Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

HẢNG AP TIẾT LỘ MỸ BÍ MẬT DÙNG TWITTER ĐỂ GÂY BẤT ỔN Ở CUBA.

4 hr Cách đây vài ngày, hảng thông tấn AP đã tiết lộ rằng cơ quan USAID ( US Agency for International Development), một cơ quan của chính phủ Mỹ, với danh nghĩa chính thức là cơ quan giúp đỡ cho sự phát triển quốc tế, đã bí mật thiết lập một mạng Twitter dùng riêng cho Cuba nhằm gây dựng mầm móng cho sự bất ổn của quốc gia này.

Theo AP thì cơ quan USAID đã xữ dụng một ngân quỹ, của chính phủ Mỹ, chừng 1.6 tỉ dollars, núp sau một số công ty tư nhân ngọai quốc hoạt động ở Tây Ban Nha và trên quần đảo Clayman thuộc vùng biển Caribean, thực hiện dự án tạo ra mạng sử dụng Twitter nhằm vào giới trẻ ở Cuba. Dự án được khởi sự từ năm 2009 và giữ tuyệt đối kín để người Cuban dùng mạng Twitter sẽ không hề biết rằng chính phủ Mỹ là người đứng đằng sau mạng. Nghĩa là trái với chức trách chính thức, cơ quan USAID lần này trong dự án Cuban Twitter, đang thực hiện một hoạt động bí mật (cover activity), không nhằm giúp đỡ phát triển, mà là nhắm tạo ra sự xáo động dư luận trong quần chúng của một quốc gia có chủ quyền khác.
Như đã biết, Twitter là mạng truyền thông xã hội (social media). Tương tự như Facebook, nhưng được giới trẻ chuộng hơn, Twitter giúp một người, khi cần thông tin với nhiều người khác, không cần phải gởi đi nhiều e-mail, mà chỉ cần đăng tải thông tin đó vào trương mục Twitter của mình, lập tức tin đó sẽ được phát tán đến mọi người quen của người chủ trương mục qua dịch vụ của mạng. Rõ ràng Twitter là mạng truyền thông xã hội tân kỳ, nhanh chóng nhất, và hữu hiệu nhất trong việc tập hợp đám đông, giúp mọi người vượt qua được mọi trở ngại về không gian, để thông tin với nhau gần như tức thời, bằng thiết bị đơn giản là cell phones.
Twitter, và Interet, cùng với cell phones, đã đóng vai trò phương tiện thông tin quan trọng, nếu không muốn nói là chính yếu trong các cuộc xáo trộn ở Iran, những biến động của Arab Spring ở Libya, Syria, Ai Cập hồi năm 2011, và ở Ukraine trong những ngày gần đây. Đã có nhiều bằng chứng là một số tổ chức phi chính phủ (NGOs), như National Endowment for Democracy (NED) chẳng hạn, một tổ chức đã tài trợ cho nhiều hoạt động của người Việt, đã xử dụng Twitter, phối hợp với các mạng truyền hình-truyền thanh khác, trong nỗ lực dấy lên sự bất mãn của quần chúng ở các nơi đó.
Đến lúc này dư luận quốc tế đã đủ thời gian để hiểu rõ hơn kết quả của những can thiệp của Mỹ vào Trung Đông kể từ chiến tranh Iraq năm 2003 đến nay. Trước hết là Iraq với nỗ lực " Liberation" và "Democracy March" của TT Bush. Từ một đất nước thống nhất, tuy là dưới bàn tay sắt của nhà độc tài, Iraq nay trên thực tế đang bị chia ba: Vùng của hệ phái Sunni, vùng của hệ phái Shiite, và vùng của người Kurds. Quân Mỹ đến, không chỉ giải giới toàn bộ quân đội Iraq của Saddam Hussein, nhưng còn huỷ diệt luôn toàn bộ cơ cấu công quyền, giải tán hệ thống công chức (bureaucratic system) lâu đời của người Iraqi, đưa Iraq trở về tình trạng của một đất nước bán khai không có hệ thống hành chánh có hiệu năng để tự cai trị, trong nhiều năm gần như rơi vào tình trạng vô chính phủ. ( Về mặt này thì Iraq, dưới sự chiếm đóng của Mỹ, cũng gần tương tự như Miền Nam VN sau 1975 vậy; mấy ông CSVN cũng đã phá huỷ toàn bộ hệ thống hành chánh của Miền Nam và kết quả ra sao thì đã rõ). Tình trạng của Iraq sau 2003 không khỏi khiến những người quan sát tỉnh táo nhớ đến câu " Chia để Trị".Và mải cho đến nay trật tự vẫn chưa hoàn toàn được vãn hồi trên toàn lãnh thổ Iraq. Mức sống về mọi mặt chưa đạt trở lại được mức trước chiến tranh.Từ ngày kết thúc cuộc chiến Iraq đến nay, chính phủ Mỹ và Liên Hiệp Quốc, vì một lý do nào đó, chưa hề công bố số liệu thường dân Iraq đã chết trong cuộc chiến. Nhưng theo một số nghiên cứu của chính người Iraq mới thực hiện gần đây thì số dân thường tử vong chắc chắn vượt quá con số 100,000 người! Đổi lấy tất cả những thứ đó, người Iraqi được nhìn thấy một thứ tự do mà trước kia họ không thấy; đó là dầu hoả của họ được tự do khai thác và bán cho các công ty dầu hoả Anh-Mỹ!
Kế đến là Lybia. Một thời truyền thông Âu-Mỹ không ngớt công kích, lên án Gaddhafi, cố tình không nói đến những thành tựu về giáo dục, văn hoá, y tế và kinh tế của Lybia dưới sự cai trị của ông ta. Vậy rồi Âu-Mỹ can thiệp, giết Gaddhafi, giải tán chế độ, tất nhiên là dưới những chiêu bài đẹp đẽ. Nhưng thực trạng Lybia bây giờ ra sao, ai cũng thấy; đó là một Lybia chia năm xẻ bảy, bất ổn chính trị và bất an cho người dân, còn nguồn dầu hoả thì lọt vào bàn tay thao túng của Tây Phương!
Kế đến là Ai Cập. Ở đây, cộng với mạng lưới TV-Radio rộng lớn là hệ thống internet và nhất là Twitter, cùng sự hoạt động tích cực của nhiều cơ quan NGOs, đã huy động để đưa người dân thường Ai Cập, nhất là giới trẻ, xuống đường, chống lại chế độ độc tài thối nát Mubarak, tất nhiên cũng với những chiêu bài lý tưởng cao đẹp: nhân quyền, dân quyền, dân chủ, v.v...Nhưng kết quả cho đến nay, nhân dân Ai Cập được những gì sau khi đã đổ máu cho những chiêu bài đẹp đẽ đó ngoài một đất nước bất ổn và một nền kinh tế còn lụn bại hơn ?
Những gì đang diễn ra ở Ukraine hiện nay cũng gợi lên nhiều nét tương tự. Đó là sự hoạt động tích cực của các NGOs của Âu-Mỹ, cùng việc huy động ở quy mô lớn nhất các phương tiện truyền thông xã hội tối tân, nhằm vào việc khơi dậy, duy trì và gia tăng dư luận bất mãn trong quần chúng, đặc biệt là giới trẻ, đối với trật tự hiện có, từ đó dẫn đến việc lật đổ một cách ngoạn mục chính quyền hiện hữu. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng và sinh mạng chính trị của quốc gia Ukraine lại không do đám quần chúng " cách mạng" đó quyết định, mà nằm trong tay của các siêu cường ở ngoài: Mỹ-Nga-Âu Châu. Nói cách khác, nhiệt tình và lý tưởng của quần chúng Ukrainian đã được khơi dậy và bị lợi dụng như một thứ phương tiện bởi các thế lực đối nghịch ngoại lai. Liệu là quần chúng Ukrainian vừa rồi sẽ hài lòng nếu mai đây Ukraine sẽ bị chia hai?
Một trong những bài học rút ra từ những sự kiện trên là sự can thiệp từ bên ngoài, dù là từ một siêu cường như Mỹ với những khẩu hiệu rất cao cả, được chuyên chở bằng những mạng truyền thông tối tân nhất hiện nay: Internet, Facebook, Twitter, đã không luôn luôn mang lại những gì người dân của các quốc gia liên quan mong đợi, nguyện vọng thiết thân của họ , trong đa số trường hợp, đã không hề được thoả mãn một cách căn bản; trái lại nhiệt tình và niềm tin của họ vào những giá trị lý tưởng đẹp đẽ, ngay cả máu của họ, đã chỉ bị lợi dụng một cách trắng trợn. Kết quả cuối cùng rõ rệt nhất của các sự can thiệp của Mỹ vào các quốc gia nêu trên là SỰ BẤT ỔN (unstability). Tại sao vậy? Căn nguyên thâm sâu nhất của bài học đó là sự không tương ứng về quyền lợi (interests) giữa một bên là các siêu cường và bên kia là nhân dân của các nước liên quan. Các giá trị lý tưởng: bình đẳng, tự do, dân chủ, nhân quyền có thể mang tính phổ quát, được mọi người trên thế giới cùng hâm mộ, nhưng quyền lợi , và cùng với nó là quyền lực chính trị, thì luôn riêng biệt và vị kỷ; sự trùng hợp về quyền lợi giữa hai quốc gia, hay hai dân tộc, đôi khi cũng có, và đó là cơ sở của các sự liên minh hay đồng minh. Nhưng đó là những trường hợp hi hữu và nhất thời, chứ không phổ biến và dài lâu, như những kẻ cuồng tín ý thức hệ thường giả định.
Bài học trên đây tuy đơn sơ, nhưng nhiều người vẫn không mấy chú ý đến. Bằng cớ là trong suốt thời gian của các cuộc Color Revolutions, Arab Spring, và biến động ở Ukraine mới đây, phần đông giới bình luận người Việt, cả trong lẫn ngoài nước, đã không ngớt " hồ hởi", hưởng ứng nồng nhiệt theo những hô hào của truyền thông Âu-Mỹ, đôi khi ngay cả công khai tự nguyện trở nên cánh tay nối dài cho những hô hào đó nữa, quên đi vai trò quan trọng của người bình luận trong việc hướng dẫn dư luận, giúp đồng bào của mình biết đứng trên lập trường quốc gia-dân tộc thật sự để nhận định các biến cố một cách khách quan hầu rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho riêng quê hương mình.
Trở lại sự tiết lộ của AP thì điểm đáng chú ý là sự dính líu của USAID, một cơ quan vốn mang danh nghĩa chính thức là trợ giúp sự phát triển cho các quốc gia kém mở mang. Khác với CIA là cơ quan tình báo với mục đích thu thập tình báo, và xa hơn nữa là bí mật can thiệp vào, hay ngay cả lật đổ, chính quyền của quốc gia khác, USAID là cơ quan, do danh nghĩa của nó, hoạt động công khai với ngân sách do Quốc Hội Mỹ cấp và giám sát. Nhưng với dự án Cuban Twitter, rõ ràng USAID đã vượt ra ngoài giới hạn của những hoạt động công khai, dính líu vào một hoạt động bí mật, với mục đích hoàn toàn trái ngược với mục đích đã được chính thức quy định. Nói cách khác, USAID với hoạt động này, đã xoá đi lằn ranh giữa hoạt động công khai (formal functions) và bí mật (covert activities), giữa hợp pháp và bất hợp pháp. Tiết lộ của AP, như vậy, đang gây một tiếng vang xấu cho USAID nói riêng, và cho chính phủ Mỹ nói chung. Bởi dư luận quốc tế chắc chắn sẽ thắc mắc tại sao USAID, và chính phủ Mỹ, nếu do thiện chí giúp đỡ phát triển và xây dựng dân chủ, lại phải bí mật che dấu công chúng của nước liên quan về các hoạt động của mình, tại sao USAID lại phải giữ bí mật không cho dân Cuba biết nhiệt tình ủng hộ của cơ quan đối với họ? Những hoài nghi như vậy chắc chắn sẽ ít nhiều xói mòn sự tín nhiệm của dư luận thế giới đối với thiện chí của chính phủ Mỹ dành cho phúc lợi của dân các nước, và cho việc tôn trọng nguyên tắc dân tộc tự quyết của các quốc gia mà Mỹ hằng rêu rao.
Dù vậy, đặc điểm vừa nêu trên lại giúp khẳng định được tính chất Quyền Lực trong bang giao quốc tế; một tính chất mà người viết bài này luôn cổ suý, rằng trong chính trị quốc tế quyền lực là nền tảng, là nơi mà các giá trị pháp lý, đạo đức hay lý tưởng chỉ giữ vai trò thứ yếu, nếu không muốn nói là chẳng mảy may giá trị.
Lịch sử mối quan hệ Mỹ-Cuba từ năm 1959 đến nay là biểu hiện tiêu biểu về mối quan hệt quyền lực ấy. Nó là mối quan hệ giữa một đại cường với một tiểu quốc. Nó cũng là mối quan hệ giữa hai quốc gia có hai hệ thống chính trị khác biệt. Trong suốt nhiều thập niên qua, các chính phủ Mỹ đã tiếp nhau có những chính sách, cả công khai lẫn bí mật, rất khắc nghiệt với Cuba; tất nhiên là dưới nhiều danh nghĩa tốt đẹp. Theo những tiết lộ của giới truyền thông Mỹ thì CIA đã nhiều lần mưu sát Fidel Castro ,nhưng không thành . Chính phủ Mỹ, thời Kennedy , đã công khai cho quân đổ bộ lên Cuba, nhưng thất bại. Cho đến nay Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận Cuba.
Trong khi đó thì, tuy theo chế độ CS, nhưng đời sống người dân Cuba không đến nỗi tệ như nhiều nước CS khác; Cuba là nơi có tỉ lệ bác sĩ-dân khá cao, không thua gì một số nước phát triển Âu Châu. Tuy bị bao vây kinh tế một cách ngặt nghèo, kinh tế của Cuba không tồi tệ như Bắc Hàn, hay như các nước CS Đông Âu khác. Câu hỏi đặt ra là vậy tại sao các chính phủ Mỹ vẫn không để Cuba yên? Tại sao quyền tự quyết của người dân Cuba không được tôn trọng? Có thật sự là chỉ vì các chính phủ Mỹ đã , do các giá trị lý tưởng cao đẹp, thật tâm muốn cưú vớt dân Cuban ra khỏi ách độc tài, hay chỉ do một động cơ vị kỷ nào khác? Câu trả lời có lẽ sẽ rất đơn giản nếu nhìn từ góc độ quyền lực trong chính trị quốc tế, theo đó thì động cơ mọi chính sách của Mỹ đối với Cuba nằm ở trong tham vọng bành trướng vùng ảnh hưởng, và cùng với nó, là quyền lợi quốc gia của Mỹ. Cuba là lân bang nhỏ , là quần đảo quan trọng trong biển Caribean, nằm trên lối ra Đại Tây Dương của Mỹ. Mỹ sẽ chỉ để yên cho Cuba bao lâu nước này, bất kể là theo chế độ chính trị nào, chấp nhận phục tùng Mỹ, đi vào quỹ đạo của Mỹ. Mỹ đã không từng có quan hệ hữu hảo với chế độ độc tài của Cuba trước thời Fidel Castro đó sao?
Về điểm vừa nêu trong quan hệ Mỹ-Cuba, người Việt chúng ta có thể liên tưởng về chính mối quan hệ Việt-Trung Quốc. Việt Nam ta với Biển Đông cũng không khác gì Cuba với biển Cariean vậy, và tham vọng vươn ra Thái Bình Dương của Trung Quốc cũng chẳng khác gì nỗ lực kiểm soát Đại Tây Dương của Mỹ. Đặt ra sự so sánh đó sẽ giúp chúng ta, và hậu duệ, phải luôn tỉnh táo để nhận chân được thực chất của mối quan hệ Việt-Trung nói riêng, và quan hệ quốc tế nói chung, từ đó có những đối sách sáng suốt và thích hợp, nên tránh để các giá trị đạo đức, pháp lý và ý thức hệ cùng lối suy luận cảm tính che mờ, làm cho lầm lạc như các thế hệ trước đây.
Điểm nữa, đáng suy ngẫm từ sự tiết lộ của AP về dự án Cuban Twitter của USAID là đường phân ranh mong manh giữa các nguyện vọng chân chính về Dân Chủ-Nhân Quyền của nhân dân VN và nỗ lực can thiệp bằng quyền lực mềm (soft power) của siêu cường vào sự tự trị và nội trị của quốc gia. Ở đây, những suy luận duy ý chí, hay còn gọi là suy luận thị dục (wishful thinking), hoặc suy luận cảm tính (sentimental thinking), gây ra do các ảo tưởng ý thức hệ, dễ khiến chúng ta trở nên kém sáng suốt để nhận ra lằn ranh tinh tế đó; khiến nhiều người dễ dàng chấp nhận ngay rằng hễ đã là vì Dân Chủ-Nhân Quyền thì tất cả mọi nỗ lực, mọi hoạt động, bất kể do ai chủ xướng, được tài trợ bởi bất kỳ nguồn nào, đều tốt cho đất nước mình. Vì chấp nhận như vậy nên đang diễn ra tình trạng là cả giới cầm quyền, lẫn các nhà bất đồng chính kiến Việt, đều cùng nhau dốc sức đem tình hình nhân quyền tồi tệ của mình ra cầu viện sự phân xử hay thẩm định, và ngay cả mong đợi sự giúp đỡ, từ các diễn đàn quốc tế hoặc từ quốc hội của siêu cường , quên rằng Nhân Quyền hay Dân Chủ, trước hết và trên hết là nỗ lực nội tại của mỗi dân tộc, của từng quốc gia. Ngoại bang, dù là siêu cường, sẽ không giúp được người Việt ngồi lại với nhau, bao lâu tự bản thân người Việt không cùng nhau đạt được đồng thuận nội bộ.
Lịch sử VN từ những năm đầu thế kỷ 20 cho chúng ta nhiều bài học về điểm vừa nêu. Các bậc tiền bối đã từng đồng nhất nguyện vọng độc lập dân tộc-bình đẳng xã hội của nhân dân với những khẩu hiệu dân tộc tự quyết và chủ nghĩa xã hội do các cường quốc đưa ra. Các vị, ở một phía, đã tin như một tín điều rằng việc xây dựng XHCN cho Việt Nam gắn liền với sự thành công của cách mạng Trung-Xô, rằng sẽ có cái gọi là " Tinh thần Quốc tế Vô sản" vượt khỏi biên giới quốc gia; ở phía khác thì lại cho rằng Mỹ là lãnh tụ của Thế Giới Tự Do, là người hùng bảo vệ Tự Do-Dân Chủ và sẳn sàng đổ máu mình để giúp nhân dân VN hưởng nền dân chủ đó! Rõ ràng đó là những ảo tưởng gây ra do sự mơ hồ về đường ranh mong manh giữa lý tưởng và thực tế của chính trị quyền lực.
Điều đáng quan tâm là những ảo tưởng như vậy chưa hẳn đã hoàn toàn bị xoá bỏ trong tâm tưởng của người Việt chúng ta ngày nay. Có vẻ như vẫn còn nhiều người, tuy động cơ thì trong sáng và lành mạnh, nhưng vẫn còn chưa chịu chiêm nghiệm kỷ những bài học lịch sử đã rành rành ra đó, chưa chịu xác định cho mình một thế giới quan chính trị đúng đắn, thực tiễn, mà trái lại đang tỏ ra có nguy cơ cao dẫm lại vết xe đổ đã qua của tiền nhân dưới một dạng thức mới.
Tắt lại , sự tiết lộ của AP về dự án Cuba Twitter của USAID là một sự kiện thời sự đáng cho chúng ta quan tâm, suy ngẫm, và giúp soi rọi nhiều biến cố thời sự quốc tế trong những năm qua.
TRƯƠNG Đ. TRUNG4/4/2014

http://www.nbcnews.com/tech/social-media/u-s-secretly-built-cuban-twitter-stir-unrest-ap-reports-n70531
http://www.scribd.com/doc/129921502/Mortality-after-the-2003-invasion-of-Iraq-a-cross-sectional-cluster-sample-survey
http://edition.cnn.com/2008/WORLD/americas/02/19/castro.top10/


The U.S. government masterminded the creation of a "Cuban Twitter" — a communications network designed to undermine the communist...
NBC News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét