Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Cô Gái Bình Long



Gửi riêng quí thân hữu của tôi tại Bắc CA.
Xin đọc câu chuyện này, rồi đến xem Văn nghệ Bình Long do cô gái Bình Long tổ chức.
Vào cửa tự do. Nếu cho tôi biết quí vị sẽ đến, tôi sẽ yêu cầu dành vé cho quí vị.
Trân trọng
Vũ văn Lộc
****************
Một câu chuyện tình thật cảm động, đau thương của người vợ một Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa...Đã 39 năm dài đăng đẳng...vẫn tiếp tục tìm xác chồng...
Cầu mong Ơn Trên giúp
Chị Kiều Trang
được toại nguyện.
Xin mời Quý Vị theo dỏi câu chuyện Cô Gái Bình Long qua ngòi bút của Giao Chỉ Vũ Văn Lộc...
BMH
Washington, D.C


 
                      Cô gái Bình Long 
                                                                                                                                            Giao Chỉ San Jose
               image  image image
       Bình Long, một thời để yêu, một thời để chết với sư đoàn 5 bộ binh bị bỏ quên trên chiến trường An Lộc ...
       Giữa chốn ba quân.
       Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”.
       Chiến tranh Việt Nam đã gây nên biết bao nhiêu câu chuyện bi thảm cho từng gia đình. Hôm nay tôi kể thêm một câu chuyện chia ly trong chiến tranh 39 năm sau vẫn chưa tìm được đoạn kết. Câu chuyện cô gái Bình Long không hề có được kết quả kỳ diệu như trên sân khấu. Hơn 40 năm trước cô đã tìm chồng giữa chốn ba quân. Đó là sư đoàn 5 bộ binh.
       Tiếp theo 39 năm dài người con gái Bình long đi tìm chưa thấy xác chồng. Người chiến sĩ tử trận trước khi con gái ra đời. Con gái năm nay 39 tuổi. Anh hy sinh đã 39 năm. Người vợ là ca sĩ tiền đồn của đại đội chính huấn tiểu đoàn 30 chiến tranh chính trị đã kể lại câu chuyện 39 năm tìm xác chồng trong tuyệt vọng. Ngày nay cô muốn nhờ những người cựu chiến binh cao niên của sư đoàn 5 bộ binh về họp mặt tại San Jose để cho cô biết tin về thiếu tá Lê Bắc Việt của tiểu đoàn 3 trung đoàn 7.
      Ngày 1 tháng 6-2011 chị Nguyễn thị Thu tức ca sĩ chính huấn quân đoàn III có danh hiệu Kiều Trang đã kể hết cho tôi nỗi niềm tâm sự.
                             image      
                                              An Lộc địa, sử ghi chiến tích ...
        Giờ này anh ở đâu.
        Thưa bác, cách đây 39 năm ngày 1 tháng 6 năm 1972, cháu đang ở Saigon thì xe Jeep xịch tới. Anh Thiếu úy Sư đoàn 5 đi cùng một cô gái chỉ đường. Anh sĩ quan đứng nghiêm chào và nói rằng: " thưa chị Hai, Đại úy Lê Bắc Việt đã hy sinh ..."
Anh Thiếu úy đứng nghiêm mà cháu cũng đứng như trời trồng. Lúc đó đang có bầu con gái Lê Thị Kiều Loan. Năm nay cháu đúng 39 tuổi. Mẹ con cùng ở San Jose. Bố chết ngày 1 tháng 6-1972 thì con ra đời 4 tháng 9-1972. Kiều Loan không bao giờ thấy mặt bố. Mẹ sanh con trong lúc để tang chồng. Từ ngày anh Việt chết đến nay, cháu đã đi khắp nơi, hỏi tất cả mọi người nhưng không ai cho tin rõ ràng là chồng cháu đã chết ra sao? Chôn ở đâu?
       Bây giờ ngày 25 tháng sáu năm nay, cháu tổ chức đêm văn nghệ Bình Long Anh Dũng tại San Jose để mời các chiến hữu Sư đoàn 5 bộ binh họp mặt. Mục đích tưởng niệm cho Bình long, cho Sư đoàn 5 bộ binh và cho chồng là Thiếu tá Lê Bắc Việt. Thăng cấp sau khi tử trận.
                                    “Anh lên lon giữa hai hàng nến chao”… 
Anh chết mất cả xác, còn nói gì đến khói hương đèn và nến.
        Ca sĩ tiền đồn.
        Cô Nguyễn Thị Thu sinh năm 1950, mới được 2 tháng rưỡi thì cha mẹ rời quê Nam Định xuống tàu vào Nam. Đi theo người ta làm phu đồn điền cao su. Tha phương cầu thực. Thời đó dân quê Nam Định Hải Phòng, Ninh Bình rủ nhau vào Nam làm phu đồn điền. Cha mẹ của cô bé Nguyễn Thị Thu bắt đầu cuộc đời vất vả của dân phu cạo mủ. Khi cô bé từ xóm Phú Miên đi bộ 3 cây số ra Quản Lợi học mỗi ngày thì chưa có tỉnh Bình Long. Cho đến khi ông Diệm về thì phần đất phía Bắc Thủ đầu Một trở thành tỉnh Bình Long và phần còn lại là Bình Dương. Cho đến năm 72 thì Bình Long mới trở thành Bình Long Anh dũng dưới thời ông Thiệu.
       Trưởng thành trong gia đình phu đồn điền, cô bé gốc Bắc Kỳ đã có cuộc sống thơ ấu hết sức vất vả. Khi cha mất sớm, mẹ tạm thời thay thế làm phu cạo mủ, con gái lớn đã phải xách thùng theo mẹ vào rừng từ 3 giờ sáng. Tuổi thơ đã làm quen với từng gốc cao su. Không thể tưởng tượng được cô gái nhỏ mới 13 tuổi đã giúp mẹ nuôi 8 đứa em trong một gia đình nheo nhóc và đông đảo.
       Sau 1963 Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, 17 tuổi bé Thu đã phải tìm đường xin vào bán hàng trong P X Hoa Kỳ. Trong suốt tuổi thơ, cô bé xuất thân từ trường đạo của rừng cao su Hớn Quản đã học được các bài ca véo von trong nhà thờ.
             image  image 
                   Từ ca sĩ tiền đồn trở thành góa phụ ngây thơ 
Với khả năng xuất sắc trong ca đoàn, Thu xin vào làm ca sĩ chính huấn của tiểu đoàn 50 chiến tranh chính trị bên cầu Thị Nghè. Cô làm việc tại đây được 2 năm. Sau về làm cho tiểu đoàn 30 CTCT của quân đoàn III đóng tại Tam Hiệp. Cô trở thành ca sĩ tiền đồn dưới tên văn nghệ Kiều Trang. Từ đó cô trở thành ca sĩ quen biết của sư đoàn đã có mặt tại khắp mặt trận miền Đông theo cả các cuộc hành quân vượt biên Cam bốt.
       Kiều Trang là một trong các ca sĩ tiền tuyến đã bị thương nhiều lần và không bao giờ kể hết được những lần chạy pháo kích từ hầm này đến hầm khác.
       Suốt một đời ca hát thắt chặt duyên nợ với Sư đoàn 5 bộ binh. Con số 5 trên nền xanh của lá cây rừng luôn luôn ghi nhớ trong tim. Cũng chính trên chiến trường này cô đã tìm chồng giữa chốn ba quân. Anh thiếu úy rất trẻ của sư đoàn.
                                image
        Tình anh lính chiến.
       Kiều Trang gặp anh Lê Bắc Việt vốn là sỹ quan tốt nghiệp khóa I Chiến Tranh Chính Trị tại Đà lạt.
                         image 
                                     Từ sinh viên Sài Gòn trở thành Sinh Viên Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.
 
        Khi lên trung úy Việt là đại đội trưởng của đại đội 9 tiểu đoàn 3 trung đoàn 7, sư đoàn 5 bộ binh. Anh lính chiến gặp cô ca sĩ tiền tuyến bèn lấy làm vợ và từ đó nàng về để hát cho một người nghe.
       Tháng 4 năm 1972 Kiều Trang đi từ Saigon lên Bình Long thăm chồng. Đại úy Việt đóng quân tại phi trường Tắc Mít. Lúc đó cộng sản đã dàn quân chuẩn bị khởi sự trận mùa hè 72. Quân ta tan hàng ở Lộc Ninh. Đơn vị của Đại úy Việt rút về Lai Khê được 2 ngày thì có lệnh trở lên An Lộc. Cô vợ trẻ vốn là gái Bình Long quyết định theo chồng. Tưởng là về An lộc là về lại nhà mình. Về An Lộc là về chốn bình yên. Không ngờ từ ngày đó trận Bình Long mở màn với những cơn mưa pháo khốc liệt.
       Kiều Trang chịu đựng suốt 2 tháng dưới hầm trong lúc mới có bầu. Vào một ngày giữa hai đợt pháo, dân chúng mở đường chạy về Chân Thành, đại úy Việt đẩy vợ đi theo đám dân rời bỏ An Lộc. Anh nói rằng em phải cố sống về Saigon để nuôi con. Kiều Trang ôm bụng bầu đi bộ theo dân suốt từ An Lộc về Chân Thành. Cứ theo quốc lộ 13 vừa đi bộ vừa quá giang tất cả các loại xe. Đi trên đường với những trận pháo kích. Chân bị thương suốt một tuần lết về Lai Khê, Bến Cát,Thủ đầu Một, Búng, Lái Thiêu và sau cùng là Gia Định Saigon.
       Về được thủ đô là lúc trận chiến An Lộc ngày càng khốc liệt. Được tin lính Sư đoàn 5 hy sinh rất nhiều. Các Sĩ quan Trung đoàn 7 gần như chẳng còn ai.
       Mỗi tuần Kiều Trang lấy xe Honda, ôm bụng có bầu chuẩn bị 2 bình xăng chạy từ Saigon lên Chân Thành. Suốt ngày ngóng tin chồng và chờ giải vây An Lộc. Ngó về chân trời xa, chỉ thấy khói lửa bom đạn mịt mờ. Rồi lại thất vọng quay về. Cứ như thế cho đến tháng 6-1972 thì anh Thiếu úy hậu cứ Trung đoàn đến báo tin chồng chết. Đơn vị cử 10 anh lính về làm lễ truy điệu trước sân nhà, nhưng không có xác. Ông già chồng nói rằng: Trao giải 200 ngàn đồng VNCH cho ai tìm được xác con. Số tiền cũng coi như bằng lương tử tuất 12 tháng.
       Từ ngày đó Kiều Trang quyết tâm đeo đuổi nghĩa vụ tìm cho được xác chồng. Nhưng sau khi sanh con, dù An Lộc được giải tỏa nhưng vẫn chưa hoàn toàn bình yên.
        Những năm tiếp theo, quân ta lại bỏ Bình Long và toàn thể khu vực này rơi vào tay cộng quân suốt từ 73 cho đến khi mất nước.
        Những tin tức mơ hồ.
        Một sĩ quan bà con với anh Việt là Thiếu tá Lê Bá Hòa từ Bình Long gởi về được lá thư trước khi anh cũng bị hy sinh.
        Hòa nói là chính anh đã chôn xác Việt. 7 xác chiến binh chôn dưới gốc cây khế. Việt là ngôi mộ thứ hai. Hòa có vẽ cả bản đồ gửi về cho gia đình.
        Sau khi ông Thiệu xuống An Lộc được 3 ngày thì đến lượt thiếu tá Hòa hy sinh. Xác được trực thăng đưa về. Anh là tử sĩ đầu tiên về từ An lộc. Phần lớn đều chôn tại chỗ. Lúc đầu còn chôn riêng từng mộ tại nghĩa trang nổi tiếng có nhiều biệt kích dù. Về sau phần lớn chôn tập thể.
        Nhưng cũng có anh lính về nói là thấy đại úy Việt bị bắt giải qua Cam bốt. Bị thương và bị đánh đập. Kiều Trang sống trong đau thương và hy vọng. Cô lên tại chỗ những nơi trao trả tù binh ở miền Đông. Ra cả Thạch Hãn đón tù binh từ miền Bắc trao trả tại Quảng trị. Không hề thấy tin tức của Lê Bắc Việt.
        Tìm chồng trên chiến trường xưa.
        Ba ngày sau khi Bắc quân vào Saigon, cô ca sĩ tiền tuyến một thời đã liều lĩnh đi xe Honda theo quốc lộ 13 vào An Lộc. Con đường chiến tranh tàn khốc bỏ lại toàn là quân dụng, quân xa và xương trắng. Kiều Trang vượt qua mọi nguy hiểm một mình đi trên con đường vắng trở lại nơi cô đã trưởng thành. Bình Long của cô bây giờ là một thành phố tàn lụi đổ nát, tang thươmg. Cô khóc trên từng con đường khi qua nghĩa trang biệt cách dù.Với rất nhiều tình cờ cô đã gặp người quen cũ dẫn đi tìm được 7 ngôi mộ dưới gốc cây khế. Về sau, gia đình đã xin được phép và bốc ngôi mộ thứ hai theo lời chỉ dẫn.
       Nhưng xương cốt đem về sau khi xem kỹ lại thì không phải là xương của anh Việt. Người vợ nhớ là đã dẫn chồng đi nha sĩ nhổ 2 cái răng đau và chưa trồng răng mới. Trận bao vây An Lộc bắt đầu với người chiến binh có bộ răng khiếm khuyết. Nhưng xác anh lính vô danh đem về có bộ răng toàn hảo.
       Kiều Trang chôn cất di hài người chiến binh An Lộc tại nghĩa trang xa lộ Đại hàn. Sau này trước khi đi đoàn tụ với con gái tại Hoa Kỳ, lại bốc mộ đưa lên chùa. Cô biết rằng đã lo tròn bổn phận cho anh lính vô danh của sư đoàn 5 bộ binh. Nhưng xác này không phải là di hài của anh Việt.
                                     image
                                                                           Kiều Trang 2011
       
        Thời hậu chiến.
        30 tháng 4 ập tới. Một phần gia đình của Kiều Trang đi thoát tại Vũng Tàu. Định mệnh giữ chân cô ca sĩ của sư đoàn 5 bộ binh ở lại với chiến trường miền Đông ngày nay đã thay đổi. Cô đi lên đi xuống Bình Long rất nhiều lần. Quốc lộ 13 hết sức quen thuộc nhưng bây giờ không còn như xưa nữa. Đã xa rồi những ngày ca hát trong nhà thờ. Những buổi chiều nhẩy trực thăng hát cho tiền đồn. Những đêm nằm bên chồng dưới hầm, đội trên đầu những trận mưa pháo kích. Những bầu trời thắp sáng hỏa châu. Và sau cùng là những xác người.
      An Lộc ngày nay có đài tưởng niệm do cộng sản xây dựng. Những mồ chôn tập thể của cả quân dân miền Nam được gán cho danh hiệu lấp liếm là nạn nhân của Mỹ Ngụy.
     Cô ca sĩ của sư đoàn 5 bộ binh đứng bên đường bâng khuâng không biết là trong số cả ngàn người nằm dưới đây phải chăng có thiếu tá Bắc Việt của cô hay không.
     Kiều Trang còn nhớ kỳ trở về An Lộc hoang tàn đầu tháng 5-1975. Cô đã gặp lại nghĩa trang biệt kích dù nổi tiếng. Ở đây sau này cũng có chôn xác rất nhiều chiến binh sư đoàn 5 bộ binh. Giữa nghĩa trang đau thương của phe bại trận, người góa phụ của quân đội Sài Gòn chợt thấy lòng tan nát. Chồng chết không thấy xác. Con gái theo bà chạy qua Mỹ. Thương chồng đứt ruột. Nhớ con quay quắt. Trong khi cả miền Nam chạy túa ra biển Đông. Trong khi Bắc quân tràn vào Saigon thì tại một nghĩa trang hẻo lánh của chiến trường tồi tệ bị bỏ quên, có cô gái Bình Long ngồi khóc một mình.
     Trong trận chiến miền Đông, lính dù chết đưa về trại Hoàng Hoa Thám, Saigon. Lính thủy quân lục chiến đưa về căn cứ Sóng Thần, Thủ đức. Lính sư đoàn 21 đưa về miền Tây. Chỉ có lính địa phương và lính sư đoàn 5 là chôn ngay tại chỗ. Khắp miền Đông Nam phần, đâu cũng là quê nhà của sư đoàn 5 bộ binh. Từ những kỷ niệm đau thương đó, năm 1999 Kiều Trang đem theo trên chuyến bay đoàn tụ với con gái tại San Jose.
     Bây giờ 39 năm sau, chị vẫn chưa biết rõ người chồng anh dũng nằm ở nơi nào. Cô gái Bình Long của một thời tuổi trẻ thập niên 70 sinh năm 1950, nay đã đem kỷ niệm của chiến trường miền Đông bước vào thế kỷ 21 tại Hoa Kỳ.
     Cô muốn hỏi lại thêm một lần nữa, có ai biết thiếu tá Lê Bắc Việt sống chết ra sao. Anh sỹ quan chiến tranh chính trị Đà Lạt khóa 1. Hỏi người chiến binh của tiểu đoàn 3 trung đoàn 7 sư đoàn 5 bộ binh. Đơn vị mà các sĩ quan chết gần hết. Nhưng vẫn còn một số lưu lạc trên thế giới.
     Bây giờ các anh ở đâu, xin về họp mặt một lần với ca sĩ cuả sư đoàn. Nghe lời than thở hỏi han của người vợ lính bị thương trên quốc lộ 13. Tuổi hoa niên trải qua từ Lộc Ninh, Hớn Quản, Chân Thành mà về đến Lai Khê, Bến Cát. Cô gái Bình Long ngày xưa gặp chồng một ngày giữa chốn ba quân, mà sao bây giờ đi tìm xác người yêu 39 năm vẫn chưa thấy.
Giao Chỉ, San Jose
~~~~~~~~~~~~~~~~~ 
* Chiều văn nghệ “Nhớ Về An Lộc-Bình Long Anh Dũng” do nữ ca sĩ Kiều Trang phối hợp với Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn tổ
   chức từ 2 đến 5 giờ chiều Thứ Bảy 25 tháng 6, tại Mount Pleasant High School, 1750 S. White Rd., San Jose. Vào cửa tự do.
   Điện thoại liên lạc: 408-646-4445 - 408-646-2934 - 925-285-3935.
                        image
                                      Ghi Chú: Liên lạc với Giao Chỉ để đóng góp những câu chuyện thực cho
                                                                    “Một thời để yêu, một thời để chết”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét