Trung tâm điện hạt nhân Fukuhima sau vụ nổ.Chụp 12/3/11 |
ReutersTú Anh
Tại Nhật Bản nỗi lo sợ xảy ra một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm qua (11/03/2011) càng lúc càng tăng.Nơi bị thiên tai có 11 nhà máy điện hạt nhân, trong đó có hai trung tâm gây lo ngại đặc biệt. Chính quyền đã phải yêu cầu dân chúng chung quanh di tản đi nơi khác.
Vùng Sendai, nơi bị cơn địa chấn gây thiệt hại nghiêm trọng nhất vào hôm qua có tổng cộng 11 trung tâm điện hạt nhân. Tất cả các lò phản ứng tối tân này đã ngưng vận hành một cách tự động. Tuy nhiên tình trạng của hai trung tâm gây lo ngại đặc biệt, nhất là sau khi có tiếng nổ tại một cơ sở.
Theo hãng thông tấn Kyodo, độ phóng xạ tại nơi đặt hệ thống kiểm soát vận hành tăng gấp 1000 lần mức bình thường. Điều đáng lo hơn nữa là theo thẩm định của Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản, rất có thể đang xảy ra hiện tượng nóng chảy trong lò phản ứng chỉ cách thủ đô Tokyo có 250 cây số.
Theo các chuyên gia hạt nhân, sự hiện diện của phóng xạ Cesium ở chung quanh trung tâm thường là dấu hiệu xác nhận lò phản ứng bị cháy. Cũng trong buổi sáng nay, tại lò phản ứng này có tiếng nổ làm sụp một phần kiến trúc bảo vệ lò phản ứng. Vụ nổ xảy ra vào lúc 15 giờ 36 phút giờ địa phương làm 4 nhân viên bị thương.
Nhưng không phải chỉ có một trung tâm hạt nhân gặp vấn đề. Nhiều lò phản ứng của trung tâm Fukushima số 2 cũng gặp trở ngại trong hệ thống hạ nhiệt. Công ty điện lực Tepco của Nhật, quản lý các trung tâm hạt nhân trong vùng, đã được chỉ thị phải mở «van » an toàn để làm giảm « áp suất » bên trong và do vậy đã thải hơi nước có phóng xạ ra không khí bên ngoài.
Từng là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử, người dân Nhật rất nhạy cảm với vấn đề an toàn hạt nhân.
Theo Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản thì các biện pháp đối phó đã mang lại kết quả tương đối. Tình hình trung tâm hạt nhân Fukushima được mô tả là « gần giống với tai nạn hạt nhân ở Three Miles Island năm 1979 ở Hoa Kỳ, hơn là vụ nổ Tchernobyl tại Ukraina, năm 1986, thời Liên Xô cũ.
Tại Tchernobyl, kiến trúc bảo vệ bên ngoài không kiên cố nên bị nổ tung. Còn trong vụ tai nạn hạt nhân tại Hoa Kỳ năm 1979 thì nhờ kiến trúc bảo vệ kiên cố nên tránh được thảm họa hạt nhân.
Giới chuyên gia trong Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản và của Cơ quan Quyền lực An toàn Hạt nhân Quốc tế đều thẩm định sự cố Fukushima số 1 là hoàn toàn khác với Tchernobyl. Lò phản ứng của Nhật bị nóng là do hệ thống bơm nước biển để làm giảm nhiệt bị hỏng do động đất, tức là do yếu tố bên ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét