhưng sẽ với tấm lòng đầy thương cảm cho một thế hệ cha anh đã sống qua những tháng năm khốn khó, nhọc nhằn như thế và một hình dung rất cụ thể về những tháng năm ấy. Vì những lý do đó, chúng ta trân quý và gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật – trong đó có âm nhạc – ra đời trong giai đọan này

Còn những tác phẩm âm nhạc – những tù khúc – được viết trong những nhà tù, phổ biến rộng rãi trong các nhà tù, của những người tù cải tạo thì sao ?

Nếu xét về khía cạnh nghệ thuật, có thể những bản tù khúc này không thể sánh được với những tác phẩm được sáng tác bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp, vì hầu hết chúng được viết bởi những người chỉ có vừa đủ kiến thức âm nhạc để ghi lại cảm xúc của mình. Đó cũng là lý do khiến cho những nỗ lực nhằm phổ biến tù khúc đến nhiều người của một số cựu tù cải tạo khi vừa được đặt chân đến bến bờ tự do vào những năm 1990s đã không đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, tâm tư người thưởng ngoạn không còn ở trạng thái dễ xúc động như thời 70s, 80s nên những tác phẩm nghệ thuật không chuyên càng khó hơn nữa để chinh phục lòng người.

Nhưng về khía cạnh chứng nhân lịch sử của những tác phẩm tù khúc, chúng không hề thua kém bất cứ một tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp nào. Thậm chí, chúng đa dạng hơn, đặc thù hơn, cụ thể hơn. Chúng ra đời ở khắp mọi nhà tù từ Nam ra đến Bắc, từ lúc khởi đầu cho đến khi chỉ còn một số nhỏ tiếp tục bị giam giữ, phản ánh mọi hòan cảnh, mọi tâm trạng , mọi điều kiện sống của người tù cải tạo. Tác giả của chúng vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của giai đọan lịch sử ấy. Rồi đây, khi các thế hệ tương lai nhìn lại giai đọan này, chắc chắn họ không thể bỏ sót hay coi nhẹ sự tồn tại của những nhà tù cải tạo cùng với những tù nhân mà tội danh duy nhất là chiến đấu cho tự do, cho dân tộc. Lúc ấy , tù khúc, cùng với các lọai hình nghệ thuật khác viết về nhà tù, bởi những cựu tù nhân, sẽ chứng tỏ gía trị lịch sử của mình.

Đứng trước một thực tế thiếu vắng sự biết đến của công chúng thưởng ngọan, thiếu vắng sự hiện hữu trong các trang lưu trữ âm nhạc , hoặc nếu có, cũng không được đầy đủ những tù khúc đã từng một thời “giữ cho chúng tôi đứng thẳng và sống còn , những ca khúc chứng nhân   cho  cái lãng mạn vừa hào hùng vừa bi thảm  của một thời không thể quên , không muốn quên. Vì  chúng đã từng được cất lên trong những nhà tù khổng lồ từ Bắc vào Nam, trên những chuyến xe chuyển tù xếp cá hộp với từng cổ tay gầy giơ xương bị còng chung một cái còng số 8 . . . ( T.Vấn - Những tình khúc một thời nhiễu nhương - 15 tình khúc Trần Lê Việt ) “ , cá nhân chúng tôi, trên Trang T.Vấn & Bạn Hữu , và  được sự hợp tác của nhiều anh em cựu tù, của những tác giả tù khúc , sẽ cố gắng tập hợp , giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm tù khúc, chứng nhân của một thời rất nhiễu nhương mà hầu hết anh em chúng tôi cho đến hôm nay vẫn còn những giấc mơ nửa tỉnh nửa mê thấy mình đang nằm trên manh chiếu rộng 3 gang tay lổn nhổn những rệp ở một nhà tù nào đó vùng thượng du Bắc Việt.

Mười năm trong tù dài lê thê tưởng chừng như không bao giờ dứt. Nhưng 10 năm, 20 năm nơi xứ người qua nhanh đến độ không kịp làm bất cứ điều gì, kể cả việc chuẩn bị dọn mình . . . đi xuống. Người trẻ nhất trong anh em chúng tôi khi bước chân vào trại tù chưa kịp có một mảnh tình vắt vai thì nay cũng đã xấp xỉ 60. Có nghĩa là cả một thế hệ oan khiên nhất lịch sử sắp sửa ra khỏi cõi đời này. Đến bây giờ mới bắt tay vào việc thu vén quá khứ kể ra cũng hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không làm gì cả.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi và dựa vào trí nhớ của mình sau gần 9 năm lê la khắp các nhà tù từ Nam chí Bắc, quen thuộc với những địa danh Trảng Lớn, Long Giao, Yên Bái, Lào Kai, Phong Quang, Vĩnh Quang, Z30A v..v.., phải có hàng trăm bài tù khúc được viết và hát lên trong những năm dài đằng đẵng ấy. Đó là chưa kể những tù khúc ở những trại tù khác như Gia Trung, Phú Quốc, Ái Tử, Nam Hà, Thanh Phong và rất nhiều những trại tù khác ở miền Trung, miền Nam đất nước.

Hiện nay, chúng tôi chỉ có trong tay vẻn vẹn chưa tới 30 bài tù khúc.

Trang T.Vấn & Bạn Hữu sẽ dành một chuyên mục riêng cho Tù Khúc, tọa lạc trong Góc Nhạc. Lần lượt, những bài tù khúc mà chúng tôi có trong tay sẽ được giới thiệu bằng hình thức Audio ( MP3 ), lời bài hát và mỗi bài hát sẽ kèm một bức tranh minh họa của Trần Thanh Châu, người bạn tù của chúng tôi sẽ vận dụng trí nhớ để vẽ ra những hình ảnh có thật mà bài tù khúc ấy gợi lại. Như tên gọi đầy đủ của Tù Khúc, tức Những Ca Khúc Viết Trong Tù, chúng tôi xin được tự giới hạn chỉ giới thiệu những ca khúc thực sự được viết trong thời gian tác giả còn ở trong tù. Còn những tác phẩm khác, tuy mang nội dung nói về cảnh tù đầy, của cùng những tác giả đã từng ở tù nhưng viết sau khi đã ra tù, hay của những nhạc sĩ thời danh cám cảnh anh em cựu VNCH lâm nạn mà viết lên, chúng tôi xin phép không giới thiệu lại ở chuyên mục này. Cũng cần được nói thêm, do những thông tin có thể chưa chính xác, nên việc giới thiệu tác phẩm tù khúc của chúng tôi không xẩy ra đúng như mong muốn, hoặc thiếu sót, hoặc lầm lẫn tên người, tên bài hát, xin quý anh em cựu tù bổ túc để chúng ta có một gia tài đúng đắn để lại cho các thế hệ mai sau.

Mỗi một bức tranh minh họa của Trần Thanh Châu sẽ là một tác phẩm hội họa đúng nghĩa ( xấu đẹp tùy người xem ). Do đó, anh cần thời gian, để suy tưởng, để phác họa , và để thực hiện. Công việc thu gom này, coi vậy cũng không thể xong trong một thời gian ngắn. Do đó, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu trong khả năng thực hiện của mình.

Để đón  lễ Chiến Sĩ Trận Vong sắp tới ( Memorial Day ), chúng tôi đặc biệt giới thiệu tuyển tập 13 bài Tù Khúc của Vũ Cao Hiến, một trong những người viết và hát tù khúc hay nhất trong các trại Vĩnh Quang, Nam Hà, Z30 Xuân Lộc, người mà theo anh Đỗ Xuân Tê, một cựu tù đã nhận xét “là một khuôn mặt được anh em nhắc nhớ nhiều với niềm ưu ái khi người cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt tuy là lính tác chiến nhưng khi vô tù người sĩ quan có dáng dấp thư sinh ấy lại có một giọng ca khá truyền cảm, và điều không ai ngờ là anh có một tiềm năng âm nhạc phong phú , đã sáng tác nhũng bản tù khúc mang âm hưởng vừa bồi hồi ray rứt vừa réo rắt khó quên . . . “ (Đỗ Xuân Tê : Vũ Cao Hiến với 13 Tù khúc khó quên ) . Chúng tôi chọn dịp này, vì Vũ Cao Hiến đã không may mắn đến được miền đất tự do sau gần 10 năm tù đày. Anh đã mất tích trên đường vượt biên ngay trước khi chương trình HO được chính thức công bố. Người trình bày và thực hiện tuyển tập 13 tù khúc này ở hải ngọai là anh Đinh Quốc Trực, một bạn tù Vĩnh Quang, cũng đã qua đời tại Pháp mấy năm trước đây vì bạo bệnh.

Công trình Tù Khúc được thực hiện còn là nén hương thắp muộn gởi chung đến những cựu tù đã nằm xuống, trong tù cũng sau khi ra tù.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự góp sức, hợp tác, giới thiệu của nhiều anh em cựu tù trong nỗ lực giữ gìn và phát huy một trong những di sản quý nhất của chúng ta : Tù Khúc – Những ca khúc viết trong tù.

Xin anh em liên lạc về địa chỉ : T.Van@prodigy.net ( Phần Subject, xin ghi : Tù Khúc )

T.Vấn

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Hương Xưa

Thơ Cao Vũ Huy Miên-Nhạc Vũ Hoàng- Ca sĩ Lê Thành

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

37 năm nhìn lại

2012-04-30
Mặc dù đã 37 năm trôi qua, nhưng mỗi khi Tháng Tư về, người Việt hải ngoại vẫn không làm sao quên được những tai ương đã đến với họ sau cái ngày mà họ gọi là "Ngày Quốc Hận".

AFP photo
Bộ đội cộng sản Việt Nam dẫn giải lính VNCH trên đường phố Saigon sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. 

Tại Houston, cũng như mọi năm, năm nay ngoài những buổi lễ ghi dấu "Ngày Quốc Hận" - mà trong nước gọi là "Ngày Giải Phóng", hay "Ngày Chiến Thắng" - các buổi lễ tưởng niệm những người con dân Việt đã bỏ mình vì hai chữ Tự Do, và biểu tình phản đối Hà Nội trước tòa tổng Lãnh sự Việt Nam, còn có nhiều buổi văn nghệ để nhớ về "Biến cố 30/4".

Cải tạo không biết ngày về

Trong chương trình Thơ Nhạc "30 Tháng Tư, Một Ngày Nhìn Lại" do hội Văn Bút Nam Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 15 tháng Tư, diễn giả Nguyễn Mạnh An Dân đã đọc lên những câu thơ viết về phụ nữ Việt Nam, đã phải một mình lo nuôi con thơ dại và nuôi chồng đang bị tù đày trong các trại tập trung, do các nhà thơ tù sáng tác.  
Đường xa nón lá bung vành
Thương em lả ngọn rau xanh bờ rào
Em về  bước thấp bước cao
Nước mưa nước mắt lẫn vào nước non
Hay những vần thơ nói lên những phút giây ngắn ngủi được thăm viếng chồng
Nhìn trời sống mũi cay cay
Mấy năm mới được có ngày gặp nhau
Một giờ gặp mặt qua mau
Năm ba câu chuyện đau đâu đã tàn
Và vài câu thơ viết về tâm trạng của người yêu mòn mỏi đợi chờ vị hôn phu đang ở trong tù:
Ổng nói ổng đi 10 ngày ổng về mà ổng đi mất tiêu. Họ kêu đi học tập mà họ nhốt 7 năm mới cho về. Ba năm họ mới cho tin tức là đang cải tạo ở trại Cà Tum.
Chị Ngọc Diệp
Cô giáo vào dạy học trò
Nhìn đâu cũng thấy buồn xo mắt người
Bài học xã hội tốt tươi
Đến giờ phải giảng ngậm ngùi lại thôi
Chị Trịnh Kim Duyên cho biết khi miền Nam thất thủ chị mới 26 tuổi, đang làm việc tại bệnh viện Sài gòn, lúc đó chị có 2 con nhỏ, cháu lớn 5 tuổi, cháu bé 17 tháng, chồng chị bị đi "cải tạo" tại Rừng Lá:
"Họ nói tập trung để đi cải tạo nhưng thật ra là đi tù, chứ cải tạo cái gì! Đầu tiên thì trình diện ở trường học đường Nguyễn chí Thanh, xong họ chở đi Hóc Môn ở một thời gian, rồi chở đi Z-30D Hàm Tân, ở Phan Thiết. Mãi sau này mới có lệnh được đi thăm."  
Còn chị Ngọc Diệp lúc đó 28 tuổi, có con một tuổi và đang mang thai 2 tháng. Chị cho biết vợ chồng chị từ Ban Mê Thuộc chạy về Sài gòn:
"Đánh Ban Mê Thuộc thì chồng tôi trở về Sàigòn. Rồi họ ra lệnh phải ra trình diện. Ổng đưa mẹ con tôi về gửi nhà bà ngoại ở Cần Thơ. Ổng nói ổng đi 10 ngày ổng về mà ổng đi mất tiêu. Họ kêu đi học tập mà họ nhốt 7 năm mới cho về. Ba năm họ mới cho tin tức là đang cải tạo ở trại Cà Tum."
Và chị Kim Kiều thì chỉ mới 24 tuổi, đang là sinh viên trường Luật tại Sàigòn, khi Hà Nội cưỡng chiếm miền Nam, chị cho biết là sau ngày 30 tháng 4 năm 75, trường Văn khoa và Luật khoa bị đóng cửa và chị được đi dạy học môn Văn tại một trường xa thành phố :
"Tụi tui quen cũng lâu rồi nhưng khi VC vô thì mới đám hỏi. Tại vì anh ấy đi lính mà tôi thì con út, trong nhà các anh cũng là quân nhân nhưng ba má tôi nói là làm cao rồi nên không sợ chết. Còn anh Dân thì đi bộ binh nên ba má tôi sợ chết, ba má tôi phản đối, không cho đám cưới. Việt cộng vô thì coi như bình yên rồi, không còn đánh nhau nữa nên cho làm đám hỏi. Đám hỏi xong thì tưởng là đi 10 ngày rồi về. Họ nói đi một tháng hay 10 ngày gì đó. Nhưng mà ổng đi mút chỉ, một năm sau mới có thư về cho đi thăm nuôi. Lúc đó anh ấy ở Suối Máu, anh ấy ở đó một thời gian lâu lắm. Sau đó thì lên Tống Lê Chân làm nhà, làm vườn cho họ. Anh ấy đi là tháng 6 năm 75 đến tháng 3 năm 81 thì về"

Đoạn trường thăm nuôi 

Trong khi chị Kim Duyên kể lại đoạn đường gian khổ đi thăm chồng tại trại Hàm Tân:

RFA-NgocDiep-hv1-250.jpg
Chị Ngọc Diệp (trái) trò chuyện cùng thông tín viên Hiền Vy của RFA. RFA photo
"Đi thăm ở Hóc Môn thì dễ mà đi thăm ở Rừng Lá thì Trời ơi là nó khổ. Đi qua rừng, mấy cái rạch nước mà cuốn chiếu nó to bằng ngón tay út. Trời ơi, không dám bước, sợ lắm! Nhờ người ta thồi đồ vô chứ mình đâu có vác được. Đường rừng dài lắm."
Thì chị Ngọc Diệp cho biết, vì con còn nhỏ nên ba hay bốn tháng chị mới đi thăm chồng được một lần. Nhưng có bà mẹ chồng thì đi thăm thường hơn vì bà ở gần hơn:
"Hồi đó con tôi còn nhỏ, nên bà nội mấy cháu đi thăm thường hơn. Từ Cần Thơ đi Tây Ninh xa lắm nhưng thăm được thì mừng lắm. Có lần đi tới bị trễ họ không cho thăm, họ biểu ra nhà dân mà ở rồi hôm sau mới được vào thăm sớm. Sáng mai thì tôi dắt con và bà nội vào thăm thì họ chỉ cho thăm 15 phút thôi. Họ đứng họ canh.
Trước khi đi thăm thì họ nói là chính phủ khoan hồng cho mấy chị thăm chồng thăm con mà cấm không được hôn hít. Nhưng mà mấy ổng cũng hôn hà. Thăm xong ra về ông nào cũng ôm vợ hôn."
Còn chị Kim Kiều thì nói, sau cả năm trời không có tin tức, nên khi có giấy báo cho đi thăm thì chị em trong nhà củng nhau đi thăm vị hôn phu của chị. Những người chị của chị đều có chồng đi tù cải tạo nhưng chưa ai nhận được giấy báo tin:

Có lần đi tới bị trễ họ không cho thăm, họ biểu ra nhà dân mà ở rồi hôm sau mới được vào thăm sớm. Sáng mai thì tôi dắt con và bà nội vào thăm thì họ chỉ cho thăm 15 phút thôi.
Chị Ngọc Diệp
"Cả một năm mà không ai biết tin tức gì hết. Nhà tôi toàn là bị đi cải tạo. Tôi là út mà chồng chưa cưới cũng bị đi, mà anh ấy chỉ là trung úy thôi, còn bị đi như vậy thì mấy anh kia bị đi mút chỉ luôn. Trong nhà buồn lắm lận. Tới khi được tin đi thăm nuôi thì mừng muốn khóc luôn. Mấy bà chị cũng đi theo luôn chứ mấy chị chưa có được giấy, thành ra mấy chị đi theo tôi lên thăm ảnh luôn. Lúc lên thăm ảnh thì thăm em trai ảnh là Luyện nữa, cũng ở cùng chỗ với ảnh. Lên thăm thì có gì đem hết đi. Ảnh thì mạnh nhưng Luyện thì không ra được vì người đầy ghẻ lở. Đến cái độ là không làm gì được cả, ảnh phải đút cơm cho Luyện ăn..."
Mời quí thính giả đón nghe phần 2 của câu chuyện về những người thiếu phụ này trong chương trình kỳ tới.

37 năm nhìn lại - phần 2

2012-04-30
Mời quí vị xem tiếp câu chuyện của những người thiếu phụ Việt Nam lặn lội đi thăm chồng sau khi đất nước đã thống nhất.
AFP photo
Xe tăng Lực lượng Giải phóng Quốc gia (FLN) trên đường phố Saigon sau ngày 30/4/1975.

Thực trạng "học tập cải tạo"

Trong những chuyến đi thăm nuôi người nhà, các chị cũng chứng kiến những cảnh thật đau lòng, chị Ngọc Diệp kể chuyện người cha già gánh nặng đi thăm nuôi con, mới hay tin là con đã chết:
"Có một lần đi, tôi gặp một ông già gánh hai gánh quà. Ổng nói là ổng là ổng đi thăm con ổng mấy lần mà họ không cho thăm. Sau cùng thì họ phát cho ông ấy cái khăn tang và nói là con ổng chết mấy tháng nay rồi. Ổng khóc quá trời rồi lăn ra chết giấc."
Còn chị Kim Duyên thì chứng kiến cảnh người tù không có thân nhân đã khẩn cầu xin chị những thứ mà có thể chồng chị không cần đến:
"Tù chung đó, mà không có thân nhân tội lắm. Thấy mình đi thăm thì hỏi là có dư gì thì để gốc cây cho họ, mà cán bộ đứng đầy đó nên mình không dám. Sợ cán bộ đến hỏi thì phiền."
Với số tuổi chỉ ngoài đôi mươi và một vóc dáng xinh đẹp mà chưa có gì thật sự ràng buộc ngoài một cái lễ hỏi, chị Kim Kiều không những chỉ thăm nuôi vị hôn phu mà còn thăm nuôi cả người em trai của người chồng chưa cưới. Khi được hỏi động cơ nào đã khiến chị đối xử với những người "ngã ngựa" như vậy, chị cho biết:
"Em ảnh thì có vợ rồi nhưng ở Qui Nhơn thành ra ông bà cụ nhờ tôi thăm người em của anh ấy luôn. Tại mình rất ghét cộng sản mà thương quốc gia. Mình không thể nào mà hòa hợp với cộng sản được. Hồi mới đi dạy tôi phải dạy xa thì khi lên xe Bus để đi dạy, thấy cộng sản ngồi thì tôi không nghĩ tới. Tôi tưởng như đang mơ vậy đó, Trên xe Bus có mấy ông lính của mình, hát những bản nhạc ngày xưa, hát để xin tiền đó. Trời ơi, mình muốn khóc luôn. Thành ra như vậy mình không thể nào..."
Sau thời gian dài bị tù đày, những người lính năm xưa được trở về với gia đình, chị Kim Kiều chia sẻ kỷ niệm khi đón người yêu:
"Không có gì mừng bằng! Ổng về một cái, là đầu tiên dẫn ổng đi ăn phở. Phở Quyền dưới ngã tư Phú Nhuận đó. Sau khi mà đổi tiền đó thì 500 ngày xưa chỉ được 1 đồng sau này. Tô phở tính 9 đồng, là ổng nhân lên liền. Ổng nói trời ơi sao mà mắc quá vậy. Ổng nói chỉ ăn một lần thôi nha, không ăn nữa nha. Mắc quá đi! Lúc đó tại mình là con út trong nhà thành ra cũng không bận bịu gì với gia đình nhiều nên ảnh mới về thì khao ảnh đó mà."    
Có một lần tôi gặp một ông già gánh quà đi thăm con mấy lần mà họ không cho thăm. Sau cùng thì họ phát cho cái khăn tang và nói là con ổng chết mấy tháng nay rồi. Ổng khóc quá trời rồi lăn ra chết giấc.
Chị Ngọc Diệp
Rồi vài tháng sau, chị Kim Kiều cùng người yêu nên duyên vợ chồng. Sau nhiều lần vượt biển thất bại, cuối cùng anh chị cũng đến được bến bờ Tự Do. Trong thời gian anh chị chờ thanh lọc để đi định cư ở quốc gia thứ ba thì những người tù cải tạo khác đã cùng gia đình lần lượt đến Hoa Kỳ qua chương trình HO, trong đó có gia đình chị Ngọc Diệp và chị Kim Duyên. Chị Kim Kiều tâm sự:
"Đầu năm 89 là tụi tôi đem con đi vượt biển nữa, lúc đó cháu được 5 tuổi. Khi tôi đi thì mấy bà chị của tôi không cho đi, bảo là nộp đơn HO để đi, thì tôi nói là không thể tin được việt cộng, nên nộp đơn thì tôi cứ nộp nhưng mà đi vượt biên thì cũng cứ đi. Sống chết ngoài biển thì giao cho Trời vậy thôi. Tại thằng nhỏ nó còn nhỏ quá nên các chị của tôi cản. Chúng tôi ở trại tị nạn gần 4 năm rưỡi. Tới trại tị nạn là năm 89 mà cuối năm 93 mới qua Mỹ."

Nỗi đau không phai

scan0031-250.jpg
Vợ chồng chị Kim Duyên trong ngày đầu đến Mỹ. Ảnh do chị Duyên gửi RFA.
Niềm vui được sống trong một xứ sở Tự Do vẫn không làm các chị quên được quê nhà. Hồi tưởng lại những năm xưa, chị Kim Duyên cho biết:
"Bây giờ nghĩ lại thời gian đó thật là khủng khiếp. Trời ơi! những người cộng sản đối đãi với dân mình không được tốt đẹp. Họ đối xử chênh lệch, nào là con ngụy, nào là con này kia, Không được học những ngành chuyên môn. Họ tìm đủ mọi cách để không cho người dân của chế độ cũ được làm gì hết. Thành ra bây giờ tôi nghĩ đến cái chế độ của họ tôi thấy khủng khiếp quá! Khủng khiếp trong sợ hãi."
Chị Ngọc Diệp hiện vẫn còn mẹ già tại Việt Nam, chị đang phân vân không biết có về tham dự lễ thượng thọ 90 của Mẹ chị hay không:
"Mẹ tôi 90 tuổi rồi đó, Mẹ kêu tôi về làm lễ 90 tuổi cho Bà nhưng không biết tôi có về được không. Tháng mười hay tháng mười một sẽ làm sinh nhật 90 cho Bà"
Trong khi đó, chị Kim Kiều thì xem những tháng ngày khó khăn mà chị đã trải qua, như là những kinh nghiệm sống quí báu cho bản thân nhưng vẫn nhất quyết không về thăm nhà, khi quê hương chưa có được tự do: 
"Đúng thì thật ra mình ở nó khổ thiệt nhưng có sống như vậy mình mới biết được dân của mình. Mình sống qua với việt cộng, rồi mình sống ở trại tị nạn thì mình biết được những thứ đó. Đó là những bài học rất là quí báu. Có những người may mắn thì họ không trải qua những cái đó, thì đúng là họ may mắn, nhưng họ không biết được những cái đó.
Còn lớp trẻ thì không hiểu được đâu. Không rút được kinh nghiệm đau thương sống với việt cộng. Tôi qua đây hai mươi năm rồi, tôi không về. Khi nào không còn việt cộng tôi mới về.
Chị Kim Kiều
Còn lớp trẻ thì không hiểu được đâu. Không rút được kinh nghiệm đau thương sống với việt cộng. Không thể nào hiểu được cái đau thương đó. Tôi qua đây hai mươi năm rồi, tôi không về. Khi nào không còn việt cộng tôi mới về, còn Việt cộng là tôi không về."
37 năm đã trôi qua, những thiếu phụ trẻ ngày nào giờ đây đang bước vào tuổi hạc. Tuổi thanh xuân của họ đã trôi qua trong thời chiến với nỗi âu lo cho người yêu ngoài mặt trận. Và khi đất nước thống nhất, hòa bình thì họ lại phải âm thầm tần tảo nuôi con thơ và thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo, rồi lại lo tìm đường vượt biển để mong đến bến bờ tự do. Họ là những bà mẹ Việt Nam tiêu biểu, âm thầm chịu đựng và luôn quên mình để kiên cường gây dựng cho các thế hệ mai sau.