Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Mỹ sẽ bán đứng Việt Nam tại Biển Đông?

§ Trần Mạnh Trác
Những diễn biến ngọai giao gần đây đã gây ra một luồng dư luận sôi nổi là phải chăng Mỹ đang muốn liên minh với Việt Nam để đối phó với một nước Trung Hoa đang mưu đồ bá quyền, mà trường hợp trước mắt là những lấn ép lãnh hải tại Biển Đông?
Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên nắm lấy cơ hội nghìn năm một thuở này mà duy tân như nước Nhật đã từng làm.
Dĩ nhiên là, trong một bàn cờ rối như ở Biển Đông thì có một nước cờ mà đi cũng là một niềm vui, dù cho rằng tòan thể thế cờ hình như vẫn còn là một thế kẹt.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là, đây có phải là khởi đầu của một thế cờ mới chăng?
Biển Đông là một bàn cờ có nhiều tay chơi cho nên diễn biến ra sao còn tùy thuộc vào não trạng của từng tay chơi một.
Não trạng của con cọp Trung Hoa khổng lồ thì ai cũng rõ biết, đó là nó đang muốn sổ lồng, nó muốn cả vùng Biển Đông là cái ao tắm của nó.
Não trạng của các nước nhỏ quanh vùng thì rõ ràng là "thủ". Giống như một anh chàng tay không bỗng thấy mình đứng trước một con cọp dữ thì vũ khí chính chỉ là tiếng hét mà thôi.
Còn não trạng của "con cọp giấy" Hoa Kỳ (tên mà Mao đặt cho Mỹ năm 1956) là gì?
Vì đây là một tay chơi vừa nhập cuộc cho nên việc tìm hiểu anh ta cho rõ ràng là rất cần thiết.
Nếu có thể lấy lịch sử mà đóan trước tương lai, thì nước Mỹ là một nước luôn luôn hành động và trung thành theo đuổi một tư tưởng "thịnh thời". Những tư tưởng này có nhiều hình thức và tên gọi khác nhau (như lý thuyết, chương trình, sách lược) nhưng chung qui thì đó là một lọai đồng thuận phát sinh ra bởi một môi trường tự do tư tưởng, lưỡng đảng và chính sách minh bạch mà ra.
Thử nhìn lại một số tư tưởng "thịnh thời" gần gũi với chúng ta nhất.
George_C._Marshall.jpg
Sau thế chiến thứ hai, người Mỹ tin rằng để chống lại chủ thuyết Cộng Sản đang phát triển mạnh trong các nước bị tàn phá thì điều cần phải làm là tái thiết. Do đó họ đã bỏ ra 44.3 tỷ Mỹ Kim từ năm 1945 cho đến 1953 để phục hồi nền kinh tế Âu Châu. Những chương trình viện trợ đó thường được gọi chung là Marshall Plan (Truman, 1948).
Marshall Plan không những chặn đứng Cộng Sản ở Châu Âu mà còn đưa Tây Âu đến một thời cực thịnh chưa từng thấy, và đó cũng là lý do gián tiếp của sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết sau này.
Bên phía Á Châu thì người Mỹ tin rằng với những quốc gia nhược tiểu nhưng có nhiều liên hệ về văn hóa lịch sử như Trung Hoa, Việt Nam,Thái Lan và Mã Lai, thì một quốc gia bị đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ dính chùm của các quốc gia khác. Dwight D. Eisenhower đặt tên lập luận đó là lý thuyết Domino (Domino Theory, 1954.) vì nó giống như một hàng domino, một con cờ bị lật sẽ dồn những con cờ khác lật theo.
Vì vậy suốt từ năm 1950 cho tới 1980 người Mỹ đã không tiếc tiền đổ vào miền Đông Nam Á để be bờ, ngăn chặn. Những nỗ lực này thất bại vì Trung Hoa và bán đảo Ấn Trung (trong đó có Việt Nam) đã bị mất, nhưng đổi lại các quốc gia khác trong vùng như Thái Lan, Mã lai, Ấn Độ và Indonesia đã có đủ thời gian để tự cải tiến và vượt qua cái hấp dẫn của chủ nghĩa Cộng Sản.
Sự kiện chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975 tuy bị coi là một thất bại của lý thuyết Domino nhưng thực ra nó còn là hệ lụy của một chủ thuyết mới ở Mỹ. Lúc này người Mỹ đã nhận ra rằng cả hai bên Tư Bản và Cộng Sản đã phát triển vũ khí hạt nhân nhiều đến nỗi, ngay cả lực lượng trừ bị lọai thứ ba cũng đủ sức tiêu diệt tòan thể nhân lọai nhiều lấn (nghĩa là nếu một nước bị tấn công bất ngờ và lực lượng nguyên tử lọai tấn công bị tiêu diệt tới hai lần liên tiếp thì lực lượng nguyên tử lọai thứ ba cũng vẫn có thể tự sát cả thế giới.) Trong một bối cảnh như thế thì chiến thắng là vô nghĩa và do đó con đường phải đi là hòa hõan với nhau (Detente), cuộc chiến về quân sự đã lỗi thời và chiến tuyến mới chính là kinh tế. Từ năm 1969 cho tới 1977 Nixon và Kissinger đã làm hòa với Nga, làm bạn với Tàu để mở rộng thị trường trong một chính sách hòa hõan và xáp lại gần nhau (Detente and Rapprochement). Việt nam là một con cờ lỗ lã trong nước cờ kinh tế này, và vì thế mà bỏ đi càng sớm thì càng tốt.
Từ năm 1981 cho đến 1989 sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ đã vững mạnh đến nỗi Reagan có thể chủ trương "Hòa Bình trong thế mạnh" (peace through strength). Ông không để cho Liên Bang Xô Viết rảnh tay lo việc kinh tế nữa bằng cách giáp công ba mặt: (1) Không bán cho LBXV những kỹ thuật cao, (2) cạnh tranh hàng hóa để mặt hàng LBXV mất giá và (3) tăng cường chi phí quốc phòng làm cho LBXV phải chạy đua. Trong những năm sau cùng của cuộc chiến tranh lạnh, Moscow đã phải chi tới 25% GDP (tổng sản lượng quốc gia) cho kinh phí quân sự mà vẫn không theo kịp Mỹ trong khi tòan dân đói khát phải xếp hàng cả nửa ngày để mua được một mẩu bánh mì. Cuộc chiến đã kết thúc không một tiếng súng trong thời Tổng Thống Bush (cha).
Từ đó cho đến nay, Những tin tưởng cuả Hoa Kỳ vẫn phản ảnh những ưu tiên đã có từ thời Nixon và Kissinger. Nghĩa là vẫn tìm thị trường phát triển bằng cách kết thân với Trung Quốc. Nhưng với sự chỗi dậy của Nga và sự phát triền hải quân của Tàu mới đây, nhiều lý thuyết gia Mỹ đã bắt đầu đặt lại phương trình.
George_Friedman.jpg
Một lý thuyết gia được nói tới nhiều là George Friedman. Trên tạp chí hàng đầu của giới trí thức Mỹ, khi người ta đăng bài của Tổng Thống Obama về những kỳ vọng của 40 năm sắp tới, ngay bên cạnh người ta cũng đăng ý kiến của ông về viễn ảnh thế giới 40 năm sau (The Smithsonian, special issue, Our 40th Anniversary 1970-2010.)
Có thể gọi ông là một quân sư vì ông là chủ tịch của một hãng tình báo tư, hãng STRATFOR. Hãng của ông cung cấp tình báo cho các chính phủ và các cơ sở thương mãi. Đây là hãng tư nhân duy nhất được nối mạng với hệ thống chiến tranh giả định của chính phủ HK (Joint Theater Level Simulation by the Joint Warfighting Center.)
Không rõ ông có tiếng nói gì trong những chính sách của Obama hay không, nhưng là một tiến sĩ chính trị tại Cornell University, ông đã viết nhiều sách tiên đóan về tương lai thế giới như The Next 100 Years, America's Secret War, The Intelligence Edge, and The Future of War.
Ông là người duy nhất trong các tác giả hiện đại đã tính tóan một vấn đề dựa trên các dữ liệu của cả hai yếu tố kinh tế và quân sự.
Những tiên đoán của ông có khi lạ lùng khó tin, nhưng quan trọng không phải là ở sự việc có xảy ra hay không, hoặc sẽ xảy ra đúng ngày giờ không, mà là những yếu tố cấu tạo ra sự việc có tính cách thuyết phục hay không.
Ông tiên đoán:
- Năm 2020 Nước Tàu sẽ phân chia.
- Năm 2050 Thế chiến thứ 3 sẽ xảy ra giữa các liệt cường là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Nhật.
Tại sao Ba Lan (nền Kinh Tế thứ 21 trên thế giới) sẽ trở thành liệt cường trong vòng 40 năm thì đó là việc cần phải chờ xem và Friedman cũng không đưa ra nhiều chứng cớ rõ ràng. Tuy nhiên ông nói Ba Lan vì ở giữa hai gọng kìm Đức và Nga cho nên sẽ luôn luôn là đồng minh trung thành của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ (nền Kinh Tế thứ 17) là nước tiền tiến nhất của khối Hồi Giáo, có quân đội hùng mạnh nhất Châu Âu, đang là một thế lực hải quân ở Địa Trung Hải, sẽ có thể trở thành trung tâm của khối Hồi Giáo và sẽ cần một lực lượng hải quân rộng hơn để nối liền các quốc gia hồi giáo quanh vùng Ấn Độ Dương.
Về việc nước Tầu, Friedman cho rằng Trung Hoa sẽ không thể trở thành một đe dọa cho Mỹ vì trong sân nhà của Trung Hoa sẵn có một tỷ người đang đói rách, khác chủng tộc, và sống trong các vùng khô cằn. Một quốc gia với vóc dáng kinh tế và quân sự chưa vững vàng như vậy thì việc lo nội trị đã đủ là một vấn đề rồi. Chưa kể đó là những yếu huyệt sẽ quật ngã Trung Hoa nếu chiến tranh tòan diện xảy ra, cho nên Trung Hoa sẽ tránh những đụng độ lớn.
Nước Nhật là quốc gia có nền kinh tế ngang ngửa với Trung Hoa, nhưng dân Nhật đòan kết, nền kinh tế và quân sự vững bền. Con đường sống của Nhật là hàng hải cho nên họ ưu tiên phát triển hải quân và đang đứng đầu Á Châu. Mỗi năm chi phí quốc phòng của Nhật là 45.8 tỷ, chỉ sau Hoa Kỳ và Anh Quốc, to gấp rưỡi chi phí của Tẩu (29.9 tỷ). Quan trọng hơn, kinh phí đó chỉ là 1% GDP của họ, có nghĩa là họ có thể tăng gấp 3 lực lượng hải quân một cách dễ dàng (Mỹ 3.6% GDP kể chung các binh chủng.)
Friedman không đề cập nhiều đến Ấn Độ và Ba Tây. Có thể ông cho rằng Ấn Độ sẽ không bao giờ thách thức Mỹ, hoặc như nhiều nhà phân tích khác (i.e Joel Kotkin) thì Ấn Độ sẽ không tiến xa chỉ vì xã hội Ấn luôn luôn phân hóa. Còn Ba Tây thì cho đến nay vẫn chưa là một hải lực quan trọng.
Friedman tiên đóan Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật sẽ thách thức sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ và cuộc chiến sẽ khởi đầu bằng những đụng độ trên không gian để tiêu diệt vệ tinh viễn thông của nhau.
Như đã nói ở trên, những tiên đóan của Friedman lạ lùng và khó tin, nhưng quan trọng không phải là ở sự việc có xảy ra hay không mà là những chứng cớ gây nên sự việc có sức thuyết phục hay không. Về điểm này thì hầu như các bình luận gia của Mỹ đồng ý với nhận xét của Friedman về hai nước Nhật và Tầu, ít ra là chưa có nhiều ý kiến đối lập.
Thế kỷ 21 cho thấy tầm quan trọng về kinh tế của khu vực Thái Bình Dương, số lượng giao thương đã vượt qua Đại Tây Dương.
Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất tiếp cận với cả hai đại dương cùng một lúc, và là cường quốc duy nhất kiểm sóat tất cả các mặt biển trên trái đất. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ tùy thuộc vào Hải Quân. Cho nên sẽ không ai được thách thức Hải Quân của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ kềm giữ những ai có tham vọng phát triển Hải Quân để trở thành một mối lo cho họ.
Hoa Kỳ trong một tương lai gần sẽ vẫn là vô địch về kinh tế và quân sự. Trong vòng 40 năm tới, dân số Hoa Kỳ sẽ trẻ lên 42%, trong khi Trung Hoa già đi 10%, Âu Châu già đi 25% Nam Hàn già đi 30% và Nhật 40% (Theo ước tính cùa sở kiểm tra dân số Hoa Kỳ.) Sự trẻ trung hóa đó cộng với một nền giáo dục thúc đẩy công nghệ cao (các trường Đại Học Mỹ đào tạo nhiều kỹ sư hơn Ấn Độ và Nhật xét theo cả hai hai phương diện tỳ số và số lượng,) cộng với yếu tố đất rộng, nhiều tài nguyên nội địa, là những lý do giúp Hoa Kỳ duy trì vị thế độc tôn này.
Nếu giới quân sự Mỹ đồng ý với Friedman về những thế lực có thể thách thức sức mạnh của Mỹ trong tương lai thì quốc gia mà Mỹ sẽ lưu tâm trong vùng Thái Bình Dương là Nhật chứ không phải là Trung Hoa. Và lý do Mỹ phải bảo vệ đường biển tại Biển Đông là có chủ ý không cho Nhật có cái lý do là cần phát triển hải quân thêm nữa để bảo vệ lấy mình.
Một khi Trung Quốc nhượng bộ quyền hải lưu của Nhật và Mỹ vừa đủ, thì thái độ của Hoa Kỳ sẽ lập tức đổi chiều. Mỹ vẫn coi trọng thị trường rộng lớn của Trung Hoa và vẫn coi Trung Hoa là không nguy hiểm.
Việt Nam trở nên quan trọng với Mỹ chỉ vì Trung Quốc đã đi quá đà cần phải điều chỉnh lại. Nhưng sự quan trọng này là tạm bợ và không thỏai mái vì kinh nghiệm đã làm cho Mỹ không tin vào Việt Nam được. Sự liên kết hay tương trợ này chỉ có thể kéo dài nếu Việt Nam được sự hậu thuẫn chính trị tại chính nước Mỹ và, tuy chưa đủ khả năng kiểm sóat Biển Đông thì cũng phải có khả năng phá thối.
Nhìn vào thế cờ Biển Đông, cho đến khi Việt Nam thực sự là một tay chơi có bản lĩnh và căn cơ, Việt nam vẫn chỉ là một nước cờ người khác tạm dùng.
Và nếu thực sự như vậy, thì những lạc quan của người Việt khắp nơi vẫn giống như những giọt bọt bèo mau vỡ mà thôi.
Trần Mạnh Trác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét