Tôn Thất Thiện
Ông Diệm do chính phủ
Pháp đưa lên cầm quyền và được Pháp ủng hộ ?Thuyết Nhân Vị phủ nhận cá nhân,
cốt lõi của dân chủ ?
Trong những năm gần
đây vấn đề xét lại lịch sử Việt Nam được đặt ra và càng ngày càng được hưởng ứng.
Trong sự xét lại này, giai đoạn 1954-1963, giai đoạn ông Ngô Đình Diệm cầm
quyền, là một giai đoạn rất sôi động nhưng lại chưa được khảo xét đầy đủ và đứng
đắn, và nay cần được chú ý nhiều hơn. Về điểm này có thể nhắc đến những tác
phẩm :
- Nhớ lại những ngày ở cạnh tổng thống Ngô Đình Diệm của đại tá Nguyễn Hữu
Duệ (1),
- Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt của ông Nguyễn Văn
Minh (2),
- Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam, 1954-1963, Một cuộc cách mạng của tiến sĩ Phạm Văn
Lưu và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn (3).
Những tác phẩm trên đây đáng đánh giá cao vì các tác giả của nó hội đủ những
điều kiện cần thiết về vô tư và chính xác. Những tác phẩm này ra đời đúng
lúc. Nó có tác dụng góp một phần quan trọng vào sự dọi ánh sáng mới vào lịch
sử giai đoạn 1954-1963. Đặc biệt nhất là nó đã nói lên những điều mà, đáng lẽ,
chính anh em họ Ngô phải nói lên trong hơn 50 năm qua để trả lời những công
kích chỉ trích về họ và chế độ Việt Nam Cộng Hòa I. Anh em họ Ngô đã im lặng.
Họ đã im lặng, vì họ đã bị sát hại. Nay mới có người nói thay họ.
Bài này chỉ bàn về tác phẩm của tiến sĩ Phạm Văn Lưu và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn,
vì, khác với các tác phẩm của đại tá Nguyễn Hữu Duệ và của ông Nguyễn Văn
Minh, nó không thuộc về loại hồi ký/hồi ức, mà là một công trình sử học, đúng
nghĩa của nó, nghĩa là thỏa mãn những tiêu chuẩn về khoa học của những trường
đại học lớn của thế giới : khảo sát tường tận, hoàn toàn khách quan, dữ kiện
được cân nhắc kiểm tra kỹ lưỡng, trình bày một cách bình tĩnh, vô tư, ngôn ngữ
đứng đắn. Nó thỏa mãn những điều kiện trên vì nó trích từ những luận án tiến
sĩ của hai tác giả.
Hai tác giả trên đây đã tốt nghiệp từ Đại học Monash University ở Melbourne,
Úc, và đã từng là giáo sư của các đại học đó. Họ đã chọn Việt Nam và giai đoạn
Ngô Đình Diệm làm đề tài luận án tiến sĩ, và những bài họ viết được trích từ
các luận án của họ. Năm nay họ đều 62 tuổi, nghĩa là trong thời gian
1954-1963 họ còn là học sinh nên không có liên hệ gì với chế độ Cộng Hòa I. Họ
cũng không có quan hệ gia đình gì với họ Ngô. Sau khi đến Úc, họ theo học các
đại học nói trên, và họ đã bỏ rất nhiều công đi sưu khảo tại rất nhiều nơi có
chứa tài liệu dồi dào liên quan đến Việt Nam : Bảo tàng viện chiến tranh Úc ;
East-West Center, Đại học Hawaii ; Archives of Indochina, Đại học Berkeley,
C.A. ; Thư viện của Austin University, Texas ; Đại học Harvard ; Đại học
Cornell, Ithaca, N.Y. ; Thư viện Eisenhower, Thư viện Kennedy, Thư viện
Johnson ; và Library of Congress, Washington D.C. Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp,
họ đã giảng dạy ở những đại học Úc, và vị thế này bắt buộc họ phải vô tư để
giữ uy tín đứng đắn của mình và... khỏi mất việc. Như thế ta có thể chắc về
tính chất khả tín của những gì họ viết : chính xác, vô tư, và đứng đắn.
Quyển Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam 1954-1963 (ĐNCHVN I), 229
trang, có 5 chương. Hai chương 4 và 5 không quan hệ lắm vì nó chỉ chứa một số
hình ảnh về các cuộc viếng thăm các quốc gia bạn, hay đăng lại một số diễn
văn của Tổng thống Diệm. Ba chương còn lại là những chương đáng chú ý. Chương
1, "Những thách thức nghiệt ngã khi về chấp chánh" của P. V. Lưu,
nói về những thách thức mà ông Diệm gặp phải trong hai năm 1954-1955 sẽ được
bàn đến một cách khá chi tiết, vì nó chứa đựng nhiều điều mới mà người Việt
Nam cần biết. Chương 2, "Chủ nghĩa Nhân Vị, con đường mới, con đường tiến
bộ", của N. N. Tấn, nói về thuyết Nhân Vị cũng vậy vì đây là lần đầu mà
thuyết này được trình bày một cách tường tận, đầy đủ, và nhất là trung thực
khách quan. Chương 3, "Thành quả 9 năm cầm quyền" của tiến sĩ Lưu,
nói về thành tích 9 năm cai trị của ông Diệm cũng là một cái gì mới. Trong
quá khứ, sách báo nói về ông Diệm và chế độ ông thường chú tâm vào khía cạnh
chính trị, cá nhân và gia đình ông - độc tài, gia đình trị - nhưng không hề đề
cập đến những thành quả lớn mà chính phủ ông đạt được trong 9 năm ông lãnh đạo
: kiện toàn độc lập - lấy lại chủ quyền quốc gia trong tất cả các lãnh vực :
chính trị, ngoại giao lẫn quân sự và kinh tế tài chính - cải thiện đời sống của
dân chúng bằng cách phát triển tất cả các lãnh vực hoạt động - kỹ nghệ, nông
thôn, ngư nghiệp, chuyên chở, giáo dục... Chương này rất phong phú về thống
kê, cho độc giả một ý niệm rõ ràng về những thành tích lớn lao mà Việt Nam đã
đạt được dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa I.
Trong 50 năm qua, sách báo về Việt Nam rất nhiều, nhưng phần lớn trong loại "khảo
cúu" xuất phát từ các giới Tây phuơng, đặc biệt là Hoa Kỳ, thường xuyên
tạc sự thực, bôi xấu Việt Nam, và đặc biệt là ông Diệm. Đó là vì, như David
Horrowitz, lãnh tụ phát động trào phản chiến "sit in" của Đại học
Berkeley, C.A., trong thập niên 1960 thú nhận sau khi đã bỏ và chống lại
phong trào này trong thập niên 1980, những giới đại học và truyền thông Hoa Kỳ
đã bị các tổ chức phản chiến và cộng sản mang danh "cách mạng" xâm
nhập, chi phối và áp đặt quan điểm "politically correct" của họ.
Ông Diệm bị công kích bôi xấu đặc biệt vì ông chống thực dân cả Pháp lẫn Mỹ
đã gắt gao mà chống cộng sản còn gắt gao hơn nữa. Phần khác, trên những kệ
sách của các thư viện vắng bóng những tác phẩm loại "khảo cứu" của
người Việt có đủ tầm thuyết phục, phản bác lại các tác phẩm của những giới phản
chiến và "cách mạng" trên đây. Có nhiều tác giả lại vô tình a dua
người Tây phương lặp lại những luận điệu bôi xấu Việt Nam và lãnh tụ Việt
Nam, nhứt là lãnh tụ chống cộng hữu hiệu như ông Diệm.
Vì lý do trên đây, không ít người Việt phe "quốc gia" thường có mặc
cảm xấu hổ hay nghi hoặc về xứ sở, dân tộc, và các lãnh đạo của Việt Nam khi
nghĩ hay bàn về thời sự. Riêng về ông Ngô Đình Diệm, thì họ lại càng chê bai,
kết tội hơn nữa, và những gì tốt về ông thì không nói đến. Khuyết điểm trên
đây cũng dễ hiểu. Đối với nhiều người Việt, Bụt nhà không thiêng !
Trong chương 1, tiến sĩ Lưu đã dùng những từ ngữ "thách thức" và
"nghiệt ngã" để nói về những trở ngại mà ông Diệm gặp phải khi về
nước chấp chánh và trong hai năm đầu để giữ chính quyền. Hai từ ngữ này rất
đúng. Ông Diệm đã găp vô vàn trở ngại. Nhưng những trở ngại lớn nhất là do
chính phủ Pháp ở Paris hoặc Washington, những viên chức Pháp và những giới
tài phiệt Pháp ở Việt Nam gây ra trong việc tìm cách lật đổ ông, một đằng bằng
cách xúi giục những người Việt chống đối ông dùng đủ mọi cách, kể cả quân sự,
để gây bất ổn, một đằng bằng cách thuyết phục lôi kéo đại diện chính phủ Hoa
Kỳ ở Paris, ở Sài Gòn, và ngay cả ngoại trưởng và tổng thống Hoa Kỳ ở
Washington đừng ủng hộ ông ấy nữa.
Tuyên truyền cộng sản và các giới phản chiến "politically correct"
Tây phương đã không ngớt quả quyết rằng ông Diệm là "người của Mỹ",
được chính phủ Mỹ lựa chọn và đưa lên làm thủ tuớng và yểm trợ hết mình. Phần
khác, gần đây lại có tác giả quả quyết rằng "Ngô Đình Diệm do chính phủ
Pháp đưa lên cầm quyền và được Pháp hỗ trợ" (4). Cả hai luận cứ trên đều
là những quả quyết vu vơ, và đã bị tiến sĩ Phạm Văn Lưu phản bác với những dữ
kiện rất vững chắc không thể phủ nhận được, vì rút ra từ các điện văn mật
trao đổi giữa những toà đại sứ Mỹ ở Paris, Sài Gòn, bộ ngoại giao Mỹ và Tòa Bạch
Ốc, và với chính phủ Pháp. Các điện văn đó được bạch hóa và phổ biến trong những
năm gần đây đã cho ta biết được sự thực đích xác về những gì đã xảy ra ở Việt
Nam trong những năm 1954-1956, thời gian mà ông Diệm chấp chánh và ổn định
tình hình.
Ông Lưu đã cho ta thấy rằng ngay từ ngày được cựu hoàng Bảo Đại bổ nhiệm làm
thủ tướng ngày 16-6-1954, và ngay cả trước đó nữa, cho đến cuối năm 1956 ông
đã bị nhân viên dân sự cũng như quân sự Pháp ở Sài Gòn và chính phủ Pháp, dù
là thiên tả như Mendès-France, hay thiên hữu như Edgar Faure ở Paris, nói xấu
và tìm đủ mọi cách lật đổ. Và trong cố gắng thực hiện ý đồ này, họ đã hết
mình thuyết phục các đại diện Mỹ ở Sài Gòn, Paris, bộ trưởng ngoại giao J.F.
Dulles, và ngay cả tổng thống Eisenhower chấp nhận giải pháp loại bỏ ông Diệm,
và đã suýt thành công trong sự vận động này.
Ngày 13-6-1954, ba ngày trước khi ông Diệm được chính thức bổ nhiệm làm thủ
tướng, ông Dejean, phó cao ủy Pháp ở Sài Gòn, nói với ông McClintock, đại diện
Mỹ tại Sài Gòn, rằng ông Diêm "không có cơ may để lập một chính phủ hữu
hiệu cho Việt Nam". Ngày 15-6-1954, một tuần trước khi ông Diệm bước
chân xuống Sài Gòn và ba tuần trước khi ông Diệm trình diện chính phủ của
ông, tướng Ely, cao ủy Pháp ở Sài Gòn cũng nói với ông McClintock rằng ông Diệm
không đủ khả năng lãnh đạo. Ngày 20-6-1954 tại Paris, ba ngày trước khi ông
Diệm đáp máy bay đi Sài Gòn, hơn hai tuần trước ngày ông Diệm trình diện
chính phủ của ông (7-7-1954), thủ tướng Pháp Mendès-France nói với đại sứ Mỹ
Dillion rằng ông Diệm là một người cuồng tín và nhờ Hoa Kỳ ngăn cản không cho
ông làm hỏng Hội nghị Genève. Ông Mendès-France không đặt vấn đề không cho
ông Diệm làm thủ tướng vì bận tâm của ông ta (Mendès) lúc đó là phải ký cho
đuợc hiệp định nội trong ngày 20-7, nếu không ông ta phải từ chức, vì khi nhận
chức thủ tướng ông đã cam kết với Quốc hội Pháp như vậy ! Trong nhưng cuộc tiếp
xúc khác với đại diện Mỹ, lúc ông Diệm quyết định dùng binh đương đầu với
thách thức quân sự của Bình Xuyên, tướng Ely nói ông Diệm là người "mắc
chứng hoang tưởng tự đại" (mégalomane), hoặc "điên khùng".
Trong cuộc hội nghị với các ngoại trưởng Mỹ, Anh, ở Paris ngày 8-5-1955, thủ
Tướng Pháp E. Faure đã kích ông Diệm nặng nề, gọi ông là "điên
khùng".
Trong những buổi họp với đại diện Hoa Kỳ để bàn về Việt Nam, luận đề được đại
diện Pháp luôn luôn đưa ra là "giải pháp" Ngô Đình Diệm chỉ là một
cuộc thí nghiệm, "thời gian thí nghiệm đã qua", ông Ngô Đình Diệm
đã tỏ ra "không có khả năng tập họp các lực lượng chính trị", không
được quân đội yểm trợ, không ổn định được tình hình, gây hận thù đối với
Pháp, cho nên phải thay thế ông bằng một người, hay nhóm người, có khả năng
hơn. Người, hay nhóm người "có khả năng hơn" này tất nhiên lấy
trong những nhân vật mà Pháp chi phối.
Những đại diện Mỹ ở Sài Gòn - các cố vấn McClintock và Kidder, đại sứ Heath,
đặc sứ Collins - cũng ngã xiêu theo quan chức Pháp, nhất là những quan chức
này có uy tín như phó cao ủy Dejean, và tướng Ely, và nhiều lần đề nghị với
chính phủ Hoa Kỳ nên thay thế ông Diệm. Ngay cả ngoại trưởng Dulles và tổng
thống Eisenhower cũng chấp nhận nguyên tắc này sau khi nghe phúc trình của đặc
sứ Collins về vụ ông Diệm ra lệnh cho quân đội quốc gia dẹp Bình Xuyên, và
ngày 27-4-1955 đã điện cho tòa đại sứ Sài Gòn chỉ thị về quyết định này. Họ bực
bội với ông Diệm vì ông từ chối những giải pháp mà họ cho là có khả năng ổn định
tình hình.
Lý do thật sự của thái độ này là sự bực bội của họ trước thái độ cứng rắn, không
nhân nhượng của ông Diệm. Nói cho đúng, quan chức Pháp cũng như quan chức Mỹ ở
Sài Gòn hồi đó bực bội với ông Diệm vì ông tỏ ra một người không dễ bảo. Nói
trắng ra, ông Diệm không chịu làm bù nhìn, dù là của Pháp hay của Mỹ, nhất là
khi những đề nghị của họ vi phạm độc lập, danh dự, và tương lai của Việt Nam.
Ví dụ : sau những xáo động ở thủ đô do Bình Xuyên và tướng Hinh gây ra trong
mùa thu 1954, đại sứ Heath đề nghị ông Diệm lưu tướng Hinh lại trong quân đội,
nhưng ông Diệm không chấp nhận. Đại sứ bèn quyết định là ông Diệm phải ra đi,
và ông tường trình về Washington như sau : "chúng ta phải tranh thủ thời
gian để chuẩn bị điều mà Mendès-France gọi là một cơ cấu chính quyền khác...
Tất cả mọi người ở tòa đại sứ tin chắc rằng ông Diệm không thể tổ chức và điều
hành một chính quyền vững mạnh".
Đặc sứ Collins đã nhiều lần, đặc biệt là ngày 13-12-1954 và ngày 31-3-1955,
điện cho Tòa Bạch Ốc đề nghị thay thế ông Diệm vì ông Diệm "quá cứng rắn".
Các đề nghị của ông không được chấp nhận. Nhưng hạ tuần tháng 4-1955, sau vụ
chạm súng giữa Bình Xuyên và quân đội quốc gia, một buổi họp quan trọng được
tổ chức tại Tòa Bạch Ốc để nghe ông phúc trình, một giải pháp do ông đề nghị
được chấp nhận : loại ông Diệm khỏi chức vụ thủ tướng, đưa ông Trần Văn Đỗ
thay thế ông, và cử bác sĩ Phan Huy Quát làm phó thủ tướng. Trong những người
chấp thuận có cả ngoại trưởng Dulles và tổng thống Eisenhower. Lập trường này
được thông báo cho tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn ngày 27-4-1955.
Sự chấp nhận trên đây của ngoại trưởng Dulles cũng khá lạ, vì ông là người ủng
hộ giải pháp Diệm mạnh nhất. Nhưng thật ra, ông cũng đã phòng xa. Trong một
văn thư gởi cho đặc sứ Collins ngày 20-4-1955, trước khi ông này rời Sài Gòn
đi Washington, ông nêu ra hai điều kiện để quyết định sự ở lại hay ra đi của
ông Diệm : 1/ Ông Diệm có can đảm và quyết tâm để hành động và 2/ Ông ta có
được sự trung thành của quân đội không ? Nếu ông Diệm thất bại một trong hai
điều kiện này thì ông phải ra đi.
Nhưng ngày 28-4-1955 quân đội Bình Xuyên lại tấn công quân đội quốc gia. Ngày
29-4-1955, bất chấp sự khuyến cáo của tướng Ely, ông Diệm ra lệnh cho quân đội
đánh trả, và quân đội quốc gia đã thắng. Chính phủ Mỹ hiểu rằng những dự đoán
của tướng Ely về ông Diệm không có khả năng địch lại Bình Xuyên là sai lầm,
và làm cho đặc sứ Collins cùng chính phủ Mỹ quyết định sai lầm. Từ nay họ
không còn tin vào nhận định của Pháp nữa. Ngày 1-5-1955 nhận lệnh tổng thống
Eisenhower, ngoại trưởng Dulles gởi điện đến Paris và Sài Gòn hủy bỏ điện tín
ngày 27-4-1955. Ngày 8-5-1955, tại hội nghị Anh-Mỹ-Pháp ở Paris, ngoại trưởng
Dulles tuyên bố rằng về Việt Nam, từ nay sẽ không còn thỏa hiệp chung Mỹ-Pháp
nữa.
|
Tổng thống Ngô Đình Diệm công du Hoa Kỳ (1957) Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles nghênh tiếp tại sân bay |
Ông Diệm thắng.
Cái thắng của ông Diệm là sự thắng của can đảm, và cương quyết bảo vệ chính
nghĩa quốc gia Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, nó là một cái thắng của chính ông,
dù ông bị Pháp cản trở và không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Sự thắng này đưa đến những quyết định căn bản mang lại độc lập thật sự cho Việt
Nam trong vòng chỉ một năm:
- về chính trị Việt Nam ra khỏi Liên Hiệp Pháp tư chọn quy chế
cho mình - chế độ Cộng Hòa ;
- thu hồi chủ quyền về ngoại giao : bang giao giữa Việt Nam và
Pháp qua Bộ Ngoại Giao Pháp thay vì Bộ Các Quốc Gia Liên Kết và Cao Ủy Pháp ở
Sài Gòn và Cao Ủy Việt Nam tại Paris thành Tòa đại sứ, chấm dứt lệ thuộc ngoại
giao Việt Nam vào Pháp ;
- thu hồi chủ quyền về quân sự : ngày 26-4-1956 quân đội Pháp
rút hết khỏi Việt Nam, quân đội Việt Nam không còn lệ thuộc vào Pháp nữa, viện
trợ Hoa Kỳ cấp trực tiếp cho Việt Nam ;
- chủ quyền kinh tế tài chính : cuối tháng 12 năm 1955, Việt Nam ra khỏi khu
Phật lăng ;
- giáo dục : Việt Nam tự do nhận giáo sư, chuyên viên từ bất cứ
nơi nào , và gởi sinh viên ra bất cứ nơi ngoại quốc nào.
Như tiến
sĩ Lưu nhấn mạnh : những chuyển biến trên "mang theo ý nghĩa chính thức
chấm dứt 72 năm chế độ Pháp bảo hộ Việt Nam (1884-1956)". Người thực hiện
được điều này cho Việt Nam là ông Ngô Đình Diệm. Với tác phẩm "Đệ nhất Cộng
Hòa Việt Nam 1954-1963", tiến sĩ Phạm Văn Lưu đã giúp ta thấy rõ điều
này.
Cũng như với tiến sĩ P. V. Lưu, những sưu khảo của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn
đóng góp một phần quan trọng vào vào việc soi sáng giai đoạn lịch sử
1954-1963, thời gian ông Diệm cầm quyền. Những sưu khảo này nhằm vào chủ thuyết
Nhân Vị. Theo tiến sĩ Tấn, trong 40 năm qua, "chưa có cuốn sách nào viết
về chủ nghĩa Nhân Vị dưới khía cạnh hàn lâm [khoa học] cũng như đánh giá về tầm
quan trọng của nó như là một chủ thuyết chính trị" dù rằng chủ thuyết
này là chủ thuyết khai sanh ra nền Cộng Hòa đầu tiên tại Việt Nam. Đây là
"một vấn đề lịch sử còn tồn đọng" trong thế kỷ qua. Bài của ông tìm
hiểu vấn đề này, đặc biệt là tìm giải đáp cho những "nghi vấn lịch sử"
sau đây :
1. Chủ nghĩa Nhân Vị là gì ?
2. Quan niệm Nhân Vị về các lý tưởng của cuộc cách mạng quốc
gia ra sao và thể hiện qua các đường lối chính sách như thế nào ?
3. Về nguồn gốc triết học Nhân Vị là một thuyết ngoại lai hay
mang bản chất chính trị văn hoá của Việt Nam?
Ông Tấn nói : những câu trả lời cho các nghi vấn trên đây "sẽ đặt nền
móng cho công việc thẩm định phẩm chất lãnh đạo và những đóng góp lịch sử của
tổng thống Ngô Đình Diệm trong 9 năm cầm quyền...". Bài khảo luận của tiến
sĩ Tấn "Chủ nghĩa Nhân Vị, con đường mới, con đường của tiến bộ" chứa
rất nhiều dữ kiện, suy diễn, và phân tích rất tỉ mỉ, buộc độc giả phải đọc kỹ
và nghiền ngẫm, không thể kể chi tiết ở đây. Bài này chỉ đề cập đến một số
khía cạnh cần được độc giả đặc biệt chú tâm.
Về Nhân Vị là gì, tiến sĩ Tấn đã dựa trên những lời của chính ông Diệm để giải
thích : Về Nhân Vị là gì, TS Tấn đã dựa trên những lời của chính Ông Diệm để
giải thích: Nhân và Vị là hai học thuyết Nho giáo. Nhân 仁 do chữ Nhân 人 và chữ Nhị 二 hợp thành (仁) có nghĩa là lòng
thương người, đạo lý làm người ; Vị 位 do chữ Nhân 人 và chữ Lập 立 hợp thành (位) có nghĩa là người có cái vị trí của họ, đứng giữa và ngang
hàng với Trời và Đất. Hai chữ này hợp lại để diễn tả ý tưởng: vị trí và phẩm
giá con người trong cộng đồng nhân loại và trong vũ trụ. Ông viết :
"Tóm lại, chủ thuyết Nhân Vị là một triết lý nhằm đề cao giá trị của con
người trong tương quan với vũ trụ, Trời và Đất, với người khác trong xã hội.
Lý thuyết Nhân Vị chủ trương rằng : vì con người có một giá trị tối thượng
nên mọi sinh hoạt trên đời này đều phải hướng về việc phục vụ con người. Chủ
nghĩa Nhân Vị lấy CON NGƯỜI biết tu thân (vừa tĩnh vừa động) làm nền tảng để
giải quyết các mâu thuẫn trong sinh hoạt của con người".
Về nguồn gốc, tiến sĩ Tấn nhận xét rằng trong suốt 40 năm qua không mấy ai
chú ý tìm hiểu "Lý thuyết Nhân Vị" vì cho rằng lý thuyết đó là ngoại
lai, cho rằng "Nhân Vị của các ông Diệm, ông Nhu là của Mounier, là của
Công Giáo". Những lời phê bình này hoặc:
a/ mang một chủ đích chính trị nào đó, hoặc b/ thiếu hiểu biết về chủ nghĩa
Nhân Vị.
Trong số những người loại (a) có những người như Nguyễn Thái. Trong tác phẩm Is
South Vietnam Viable ?, ông nói rằng ông Nhu đã say mê thuyết dân chủ xã hội dựa
trên lòng bác ái và giá trị nhân bản mang danh "Personnalisme" của
Emmanuel Mounier, và "mối liên hệ của nó với xã hội mà ông Nhu cổ võ chẳng
có gì là mới mẻ", và cái thuyết Nhân Vị "Personnalisme" cũng
chẳng có gì xa lạ vì trong một trường phái triết học Pháp trong đó có
Emmanuel Mounier và Jacques Maritain để hết mình cổ võ cho nó... Trong số những
người loại (b) thì có thể kể ông Nguyễn Gia Kiểng. Gần đây, trong một bài phê
phán ông Ngô Đình Diệm, ông viết :
"Nếu dựa trên những gì ông Nhu đã viết [sic!] về chủ
nghĩa nhân vị thì có thể nói là chính ông cũng chỉ hiếu lơ mơ [sic!] Có lẽ
[sic!] ông đã du nhập chủ nghĩa nhân vị vào Việt Nam vì lý do là lúc đó nó được
coi là giải pháp Thiên chúa giáo cho hòa bình Công giáo của thế giới. Nó có
tham vọng là một vũ khí tư tưởng chống lại chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế,
nó là một bước lùi lớn, gần như một sự đầu hàng, bởi vì nó phủ nhận cá nhân
[sic!], cốt lõi của dân chủ" (5).
Tiến sĩ Tấn đã bác bỏ dễ dàng những nhận định sai lầm nặng nề và những phê
phán hời hợt trên đây. Ông đã trích dẫn những tuyên bố, phát biểu của các ông
Diệm-Nhu, và những khảo luận của những nhà học giả Việt Nam có úy tín để chứng
minh rằng "Nhân Vị là một lý thuyết chính trị mang một bản sắc dân tộc
rõ rệt", và "với biện chứng mạch lạc rõ rệt của triết gia Kim Định,
giáo sư Nghiêm Xuân Hồng, và học giả Đinh Văn Khang, Chủ Nghĩa Nhân Vị (Tâm
linh, Đông phương) của ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bắt nguồn từ nền
tảng văn hóa của Việt Nam, không thể nào lầm lẫn với Personalisme của Mounier
(Duy tâm Tây phương) được". Ông nói : "Mọi việc đã được sáng tỏ và
cuộc điều tra lịch sử này chấm dứt với kết luận : Chủ
Thuyết Nhân Vị của hai ông Diệm-Nhu mang một bản chất văn hóa và chính trị
hoàn toàn Việt Nam" (in đậm của chính TS Tấn).
Tiến sĩ Tấn đã minh chứng thêm xác quyết của ông với những trích dẫn trực tiếp
từ một số tuyên bố của ông Diệm và ông Nhu.
Ông Ngô Đình Diệm : "Nhắm mắt bắt chước nước ngoài khác gì nhận trước sự
bảo hộ của ngoại bang” (nói với ký giả Marguerite Higgins).
Ông Ngô Đình Nhu :
- "Chủ thuyết [Nhân Vị] đặt nền tảng trên quan niệm tôn trọng phẩm giá
con người và đẩy mạnh sự phát triển đến mức độ cao nhứt. Quan niệm này... ở
ngay trong truyền thống dân gian Việt Nam" (Đại hội văn hóa quốc gia,
11-1-1957).
- "Tôi phải nói ngay rằng : chủ thuyết Nhân Vị của tôi chẳng có dính
dáng gì đến cái Nhân Vị Công Giáo đang được giảng dạy bởi các tổ chức Công
Giáo tại miền Nam Việt Nam... Hiện nay cái học thuyết nhân vị mà tôi cổ võ là
một nền dân chủ đấu tranh trong đó tự do không phải là một món quà của ông
già Noel, nhưng mà là kết quả của một cuộc chinh phục bền bỉ và sáng suốt
trong đời sống thực tế, không phải trong một khung cảnh lý tưởng, mà trong những
điều kiện địa lý chính trị đã được định sẵn" (Phỏng vấn với báo Toronto
Globe and Mail, trong Nguyệt san Gió Nam, 5-5-1963).
Tiến sĩ Tấn kết luận : "Giải pháp Nhân Vị mà ông Diệm và ông Nhu đã cổ
võ 40 năm về trước là mô hình “xã hội dân chủ nhân vị” đã được thí nghiệm ở
miền Nam từ 1954 đến 1963 : kinh tế thị trường với sự mềm dẻo của một chính
phủ phúc lợi, thực hiện công bằng xã hội và dân chủ thực sự ở hạ tầng cơ sở với
định hướng dân chủ trên thượng tầng cấu trúc... Chủ nghĩa Nhân Vị chỉ được thử
nghiệm trong một thời gian ngắn ở Miền Nam Việt Nam, nhưng trong lãnh vực lý
thuyết hàn lâm, Chủ Nghĩa Nhân Vị có một giá trị đóng góp lâu dài và quan trọng
vào công cuộc phát triển con người nói chung và đặc biệt tại các quốc gia
nghèo đói hiện nay".
Và "ông Diệm đã hạ quyết tâm, "chọn con đường hy sinh để bênh vực
phẩm giá con người: ...người ta có thể hủy diệt ông Diệm, nhưng không thể cướp
đi những giá trị thuộc về ông ấy. Do đó trên căn bản đạo đức nghề nghiệp, các
sử gia có bổn phận đem trả lại cho ông Diệm những gì thuộc về ông ấy và nền Đệ
Nhất Cộng Hòa. Hãy trả lại cho lịch sử những gì thuộc về lịch sử".
Tôn Thất Thiện
(Ottawa)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét