NỖI ƯU TƯ ĐỐI NGOẠI
Dự án đập thuỷ điện Xayaburi nằm cách thị trấn Xayabouri chừng 30km thuộc phía Bắc Lào, bắc ngang qua sông Mekong, có chiều dài chừng 800m, cao 32m, công suất sản xuất dự trù là 1,260 Megawatts. Chính phủ Lào đã ký hợp đồng phát triển dự án này với một công ty Thái tên là Ch. Karnchang Public Company vào hồi tháng Năm, năm 2007, với chi phí dự trù là 3.5 tỉ dollars. Tiếp sau đó đã có những thoả thuận giữa chính phủ Lào và đại diện phía Thái Lan là công ty Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT) trong năm 2010, theo đó EGAT sẽ mua 1,220 Megawatts điện, khoảng 95%, khi đập thuỷ điện đi vào hoạt động với giá là 2.159 Baht/kilowatt-giờ (1 Baht=0.0334dollar). Một đường chuyển tải điện dài 200km sẽ chuyển lượng điện đó từ Lào qua vùng Đông Bắc Thái.
Trước đó, vào năm 1995, các quốc gia Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan đã thành lập Uỷ Ban Sông Mekong (MRC) và cùng nhau ký Mekong Agreement quy định rằng các quốc gia này sẽ thông báo, tham khảo, và có sự đồng ý với nhau trong các dự án liên quan đến sông Mekong. Theo thỏa thuận chung đó thì một thủ tục có tên là PNPCA(Procedure for Notification and Prior Consultation and Agreement) được áp dụng nhằm có được sự đồng thuận của cả 4 quốc gia đối với bất kỳ một dự án nào liên quan đến sông Mekong. Ý nghĩa của thủ tục PNPCA là bảo đảm mọi dân cư và quốc gia của vùng hạ lưu sông Mekong đều phải được thông báo, tham khảo đầy đủ về mọi dự án hay công trình đối với dòng chính của con sông. Dự án đập Xayaburi là một trong 12 dự án, trong đó có 10 của Lào và 2 của Cambodia, lần đầu được áp dụng thủ tục PNPCA, và vì vậy mọi kết quả xảy ra sẽ trở thành tiền lệ cho các dự án khác về sau này. Vắn tắt thì việc xây dựng đập Xayaburi, trước mắt, sẽ có những hậu quả sau:
HẬU QUẢ THUỶ SẢN VÀ NGƯ NGHIỆP: Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế thì đập thuỷ điện Xayabouri sẽ gây ra nhiều thay đổi hệ sinh thái trong vùng hạ lưu. Nhiều loại cá và thủy sản, quan trọng đối với đời sống của cư dân trong vùng, sẽ dần dần biến mất do quá trình di chuyển tự nhiên theo mùa của chúng bị Đập chận đứng. Nhiều loại tảo quý, cần thiết cho các thuỷ sinh vật ở vùng hạ lưu của Đập, sẽ dần dần biến mất. Sinh suất của nhiều thuỷ sản khác, do vậy, cũng sẽ giảm đi đáng kể, và điều này sẻ ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân trong toàn khu vực hạ lưu. Theo ước tính của Viện Chính sách An Sinh và Phát triển (Institute for Security and Development Policy) thì thiệt hại do Đập gây ra đối với lãnh vực ngư nghiệp có thể lên đến 476 triệu dollars/năm, và cũng chừng đó đối với nông nghiệp. Cơ quan The Worldwide Fund for Nature đã cảnh cáo rằng việc xây dựng Đập có thể dẩn đến nguy cơ tuyệt giống của 41 loài cá trên sông Mékong. Một chuyên gia Việt Nam , ông Nguyễn Hữu Thiện, cũng dự tính rằng nếu Đập được xây dựng, vùng đồng bằng sông Cữu Long sẽ mất đi từ 250,000 cho đến 450,000 tấn cá nước ngọt hàng năm.
HẬU QỦA ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG: Sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân chúng, không chỉ dân Lào ở chung quanh mà cả ở Cambodia và, nhất là, Việt Nam. Đối với Lào, trước mắt để khởi công xây Đập, sẽ có chừng hơn hai ngàn người phải dời đi nơi khác. Kế đến đời sống của ít nhất 200,000 nông dân và ngư dân quanh vùng sẽ thay đổi hoàn toàn; nhiều nông dân sẽ bị mất bớt đất trồng trọt, số khác sẽ không còn nghề phụ, như nghề đãi vàng, chẳng hạn, và thu nhập bị cắt giảm; nhiều ngư dân sẽ phải đi nơi khác sinh sống vì lượng thủy sản trong vùng bị sụt giảm. Rất đông người dân của Cambodia sống quanh biển hồ Tonle Sap sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp những hậu quả về môi sinh, sinh kế và đời sống gây ra do việc xây Đập.
Chịu hậu quả nặng nề nhất là Việt Nam. Đồng Bằng Sông Cữu Long ở Miền Nam là nơi cư trú của chừng 20 triệu dân, nơi cung cấp đến hơn 40% đất canh tác, và gần 50% sản lượng lúa gạo toàn quốc, chiếm gần 25% GDP của cả quốc gia. Một số chuyên gia cho biết rằng trong những năm gần đây vùng Đồng Bằng song Cửu long đã có triệu chứng sút giảm lượng phù sa do lượng bùn trầm tích ngày càng ít. Điều đó chắc chắn sẽ trực tiếp ảnh hưởng không những đến năng suất lúa mà còn cả đối với thuỷ sản trong Vùng. Hiển nhiên việc xây đập ở thượng nguồn sẽ khiến cho lượng bùn tích tụ giảm đi nhanh hơn. Một số tính toán của Hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Vietnam Union of Scientific and Technological Associations, VUSTA) cho thấy rằng các đập thuỷ điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong đã giữ lại một lượng rất lớn bùn, nay nếu những đập thuỷ điện lại được thiết lập thêm ở đoạn sông trên đất Lào nữa, thì số lượng bùn của phần lưu vực sông Cữu Long ở Nam Việt Nam sẽ giảm một cách nghiêm trọng từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 7 triệu tấn/năm!
Những hậu quả gây ra một khi đập Xayaburi được dựng lên, như vậy, thật khó lường đối với Việt Nam. Thứ Trưởng Bộ Môi Trường và Tài Nguyên, ông Nguyễn Thái Lai đã nói rằng: “Nếu đập Xayaburi của Lào được thực hiện, nó sẽ ảnh hưởng lớn lao đến sản lượng nông nghiệp và hệ sinh thái thuỷ sản của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế và các chuyên gia đều đồng ý rằng việc xây dựng các đập trên dòng chính của sông Cữu Long là điều không nên”. Trong khi đó một viên chức Lào lại cho rằng: “Chúng tôi tin rằng Dự án Thuỷ Điện Xayabouri sẽ không gây ra một ảnh hưởng nào đối với dòng Mekong”.[1] Rõ ràng đã có những quan điểm khác nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch, trong lập trường của hai bên Lào và Việt nam liên quan đến vấn đề.
KHÍA CẠNH BANG GIAO QUỐC TẾ
Những khác biệt quan điểm giữa hai chính phủ Việt Nam và Lào trong vấn đề đập thuỷ điện Xayaburi có những nguyên nhân sâu xa nằm trong mối bang giao giữa các quốc gia trong vùng. Trước đây quan hệ Việt-Lào là một quan hệ rất gắn bó, nhiều nhà bình luận quốc tế đã không ngớt thừa nhận ảnh hưởng rất mạnh của Việt Nam CS đối với Cộng Hoà Dân Chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước Hòa bình và Hợp tác Hữu nghị ký năm 1977 đã đẩy quan hệ hai nước lên một mức quan hệ đặc biệt. Việt Nam đã giúp Lào, một nước nằm sâu trong nội điạ, có lối thông ra biển qua Đường số 9 và qua ngã sông Hồng. Việt Nam đã có những đầu tư lớn vào Lào cũng như đã là người tiêu thụ lớn nhất cho nền kinh tế của Lào. Chính phủ CSVN cũng đã giúp trang bị, huấn luyện cho các viên chức chính phủ và cho quân đội của Lào trong suốt nhiều thập niên qua. Hiện nay, VN là một trong những nước tiêu thụ phần rất lớn lượng thuỷ điện của Lào.
Nhưng từ năm 1989 trở đi ảnh hưởng của VN đối với Lào giảm dần, trong lúc đó thì ảnh hưởng của Trung Quốc và Thái Lan đối với Lào ngày càng gia tăng. Lượng đầu tư của Trung Quốc vào Lào gia tăng rất nhanh kể từ sau ngày VNCS rút quân ra khỏi Cambodia. Trong năm năm trở lại đây, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất ở Lào. Lượng đầu tư tập trung vào lãnh vực hầm mỏ và thuỷ điện. Chính do sự kích động của Trung Quốc mà giới truyền thông trong khối ASEAN đã bắt đầu gọi Lào là “ bình điện của Đông Nam Á” (battery of South East Asia). Các chuyên gia Trung Quốc đã gieo vào đầu giới lãnh đạo ở Vientiane niềm hy vọng sẽ sản xuất được chừng 8 Gigawatt-giờ thuỷ điện vào năm 2020. Đó là một triển vọng quá tốt đẹp cho Lào, một quốc gia có dân số chừng 6.3 triệu người với thu nhập bình quân đầu người chỉ chừng 1000 dollars/năm.[2]
Ngoài hầm mỏ và thuỷ điện, TQ cũng đầu tư nhiều vào các lãnh vực khác như cao su thiên nhiên và giao thông vận tải. Hiện TQ đang giúp vốn và kỹ thuật cho Lào để xây dựng tuyến đường sắt xuyên Lào nối từ biên giới Lào-TQ qua đến tận biên giới Lào-Thái Lan. Đó là tuyến đường sẽ mang lại lợi ích cho cả Lào lẫn TQ, giúp TQ vận chuyển hàng hoá qua Thái Lan, một quốc gia quan trọng cuả khối ASEAN. Tất nhiên đó cũng là tuyến đường rất đắc dụng về mặt quân sự khi có chiến tranh xảy ra. Theo Asia Times thì vào năm 2007 tổng trị giá đầu tư của TQ vào Lào lên đến 1.1 tỉ dollars, chiếm đến 40% các công trình đầu tư trong năm đó của cả nước Lào. TQ, thông qua chính quyền của tỉnh Vân Nam, đã giúp phát triển các cơ sở kỷ nghệ cho vùng Bắc Lào với những dự án lớn dự trù hoàn tất vào năm 2020; phần nhiều các dự án này đã được quốc hội Lào chấp thuận hồi năm ngoái, 2010. Ngoài ra TQ cũng đã đầu tư vào các lãnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch và các dịch vụ ăn uống, khách sạn và cả ngành sòng bài. Điểm đáng chú ý nhất là TQ không chỉ đầu tư vốn, mà trong nhiều trường hợp đưa cả nhân viên quản trị và công nhân, từ TQ qua, vào làm trong các công trình đầu tư ở Lào (tương tự như trường hợp khai thác quặng bauxite ở Cao nguyên VN vậy). Nghĩa là TQ dùng việc đầu tư kinh tế để gây ảnh hưởng chính trị và song song theo đó là ngấm ngầm thực hiện một chính sách di dân trá hình vào Lào, và vào vài quốc gia khác trong vùng, để giải toả vấn đề dân số và lương thực hiện đang là mối đe doạ lớn lao cho TQ. Việc thành lập một China town ở ngay thủ đô Vientiane của Lào mới đây là một bằng chứng hiển nhiên cho điều vừa nói.
Một số tác giả đã gán cho chính sách hiện nay của TQ đối với Lào, và các quốc gia trong vùng ĐNA là chính sách bành trướng, có người còn gọi là chính sách Bành trướng Bóc lột (exploitative expansion), và có bằng chứng là TQ đã vận dụng một số phương cách bất minh để hổ trợ cho chính sách bành trướng đó của mình. Chẳng hạn như trường hợp của ông Sompawn Khantisoux, chủ nhân của một cơ sở du lịch sinh thái (ecotourism) khá nổi tiếng ở phía Bắc Lào, năm 2007 đã bị nhân viên an ninh bắt đi biệt tích chỉ vì đã đứng ra hô hào dân Lào ở địa phương chống lại việc tàn phá rừng để lập các đồn điền cao su do TQ đầu tư và làm chủ. TQ cũng còn hợp tác với chính phủ Lào để lập Lao National Internet Center, mà toàn bộ nhân viên được huấn luyện ở TQ, kèm với một toán chuyên trách để đối phó với vấn đề an ninh trên mạng thông tin điện tử, nhằm giám thị và kiểm soát mạng internet trên cả nước Lào, để phát hiện, rồi trấn áp, các quan điểm đối kháng với chính sách của TQ của dân Lào.[3]
Tình hình trên đây cũng đã xảy ra tương tự ở Việt Nam. Trong thời gian gần đây, số lượng các bloggers trong Nước, những người lên án chính sách nhượng bộ của Hà Nội đối với TQ, bị bắt bớ, giam cầm ngày càng nhiều, có phần nhiều hơn cả đối với những nhà đối kháng đòi Dân chủ. Rõ ràng là TQ đang tạo những áp lực rất lớn đối với nhà cầm quyền CSVN hiện nay trên nhiều phương diện để buộc VN phải khuất phục trước chính sách bành trướng nham hiểm của họ, và Hà Nội đã nhượng bộ một cách khá tương xứng. Kể từ ngày chính sách Đổi Mới ra đời, VNCS đã đảo ngược chính sách đưa ra trước đó vào những năm 1977-1978. Những thương gia Hoa Kiều bị trục xuất trong những năm đó, về sau dưới thời của thủ tướng Võ văn Kiệt, có sự cố vấn của Tiến sĩ Nguyễn văn Hảo, đã được chấp thuận cho trở lại VN, ngay cả được hoàn trả tài sản đã bị tịch thu trước kia, và lại còn được khuyến khích phục hồi các hoạt động doanh nghiệp cũ. Theo tác giả Gabriel Kolko thì tính từ năm 1997, Hoa kiều đã kiểm soát đến 60% khu vực tư doanh của VN xã hội chủ nghiã, một bách phân ngang với các nước theo tư bản chủ nghĩa khác ở ĐNA![4] Mặt khác số lượng Hoa kiều cư trú ở VN gia tăng một cách đáng kể trong những năm sau này. Số liệu của năm 2005 cho thấy có đến hơn 1.2 triệu người Hoa ở VN, đông hơn ở Philippines và Miến Điện, gần gấp 3 ở Nhật, gấp 4 lần ở Cambodia, và gấp 7 lần ở Lào.[5]
Trở lại vấn đề dự án Đập Xayaburi. Ngày 19/4 vừa qua phía chính phủ Lào đã chính thức tuyên bố hoãn các quyết định liên quan đến dự án, và chuyển giao vấn đề lên cho cấp bộ trưởng của các quốc gia trong Uỷ Ban sông Mekong để thảo luận tiếp. Giới quan sát xem sự trì hoãn này là kết quả do phản ứng của các tổ chức quốc tế cũng như của các quốc gia trong Uỷ Ban, trong đó cóViệt Nam.
Quyết định trên của Lào tuy tạm thời mang lại một niềm hy vọng nào đó cho Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nảy sinh một nổi ưu tư khác trong vấn đề đối ngoại. Khi khuyến khích Lào xây dựng các đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong, Trung Quốc âm thầm nhắm đến nhiều mục tiêu. Một trong những mục tiêu đó là gây ra sự căng thẳng và rạn nứt trong mối quan hệ Việt-Lào, để từ đó tìm cách lôi cuốn Lào vào quỹ đạo của TQ. Mục tiêu khác là, qua dự án xây Đập, tạo một mối đe doạ mới, lớn lao, đối với VN; một sự đe doạ ở cấp chiến lược, nguy hiểm không kém gì bọn Pol Pot của Khmer Đỏ trước đây trên biên giới Tây Nam. Mặt khác cho dù dự án, do gặp phản ứng và phải đình hoãn, TQ vẫn đạt được ít nhiều trong các mục tiêu vừa nêu. Quan hệ Việt-Lào chắc chắn sẽ không còn như trước; ảnh hưởng của VN tại Lào, sau vụ này, sẽ bị sút giảm trầm trọng, và Lào sẽ ngày càng xa rời VN, trong khi đó sẽ xích lại gần hơn với TQ và Thái Lan. Và việc đình hoãn dự án vẫn không có nghĩa là những nguy cơ cho VN trong vấn đề này đã hết; mối đe doạ vẫn còn đó chưa dứt.
Cũng qua vụ Đập Xayaburi này, người ta nhớ lại các âm mưu trước đây của TQ trong những năm sau 1975 trên bán đảo Đông Dương. Việc TQ tìm cách o bế ông Hoàng Sihanouk, và về sau, bọn Khmer Đỏ, để khoét sâu mối chia rẽ thù hằn giữa VN và Kampuchia, nhằm cô lập và làm suy yếu VN, là một dĩ vãng còn quá mới trong ký ức của những ai quan tâm.
TQ đã có những tính toán chiến lược xa trước hàng chục năm. Ngay khi chiến tranh VN đang còn xảy ra, tuy một mặt vẫn ủng hộ cho Hà Nội, nhưng âm thầm Bắc Kinh đã tìm cách gây dựng ảnh hưởng trong nội bộ đảng CS Kampuchia và tìm cách loại dần ảnh hưởng của CSVN đối với đảng đó. Pol Pot và lũ hung thần Khmer Đỏ, về mặt nào đó, là con đẻ của Bắc Kinh. Ngày nay, TQ khuyến khích Lào xây đập Xayaburi đe doạ sự sống còn của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long ở Miền Nam. Trước đây hơn 36 năm, TQ hậu thuẩn cho Khmer Đỏ là kẻ chủ trương rằng Đồng Bằng Miền Nam VN là lãnh thổ xưa kia của họ và đòi thu hồi. Điểm đáng chú ý ở đây là vìệc dùng Kampuchia để uy hiếp VN của Bắc Kinh vượt qua cả lằn ranh ý thức hệ thông thường, rõ rệt nhất là Bắc Kinh đã cưu mang Sihanouk sau khi ông hoàng này bị Lon Nol lật đổ, và hoà giải để cả Sihanouk và Pol Pot chấp nhận ngồi chung lại với nhau.
TQ cũng vượt lằn ranh ý thức hệ tư bản-cộng sản một lần nữa khi nhận được sự đồng thuận của Mỹ trong việc dùng bọn diệt chủng Pol Pot và Khmer Đỏ để chống VNCS trong suốt những năm 1975-1989. Ngay từ sau 1975, Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger, đã thổ lộ chủ trương khuyến khích cho TQ ủng hộ bọn Khmer Đỏ để ngăn chận ảnh hưởng của VNCS trên bán đảo Đông Dương. Tháng 12/1975, Kissinger đã nói với TT Souharto của Indonesia: “the Chinese want to use Cambodia to balance off Vietnam….We don’t like Cambodia, for the government in many ways is worse than Vietnam, but we would like it to be independent. We don’t discourage Thailand or China from drawing closer to Cambodia.” (Người Tàu muốn dùng Cambodia để cân bằng VN. Chúng tôi không ưa Cambodia (của Khmer Đỏ), vì chính quyền đó tệ hơn VN nhiều, nhưng chúng tôi muốn nó độc lập. Chúng tôi không cản trở Thái Lan và Trung Quốc trong việc xích lại gần với Cambodia (của Khmer Đỏ). Sau khi VNCS tràn qua Kampuchia, chính phủ Mỹ lại càng đồng tình với TQ hơn trong việc ủng hộ Khmer Đỏ của Pol Pot. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Brzezinski đã hồi tưởng rằng: “I encouraged the Chinese to support Pol Pot... Pol Pot was an abomination. We could never support him but China could.” (Tôi khuyến khích người Tàu ủng hộ cho Pol Pot…Pol Pot là kẻ gớm guốc. Chúng tôi không bao giờ có thể ủng hộ anh ta, nhưng TQ có thể). Cả hai chính phủ Mỹ Carter và Reagon đều đi xa hơn trong việc cùng TQ ủng hộ bọn Pol Pot, chẳng hạn đã bỏ phiếu để giữ ghế ở Liên Hiệp Quốc cho chính phủ của Khmer Đỏ, hoặc bí mật, thông qua các tổ chức cứu trợ quốc tế và qua Thái Lan, giúp đỡ lương thực thuốc men cho tàn quân Pol Pot. Ngay đến lúc gần đây Quốc Hội Mỹ vẫn còn cản trở việc đưa bọn tội phạm Khmer Đỏ ra toà án quốc tế.[6]
Tóm lại, vụ đập thuỷ điện Xayaburi, ngoài những hậu quả môi sinh, nông nghiệp,thuỷ sản và đời sống gây ra cho hàng triệu người của các quốc gia Lào, Cambodia, và đặc biệt Việt Nam, còn nảy sinh một mối ưu tư đối ngoại chiến lược cho Việt Nam. Trung Quốc đã biết khai thác quyền lợi vị kỷ của Lào hiện nay, cũng như của Kampuchia trước đây, để phục vụ cho chiến lược trường kỳ cô lập, làm suy yếu, và cuối cùng khuất phục, đưa Việt Nam trở lại vai trò chư hầu của TQ như xưa kia. Bằng vào những nổ lực trước đây thông qua Khmer Đỏ, và sự bành trướng hiện nay trên bình diện kinh tế ở Lào và Cambodia, TQ đã và đang mở gọng kìm thứ hai ở hướng Tây để tấn công Việt Nam một cách lâu dài. Phối hợp với sự lấn hiếp trên mặt biển ở hướng Đông, cũng như trực tiếp gây áp lực kinh tế qua các tỉnh biên giới phía Bắc, Trung Quốc đang kế tục truyền thống xâm lấn ngàn đời của người Hán đối với dân tộc Việt Nam dưới một hình thái tinh vi, đa dạng và hiện đại hơn. Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và trong tương lai sắp đến đang phải đương đầu với một thách thức hoàn toàn mới và lớn lao như chưa bao giờ có trước đây đối với vận mệnh của Tổ Quốc.
Người Việt chúng ta, trong cũng như ngoài Nước, phải làm gì đây trước thách thức lớn lao đó?
Sunnyvale, CA 20/4/2011
TRƯƠNG ĐÌNH TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét