Thoại Anh
Thắm thoát mà sắp đến kỳ Hội Ngộ Kỷ niệm 35 năm Ngày Ra Trường của khóa Nguyễn Trãi 3. Đọc qua những i-meo trao đổi, kêu gọi, hẹn hò của các anh, bà Sư Tử cũng cảm thấy nôn nao trong tất dạ, chạnh lòng nhớ đến những câu chuyện vui buồn đã xảy ra vào khoảng thời gian này năm xưa, khi bà mới chân ướt chân ráo bước vào Làng Meo K3...
Hồi ấy, cách nay vừa tròn 5 năm, hễ mỗi lần thấy ông chồng Gà Mái Mỹ yêu quý của bà ôm riết cái “com” đọc hết i-meo này đến i-meo khác rồi cười ngã nghiêng ngã ngửa trong khi cỏ ngoài sân cao nghều nghệu, vượt hẳn cỏ nhà hàng xóm, còn cái hàng rào thì gần sập tới nơi, bà tức muốn lộn ruột!
(Có lẽ quý vị đang thắc mắc, không hiểu tại sao ông chồng của bà Sư Tử lại được bạn bè ưu ái đặt cho một biệt danh quá ư là... kém bề thế. Số là trong thời gian còn dùi mài văn vỏ trong ngôi trường ĐHCTCT thân yêu ấy, ông nhà của bà thuộc típ người nghiêm chỉnh, đứng đắn đàng hoàng. Vài người bạn rủ ông ra ngoài hưởng thú chơi hoa, ông đều một mực từ chối. Lâu ngày chầy tháng, mấy ông bạn trời ơi đất hỡi nổi xung thiên, nện cho ông cái danh Gà Mái. Sở dĩ còn bonus thêm từ “Mỹ” vì ông hay ních mì gói lia chia nên tấm thân bồ tượng ngày càng úc núc, trắng trẻo, tròn quay.)
Một hôm, bà tò mò ghé mắt vào đọc thử xem mấy ông này làm cái trò gì khiến ổng hí ha hí hửng đến thế! Xui xẻo thay... bà đọc nhằm bài vè mà ông Sến (NT3 Lê nguyên Hùng) ngạo chồng bà làm chuyện trật lất: Trong khi vợ nhờ đấm bóp thì ông Gà lại “lợi vụng” thời cơ, thực hành chuyện khác khiến bà lên cơn uất ức, phải bày tỏ nỗi niềm tâm sự trên trang báo Đặc san Úc Châu. Vì thể diện của chồng (?), bà bèn viết vè kịch liệt phản pháo, đại khái rằng thì là: “Bộ ông Sến không được vợ nhờ cậy tương tự như vậy nên sanh lòng ganh tị, nói nhăng nói cuội chứ gì?” Tiếp theo, còn vài bài vè qua lại nữa, ác liệt hơn. Cuối cùng, ông Sến nổi nóng, phang cho bà cái biệt danh “Sư Tử” khiến ông Heo (NT3 Tiêu khôn Cơ) và ông Bèo Nhèo (NT3 Trần văn Song) xanh máu mặt, vội vàng lên tiếng can gián, vuốt giận đôi bên. May thay, bà sanh vào đầu tháng 8, thuộc cung Hải Sư, bởi vậy bà đâu có ngán, nhận liền một khi, không cần duyệt xét, nghĩ suy. Vả lại, sau khi bấm đốt tay bói quẻ thì bà chắc mẩm là cái biệt danh này nghe rất hách xì xằng, may ra ít bị người đời hù dọa, ăn hiếp.
Meo qua meo lại, bà bắt đầu mê i-meo hơn ông chồng của bà nữa. Khởi đầu, thấy mình đơn thân độc mã, tương tự như cảnh hoa lạc giữa rừng gươm, bà e dè, khép nép, lâu lâu chỉ dám gõ vài dòng chút chút thôi. Cho đến một hôm, tự dưng mấy ông nổi hứng, xúi nhau kể lại chuyện tình ngày xa xưa. Thế là bài viết “Em Vẫn Nhớ” được trình làng, gợi nhớ cái thuở ban đầu lưu luyến, bà cùng người tình SVSQ CTCT dung dăng dung dẻ trên khắp miền đất cao nguyên Đà Lạt mộng mơ ấy. Điều làm cho bà hết sức cảm động là bài viết đã được dân làng meo nhiệt thành đón nhận, được đăng nguyên bản dài đến 8 trang giấy đánh máy trong bản tin NT3. Tiếp theo đó, nhờ sự chân tình khuyến khích của ông Tí (NT3 Đặng hiếu Sinh) và ông Xệ (NT3 Trương văn Vấn), bà đã hứng thú gởi gấm tâm tình vào một số bài viết khác được chọn đăng trên Tạp chí Ca Dao. Bà thầm cám ơn làng meo NT3 đã tạo cơ hội cho bà thực hiện giấc mộng văn thơ mà bà ấp ủ từ lâu lắm rồi, lúc bà mới bước vào tuổi 13 đầy ước vọng.
Để gây không khí sôi động trong làng meo, bà nảy ra sáng kiến scan mấy mẫu chuyện vui, những bài thơ hay (tình cảm hoặc trào phúng) trích từ báo chí Úc Châu, gởi cho dân làng cùng thưởng thức. Dần dần, để thêm phần xôm tụ, bà sưu tầm, chọn lọc những bản tin, những tài liệu về sức khỏe, những bài viết và những tiết mục văn nghệ có giá trị với hy vọng mang đến cho quý vị dân làng đôi phút thư giản sau một ngày lăn lộn với trăm công ngàn việc. Về sau, vợ chồng bà may mắn được bắt nhịp cầu tri âm với Trung Tá Mai Quỳ (Cựu Trưởng Phòng Kế Hoạch Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt), anh NT1 Đỗ Minh Hưng B, anh TH (Moderator của Mailgroup Hải Quân 23), anh Trần Quang (xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Đức), các cựu học sinh Trường Trung học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long và ngay cả những người bạn chỉ quen biết nhau trên i-meo chứ chưa hề một lần gặp mặt hoặc chuyện trò chi cả.
Kể từ đó, ôi thôi... mỗi ngày cặp Gà Mái Mỹ-Sư Tử Hà Đông (biệt danh “upgrade” của bà Sư Tử) nhận được hằng hà sa số i-meo gồm đủ các loại. Thế là bà lại kiêm thêm “job” kiểm duyệt, chọn lọc những tiết mục hữu ích để chuyển tiếp đến cho quý vị độc giả kiêm khán thính giả thân quen cùng thưởng thức. Hầu như mọi người đều hân hoan, ủng hộ công việc làm không công của bà. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà cũng bị phê bình, lời nặng tiếng nhẹ nọ kia khiến bà không sao tránh khỏi buồn lòng, nản chí. Nhưng thôi... “Ở sao cho được lòng người...”, miễn bà cảm thấy an vui, hạnh phúc với những gì bà đang làm và không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm là quý lắm rồi!
Ngày lại ngày qua, cứ đọc những lời các ông NT3 trửng giỡn với nhau mãi rồi bà cũng bị lây... Hễ nghe ai nói hớ chút xíu thôi là bà tuôn một tràng dài đối đáp lại ngay. Chẳng hạn như vừa nghe ông Quạ (NT3 Hùynh văn Thạnh) viện cớ là mình còn vị thành niên, chưa đủ 18 tuổi nên chưa có thể gia nhập vào Phòng Văn Khang (Paltalk) do ông Hùng Sến và bà chủ quán kem Hạnh Tâm (Nàng dâu NT3 Hùng Sến ngày xưa là Cashier của quán Kem Hạnh Tâm ở Đà Lạt) thành lập, bà liền liên tưởng tới con số 81. Để rồi vừa làm việc vừa làm thơ, bà đã sáng tác bài thơ dài lê thê:
Quạ khoe mình chửa thành niên
Dưới mười tám tuổi, thiên duyên biết gì?
Bao phen ánh mắt sầu bi
Bao lần vật vã lâm ly thất tình!
Mong tìm Quạ mái thật xinh
Sánh vai cùng Cuội, phóng lên cung Trời
Chị Hằng nở nụ cười tươi
Ngắm lên ngắm xuống, buồn thiu lắc đầu.
............................................
Soi gương chợt nhớ tuổi tên
Thì ra tóc bạc răng rêm hết rồi.
Vậy là mình quá tám mươi
Chứ nào mười tám, nực cười lắm thay!
Kìa câu lạc bộ Văn Khang
Cửa luôn rộng mở, Quạ đang đáp vào...
Sư Tử
Sau đó, ông Tân Khóa Sinh (NT3 Nguyễn văn Ngoan) cũng hào hứng góp ý thơ
Sư tử ngồi gốc cây đa
Thấy nhớ thằng Cuội xót xa tuổi già
Quạ nhỏ mà Quạ bay xa
Gặp Quạ trong lúc bất ngờ
Hồn mang tình ái giả đò chê bai
Sư Tử ngồi đợi dài dài
Cuội ơi,hứa cuội...Quạ bay đâu rồi ?
TKS
Thường thì khi gõ máy làm thơ chọc phá ai, bà hăng dữ lắm, gởi đi liền một khi. Đến chừng chẳng nghe người ta trả lời trả vốn chữ nào, bà lại đâm hoảng, cứ thở dài thườn thượt! Nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy, hễ thấy làng meo vắng hoe, bà cảm thấy lòng buồn rười rượi, tưởng như gia đình mình đang gặp chuyện không vui vậy! Bởi thế cho nên dẫu biết mình dốt đặc cán mai, thường giải đáp trật lất những câu đố do ông Heo, ông Khóc (NT3 Lý phước Hồng), ông Tà (NT3 Trần văn Trung), ông Matt (NT3 Võ tấn Lộc) đưa ra nhưng bà vẫn cố gắng tham gia cho tới cùng, đôi khi còn bày đặt tán hươu tán vượn tưới hạt sen, cốt sao giữ cho làng meo đỡ quạnh hiu. Sau đó, để đáp lại, bà tìm tòi, dọ hỏi, rồi tung ra mấy câu đố nghe dễ ợt nhưng cũng báo hại ông Quạ, ông Khóc và ông Heo xôn xao trả lời để được thưởng mấy cây cà-rem (tưởng tượng).
Ngoài ra, bà Sư Tử còn xung phong giữ một nhiệm vụ khá quan trọng, đó là Thư ký của làng meo NT3. Thật ra, nào có ai bắt bà phải lao tâm tổn sức gì đâu, thế nhưng bà vẫn hứng thú lên meo mỗi ngày, duyệt hết các loại meo trong đó có những meo báo tin vui, tin buồn hoặc tin tương trợ cho gia đình các bạn đồng khóa đang còn sống trong cảnh nghèo khó tại quê hương Việt Nam hay gặp cảnh nạn tai trên đất Mỹ, kể cả những lời đối đáp trửng giỡn hoặc thảo luận qua lại giữa các ông, bao gồm luôn những bài vè, bài thơ dài ngắn của các thi sĩ cây nhà lá vườn được phổ biến trên meo. Bà copy và paste hầu hết những meo phản ảnh những sinh hoạt đa dạng ấy, dự định sẽ chuyển tất cả vào một CD và gởi cho các ông bà thường xuyên gắn bó với dân làng để làm kỷ niệm. Mong rằng 10 năm sau, khi còng lưng trên máy, nghiền ngẩm lại những lá i-meo xa xưa, các ông bà càng thấm thía tình nghĩa mà dân làng đã gắn bó, đối đãi với nhau trong thời gian này.
Để đáp lại tấm chân tình của bà, thỉnh thoảng các ông bà trong làng meo gọi điện thoại viễn liên sang chuyện trò thăm hỏi cười vui tíu tít. Đặc biệt nhất là ông Tây Tín (NT3 Nguyễn đức Tín), mỗi lần đi công vụ tại quốc gia nào cũng đều cố gắng gởi cho vợ chồng bà một tấm card giới thiệu phong cảnh của quốc gia ấy và đã nhiều lần phôn sang tâm tình trong tình nghĩa anh em thân thiết, giúp bà vơi đi phần nào nỗi buồn xa quê hương, đất nước.
Vài năm sau, lại xuất hiện thêm một ông Tây bà Đầm tìm về tổ ấm. Mặc dù trong khai sinh, ông ấy có tên là Nguyễn Chí Hiếu (biệt danh Gà Tồ) nhưng bà Sư Tử vẫn thích gọi là “ông Tây Đơ” (Deux) hoặc “ông Tây number two” để dễ dàng phân biệt với “ông Tây On” (Un) Nguyễn Đức Tín vừa được nhắc đến ở trên. Đặc biệt là ông Tây Đơ có biệt tài kể lại vanh vách những câu chuyện xa xưa một cách thật say sưa khiến dân làng K3 đã có dịp cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn, không thể nào quên trong cuộc đời SVSQ của Trường ĐH/CTCT Đà Lạt thân yêu. Và cũng chính vì những i-meo kể chuyện của ông Gà Tồ quá hấp dẫn mà báo hại bà Sư Tử đã phải hì hụi copy tất cả vào một floppy disk để làm kỷ niệm. (Nếu như bà không lầm thì hình như số trang được save đã lên đến khoảng con số 150 rồi thì phải!)
Trở lại sinh hoạt của Làng meo K3… Hôm ấy, có lẽ là một ngày rất đẹp trời, ông Quạ, một thi sĩ có lối diễn đạt ý thơ vô cùng độc đáo, rất vui nhộn, bỗng nhiên nổi hứng, dấy lên phong trào làm thơ con cóc bằng cách phóng bút sáng tác một đoạn thơ thẩn, lững lơ con cá vàng. Thế là vài thi sĩ cóc hào hứng nhảy vô tiếp nối… rồi tiếp nối, vô tình đã kết thành 3 chuỗi Trường Thiên Thơ Thẩn: Xóm Meo, Nhà Tôi, Thăm Meo được tuyển đăng trong quyển Đặc San Hội Ngộ 30 năm Ngày Ra Trường của NT3. Ôi! Thật là vui như Tết và xôm tụ hết biết!
Mặc dù mới năm trước, bà Sư Tử đã từng bị Tâm bút gia kiêm Thi sĩ kiêm Ca sĩ T.Vấn chê cái “tài” làm thơ chẳng có chút kỷ thuật nào nhưng bà vẫn xông pha vào trận chiến, trổ tài múa bút, kiên trì đối đáp không mệt mỏi. Cụ thể là thơ trào phúng cũng có, thơ tình cảm ướt át hoặc mang âm hưởng Nàng Kiều cũng có, thơ Hồ Xuân Hương cũng ứng chiến và thơ luận đời cũng chẳng từ nan. Lúc đầu, bà còn bò ra bàn, nghiên cứu thơ của các thi sĩ lớn nhỏ, miệng cứ lẩm nhẩm, lầm bầm luật gieo vận “bằng bằng trắc trắc bằng bằng” nghe như tiếng súng liên thanh nổ. Về sau, nhờ sự chỉ giáo của ông chồng Gà Mái Mỹ (thuộc vào hạng thi sĩ cóc thứ thiệt) cùng với “thi sĩ đại” Hiệp Ròm (NT3 Phạm ngọc Hiệp), bà nhắm mắt làm thơ đại, hễ nghe êm tai là tuyệt cú mèo rồi! Cho vui làng vui xóm thôi mà, có phải gởi đi dự giải Nobel đâu mà lo… cho thêm mập! (Ông Ròm thường đe doạ bà như vậy vì biết bà rất sợ bị lên cân.)
Cứ thế, cả làng xúm nhau lại, người làm thơ, kẻ ngồi rung đùi thưởng thức, thỉnh thoảng gõ đôi dòng tán thưởng để ủng hộ tinh thần các “nhà thơ” đang hăng say mang niềm vui đến cho người, cho đời. Chẳng bao lâu, vô hình chung, làng meo đã ngấm ngầm sáng lập nên một Vườn Tao Đàn ngào ngạt khoe sắc toả hương, qui tụ nhiều Thi sĩ từ cấp bậc Tiểu đến Đại, từng một thời được hết lời ca tụng trong... Làng meo NT3.
Thấp thoáng trong khu vườn tao nhã ấy, người ta thấy dập dìu tài tử... da nhăn với giọng ngâm khi bổng lúc trầm của các Thi sĩ Hải Thọt (NT3 Nguyễn Ích Hải) , Hồng Khóc, Cơ Heo, Hảo Láp (NT3 Lê công Hảo), Hùng Sến, Gà Mái Mỹ, Sư Tử… Riêng những “Đại Thi sĩ” T.Vấn, Trần Trung Hậu, Ngoan Nguyễn và Yên Đông (tức ông Quạ) thì được xếp ngồi chiếu trên vì đã hiến cho đời những vần thơ tuyệt tác, gây nhiều cảm xúc ngọt ngào hoặc cay đắng cho quý độc giả yêu thơ của Ức Trai Tổng Hội, Đặc San Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Ra Trường của Nguyễn Trãi 3 và Tạp chí Ca Dao do Nhà báo Sinh Đặng chủ nhiệm và phu nhân Nguyệt Dần chủ bút.
Nhắc đến báo chí, bà bỗng nhớ tới ông Hiệp Ròm, người bạn thân thiết đã một thời lăn lộn với chồng bà trong cuộc sống tù ngục cải tạo ngày nào. Là một văn thi nhạc sĩ, với bút hiệu Phạm Chinh Đông, ông đã từng có nhiều tác phẩm văn thơ được chọn đăng trên báo chí trong nước từ năm 1970. Cho mãi tới nay, ông vẫn còn tiếp tục sáng tác và thường gởi bài đăng trên Việt Báo, Honque.net. Đã thế, ông còn xui bà Sư Tử làm gan thử bắt chước ông với lý luận đầy sức thuyết phục:
- Hãy xem đó như là mực thước để đo khả năng sáng tác của người viết. Nếu bài được chọn đăng thì tốt, bằng không thì lại tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa, chứ nào có mất mát chi đâu?
Ngẩm ra, lời ông Ròm nói nghe thật chí lý nên bà cố gắng trau chuốt ngòi bút của mình ngày càng trở nên mượt mà hơn. Và chính nhờ xuất thân từ Vườn Tao Đàn ấy, kết hợp với tài khéo léo đưa đường dẫn lối của “Đại Thi sĩ” Yên Đông mà “nữ thi sĩ” Thụy Khanh đã cho ra mắt thi phẩm đầu tay “Giọt Nắng Ngày Xưa”, những tưởng chỉ để dân làng mua vui trong chốc lát, không ngờ lại được các “Đại Thi sĩ” và một số dân làng ngỏ lời tán thưởng và chân tình khuyến khích. Một lần nữa, bà lại thầm cám ơn làng meo K3 đã giúp bà thực hiện thêm một ước mơ: sáng tác bài thơ độc nhất vô nhị (có nghĩa là trước sau chỉ có một mà thôi!)
Những tưởng bà Sư Tử chỉ quậy phá trên làng meo K3 bấy nhiêu cũng đủ mệt nghỉ rồi! Thế nhưng... lại có thêm một chuyện xảy ra, vô tình giúp bà thực hiện giấc mơ mà bà ôm ấp từ thuở chớm lớn. Số là trưa hôm đó, nhân lúc cắm trại tại bãi biển Kiama, bà Sỹ (Nàng dâu NT2 Nguyễn văn Sỹ), bà Kiệt (Nàng dâu NT2 Hoàng Thế Kiệt) và ông bà Thọ (NT4 Phạm Đức Thọ)... trong Gia Đình Ngưyễn Trãi Sydney - Úc Châu đã hào hứng bàn luận về những uẩn khúc liên quan đến bút hiệu TTKh đã một thời gây chấn động trong giới yêu thơ. Bị cuốn hút vào cuộc tranh luận ấy, bà hứa sẽ mang bài báo viết về TTKh và CD “Chuyện Tình TTKh” để quý ông quý bà cùng nghiên cứu và tìm hiểu thêm. Rủi thay... buổi họp mặt bỏ túi bất ngờ ấy lại không có sự hiện diện của bà Sư Tử. Chừng nghe kể lại, bà vừa cười hăng hắc vừa xúc động.
Số là vào tối hôm ấy, với nét mặt thật trịnh trọng, bà Sỹ đã hí hửng khoe rân trời rằng thì là:
- Quý vị có biết là trong Gia Đình Nguyễn Trãi của tụi mình có một nữ tài danh mà bấy lâu nay tụi mình không hề hay biết.
Thế rồi bà từ từ đặt CD “Chuyện tình TTKh” vào máy và long trọng tuyên bố người dẫn truyện và thực hiện CD này chính là bà Oánh (tức bà Sư Tử). Cả bàn tiệc ngẩn ngơ, nhăn mặt nhíu mày, ra vẽ trầm tư suy nghĩ lung ghê lắm! Bỗng tiếng ông Sỹ rổn rảng vang lên:
- Sao tôi nghe giống giọng Hoàng Oanh quá mà, bà nó!
Bà Sỹ kịch liệt phản đối:
- Cái ông này! Hoàng Oanh đâu mà Hoàng Oanh, tui nói bà Oánh là bà Oánh mà, ông đừng có cãi
Thế là ông Sỹ ngồi xếp re vì ông hiểu rằng: Lệnh Bà nói tức là Trời nói!
Ác nghiệt thay! Bà Huyện (Nàng dâu NT5 Nguyễn Toàn Huyện) lại lon ton vào khoe với các bà đồng nghiệp trong Bưu Điện:
- Mấy bà biết hông, trong Gia Đình Nguyễn Trãi của tui có bà bạn hết xẩy! Một mình mà dám thực hiện cái CD “Chuyện Tình TTKh” nghe hay quá sá chừng!
Thế nhưng... đến khi nghe chính miệng bà Sư Tử xác nhận đó chính là giọng của Hoàng Oanh, bà Huyện mới ngã ngửa ra, thở dài thườn thượt:
- Trời đất quỷ thần ơi! Cái điệu này chắc tui đành nín thinh luôn, chứ biết đính chính làm sao bây giờ
Nhìn vẽ mặt thảm sầu của chị Huyện, bà Sư Tử cũng cảm thấy áy náy không yên. Bất chợt bà cúi xuống nhìn CD “Khóc Một Dòng Sông” do nữ xướng ngôn viên Thy Lan diễn đọc. Một ý tưởng chợt hình thành, bà tự nhủ:
- Chị Huyện đừng lo! Em sẽ làm một chút gì để chị cảm thấy phần nào đỡ áy náy với những người bạn của chị.
Thế là bộ CD “Qua Đồi Trinh Nữ”, gồm 27 trích đoạn trích từ quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Nguyên (tức NT2 Nguyễn Bá Thuận) do bà Sư Tử cùng 2 cậu quý tử Anh Dũng-Quốc Hưng đã được “phát hành” và gởi đến gia đình các anh chị trong làng meo K3 cũng như hầu hết các anh chị trong Gia Đình Nguyễn Trãi Úc Châu. Với sự chân tình khuyến khích của quý vị thính giả thân mến, bà Sư Tử cảm thấy vô cùng mãn nguyện rằng mình đã thực hiện được giấc mộng trở thành xướng ngôn viên của Đài Phát Thanh Sàigòn ngày nào. Tuy số thính giả hạn chế, không đông đảo bằng một Đài Phát Thanh thứ thiệt nhưng chắc chắn đây là những vị thính giả rất thân thiết, luôn dõi theo bước tiến của bà để hết lòng ủng hộ tinh thần bà . Trong tận đáy lòng, bà thầm cám ơn bà Sỹ đã không ngần ngại tin rằng giọng đọc điêu luyện của nữ tài danh Hoàng Oanh chính là giọng đọc của người bạn mình, một giọng đọc vô danh tiểu tốt chưa từng được biết đến.
Ngoài ra, bà Sư Tử còn hô hào quý vị dân làng cất cao giọng hát đồng thời tự thu thanh giọng oanh vàng rổn rảng của mình để phóng lên meo cho toàn thể dân làng cùng thưởng thức. Bà hy vọng rằng tiết mục đọc truyện và giọng hát thân thương của các nam nữ “ca sĩ” cây nhà lá vườn đã thật sự mang đến cho dân làng meo đôi phút thư giãn thoải mái, đồng thời cảm thấy gần gũi, gắn bó và thương yêu nhau hơn. Ngoài các giọng hát trầm ấm và điêu luyện của các nam nữ “danh ca” NT3 Tiêu Khôn Cơ, Cashier Hạnh Tâm và Lê Linh (phu nhân và trưởng nam của NT3 Lê Nguyên Hùng), quý vị thính giả còn được thưởng thức giọng ngâm thơ và ca tân cổ giao duyên ngọt ngào, trong trẻo, cao vút của chị Bé Năm (phu nhân của NT3 Phạm Ngọc Hiệp), giọng ngâm thơ và tiếng hát chứa chan tình cảm của chị Cơ qua bài “Nếu Biết Tôi Lấy Chồng” do nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác. Thỉnh thoảng, làng meo K3 còn bị ông Hùng Sến quậy phá bằng cách giả danh của Ngài Làng trưởng Hải Thọt và ông Khuê Thợ Điện (NT3 Nguyễn văn Khuê) rên rỉ nhiều bài nghe mùi mẩn hết sức!
Thừa thắng xông lên, Ngài Làng trưởng Hải Thọt bèn sử dụng “quyền uy” của mình, lớn tiếng phát động phong trào “Phe ta hát nhạc phe mình để chúng mình cùng nghe”. Thế là các nam nữ ca sĩ gà nhà hào hứng thi đua nhau trình bày một số ca khúc tình cảm đã từng được nam danh ca hàng đầu như Chế Linh, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh thu thanh vào dĩa nhựa, điển hình là 2 ca khúc “Giã Từ Thành Phố” và “Chuyện Mưa Mây” do nhạc sĩ Phạm Chinh Đông sáng tác từ hồi ông còn rất trẻ. Thật là sôi động và xôm tụ hết biết!
Viết văn, làm thơ, hát hò, đọc truyện riết rồi cũng chán, bà bèn nổi hứng thực hiện PowerPoint Show. Lúc đầu... thật là trần ai lai khổ! Cái chi cũng không biết, bà cứ ngồi dí mắt vào chiếc com-piu-tờ, click click tứ lung tung. Lắm khi bị tịt ngòi, chẳng biết phải làm sao. Cũng may mà vào đúng lúc ấy, bà vừa bước chân vào sinh hoạt trong Mailgroup Tổng Hội, nơi qui tụ một số nhân tài trong ngành điện toán. Thế là bà không ngần ngại cầu cứu “Kỷ sư” NT5 Trịnh Mộng Chính đang sinh sống mãi tận bên Đức Quốc. Tội nghiệp ông Kỷ sư này cũng mê thực hiện Powerpoint Show (PPS) nên ông ta không ngại bỏ công mò mẩm suốt mấy ngày mấy đêm mới khám phá ra cách lồng nhạc vào PPS. Khổ nổi ông chỉ dẫn bà bằng tiếng Đức, trong khi máy của bà lại sử dụng tiếng Anh, báo hại bà lại phải kêu réo hai chàng quý tử ra phụ mò mẩm với bà.
Sau khi hoàn thành xong một tác phẩm, bà liền gởi đi khoe khắp năm châu bốn bể. Mấy cái PPS đầu tay của bà trông xấu òm nhưng quý khán thính giả cũng rộng lòng khen rối rít để động viên tinh thần chiến sĩ. Dần dần, bà có nhiều kinh nghiệm hơn nên cũng được xếp vào hạng chuyên viên PPS... bậc nhì, sau Kỷ sư Trịnh Mộng Chính (vì không có chuyên viên PPS nào nữa cả). Chẳng bao lâu, quý khán thính giả còn được thưởng thức tài nghệ thực hiện PPS và video clips của “Kỷ sư” Trần Quang và Sư phụ NT2 Huỳnh Trọng Thiệt với kỷ thuật trình bày tân tiến hơn, hấp dẫn hơn.
Khoảng hai năm gần đây, bà Sư Tử Hà Đông lại còn được bà Chủ bút Nguyệt Dần tín nhiệm giao cho một “job” mới, đó là thỉnh thoảng gỡ rối tơ lòng dùm cho quý nam nữ độc giả của Tạp Chí Ca Dao. Lúc đầu, bà cũng chỉ viết chơi chơi, góp ý kiến vô thưởng vô phạt. Thế rồi lâu ngày chầy tháng, tự nhiên bà cảm thấy gắn bó với tiết mục “Tình Chàng Ý Thiếp” và thật sự cảm thông với nỗi lòng của những con người đang chơi vơi trong bể khổ, chẳng biết bám víu vào đâu ngoài những lời tỉ tê khuyên nhủ của ai đó, một người hoàn toàn xa lạ, không hề mảy may quen biết. Không biết những lời chân tình góp ý của bà có thật sự hay ho như lời chị Chủ bút đã tán thưởng hay không nhưng trong tận đáy lòng bà chỉ mong ước sao những tâm hồn đau khổ ấy sớm thoát khỏi giai đoạn khó khăn đầy phiền toái của cuộc đời để vươn tới một tương lai trong sáng hơn và tốt đẹp hơn.
Thế đấy! Niềm vui i-meo của bà Sư Tử chỉ đơn giản, quanh quẩn bấy nhiêu thôi nhưng đã ghi lại trong lòng bà biết bao kỷ niệm không bao giờ quên. Trong quãng đời còn lại ngày càng gần đất xa trời này, bà chẳng mong gì hơn được tìm thấy dăm bóng mát, thưởng thức đôi điệu nhạc, chút hương thơ và rộng miệng cười thoải mái để cảm thấy cuộc đời này vẫn đáng sống, không phải chỉ sống cho chính bản thân mà còn sống cho người thân, cho bạn bè và cho cả những người đang sống quây quần bên mình nữa.
Thoại Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét