Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Một Chuyến Đi



(thay cho Tiếng Nói Cám Ơn)
* Gửi đến những người anh em tôi đã gặp nơi Dallas & Houston
Lê Như Phò
o 0 o

“Xa mặt cách lòng,” đó là cái lẽ bình thường của con người sống trên cõi Thế này, nhưng cũng có những con người ngoại lệ, đó là những con người xuất thân từ trường ĐH/CTCT/Đà Lạt!

Vợ chồng tôi vừa đặt chân tới chỗ “Baggage Claim” của Phi trường Dallas-Forward (DFW) thì đã thấy hai ông nội Nguyễn Bá Thuận và Phạm Phú Hoan ở đó tự bao giờ. Vừa thấy mặt tôi ông Tề Thiên Đại Thánh quạt ngay, “Sao mày ngu thế, mày không biết hảng máy bay mày đi là hảng mạt rệp sao mà chọn đi, làm hai anh mày mất công chờ đợi (lý do chuyến bay tôi đến trễ 30 phút so với schedule đã ấn định.)

Tôi chưa kịp trả lời trả lỗ thì tên Đinh xen vào, “Ồ mày trách chi cái tên mường máng đó, nó dốt bỏ mẹ!”
“Mày là đầy tớ của tao không quyền xài xể bạn tao như thế. Mày đi phụ giúp nó lấy hành lý đi.”
Hoan cười ra lệnh cho Thuận, rồi chỉ vợ chồng tôi lối đi vào Restroom để rửa mặt và làm vệ sinh cá nhân.

Khi tôi bước ra khỏi phòng vệ sinh thì thấy Thuận và Hoan đã lấy hai cái va ly hành lý của tôi, chúng tôi lần lượt kéo nhau ra xe. Trên đường về nhà, Thuận và Hoan luôn tìm cách cãi nhau, xài xể, hạ uy tín nhau như thể để tranh lá phiếu đồng tình của hai vợ chồng tôi làm vợ tôi nhìn hai đứa nó với đôi mắt ngơ ngác. Tôi đọc được điều đó trong mắt nàng nên mượn câu nói của cố Tổng Thống Thiệu trấn an nàng “Đừng nghe những gì tụi nó nói mà hãy nhìn những gì tụi nó làm!”

“Tại sao vậy? Các anh luôn bảo huynh đệ chi binh, chị ngã em nâng sao cứ cải vả, tìm cách xài xể nhau trên MailGroup. Và thể hiện rõ nhất là cuộc đối thoại giữa anh Thuận và Hoan bây giờ.”
Vợ tôi nói.

“Chúng anh đều tu luyện trên núi, do đó trong cơ thể bọn anh đều có giòng máu của Đào Cốc Lục Tiên, nên coi vậy chứ không sao đâu em à!” Tôi nhìn nàng mỉm cười trấn an.

Về đến nhà, Thuận phụ giúp vợ chồng tôi bưng hành lý vào nhà còn Hoan lu bu vào bếp hâm lại nồi xúp để làm phở cho vợ chồng tôi ăn tối. Thuận thấy vậy lặng lẽ ra về thì Hoan gọi “giựt” lại.
“Ê thằng kia, mày tính đi đâu đó? Ở lại ăn phở với vợ chồng thằng Phò, tao trả công cho mày đó, đừng hòng tao trả thêm cắc bạc nào! Có chịu nhận không thì nói?”

Tự dưng tôi cảm thấy thương Thuận nhiều nên nài nỉ Thuận ở lại, vợ tôi cũng xen vào yêu cầu Thuận ở lại, vợ tôi nói, “Anh Thuận ở lại ăn phở, nói chuyện cho vui rồi về. Anh về giờ này cũng chỉ nằm queo một mình buồn lắm!”
“Ăn của thằng đó một bữa, nó sẽ nói ăn của nó mười bữa, tôi ngại lắm chị.”
Thuận miệng nói như thế nhưng kéo ghế ngồi xuống rồi lấy muỗng đũa cầm lên sẵn sàng trong tư thế “xực!”

“Chị thấy lời nói và việc làm của nó chưa?”
Hoan cười khoái trá nói với vợ tôi. Và quay qua Thuận, chu mỏ nói tiếp, “nhiều chuyện, nhiều chuyện, nhiều chuyện…”
Thuận cười bảo, “À, tôi nhiều chuyện thế đó!”

Thế là tất cả chúng tôi đều cười, cùng ăn phở. Tô phở đêm hôm đó tôi cảm thấy thật ngon miệng, không biết vì bao tử tôi đang trống rỗng thức ăn hay tâm hồn tôi đã từ lâu thiếu vắng tình bạn? Có lẽ cả hai thì phải!

Trong lúc đang ăn, Lưu Hồng Phúc, người tình không chân dung của Bá Thuận, gọi hỏi vợ tôi đã tới nhà Hoan chưa? Vợ tôi trả lời đã tới và đang ăn tối và đồng thời cất tiếng mời, nếu nàng không ngại gì thì đến cùng chung vui, và cho biết có sự hiện diện của Thuận.

Hồng Phúc nói, “Tôi sẽ đến vì tôi đến để thăm anh chị và tặng anh chị cùng anh chị Hoan ít bánh Trung Thu ăn chơi trong lúc nói chuyện, chứ đâu phải vì ông Thuận. Ông Thuận đã chết trong tôi từ lâu!”

Cười lên đi em ơi,
dù nước mắt rớt trên vành môi.
Hãy ngước mắt nhìn đời
Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười
Ta không cần cuộc đời….

Thuận tự dưng cất tiếng hát, nhưng mới hát tới đây thì bị vợ tôi cắt ngang nói, “Anh Thuận không nên đùa giỡn trên sự đau khổ của người khác đó nhé.”
“Yes, Ma’am.”
Thuận chấp nhận và nói.
Hồng-Phúc đến như lời đã hứa, nàng mang đến cho chúng tôi một họp bánh Trung Thu cùng vài thứ trái cây. Tôi khen Thuận lẫn Hồng-Phúc, dù hai người đã có một thời gắn bó với nhau và nay đã thật sự xa nhau thế nhưng họ vẫn đối xử tử tế với nhau. Thuận không ngại ngần gì, khi mãn bữa ăn, Thuận đã xin Hồng-Phúc cho Thuận quá giang về nhà, nhưng Hồng-Phúc từ chối. Nàng giải thích không vì ghét Thuận mà muốn giữ hạnh phúc cho Thuận. Tôi cảm kích cả hai người.

12 giờ đêm hôm ấy Hoan đưa Thuận về nhà. Trước khi ra đi Thuận mời hai vợ chồng tôi sáng ngày hôm sau đến nhà Thuận thăm chơi cho biết, đồng thời ăn một bữa cơm đặc biệt vì thợ nấu là Thuận. Vợ chồng tôi đồng ý và sáng ngày hôm sau đó ba chúng tôi (Hoan, vợ tôi, và tôi) kéo đến nhà Thuận.
(Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp, nhìn đồ đạt trong nhà không mấy ngăn nắp, tôi cảm thấy thương Thuận thật nhiều và cất tiếng cầu xin Chúa giúp cho tiến trình bảo lãnh Bích-Hiệp mau chóng để Thuận không còn mang kiếp sống cô đơn.)

Thuận mời chúng tôi ngồi uống nước, ăn bánh, nói chuyện để Thuận bắt tay vào việc bếp núc. Vợ tôi không đồng ý để cho Thuận phục vụ chúng tôi nên nàng giành công việc bếp núc từ tay Thuận.
Nàng bảo Thuận, “Anh lại ngồi nói chuyện với anh Hoan và anh Phò đi. Để công việc nấu nướng cho tôi vì anh Phò kén ăn lắm, anh nấu ảnh không ăn đâu!”
Thuận nói, “Nó thấy chị cưng nó nên nó làm vậy, chứ tôi biết rõ cái tính nó, cái gì nó không chấm mút được…! Thôi thì, nếu chị cảm thấy lao động là vinh quang thì cứ làm, tôi không cản.”

Ngày hôm đó, ba chúng tôi ăn uống nói dóc suốt ngày cho đến chiều tối mới ra về. Hoan “drop” vợ tôi nơi nhà nó, rồi tiếp tục đưa tôi đến thăm vợ chồng Lê Ngọc Khanh luôn tiện lấy “band-roll” “logo” cùng các vật dụng khác để chuẩn bị trang trí hội trường Đại Hội ngày kế đó.

Sáng thứ bảy (Sep 03, 2011) Hoan thức dậy sớm pha café cho tôi và Hoan uống rồi kéo nhau đến hội trường, cùng đi với chúng tôi có cháu Huy, con trai út của Hoan, cùng đến phụ giúp. Trong bản tin của Thuận có nói tôi phụ trách trang trí, nhưng thật sự tôi chẳng làm chi, ngoài việc đề nghị những vị trí cho cờ xí, khẩu hiệu, band-roll, logo, ect… cho nó hài hoà đẹp mắt thế thôi, mọi việc đều do cháu Huy làm cả.

Khoảng xế trưa Nguyễn Bá Thuận đến phụ quét dọn sàn nhà Đại hội, rồi Phan Sĩ Trung cùng hai bạn Trần Công Văn và Trần Đức Đông ở Oklahoma đến phụ việc sắp bàn ghế. Công việc hoàn tất lúc 5:00 pm, các cựu Sinh viên đến.

Huỳnh Văn Thạnh (NT3) ôm chầm lấy tôi như thể vừa gặp được người anh ruột thịt từ xa mới về. Và hôm đó, lần đầu tiên trong đời của Thạnh (lời tự thú của Thạnh) lên sân khấu đọc bài thơ “Chuyện Chúng Mình” nhắc nhớ những ngày đầu nơi trường mẹ (những ngày huấn nhục,) để riêng tặng tôi.

Kể tiếp nhau nghe chuyện chúng mình
Trên đồi sương mỏng nắng lung linh
Anh phong cách đẹp trai hùng tráng
Giữa phố muôn hoa lắm kẻ nhìn
Em đến quen anh chiều chớm đông
Đón em anh toả ngát hương nồng
Bỗng dưng anh bảo: “mau mau cởi”
Ngơ ngác nhìn nhau… Lệnh phải tòng
Đêm đó dưới trời sao lưa thưa
Ngã nghiêng, sấp ngửa, mấy cho vừa
Anh quầng một trận cho gần sáng
Ê ẩm mình em, anh biết chưa?
Đêm mai, đêm mốt, tiếp đêm sau
Sung sướng chi đâu lệ muốn trào
Lúc giận, lúc buồn nhưng vẫn mến
Thật lòng anh có ghét em đâu
Đêm dài nhẫn nhục cũng trôi qua
Ngước mắt nhìn anh thật đậm đà
Vũ trường đêm tối em quỳ xuống
Nhận lãnh từ anh chiếc Alpha
Sáng nay dạo phố lần đầu tiên
Đi bên Niên trưởng rất oai hiền
Mấy cô Đà Lạt cười hi hí…
“Lại một bầy trai lạc cảnh tiên”
Anh em kể lể chuyện huyên thuyên
Tâm đắc cùng nhau dạ phỉ nguyền
Mai mốt yên lòng anh xuống núi
Niên trưởng bàn giao “đào cổ truyền”
Niên trưởng đi rồi lên chức anh
Lối xưa đường cũ rành quá rành
Nửa đêm nhớ em, anh chuồn phố
Vượt lối mòn quen, bỏ điếm canh
Chuyện cũ qua rồi nghĩ cũng vui
Gặp nhau hể hả kể nhau cười
Khi xưa mình chỉ chừng mươi tám
Giờ đã ông già tuổi mấy mươi
Lũ trẻ vây quanh nghe chuyện kể
Lòng thầm khao khát bước cha ông
Nếu mai khôn lớn vào trận thế
Giữ mãi non sông một tấm lòng

(Yên Đông)

Việc Huỳnh Văn Thạnh đọc một bài thơ do chính Thạnh sáng tác, làm máu nghệ sĩ của nữ sĩ Lưu Hồng-Phúc cũng trào dâng nên đã xung phong lên ngâm hai bài thơ, mà một trong hai bài đó là bài “Khi Ta Nhớ Những Cỏ Hoa Đà Lạt” của bạn Nguyễn Văn Chúc, làm tôi rất xúc động, và tâm hồn tôi dâng lên tột đỉnh của sự xúc động là khi nàng hỏi chúng tôi: Các anh có nhớ Đà Lạt lắm không?

Đêm đại hội thành công, theo tôi nghĩ, là do anh hội trưởng Phạm Phú Hoan, khéo thu phục nhân tâm, mọi người đến giúp anh một cách nhiệt tình, nhất là sự đóng góp của ban nhạc Oklahoma, do hai anh Tiến (NT3) và Chí (NT4) điều khiển, khiến những giọng ca chất đầy thời gian như Trần Đức Đông, Văn Đức Tường, Lê Ngọc Khanh, Lý Phước Hồng, Đặng Hiếu Sinh… cũng dễ đi vào lòng người. Phần trình diễn của chị Thu Hà, Tiểu đoàn 30 CTCT thì không phải nói, ngoài những tình cảm chiến hữu khi xưa chúng tôi dành cho chị, còn có sự tri ân “còn nhớ đến tham dự” làm tâm hồn chúng tôi đón nhận những lời ca của chị bằng sự rung cảm của con tim. Những bài hợp ca của an hem Oklahoma “Mẹ Trong Lòng Người Đi”“Dậy Mà Đi” đã nhắc nhớ chúng tôi những điều trăn trở của bạn Nguyễn Văn Chúc qua hai câu kết của bài thơ “Chiêu Niệm Tháng Tư” của anh.

“Kinh Kha sao chẳng qua sông Dịch,
Sao cứ đứng ngồi nhớ cố hương?!!!”


Cái không khí đêm đó, đêm mà hai vợ chồng tôi được tiếp đón nồng hậu thật là khó quên. Vợ tôi, lần đầu tiên tham dự, lần đầu tiên được biết các chị như chị: Phạm Phú Hoan, Lê Ngọc Khanh, Văn Đức Tường, Huỳnh Văn Hiếu, Trần Đại Hữu… thế nhưng tất cả đều cho vợ tôi một sự thương mến thật sự, thể hiện qua việc chuyện trò trao đổi tâm tình, hướng dẫn đi tham quan những cơ sở kinh doanh ở Dallas và Houston, và mua tặng vợ tôi vài món quà đem về làm kỷ niệm. Điều đáng nói hơn, anh chị Hữu đã mời vợ tôi về nhà anh chị nghỉ qua đêm, sau bữa tiệc anh em Houston đãi vợ chồng tôi tại nhà hàng Thanh Đa, để rồi đêm đó chị Hữu cùng vợ tôi luân phiên ca những bài hát “Karaoke” cho tới 2:00 sáng, đưa vợ tôi về với thời tuổi trẻ đầy ắp kỷ niệm tươi vui.

Còn đối với tôi, cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, vì nhờ Đại hội này, tôi giải toả được sự ghét/thương trong tôi (Niên trưởng Thiệu có lần chê Văn Thơ tôi, nên tôi ghét; còn vợ chồng chú ba Ngãi khen nên tôi ưa,) giúp tôi hiểu: con người chỉ cảm nhận được hạnh phúc là khi tâm hồn họ tràn đầy sự yêu thương.

Trong thời gian 10 ngày vợ chồng tôi ở nhà Hoan, Thuận mãi chạy tới chạy lui thăm viếng, còn Hoan không chỉ lo cho vật chất mà còn lo cho tinh thần chúng tôi nữa. Hoan đưa vợ chồng tôi đến thăm cơ sở NASA, Trung tâm giải trí KEMAH, và bãi biển GALVESTON…

Một ngày rưỡi ở Galveston, hai chúng tôi có dịp ôn lại thời gian mới ra trường. Hồi đó, hai đứa cùng về Nha Trang, sáng chiều cùng rong chơi nơi Đại lộ Duy Tân, ngắm ráng bình minh hay hoàng hôn trên nền trời thẳm, trầm mình trong nước biển, đùa giỡn với những với cơn sóng xô dập vào bờ, với những con giã tràng chạy loanh quanh trên cát….Galveston cũng có Seawall Blvd chạy dọc theo bãi biển, người xe qua lại tấp nập… Nói chung, Galveston và Nha Trang chẳng khác về những sinh hoạt của thành phố

biển…, duy chỉ có điều khác là con người. Con người ở Galveston không là da vàng mũi tẹt như tôi, ngôn ngữ xử dụng không là tiếng nói Việt nam, nhưng dù có sự khác biết đó họ cũng có cái chung với tôi là thích thả hồn theo mây nước để hoà mình vào với thiên nhiên!

Hôm nay tôi đã trở về Fort Collins, thành phố tôi đang ở, không khí không còn nóng bức như Dallas, đáng lý tôi thở phào nhẹ nhõm, nhắm mắt nằm yên tịnh dưỡng để lấy lại những đêm thức trắng, hoặc vì thời tiết nóng bức, hoặc vì quá chén vui say nhưng không biết tại sao tôi không nằm được, dường như HƯƠNG NẮNG Houston, Dallas vẫn còn nung nấu trong tôi. Và tôi đã tự hỏi:

Nào có gì đâu mãi vấn vương
Chẳng qua một thủa bước chung đường
Gió mưa phủ xuống đời trai tráng
Lửa đạn đan cài đất quê hương.

NT2 Lê Như Phò

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét