Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Những dòng sông chia rẽ

T-Van.Net
clip_image002
Đất nước tôi có rất nhiều những dòng sông. Những dòng sông không có cầu bước qua nối liền hai bến bờ. Vì những chiếc cầu không bao giờ được xây. Vì những chiếc cầu đã bị đạn bom phá hủy, hận thù phá hủy, cố chấp phá hủy, ngu muội phá hủy . . .Những dòng sông ấy không chỉ có mặt trên đất nước mà tôi lìa bỏ sau lưng. Chúng còn theo tôi đi suốt chặng đường xa xứ.


Khi ta nhớ cả trời mây Đà Lạt
Bốn mươi năm lại tưởng mới hôm nào
Con suối cạn nằm thương bờ bãi cũ
Để hồn còn trăm nước đổ về đâu.

( NT2 Nguyễn Văn Chúc )
clip_image004
1.
“ Nước đi là nước không về
Chia đôi dòng nước chia lià dòng sông
Chia đôi bên bờ bến lạnh lùng
Cho Ngưu Lang và Chức Nữ ngại ngùng
Chia đôi dòng sông Thương
Nước bên đục bên trong
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn
Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương
Chia con sông Bến Hải buồn thương


Nước yên vui từ nguồn
Bỗng gây nên điều buồn
Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn


Chia anh em vì quên tiếng gia đình
Chia tay chân và cắt đứt ngang mình
Chia thân hình yêu đương
Cắt da thịt chia xương
Trái tim buồn còn hằn in vết thương lòng
Sông tang thương trôi nghiêng nhịp cầu sương
Cho thê lương điếm cỏ Hiền Lương


Nước sông trôi bềnh bồng
Thiếu bao nhiêu mặn nồng
Vì dòng sông, dòng sông chia rẽ đôi đường


Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ Mẹ ta thì về. “

( Những dòng sông chia rẽ – Trích : Trường Ca Mẹ Việt Nam – Phạm Duy ).




Gần 40 năm, những lời ca của bài hát còn nguyên vẹn trong trí nhớ đang ngày một còm cõi .
clip_image005Những ngày tôi còn theo học ở trường Mẹ trên thành phố miền cao của đất nước, những ngày tuổi hai mươi đầy ắp những trăn trở về một đất nước tan nát vì chiến tranh, những trăn trở về một tuổi trẻ không có tương lai, không cả quá khứ, và hiện tại thì bị che phủ bởi khói súng nên lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo khiến cả một thế hệ chúng tôi cứ mò mẫm như người đi đêm. Vào lính chỉ là một lựa chọn cuối cùng, nếu đó là một sự lựa chọn. Hoặc vì không thể có một lựa chọn nào khác.
Anh ơi phải lính thì đi
Nơi quê em gìn giữ lời thề
( Mẹ trong lòng người đi – Trích : Trường ca Mẹ Việt Nam – Phạm Duy )
Hơn 2 năm theo học ở quân trường ấy là hơn 2 năm chúng tôi sống trong những bài nhạc đại lọai như thế. Những trường ca Mẹ Việt Nam, Con đường cái quan. Những buổi tập dượt văn nghệ hàng đêm trước giờ ôm ba lô ra vọng gác . Những đêm văn nghệ tập thể cuối tuần. Mấy chục giọng hát không chuyên nghiệp nhưng đầy ắp suy tư, hàng đêm hát đuổi theo nhau, hát bè cao , hát bè thấp ,những giọng trầm bổng quyện vào nhau như muốn thổ lộ hết nỗi lòng của một thế hệ vừa bi vừa tráng. Trời lạnh, đêm vắng lặng. Chỉ có tiếng đại bác thỉnh thỏang từ xa vọng về.
Ở giảng đường, những giọng nam trầm vẫn cứ nhả lòng theo lời ca nốt nhạc. Ngay từ những ngày tháng ấy¸tôi đã biết rằng rồi đây những kỷ niệm này sẽ làm buốt lòng mình không ít.
Giờ đây, mỗi khi gặp lại những người bạn cũ , những bài hát năm ấy cứ vang vang trong tâm não. Không nhớ mà vẫn thuộc lòng. Không nghĩ đến mà chúng cứ ùa về. Khói súng không còn mà mắt vẫn cay.
clip_image007


Và lòng nặng trĩu. Nặng vì kỷ niệm, đã đành. Nặng vì nhìn ra bên ngòai, cuộc phân tranh ngày ấy vẫn chưa chấm dứt. Dòng sông chia rẽ vẫn còn đó. Mỗi người một bến bờ, mỗi người một nỗi buồn, riêng mình ôm lấy.
2.
Như một bài thơ của Trần Mộng Tú, tôi tình cờ bắt gặp cho một nỗi buồn không có một chút tình cờ nào.
Quê hương ơi ! người đi mang theo quê hương/ nhưng sao lạnh lùng đến thế/ cứ nhìn nhau mà chẳng thấy thương nhau/ mỗi người là một hạt sương /rơi trên những dòng sông khác/ cười khóc cho riêng mình. ( TMT)
. . . Chia anh em, vì quên tiếng gia đình. Chia tay chân, và cắt đứt ngang mình.( PD).
Đất nước tôi có rất nhiều những dòng sông. Những dòng sông không có cầu bước qua nối liền hai bến bờ. Vì những chiếc cầu không bao giờ được xây. Vì những chiếc cầu đã bị đạn bom phá hủy, hận thù phá hủy, cố chấp phá hủy, ngu muội phá hủy . . .
Những dòng sông ấy không chỉ có mặt trên đất nước mà tôi lìa bỏ sau lưng. Chúng còn theo tôi đi suốt chặng đường xa xứ. Vì người ra đi không chỉ mang theo quê hương mà cả những dòng sông chia rẽ. Thế nên “chiến tranh đi qua rồi, tiếng súng ngưng /nhưng mùi thuốc súng còn ngửi thấy . . . TMT “.
Từ hai bên bờ sông , những viên đạn chữ được tận tình nã vào nhau giữa những người một thời đã từng là anh em bằng hữu. Vì đâu nên nỗi ? vì kẻ thù 3 đầu 6 tay 12 con mắt gian manh xảo quyệt vẫn đủ ma thuật làm mà mắt những cái đầu bình vôi mắc bệnh hoang tưởng nhìn đâu cũng thấy cái đuôi vi xi lấp ló ? vì anh không ra anh em không ra em bạn bè không còn là bạn bè ? Vì cái oan nghiệt năm xưa vẫn đeo đuổi chưa chịu buông tha ?
Ôi, đến bao giờ da thịt mới lành! ( TMT)
Mùa hạ hỗn mang
Buổi sáng mùa hạ
những đốm trắng bên ngoài cửa kính
sương bốc lên từ mặt hồ
hay từ núi tỏa xuống
em như một giọt sương
rơi xuống chiếc hồ thăm thẳm
quanh quẩn ngại đường sông

ngày mùa hạ
tiếng chim ríu rít
bay ra từ những bụi cây nhỏ trước cửa
chao ôi sao bỗng nhớ quê nhà

quê hương xa thăm thẳm
như chìm dưới mặt hồ
buổi sáng mùa hạ
em thấy nhớ xót xa
quê hương
có người bảo còn
có người bảo mất
một quê hương
về mà không ở được
gọi là nhà
mà ấm lạnh không chia

em đã trở về nhiều lần
vẫn không nhặt được hết những nắm quá khứ đã rơi vãi
vẫn ngơ ngác với những tương lai đang nhẩy múa trước mặt
quê hương ơi
chiến tranh đi qua rồi, tiếng súng ngưng
nhưng mùi thuốc súng còn ngửi thấy
trên tay chân người lính xưa tàn tạ
mầu xám đen
trên kỷ niệm phế tàn


em đã trở về nhiều lần
những ngôi nhà rất lạ
những đổi thay đến bàng hoàng
những còn lại vẫn xót xa
chiếc áo rách được vá bằng những miếng gấm xanh đỏ
ai mặc vào cũng đóng được vai hề

Quê hương ơi
người đi mang theo quê hương
nhưng sao lạnh lùng đến thế
cứ nhìn nhau mà chẳng thấy thương nhau
mỗi người là một hạt sương
rơi trên những dòng sông khác
cười khóc cho riêng mình

mang nhau ra đi
như cha mang con lên núi
như mẹ mang con ra khơi
cha mẹ chết cả rồi
chẳng còn ai dậy biết yêu nhau

Quê hương có người bảo còn
có người bảo mất
bồng bế nhau ra đi
mỗi người về một nơi
mỗi nhà một cảnh
mỗi thành phố một bạn bè
“mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục”
muốn chập vào mà phải tách ra

Anh đến chậm từ những trại tù
ai xót thương anh bằng anh tự thương thân
ai nhìn xuống vết thương kiêu hãnh chẩy máu mỗi ngày
anh đi tìm bông băng tự anh cột lại
thỉnh thoảng những tiếng kêu hoan hô, đả đảo
ùa vào trái tim anh
luồn vào vết thương anh
bật tiếng cười khan
anh tự hôn lên nó

Ôi, đến bao giờ da thịt mới lành!
Buổi sáng mùa hạ
mùa hạ hỗn mang
gió santa ana thổi bàng hoàng
trên từng trang báo
bay tung những con chữ nghiệt ngã
vẫn chẳng giữ được nhau
mỗi người về một ngả

ôi mùa hạ hỗn mang
mang cát vào trong gió
thổi về tận quê hương
có người không còn đất đứng
gió thổi bay mái nhà
thổi mắt ai đầy lệ
Bao nhiêu mùa hạ đã đi qua
ai đem cái áo tay dài cắt đi cho ngắn
cắt cả vào thịt da.

( Mùa hạ hỗn mang _ Trần Mộng Tú 2007 )
3.
Mùa hạ năm 2010 hỗn mang như những mùa hạ hỗn mang trên trần thế. Bạn tôi, người lùn mã tử Phạm ngọc Yên ra đi nơi quê nhà. Nhờ cái chết của người bạn cùng khóa xấu số nhất, tôi mới tin rằng những dòng sông chia rẽ rồi sẽ có ngày được nối liền. Không phải nhờ những cái mồm to ngày đêm ra rả, mà là nhờ dòng máu ấm bằng hữu anh em vẫn lặng lẽ chẩy trong huyết quản mỗi người. Phạm Ngọc Yên nằm xuống giữa vòng tay anh em bằng hữu chìa ra từ quê người, nối liền bằng vòng tay thân quen của anh em bằng hữu quê nhà. Cả một đại dương mênh mông còn bắc được cầu, huống gì những dòng sông nước cạn. Huống gì những cái đầu chật hẹp. Huống gì những trái tim đã cạn máu.
Năm xưa, âm vang những bài hợp xướng lồng lộng giữa đồi núi chập chùng, lồng lộng giữa những vọng gác đêm Đông Quan, Đông Đô, Tây Đô, Chúc Động . . . Nay, có ai tin rằng âm vang ấy vẫn lồng lộng giữa những mảnh đất xa xứ, trong những tâm hồn thao thức hằng đêm nhớ đến mái trường nay đã chỉ còn là kỷ niệm, nhớ đến bạn bè kẻ còn người mất ? Người mất thì đã đành nhưng kẻ còn thì sao lắm đứa dửng dưng ?
Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ mẹ ta thì về
Nghe câu hát cũ mà những giọt nước mắt hiếm hoi còn lại cứ muốn chảy ra. Chẳng phải vì câu hát , mà có lẽ là vì người hát chăng ? này đứa giọng trầm, này thằng giọng cao, kìa kẻ cứ khoan thai réo rắt soprano theo nhịp tay của nhạc trưởng.
Bài hát cũ vẫn còn đó. Người xưa nhiều kẻ vẫn còn đây. Nhưng bản hợp xướng đã không còn phần hòa âm làm nên hồn bài hát.
Dầu vậy, dưới tận đáy hồn cải lương của mình, tôi vẫn mơ một ngày nào đó máu sẽ lại chẩy về tim.
Chỉ mong ngày ấy đừng quá muộn màng . . .

T.Vấn
T.Vấn© 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét