Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Biển Đông và quan hệ Việt-Mỹ-Hoa

Thời gian vừa qua có một vài sự kiện thời sự xảy ra liên quan đến Biển Đông đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài Nước. Khởi đầu là lời tuyên bố của bà Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề các tranh chấp Biển Đông, theo đó Mỹ sẽ xem nổ lực cho vấn đề Biển Đông là một ưu tiên ngoại giao hàng đầu (leading diplomatic prirority) và sẳn sàng giúp các quốc gia liên quan thương lượng về một quy ước hành xử (code of conduct in the water) trong vùng biển này. Kế đến là báo Wall Street Journal ngày 5/8 đăng tin Giám Đốc Viện Nguyên tử năng VN (Vietnamese Atomic Energy Institution), ông Vương Hữu Tân, cho biết rằng Mỹ và VN đã khởi sự thảo luận từ hồi tháng 3 về trao đổi kỹ thuật và nhiên liệu nguyên tử để giúp VN phát triển năng lượng nguyên tử. Ông Tân hy vọng là việc đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Tuy nhiên ông Tân cũng thêm rằng thật ra VN chưa có kế hoạch để làm giàu uranium mà chỉ tập trung vào vấn đề sử dụng nguyên tử như năng lượng thôi. Sau nữa lại có tin thêm về chiến hạm John Seniro McCain của Mỹ ghé cảng Đà Nẳng vào ngày 10/8, và các viên chức quân sự VN được mời thăm Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử USS George Washington, đang hiện diện ngoài khơi Biển Đông, trong một chương trình 4 ngày trao đổi việc huấn luyện hải quân hai nước trong công tác cấp cứu và chữa lữa. Những sự kiện và tin tức xảy ra liên tiếp như vậy đã dấy lên trong dư luận niềm hy vọng rằng Mỹ đang có những chuyển hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình đối với Đông Nam Á, và sự chuyển hướng đó có thể có lợi cho VN trong việc đối phó với những áp lực từ phiá TQ.
Trước hết là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ.Tại cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp Hội các Nước Đông Nam Á, trước sự hiện diện của 27 thành viên Diễn Đàn Khu Vực của Hiệp Hội, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố là “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia nằm trong sự tự do lưu thông và ra vào các vùng biển chung của Á Châu, và tôn trọng luật quốc tế trong vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Hoa Kỳ hổ trợ cho một quá trình ngoại giao hợp tác, không bị áp đặt, của tất cả các bên, trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải, và Hoa Kỳ chống lại việc đe doạ hay sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào liên quan ("the United States has a national interest in freedom of navigation, open access to Asia's maritime commons, and respect for international law in the South China Sea. The United States," said Clinton, "supports a collaborative diplomatic process by all claimants for resolving the various territorial disputes without coercion and opposes the use or threat of force by any claimant."[i]Tuyên bố đó rõ ràng có những ý nghiã ngoại giao và quốc phòng quan trọng cho các nước ở ĐNA nói chung và tất nhiên cho cả VN. Nó thể hiện chính sách mới của Mỹ, đã được dự liệu từ trước, đối với khu vực Đông Nam Á; một chính sách ít nhiều đem lại lợi thế cho VN trong việc đối phó với Trung Quốc.
Từ lâu nay, điểm căn bản trong chính sách đối ngoại của VNCS liên quan đến vấn đề Biển Đông là cố tránh phải thương lượng tay đôi với Trung Quốc, nổ lực để lôi kéo nhiều nước ĐNA vào cuộc nhằm giảm bớt áp lực của nước khổng lồ này. Việc VN gia nhập ASEAN, ngoài mục đích để thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập trước kia về kinh tế-ngoại giao, còn có thêm mục đích vừa nêu. VN đã liên tục cố gắng dựa lưng vào các thành viên khác trong khối ASEAN để đối phó với sự lấn tới của Trung Quốc. Cũng chính do đòi hỏi của ASEAN mà Trung Quốc vào năm 2002 đã thoả thuận ký, tuy rằng hơi miễn cưỡng, một văn bản về cách hành xử và giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các phương cách hoà bình. Năm ngoái, 6/5/2009, cũng với chủ trương liên kết với các thành viên ASEAN, VN đã cùng đệ trình chung với Malaysia lên Uỷ Ban về Giới hạn Thềm Lục Điạ của Liên Hiệp Quốc (Commision on the Limits of Continental Shelf, CLCS) về giới hạn 200 hải lý của khu vực độc quyền kinh tế (exclusive economic zones) của VN tính từ thềm lục địa. Trước đó VN đã mời Philippines cùng đệ trình chung, nhưng đại diện Philippines đã từ chối. Lý do chính, có lẽ là vì giữa Philippines và VNCS có sự trùng lặp trong tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Trường Sa. Cũng có thể là ít nhiều kế ly gián của TQ đối với các quốc gia trong khối ASEAN đã phát huy tác dụng. Lần này trong tư cách là quốc gia đương kim chủ tịch ASEAN, VN đã khéo léo đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình (agenda) của diễn đàn ARF để tạo cơ hội cho Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng.
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA CHÍNH PHỦ OBAMA
Trước hết, tuy nhìn bề ngoài thì chính sách đối ngoại của các chính phủ Mỹ, thuộc cả hai đảng cầm quyền, có vẻ thống nhất với nhau về một số mục tiêu quốc tế quan trọng, thiết yếu đối với quyền lợi quốc gia của Mỹ. Nhưng sâu bên trong, về căn bản lý luận mỗi chính phủ thường thiên về một trong hai trường phái: bảo thủ và cấp tiến. Sự khác biệt chính của hai trường phái ấy là cách nhìn nhận mối tương quan giữa Mỹ và các quốc gia khác.
Vắn tắt, phái bảo thủ cho rằng quyền lợi quốc gia của Mỹ phải được bảo vệ bằng mọi phương cách xét thấy thích hợp đối với người Mỹ, không cần thiết phải đặt vấn để quyền lợi ấy trong bối cảnh quốc tế hay phải quan tâm đến quan điểm của các quốc gia khác liên quan đến từng trường hợp. Nghĩa là người Mỹ có quyền, khi cần, đơn phương quyết định (unilateralism), không cần phải tham khảo một quốc gia nào khác, kể cả đồng minh. Phái bảo thủ tuy cũng có chú ý đến việc truyền bá các giá trị lý tưởng của Mỹ như Dân chủ, Tự do ra ngoài, nhưng không đặt việc truyền bá đó thành trọng tâm của chiến lược đối ngoại. Khuynh hướng chung của phái bảo thủ là giới hạn việc can thiệp vào những vấn đề quốc tế; nhất là đối với những vấn đề không liên quan thiết thân đến chiến lược của Mỹ trong đoản kỳ trước mắt. Chính sách của phái bảo thủ, do đó, thường không mang tính cách toàn diện và dài hạn, mà thường chỉ là những chính sách ngắn hạn, đáp ứng với tình hình đối nội và đối ngoại của từng giai đoạn. Phương cách mà giới bảo thử dùng để đạt các mục tiêu của chính sách đối ngoại có phần nặng về áp đặt, dùng “cây gậy” nhiều hơn là “củ cà rốt”. Các nhà bình luận thường gán cho chính sách đối ngoại của trường phái bảo thủ là Hard Power Policy. Điển hình cho quan điểm đó là quyết định của chính phủ Bush tấn công Iraq, không cần sự đồng ý của các đồng minh Âu Châu. Hoặc từ chối tham gia Hiệp ước Kyoto, hay đơn phương rút lui khỏi Hiệp ước Chống Hoả tiển Đạn đạo (Anti-Ballistic Missle Treaty). Chính sách đối ngoại Hard Power của chính phủ Bush đã bị phê phán; nhiều người cho rằng chính sách đó đã khiến Mỹ mất bớt đồng minh, bỏ trống nhiều địa bàn quốc tế chiến lược quan trọng, tạo nhiều cơ hội tốt cho Trung Quốc, một cường quốc đang lên, mở rộng ảnh hưởng và tăng cường sức mạnh.
Phía khác là trường phái cấp tiến, hay còn gọi là liberal internationalism. Những đại biểu của phái này là TT Wilson, người đề xướng ra Hội Quốc Liên; là TT Kenedy với việc lập ra Peace Corp cùng chủ trương cổ xuý và truyền bá Dân chủ; với TT Bill Clinton trong việc can thiệp vào Bosnia vì lý do nhân đạo, và thành hình Khối Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA) v.v…Vắn tắt, phái cấp tiến cho rằng Mỹ phải bảo vệ quyền lợi và địa vị của mình bằng cách tích cực tham dự vào các vấn đề quốc tế, tiếp cận với mọi quốc gia và truyền bá rộng rãi các giá trị lý tưởng căn bản của mình như Dân chủ, Tự Do và Nhân quyền ra khắp thế giới. Phái cấp tiến quan tâm đến việc phát triển và bảo vệ các định chế quốc tế (như Liên Hiệp Quốc), tìm cách thiết lập các quan hệ đồng minh, và sẳn sàng đương đầu với mọi thách thức quốc tế nảy sinh. Chủ trương của phái cấp tiến hoàn toàn tương phản với chủ trương cô lập (isolationism) vốn rất thịnh hành trước Đệ Nhất TC và về sau này vẫn là một phần của phái bảo thủ. Phái cấp tiến tự xem chính sách đối ngoại của mình là Smart Power Policy, một chính sách vận dụng tổng hợp mọi lãnh vực: quân sự, văn hoá, kinh tế, kỹ thuật vào trong một mặt trận ngoại giao toàn diện để bảo vệ quyền lợi và duy trì ưu thế quốc tế của Mỹ. Phương cách của trường phái cấp tiến này nặng về thuyết phục hơn là áp đặt.
Ngay từ trước khi nhậm chức, chính phủ Obama đã quyết định chọn Smart Power Policy là đường lối đối ngoại của mình. Những gì diễn ra sau đó như: diễn văn TT Obama đọc ở Cairo, thủ đô Ai Cập, nhắn gởi với khối Hồi Giáo; hoặc việc tỏ ra tôn trọng các quy định quốc tế về tù nhân, hay quan tâm đến vấn đề hâm nóng quả đất; hoặc tái lập quan hệ thân hữu với Cộng Đồng Âu Châu mà trước đó đã bị rạn nứt do vấn đề chiến tranh Iraq, v.v…là sự thể hiện bước đầu của chính sách mới. Đáng chú ý là mức độ quan tâm của chính phủ mới đối với Á Châu; nhất là vùng Đông Nam Á, là nơi mà chính phủ tiền nhiệm đã đối xử lơ là (Ngoại trưởng Rice không hề dự một phiên họp nào của khối ASEAN, và chính dưới thời của TT Bush mà Mỹ đã bị âm thầm gạt ra khỏi các hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và TQ đã gia tăng vai trò ở đó).
Những gì bà Ngoại trưởng Clinton phát biểu ở ARF liên quan đến việc quốc tế hoá Biển Đông không phải là điều ngẫu nhiên. Nếu để tâm theo dõi sẽ thấy ngay rằng quan điểm đó của Bà chỉ là triển khai thêm một cách cụ thể đường lối đối ngoại của Mỹ ở Á Châu đã được đề cập đến trước đó trong một bài diễn văn khác mà Bà đọc tại East-West Center ở Hawai, nhân kỷ niệm 50 năm của trung tâm này, hồi tháng Giêng năm 2010. Đó là bài diễn văn nêu rõ lập trường của chính phủ Obama về các nguyên tắc và những điều ưu tiên cho việc kiến tạo trật tự ở Á Châu (Regional Architecture of Asia: Principles and Priorities), trong đó các đồng minh sẳn có của Mỹ ở trong Vùng (Úc, Philippines, Thái, Singapore) sẽ đóng vai trò trung tâm, Mỹ sẽ ủng hộ mọi hợp tác và đối thoại đa phương, hậu thuẩn cho vai trò then chốt và thống nhất của khối ASEAN, và mở rộng việc tiếp cận (expanding engagement) với một Trung Quốc đang vươn lên. Bà Clinton nhận định rằng tương lai của Mỹ gắn liền với tương lai của Á Châu; và ngược lại sự hiện diện của Mỹ như một đối tác kinh tế năng động và một ảnh hưởng ổn định về quân sự là một điều rất có lợi cho Á Châu.[ii]Hillary Clinton nhấn mạnh việc hình thành cấu trúc khu vực mới, có tính chất đa cực với sự hiện diện của nhiều cường quốc (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga) nhưng không một cường quốc nào trở nên mạnh nhất và chiếm vai trò thống trị. Mỹ sẽ tham gia tích cực hơn trước vào các định chế hiện thời ở Á Châu, như EAS, ASEAN, APEC, ASEAN+3(ASEAN với TQ, Nhật, Nam Hàn), SCO( Shangai Cooperation Organzation, do TQ, Nga và một số quốc gia Trung Á lập ra); nhất là với ASEAN, tổ chức được Clinton xem là then chốt, nhằm giúp gia tăng hiệu năng của những định chế đó, góp phần duy trì trạng thái cân bằng và ổn định cho khu vực.
Rõ ràng bài diễn văn của Ngoại trưởng Clinton ờ East-West Center có một ý nghĩa quan trọng đáng chú ý trong chính sách của Mỹ đối với Á Châu trong thời gian sắp tới, có sức hấp dẫn mạnh đối với giới lãnh đạo của các quốc gia Á Châu, đặc biệt là các quốc gia ở ĐNA, nơi mà sự lớn mạnh của TQ đang bắt đầu đe doạ nền an ninh và chủ quyền của nhiều nước trong Vùng. Riêng đối với VN, Bà cũng đã đề cập đến trong một câu ngắn gọn: “We are working on strengthening our partnerships with newer partners like Vietnam and longstanding partners like Singapore” (Tạm dịch: Chúng tôi đang tăng cường sự hợp tác với những đối tác mới như VN và những đối tác lâu đời như Singapore.). Cách nào đó, bài diễn văn của bà Clinton là bước nối tiếp của việc trước đó hồi tháng 7/2009 khi Mỹ ký tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (Treaty of Amity and Co-operation, TAC) của khối ASEAN, một việc đã bị chính phủ Bush trì hoãn chỉ vì một nguyên tắc căn bản trong Hiệp ước là bất can thiệp vào việc nội bộ của quốc gia thành viên (non-interference in other countries’ domestic affairs)(. Nhiều người ngại rằng nguyên tắc đó sẽ cản trở Mỹ phản ứng đối với tình hình ở Miến Điện. Nhưng việc ký vào TAC lại là một trong 3 đòi hỏi cần thiết cho việc gia nhập Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS), là hội nghị mà nay chính phủ Obama, trong nổ lực “ quay lại Á Châu”, muốn tham gia vào. Những cường quốc khác, không thuộc khối ASEAN, như TQ, Nga, Ấn Độ và Pháp đều đã ký tham gia TAC từ lâu. Điểm quan trọng trong việc ký vào TAC là sự cam kết đối với các mục tiêu đề ra của ASEAN và sự thừa nhận đối với quá trình đa phương (multilateral processes) của tổ chức đó. Như vậy có thể nói rằng bài diễn văn của bà Clinton và việc ký TAC là những bước quan trọng trong việc Mỹ công bố chính sách của mình đối với Á Châu. Càng có ý nghĩa hơn nữa nếu đem đối chiếu những động thái mới đó của Mỹ với  việc suốt 13 năm qua Mỹ đã hầu như hoàn toàn bỏ mặc ĐNA và Á Châu kể từ sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 1997.

Vùng mà khi đề cập đến ĐNA chính phủ Mỹ thường đặt quan tâm lên hàng đầu là Biển Đông. Biển Đông nằm trên một tuyến hàng hải rất quan trọng, kéo từ Ấn Độ Dương, qua eo Malacca, qua Thái Bình Dương, lên tới Đài Loan, liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá của Nhật, Úc, Tân Tây Lan và nhiều nước khác trên thế giới và sự tuần tra thường xuyên của các chiến hạm Mỹ. Lượng lưu hành qua tuyến hàng hải này chiếm 1/3 của lượng hàng hoá lưu hành trên biển của toàn thế giới, có cả dầu hoả từ Trung Đông về. Từ lâu các chính phủ Mỹ đều bày tỏ mong muốn về sự ổn định, an toàn đi lại và giải quyết các tranh chấp bằng phươg pháp hoà bình. Trước đây thời Tổng Thống Reagan và TT Bush senior cũng đã tỏ rõ lập trường như vậy. Mặc dầu vậy các năm tiếp theo, Trung Quốc vẫn ngang nhiên lấn hiếp các quốc gia trong vùng. Điển hình nhất là năm 1994 Trung Quốc đã chiếm dụng Mischief Reef (Đảo Vành Khăn) thuộc quần đảo Trường Sa. Mischief Reef đã được ngư dân Philippines xử dụng từ lâu, và chỉ cách Palawan chừng 130 miles, nghiã là nằm trong Exclusive economic zone (EEZ) của Philippines. Lần đó, Philippines phản đối dữ dội, tất nhiên là bằng miệng, và Mỹ thì im lặng tuy rằng hai bên là đồng minh thân cận lâu đời. Trước đó tháng 3/1988 Trung quốc đã đánh đắm một tàu hải quân Việt Nam, giết chết hơn 70 người, tại đảo Johnson South Reef (Đảo Gạc-ma), cũng thuộc quần đảo Trường Sa. Những năm gần đây, Trung Quốc công khai tuyên bố chủ quyền và thành lập đơn vị hành chánh thu gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó nữa, TQ còn đi xa hơn cho rằng Bìển Đông (South China Sea) thuộc về quyền lợi cốt lõi (core interest) của mình. Năm 2009, TQ đơn phương công bố lệnh tạm đình chỉ các hoạt động ngư nghiệp trong vùng biển quanh đảo Trường Sa.

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN THẾ GIỚI
TQ đã biết vận dụng một cách rất khéo léo sức mạnh kinh tế của mình vào lãnh vực ngoại giao, gia tăng uy tín và ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, dần dần vượt qua các cường quốc khác như Nga, Anh, Đức, Pháp và đang ngày càng trở nên một đối thủ đáng ngại của Mỹ.
Ngay lúc những dòng này được viết ra thì tổng khối lượng kinh tế của TQ đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau có Mỹ, với tổng GDP lên đến 1,330 tỉ dollars trong tam cá nguyệt thứ hai của năm 2010 này, trong lúc GDP của Nhật trong cùng thời kỳ là 1,280 tỉ dollars. Cả năm 2009 thì GDP của TQ là 4,900 tỉ dollars; Nhật bản là 5,067 tỉ, và Mỹ là 14,256 tỉ dollars.
Số liệu của năm 2007 cho thấy, trị giá xuất cảng của TQ ra toàn thế giới đã vượt qua Mỹ: 1,218 tỉ dollars so với 1,162 tỉ dollars. Tổng trị giá đầu tư nước ngoài (FDI) của TQ tính đến năm 2007 lên đến gần 100 tỉ dollars[iii].  Năm 2008 tổng trị giá mậu dịch của Mỹ đối với TQ là 433 tỉ dollars, trong đó nhập khẩu là 348 tỉ và xuất khẩu chỉ có 86 tỉ dollars. Nghĩa là Mỹ đã bị khiếm hụt mậu dịch với TQ đến 262 tỉ dollars.[iv] Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nghĩa là nước đang mua nhiều các công khố phiếu dài hạn của nước này, theo số liệu mới đây là đến hơn 867 tỉ dollars, chưa kể khoảng hơn 400 tỉ ngân phiếu TQ mua từ hai công ty tài trợ địa ốc do chính phủ Mỹ đỡ đầu là Fannie Mae và Freddie Mac! Tổng cộng Mỹ đang nợ của TQ gần 1,300 tỉ dollar!
Những số liệu trên nói lên sức mạnh kinh tế lớn lao hiện nay của TQ, và TQ đã xử dụng sức mạnh kinh tế để đó gây ảnh hưởng đối với các quốc gia khác thông qua các công cụ: Đầu tư, viện trợ nhân đạo, các chương trình trao đổi văn hoá, tham gia các dự án song phương hay đa phương, và ngoại giao. Người ta thường gán cho chính sách đối ngọai của TQ là thuộc về dạng Soft Power Diplomacy, một từ được dùng đầu tiên bởi Joseph Nye, cựu phụ tá bộ trưởng Quốc phòng và Viện trưởng Havard, tác giả quyển sách nổi tiếng ra năm 2004 Soft Power: the Mean to Success in World Politics. Vắn tắt thì soft power là dùng sự thuyết phục thay cho cưỡng ép (persuasion rather than coercion), tìm cách gây ảnh hưởng thông qua trao đổi văn hoá, viện trợ kinh tế với điều kiện dễ dàng, đầu tư, tham gia các hoạt động đa quốc gia, tránh không áp đặt một cách thô bạo các giá trị lý tưởng như dân chủ-nhân quyền lên các nước khác, không phê phán công việc nội bộ kẻ khác.
TQ cũng đã cố gắng gây dựng một hình ảnh đẹp về mình đối với dân chúng khắp thế giới thông qua các hoạt động trao đổi văn hoá, dạy tiếng Hoa, giúp huấn luyện các viên chức hành chánh ,và  ngay cả giúp đào tạo thông tín viên truyền thông cho các quốc gia đang phát triển. Hiện TQ đã thiết lập hơn 500 Viện Khổng Tử (Confucius Institutes) ở tại hơn 70 quốc gia trên thế giới để giới thiệu nét đặc trưng văn hoá của mình. Hàng ngàn trường dạy tiếng Hoa được chính phủ TQ trợ cấp mở ra tại nhiều nước trên thế giới. Từ nhiều năm qua số lượng học sinh các nước ghi danh học tại các đại học TQ đã gia tăng rất nhanh. Như Indonesia hiện có số du học sinh học tại TQ bằng với số du học sinh học ở Mỹ. Nhiều du học sinh hoặc nhận được giúp đỡ tài chánh, hoặc được những học bổng hào phóng của Bắc Kinh trong thời gian du học tại TQ. Thái Lan hiện cũng gởi nhiều du học sinh qua TQ học hơn là gởi qua Mỹ. Nhiều viên chức Thái Lan lại còn công khai tỏ ra hảnh diện về tổ tiên gốc Trung Hoa của mình. Ngay cả Philippines, trước là thuộc địa và sau này là đồng minh của Mỹ, hiện cũng đang có khuynh hướng ngã theo TQ; nhất là từ năm 2005 sau khi Philippines rút quân tham chiến ở Iraq về và quan hệ với Mỹ trở nên lạnh nhạt từ đó. Philippines cũng là nước duy nhất trong khối ASEAN công khai, ngay sau tuyên bố của ngoại trưởng Clinton, không ủng hộ sự dính líu của Mỹ vào các tranh chấp ở Biển Đông.[v]
Ø  Đối với Đông Nam Á
TQ đã chọn ĐNA làm mục tiêu đầu tiên cho việc mở rộng ảnh hưởng của mình vào ĐNA, và sau đó ra các nơi khác.TQ đã tìm cách gia tăng các hoạt động mậu dịch và tài chánh đối với các nước trong vùng; đặc biệt nhất là đối với những đồng minh truyền thống của Mỹ, cố tìm cách để trung hoà ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đối với các quốc gia đó với những thủ đọan tài chánh tinh vi. Như cách đây mấy ngày, TQ đã ký với Singapore, một trung tâm của thị trường tài chánh Á châu, thành lập một quỹ trao đổi tiền tệ trị giá 150 tỉ nhân dân tệ (hơn 22 tỉ dollars). Mục đích chính của quỹ đó là giúp giới nhập cảng của các quốc gia trong khu vực có thể nhập cảng hàng TQ dùng đồng nhân dân tệ mà không phải xử dụng dollars làm tiền tệ trung gian trong giao dịch quốc tế. Trước đó, TQ cũng đã thành lập những quỹ tương tự như vậy với Thái Lan, và đề nghị với nhiều nước khác. Rõ ràng các loại quỹ như vậy (gọi là currency swaps) nếu được áp dụng mở rộng sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng kinh tế của TQ, đồng thời đẩy lùi vai trò tiền tệ quốc tế của đồng dollars.
Trung Quốc cũng đã thành công trong việc thành lập khu vực tự do mậu dịch (Free Trade Area) với khối ASEAN. Mức độ trao đổi mậu dịch giữa hai bên, TQ & ASEAN, trong khoảng từ năm 2001 đến 2009, đã tăng từ 41.6 tỉ lên đến 213 tỉ dollars; với đà đó thì đến năm 2012 mậu dịch của TQ sẽ vượt quá mậu dịch của Mỹ đối với khối ASEAN. Năm ngoái TQ cũng đã cùng với ASEAN thành lập một quỹ hợp tác đầu tư trị giá 10 tỉ dollars dùng cho các dự án về hạ tầng cơ sở, năng lượng, kỹ thuật tin học và viễn thông[vi].
TQ cũng gia tăng viện trợ cho các quốc gia trong Vùng, như Lào, Campuchia, Miến Điện. Viện trợ cho các nước này thường tập trung vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống, bến cảng và các cơ sở năng lượng. Lối viện trợ của TQ có những điểm hấp dẩn khác xa với lối viện trợ thường có của các quốc gia Âu-Mỹ. Trước hết, những viện trợ cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở dễ gây những ấn tượng tốt cho dân chúng ở các nước nhận viện trợ; tuy rằng trên thực tế việc xây dựng cầu đường bến cảng mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho dân địa phương, mà còn cho cả việc vận chuyển và thu mua nguyên nhiên liệu của Trung Quốc. Chẳng hạn việc xây dựng bến cảng và con đường nối từ bến cảng đó của Myanmar lên tới Vân Nam mang lại rất nhiều thuận tiện cho việc vận chuyển dầu hoả TQ mua từ Trung Đông về, nhưng bề ngoài các công trình giao thông đó lại rất được lòng của người Miến Điện, và cũng đã giúp TQ tuyên truyền ảnh hưởng của mình đối với dân chúng các nước lân cận. Mặt khác, viện trợ của TQ lại không đặt các điều kiện về nhân quyền và dân chủ như các viện trợ của Âu-Mỹ thường có đối với các quốc gia nhận viện trợ. TQ chỉ thường đặt hai điều kiện khá dễ dàng: không thừa nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập, và ủng hộ cho TQ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, TQ luôn tuyên bố không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước nhận viện trợ.  Những năm về sau này mậu dịch của TQ đối với ASEAN đã bắt kịp và vượt cả Mỹ. Như trong bảng sau đây cho thấy là từ năm 1995 đến năm 2008 lượng mậu dịch của TQ đối với khối ASEAN đã gia tăng rất nhanh. Bổng chốc, ASEAN trở thành một thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của TQ. Số liệu trong Bảng 1 nói lên sự gia tăng rất nhanh tỉ trọng mậu dịch, và cùng với nó là ảnh hưởng, của TQ đối với khối ASEAN. Trong khi đó, ASEAN không phải là không quan trọng đối với Mỹ. Với mức xuất cảng hơn 68 tỉ dollars, ASEAN vẫn là một thị trường lớn của Mỹ; nhất là trong giai hiện nay khi mà xuất cảng là ưu tiên hàng đầu đóng góp vào việc phục hồi  kinh tế. Mặt khác, ASEAN còn là thị trường đầu tư lớn của Mỹ, số liệu năm 2007 cho biết tổng FDI (Foreign Direct Investment) của Mỹ vào thị trường này lên đến 130 tỉ dollars, lớn hơn cả đầu tư vào TQ và Ấn Độ.
BẢNG 1. - MẬU DỊCH TRUNG QUỐC & MỸ VỚI KHỐI ASEAN

1995
2008
Bách phân thay đổi
China xuất cảng qua ASEAN
10,474 *
114,139 *
989.7%
US xuất cảng qua ASEAN
39,676*
68,151*
71.8%
China nhập cảng từ ASEAN
9,901*
116,933*
1081%
US nhập cảng từ ASEAN
62,176*
110,157*
77.2%
*Tính bằng triệu dollars.
Riêng đối với Biển Đông, từ lâu TQ đã không ngừng nổ lực khoanh các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông lại trong phạm vi khu vực, chỉ riêng giữa TQ và các nước trong khối ASEAN mà thôi, và ngay cả chỉ muốn giải quyết tay đôi giữa TQ và nước liên quan. Do áp lực ngày càng tăng của khối ASEAN, dần dà TQ đành chấp nhận nêu các vấn đề tranh chấp tại các hội nghị đa phương của khối đó. Mục tiêu chính của TQ là không có sự can dự cuả một cường quốc từ bên ngoài khu vực; chính yếu là từ Mỹ (external powers). Suốt mấy thập niên qua, TQ đã tìm đủ mọi cách để gây ảnh hưởng với khối ASEAN. Cử chỉ đẹp đầu tiên là trong vụ khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997-98, trong khi giới đầu tư và các hedge funds của Mỹ và Âu Châu tháo chạy gây ra sụp đổ tài chánh bắt đầu từ Thái Lan sau đó lan sang các nước Malysia, Indonesia, Nam Hàn, Hồng Kông, Philippines,v.v...thì Trung Quốc đã chìa tay giúp  bằng cách kìm giữ đồng Nhân Dân tệ, gia tăng tín dụng, ưu đãi thuế quan, tạo điều kiện tài chánh và mậu dịch thuận lợi cho các quốc gia đó giảm thiểu hậu quả của cuộc khủng hoàng và thúc đẩy sự phục hồi. Sau lần đó, ảnh hưởng TQ đối với ASEAN gia tăng, đôi bên dần dần đồng ý hình thành khu vực mậu dịch tự do TQ-ASEAN dự trù thực hiện vào năm 2010 này. Trung Quốc cũng tìm cách gây ảnh hưởng với diễn đàn APEC và khéo léo tìm cách loại dần Mỹ ra khỏi tổ chức này. Lưu lượng mậu dịch, và cùng với nó là quan hệ kinh tế, của TQ đối với khối ASEAN và các nước Á Châu gia tăng rất nhanh, đã có dấu hiệu là ảnh hưởng kinh tế của TQ ngày càng đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ. Ngay cả Nhật Bản, rồi Nam Hàn cũng đang ngày càng có tỉ trọng mậu dịch nghiêng dần về phía TQ. Tóm lại, mục tiêu chiến lược đầu tiên của TQ là đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi ĐNA, và sau nữa, khỏi Á Châu; ngăn cản sự dính líu của Mỹ vào các tranh chấp ở khu vực này, để chỉ còn TQ là cường quốc duy nhất đóng vai trọng tài trong các xung đột địa phương. Mặt nào đó, TQ muốn khôi phục lại địa vị của đế quốc Trung Hoa trước kia, thời mà dưới vòm trời (thiên hạ) thì nước của người Hán là ở trung tâm(trung quốc), vây quanh là các chư hầu phiên thuộc như An Nam, Cao Ly, Nhật Bản ,v.v...Vừa là khôi phục mà cũng vừa là rửa mối nhục bị liệt cường phương Tây xâu xé trong gần cả thế kỷ trước đây.
Ø  Đối với Phi Châu
Với cung cách như vậy, viện trợ, và cùng với nó là ảnh hưởng, của TQ trở nên rất hấp dẫn đối với, không chỉ các quốc gia nghèo ở ĐNA, mà cả với các quốc gia khác ở Phi Châu và Mỹ Latin. Không ngạc nhiên là các quốc gia Phi Châu, như Nigeria, Yemen, Zimbabwea, Sudan, v.v… đã ngày càng có quan hệ mật thiết với TQ hơn với Âu-Mỹ. Một trong những điểm chính yếu, là khác với Âu-Mỹ, TQ trong khi giao thiệp với các quốc gia đó đã không đả động gì đến những nhược điểm thiết thân của chế độ chính trị của họ như sự độc tài, vi phạm nhân quyền, tham nhũng hoặc ô nhiễm môi trường. TQ chỉ luôn tuyên bố là tôn trọng chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của họ, và bất can thiệp vào nội bộ của nhau. Chủ trương đó của TQ đã có một sức hấp dẩn đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển thường có chế độ độc tài, quân phiệt, do một thiểu số cai trị, và là những quốc gia thường hay bị Âu-Mỹ lên án vì thiếu dân chủ, có những vi phạm nhân quyền trầm trọng, điều kiện làm việc không an toàn và không quan tâm đến vấn đề môi trường.
TQ cũng tích cực đóng góp lực lượng duy trì của Liên Hiệp Quốc. Về mặt này, TQ chỉ đứng thứ hai sau Pháp. TQ  đẩy mạnh các viện trợ nhân đạo và y tế cho nhiều quốc gia, như đã gởi đến 15,000 bác sĩ đến giúp tại hơn 47 quốc gia ở Phi Châu và đã chăm sóc cho hơn 180 triệu bệnh nhân ở đó. Chỉ riêng tại Yemen, trong 40 năm qua, TQ đã gởi hơn 2000 chuyên viên y tế đến giúp quốc gia này trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho dân chúng tại đó trong những cơn tai biến. Đổi lại TQ đã được nhiều ưu tiên trong thị trường dầu hoả tại Yemen trong nhiều thập niên qua.[vii] Cũng cần thêm rằng Phi Châu là nơi cung cấp đến 30% lượng dầu nhập cảng của TQ. TQ trong hơn hai thập kỷ qua là cường quốc đã hoặc cho Phi Châu vay nhiều nợ với lãi suất ưu đãi (concessionary loans), hoặc tha nợ nhiều nhất, thông qua China Import-Export Bank, và viện trợ nhiều cho các lãnh vực hạ tầng cơ sở, thực phẩm và y tế. Dưới con mắt của nhiều giới lãnh đạo Phi Châu thì TQ đã đối xử với họ một cách bình đẳng và tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào chuyện nội bộ của họ. Có thể nói rằng TQ đã thành công đáng kể trong nổ lực tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở Phi Châu.
Trong những thập niên vừa qua, TQ cũng đã nổ lực xâm nhập, gây ảnh hưởng vào các quốc gia Nam Mỹ, nổi bật nhất là với Venezuela, Brazil. TQ đã tìm cách khai thác những mâu thuẩn lâu đời giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Nam Mỹ để thiết lập các quan hệ kinh tế và gia tăng ảnh hưởng của mình. Từ khi Giang Trạch Dân thăm viếng vào năm 2001 đến nay, TQ đã gia tăng lượng đầu tư vào Nam Mỹ. Chỉ riêng về hạ tầng cơ sở, TQ đã đầu tư vào Brazil 8 tỉ dollars, gần 20 tỉ vào Argentina, chừng gần 2 tỉ dollars vào Venezuela; và hàng trăm triệu vào các quốc gia khác trong vùng. TQ đã tìm thấy ở Nam Mỹ như là thị trường tốt cho các sản phẩm của TQ và cho nhu cầu về dầu hoả, quặng sắt, và quặng đồng rất cần cho nền kinh tế của mình. TQ cũng hợp tác rất chặt chẻ với Venezuela và Cuba trong lãnh vực tin học và sinh học.
Ø  Đối với Trung Đông.
Hiện nay Mỹ phải nhập đến 27% nhu cầu dầu hỏa từ Trung Đông. TQ lại nhập đến 50% nhu cầu dầu hoả cho sự phát triển kinh tế của mình từ vùng đó. Nhưng Trung Đông lại là địa bàn chiến lược sinh tử của Mỹ, như cựu Tổng Thống Carter trước đây đã từng tuyên bố năm 1980: “Bất cứ toan tính của một lực lượng bên ngoài nào nhằm kiểm soát vùng Vịnh sẽ bị coi như là một hành động tấn công vào quyền lợi sống còn của Mỹ, sẽ bị đẩy lùi bằng mọi phương cách cần thiết, kể cả bằng quân sự”.(Any attempt by any outside force to gain control of the Persian Gulf region will be regarded as an assault on the vital interest of the US. It will be repelled by use of any means necessary including military force)
Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Henry Jackson cũng từng nói rằng:” Những đe doạ đối với sự liên tục của dòng dầu hỏa từ vùng Vịnh là hết sức nguy hiểm cho nền kinh tế của Tây Phương và Nhật Bản đến mức có thể gây ra đại chiến” (Threats to the continuous flow of oil through the Gulf would so much endanger to the Western and Japanese economies as to be grounds for general war).
Tuy nhiên mức cương quyết đó của Mỹ chưa hẳn đã làm TQ nản lòng. Do nhu cầu sống chết về dầu hoả, TQ đã cố gắng tìm nhiều cách lách qua lá chắn của Mỹ để mở rộng quan hệ với các quốc gia giàu có về dầu hoả ở TĐ. Có lẽ không mấy ai chú ý rằng chính một trong những nổ lực thâm nhập vào vựa dầu hoả Trung Đông của TQ đã góp phần khai mào việc Mỹ tấn công Iraq năm 2003.
Trữ lượng dầu hoả của Iraq lớn đứng hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Saudi Arabia. Ưu điểm của dầu hoả Iraq là dễ khai thác, giá thành thấp hơn các nơi khác và phẩm chất cao. Ngoài ra, Iraq còn có nhiều vùng có tiềm  năng lớn về dầu hoả, nhưng chưa được thăm dò. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng nếu thăm dò hết toàn bộ lãnh thổ thì có khả năng trữ lượng dầu của Iraq còn lớn hơn trữ lượng 250 tỉ thùng của Saudi Arabia. Vì những lẽ đó Iraq trở nên một nơi rất hấp dẩn đối với nhiều nước và các công ty dầu hoả, trong đó có TQ. Saddam Hussein, trong giai đoạn đang còn bị LHQ cấm vận, đã dự trù việc khai thác nguồn tài nguyên dầu hoả đó, với những kế hoạch sản xuất lớn, một khi việc cấm vận kết thúc. Khác với thông lệ ở Trung Đông, Saddam dự trù áp dụng quy chế Production Sharing Agreement (PSA) vào việc sản xuất dầu ở Iraq sau khi hết cấm vận; theo đó chính phủ Iraq sẽ không độc quyền sỡ hữu các mõ dầu, mà để cho các công ty dầu hoả ngoại quốc được ký khế ước khai thác dầu và ăn chia lợi tức với Iraq. Saddam Hussein đã khéo léo dùng miếng mồi dầu hoả đó vào việc vận động các cường quốc trong Hội Đồng Bảo An LHQ: Pháp, Nga, TQ sớm bỏ cấm vận cho Iraq.
Trung Quốc, với công ty dầu quốc doanh CNOC (China National Oil Corporation), đã không bỏ lỡ cơ hội, ngay từ năm 1997, khi sự cấm vận vẫn đang diễn ra, đã ký kết được với Saddam Hussein nhiều hợp đồng PSA để khai thác dầu hoả tại một số mỏ dầu lớn ở Iraq; hai mỏ lớn là Al-Ahdab và Halfayah, ở phía Đông Iraq, với công suất lên đến cả 500,000 thùng/ngày! Ngoài ra, TQ, thông qua công ty viễn thông Huawei Technologies, vi phạm lệnh cấm vận của LHQ, trong nhiều năm đã cung cấp nhiều phương tiện thông tin tối tân , giúp Iraq xây dựng và nâng cấp hệ thống viễn thông dùng sợi thuỷ tinh quang học (fiber-optic communication network). Sự tích cực xâm nhập của TQ vào Iraq, một vựa dầu quan trọng ở Trung Đông, là vùng, như lời của cựu TT Carter, đã được trích dẩn ở trên, mang lợi ích sống còn (vital interests) của Mỹ, đã khiến Mỹ phản ứng tối đa, dẩn đến cuộc chiến Iraq năm 2003; một cuộc chiến mà ngay như nhân vật không đảng phái là Alan Greenspan cũng đã phải thốt lên: “I am saddened that it is politically inconvenient to acknowledge what everyone knows: the Iraq war is largely about oil”( Thật đáng buồn rằng nó là một bất tiện về mặt chính trị để thừa nhận điều mà ai cũng biết rồi: chiến tranh Iraq phần chính là về dầu hoả).
Sau Iraq, quốc gia quan trọng ở Trung Đông mà Trung Quốc tìm cách kết thân là Iran. Chính tại Iran mà sự khác biệt về chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ trở nên gay gắt. Từ nhiều năm qua, trong tư cách một trong năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ (UNSC) có quyền phủ quyết, TQ đã nhiều lần bày tỏ lập trường trái với quan điểm của Mỹ. Nổ lực của Mỹ và Âu Châu để vận động tổ chức việc cấm vận Iran thường xuyên gặp phải sự cản trở từ Nga và Trung Quốc; nhất là từ Trung Quốc. Đáp ứng đề nghị cấm vận của Mỹ, TQ thường kêu gọi đàm phán với Iran để thuyết phục Iran chấp nhận phát triển năng lượng nguyên tử cho mục đích hoà bình dưới sự giám sát của IAEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế). Sau một thời gian dài, với nhiều thôi thúc từ Mỹ, Anh, Pháp, cuối cùng tháng 6/2010 TQ miễn cưỡng đồng ý ký nghị quyết UNSCR 1929 cấm vận Iran nhắm chính yếu vào các lãnh vực quân sự và tài chánh. Nhưng cùng với việc ký kết nghị quyết cấm vận, TQ cũng lên tiếng đòi hỏi rằng việc cấm vận phải không nên gây ảnh hưởng đến đời sống bình thường của dân chúng Iran và không cản trở các nổ lực ngoại giao tiếp theo.
Tuy đồng ý  ký kết vào nghị quyết  cấm vận của Hội Đồng Bảo An LHQ, nhưng TQ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế gắn bó riêng với Iran, đặc biệt là trong hai lãnh vực xây dựng và năng lượng. Trong khi các công ty Tây Phương, do sự cấm vận, ngưng hoạt động doanh nghiệp và rời khỏi thị trường Iran, hàng trăm công ty của TQ đã nhảy vào thay chân. TQ đã trở nên đối tác lớn nhất của Iran với khối lượng mậu dịch năm 2009 lên đến hơn 21 tỉ dollars, so với chỉ hơn 400 triệu dollars 15 năm trước đó. Điều đó nói lên sự tiến triển vượt bực trong quan hệ mậu dịch giữa hai quốc gia. Riêng về lãnh vực năng lượng không thôi, Iran bán cho TQ trung bình gần nửa triệu thùng dầu một ngày, thu chừng 15 tỉ dollars/năm. Tuy là nước sản xuất dầu hoả, nhưng do kỹ thuật lọc dầu kém, Iran thường phải nhập cảng xăng dầu từ nước ngoài, và đó là nhược điểm của Iran mà việc cấm vận của Mỹ nhắm vào. Nhưng Trung Quốc lại là quốc gia vẫn tiếp tục cung cấp xăng dầu cho Iran, đáp ứng đến 1/3 tổng nhu cầu xăng dầu của Iran. Cách đây mấy hôm TQ lại ký một hợp đồng trị giá 1 tỉ dollars xây dựng công trình hoá dầu cho Iran. Nghĩa là Trung Quốc đã công khai giảm nhẹ hiệu năng cấm vận của Mỹ đối với Iran. Việc này và cùng với sự cố ý dung dưỡng Bắc Hàn có lẽ đã khiến TT Obama có lời lẽ mạnh mẽ đối với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại hội nghị G20 vừa qua khi hai bên hội kiến.
Về mặt ngoại giao, Iran đã được TQ mời tham gia họp với tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Sanghai Cooperation Organization, SCO), một tổ chức khu vực gồm Nga, TQ, và các quốc gia Trung Á, được lập ra trong cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Mỹ vào Trung Á.
Ø  Đối với Âu Châu
Ngay cả ở Âu Châu, Trung Quốc cũng đã tìm cách can thiệp vào, ngấm ngầm đối chọi với Mỹ, gây thiện cảm với các nước nhỏ để lôi kéo đồng minh. Trong cuộc tranh chấp ở Kosovo, toà đại sứ của Trung Quốc ở Belgrade đã bị hoả tiển của Mỹ bắn phá chỉ vì có tin tình báo cho biết là TQ đã ngầm hổ trợ cho Slobodan Milosevic và dùng điện đài của toà đại sứ để giúp quân Serbia chuyển tiếp mệnh lệnh.[viii]
Tóm lại, sự thành công của việc thực thi 4 hiện đại hoá, kinh tế của TQ đã phát triển rất nhanh với một tốc độ chóng mặt, vượt qua nhiều quốc gia khác, kể cả Nhật Bản, đến nay trở thành nền kinh tế lớn thứ hai chỉ sau Mỹ. Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế, là sự gia tăng về địa vị và ảnh hưởng trên phạm vi thế giới, đến mức đang trở thành kẻ thách thức đối với ngôi vị siêu cường số một thế giới của Mỹ. Càng ngày càng có bằng chứng là TQ không vươn lên một cách hoà bình. Từ Á châu, qua Trung Đông, qua Mỹ Latin, rồi Âu Châu và trên các diễn đàn quốc tế, ở đâu người ta cũng thấy là TQ đang tìm cách gây dựng ảnh hưởng cho mình và tranh cường với Mỹ. Đã và đang có nhiều dự đoán về sự đối đầu khó tránh khỏi giữa Mỹ, cường quốc bá chủ cả thế giới từ sau Đệ Nhị TC đến nay, và TQ một siêu cường đang lên mà mức độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.Những va chạm sơ khởi trên Biển Đông của vụ tàu USNS hồi tháng 3/2009 Impeccaple và những sự kiện đang xảy ra trong những ngày vừa qua ở vùng Biển Vàng quanh bán đảo Triều Tiên có vẻ như khẳng định mức chính xác của dự đoán vừa nói. Lời tuyên bố vừa rồi của Ngoại trưởng Mỹ về quốc tế hoá các tranh chấp trên Biển Đông, tiếp ngay với phản ứng mạnh mẽ từ phía bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, lại càng khiến cho người ta tin rằng dự đoán về sự đối đầu Trung-Mỹ đang trở nên hiện thực.
QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
Quan hệ Việt-Trung có một lịch sử dài hàng mấy ngàn năm, với đặc điểm có thể tóm gọn như thế này: hễ Trung Quốc thịnh thì Việt Nam suy; và ngược lại Việt Nam chỉ được an ổn khi Trung Quốc suy. Có thể nói đó gần như là một chu kỳ biến đổi trên sự bất biến là tham vọng thôn tính của người Hán đối với đất Việt. Do tham vọng đó mà Trung Quốc, bất kể thuộc chế độ chính trị nào, luôn muốn cho người Việt bị phân ly và suy yếu. Lịch sử chính trị hiện đại của mối quan hệ Việt-Trung chứng tỏ điều vừa nói. Xin lược sơ sau đây, rất vắn tắt, vài sự kiện:
Tại Hội nghị Genève năm 1954, TQ đã dùng hoà hội đó làm cơ hội để giao tiếp và cầu thân với Tây Phương, đã ép Hà Nội phải nhượng bộ nhiều điều để làm hài lòng Anh-Pháp. Chủ ý khác của TQ vào lúc đó là một VN chia hai, với Miền Bắc vừa là vùng trái độn an toàn cho TQ ở phía Nam, vừa là cửa ngỏ, là con bài TQ dùng để giao tiếp hay mặc cả với bên ngoài trong khi TQ đang ở giai đoạn củng cố chính quyền và phục hồi kinh tế. Thủ tướng TQ lúc đó là Chu Ân Lai đã nói với thủ tướng Pháp Pierre Mendès-France: “Hồ đang tỏ ra tự phụ, ông ta không nghe chúng tôi…ngay cả sau những gì chúng tôi đã làm cho Ổng. Chúng tôi nghĩ rằng ông ấy đã qúa nghe theo người Nga. Vì vậy chúng tôi đề nghị thế này. Đông Dương nên được chia ra làm 4 vùng. Tất nhiên Hồ sẽ được giữ Bắc Việt. Nhưng Lào và Cam bốt nên ở độc lập và… thuộc Liên hiệp Pháp của ngài. Nam Việt nên được tách ra. Có thể lập nên một chính quyền riêng ở đó. Chúng ta có thể tuyên bố rằng sẽ có thống nhất về sau bằng tuyển cử… nhưng Trung Hoa sẽ không bận tâm nếu việc thống nhất đó không thật sự xảy ra” (Ho is getting too big for his britches. He does not listen to us…even after all that we have done for him. He listens too much, we think, to the Russians. So this is what we propose. Indochina should be cut into four zones. Ho will be allowed to keep North Vietnam, of course. But Lao and Cambodia should stay independent… and continue as members of your French overseas Union. The South of Vietnam should be partitioned off. A separate government could be formed there. We could talk of eventual unification by elections… but China would not mind if this unification did not actually occur.)[ix]
Cũng chính vì thâm ý duy trì sự phân ly của VN, nên TQ không hoan hĩ gì việc VN thống nhất năm 1975, tuy rằng chiến thắng thuộc về Hà Nội, là người mà TQ vẫn nhận là đồng chí. Kể từ năm 1968 khi Hà Nội tự ý hội đàm với Mỹ, không theo lời cố vấn của Bắc Kinh, TQ đã toan tính những nước cờ mới để làm suy yếu VN và sự liên kết của 3 nước Đông Dương. Họ đã tìm cách gây ảnh hưởng với Pol Pot của Khmer Rouge. Sau khi Hiệp Định Paris ký kết năm 1973, Mỹ-do sự dàn xếp bí mật của Henry Kissinger-âm thầm oanh tạc bên kia biên giới Campuchia, gây những tổn thất nặng nề cho Khmer Rouge. TQ liền bảo với Pol Pot rằng đó là kết quả của việc Hà Nội phản lại bạn bè Kampuchia, xé lẻ đi ký kết hoà bình riêng với Mỹ, khiến nay Campuchia bị đơn độc trong cuộc chiến chống Mỹ! Từ đó về sau, TQ đã không ngừng hậu thuẩn và viện trợ cho Pol Pot về đủ mọi mặt trong việc chống phá VN, gài VN sa lầy ở Campuchia và cuối cùng kiệt quệ, phải rút về năm 1989. Nhưng vì Pol Pot và Khmer Rouge không đủ uy tín quốc tế nên Chu Ân Lai đã thuyết phục Sihanouk cùng về hợp tác để lập ra chính phủ liên hiệp chống lại Hun Sen là người do Hà Nội hậu thuẩn. Đồng thời với việc hậu thuẩn cho Khmer Rouge ở phiá Tây, năm 1979 TQ đã xua quân tấn công VN ở phía Bắc, xâm chiếm, đốt phá 6 tỉnh ở đó thành bình địa rồi rút về.
Khi Liên Sô-Đông Âu sụp đổ, VN phần thì bị cô lập về mặt đối ngoại, phần thì do chính sách kinh tế sai lầm và sự tốn kém của gần 10 năm chiếm đóng Kampuchia, nên hoàn toàn suy kiệt và khủng hoảng, giới lãnh đạo đảng CS lâm vào tình trạng vô cùng hoang mang. TQ đã nhân cơ hội đó đặt cho Hà Nội nhiều điều kiện nghiệt ngã đối với việc tái lập bang giao giữa hai nước. Từ đó về sau, TQ đã tạo áp lực về nhiều mặt đối với Hà Nội, ngay cả buộc giới lãnh đạo đảng CSVN phải loại trừ những nhân vật cao cấp trong đảng có thái độ thiếu thân thiện với TQ. Nguyễn Cơ Thạch, Uỷ Viên Bộ Chính Trị và là Bộ Trưởng Ngoại Giao đã bị loại trong tình hình đó, vì ông Thạch tỏ ra cứng rắn và nguyên tắc khi đàm phán với đại diện của TQ.[x]
Cũng trong chủ ý làm suy yếu VN, TQ đã luôn tìm cách kìm giữ VN trong vòng ảnh hưởng và quỹ đạo của mình, không để cho VN có bất kỳ cơ hội nào để tiến lên trước TQ dù chỉ một bước nhỏ. Chẳng hạn, ngay sau 1975, Đặng Tiểu Bình, hiểu rằng việc có quan hệ ngoại giao sớm với Mỹ sẽ giúp tạo một cơ hội cho VN thống nhất hoà nhập sớm vào cộng đồng quốc tế và phát triển nhanh, đi trước TQ, đã tìm cách để cản trở và làm chậm lại sự tái lập quan hệ bình thường Mỹ-Việt. Về sau này kể cả việc vào WTO cũng vậy, TQ đã tìm cách gàn trở để VN phải vào sau, TQ vào trước và  khi đến lượt VN vào thì TQ đã có chân trong nhóm Working Countries  để phỏng vấn và đặt điều kiện cho VN.
Đối với vấn đề biên giới đất liền và vùng biển thì TQ đã liên tiếp bí mật tạo áp lực buộc giới lãnh đạo CSVN phải nhượng bộ nhiều điều, lấn chiếm nhiều đất đai và vùng biển của VN ở vùng biên giới và ở vùng Vịnh Bắc Bộ.Quan hệ Việt-Trung luôn ở trong tình trạng âm-ỉ căng thẳng, tập trung nhất vào việc tranh chấp chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng Biển Đông, quanh hai quần đảo đó. Sự tranh chấp ở khu vực này đã bắt đầu từ lâu ngay khi vừa kết thúc hội nghị Genève năm 1954. Trong việc tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo thì người Hán rất thống nhất; nghĩa là cả Bắc Kinh lẫn Đài Loan đều cùng có chung nội dung, cả Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch đều cùng một quan điểm. Có nghĩa rằng đối với người Hán thì vấn đề dân tộc luôn vượt lên trên vấn đề ý thức hệ, và họ sẳn sàng tạm gác qua một bên mọi khác biệt chính kiến để ưu tiên tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi đất nước TQ của họ.
Trong những năm trở lại đây, tình hình ở hai quần đảo và ở Biển Đông ngày càng thêm căng thẳng, trở thành trung tâm của sự bất hoà giữa hai quốc gia TQ-VN. Sự vươn lên của TQ dần dần tỏ ra kém hoà hiếu hơn trước, càng ngày TQ càng khẳng định mạnh mẽ hơn quyền lợi của mình đối với Biển Đông bằng nhiều biện pháp, kể cả dùng sức mạnh hải quân. Chẳng hạn, năm 2008, TQ đã cho tàu chiến ngăn cản đoàn tàu Na-Uy thăm dò dầu cho VN ngoài khơi gần Trường Sa. Tiếp sau đó, TQ đã đe doạ, cho tàu chiến đến buộc các công ty BP và Exxon Mobile không được hợp tác với PetroVietnam trong việc thăm dò dầu trên Biển Đông, tuy rằng những vùng đó năm trong phạm vi EEZ của VN. Tháng 10/2008, đại diện VN đã được gởi qua Bắc Kinh để phản đối. Để gia tăng áp lực, TQ còn cho tàu ngầm Jin 094, là loại tàu ngầm nguyên tử, thường xuyên tuần tra quanh Trường Sa. Phản ứng lại, Hà Nộ đã bí mật họp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông John Negroponte, và yêu cầu chiến hạm US Mustin thuộc hạm đội 7 thay vì ghé cảng Saigon như đã dự trù, lại ghé cảng Tiên Sa ở Đà Nẳng là nơi có Bộ Chỉ Huy Hải quân Vùng 3 của VN chuyên trách tuần tra vùng biển tranh chấp quanh Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đó, các va chạm của hai bên xảy ra nhiều lắm. Như năm 1988 hải quân hai bên đã chạm súng ở gần Trường Sa, kết quả 74 binh sĩ VN thiệt mạng. Năm 2005 TQ đã khiếu nại rằng ngư dân TQ đã bị cướp biển VN tấn công trên Biển Đông. Vài tháng sau một tàu chở hàng của VN bị bắn chìm ngoài khơi Thượng Hải, nhưng không biết ai là thủ phạm. Tháng 4/2007 Hải quân TQ bắt giữ 4 tàu đánh cá VN và phạt tiền. Tháng 7/2007 hải quân TQ lại bắn chìm một tàu đánh cá VN gần Hoàng Sa giết chết một ngư phủ VN. Tháng 11/2007 khi hải quân TQ tập trận ở quần đảo Trường Sa suốt một tuần lễ, phía VN đã ra tuyên cáo rằng cuộc tập trận đó của TQ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN. Phản ứng của VN lên cao hơn nữa khi Quốc vụ viện TQ ra quyết định thành lập thành phố Nam Sa thuộc tỉnh Hải Nam với trách nhiệm hành chánh bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ ngoại giao VN đã tuyên bố rằng quyết định của QVV/TQ là một hành động xâm lấn lên chủ quyền của VN. Cùng với tuyên bố của bộ ngoại giao, sinh viên học sinh ở Sài Gòn đã biểu tình suốt hai ngày để phản đối. Đầu năm 2008 TQ tố cáo rằng 12 tàu đánh cá VN đã bắn vào 10 tàu kéo của TQ trong Vịnh Bắc bộ; phiá VN bác bỏ tố cáo đó của TQ, cho rằng chỉ là tai nạn gây ra do vướng lưới cá.[xi] Qua năm 2009 TQ lại còn đơn phương ra lệnh ngưng đánh cá 3 tháng cho toàn vùng biển gần Trường Sa! Sau đó tuyên bố rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi (core interests) của TQ!
Từ năm 2006 trở đi quan hệ của hai chính phủ Việt-Trung lại càng lạnh nhạt hơn. Thông thường các thủ tướng mới nhậm chức của VN đều dành chuyến xuất ngoại đầu tiên qua thăm Bắc Kinh. Nhưng đến khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên nhậm chức thủ tướng tháng 7/2006 thì nước đầu tiên Ông thăm viếng lại là Nhật Bản, một đối trọng của TQ ở Á châu. Sau đó ông Dũng đã lần lượt đi thăm Úc, Tân Tây Lan. Đến tháng 10/2008 ông Dũng mới đi thăm TQ, nhưng đề tài chính khi hội đàm với thủ tướng Ôn Gia Bảo, theo tin tiết lộ, là phản đối việc hải quân TQ xua đuổi tàu thăm dò Na-Uy trước đó.[xii] Sau đó ông Dũng lại là thủ tướng VN đầu tiên đến thăm Ngũ Giác Đài của Mỹ.
Điều nữa càng làm nghiêm trọng hơn cho quan hệ Việt-Trung là việc TQ tăng cường xây dựng căn cứ tàu ngầm Sanya (Yulin) ở đảo Hải Nam, đã được không ảnh từ vệ tinh ghi nhận; xây phi trường, cho chiến đấu cơ có tầm hoạt động xa, trên đảo Thổ Châu (Woody island) thuộc quần đảo Hoàng Sa; và củng cố các phương tiện quân sự trên đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. TQ ngay cả đang có kế hoạch hạ thuỷ một hàng không mẫu hạm ở Hải Nam, từ đó hình thành một hạm đội mạnh có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông và hải lộ từ eo Malacca lên đến Đài Loan. Việc tăng cường sức mạnh hải quân của TQ trên Biển Đông, như vậy, là một đe doạ nghiêm trọng cho sự an nguy lâu dài của VN, và sẽ làm cho quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng trở nên xấu đi nhiều, dẫn đến những nguy cơ khó lường.
Ø  ÁP LỰC KINH TẾ CỦA TQ ĐỐI VỚI VN:
Khi luận bàn đến hiểm hoạ Bắc Phương, và quan hệ Mỹ-Việt-Trung trong mối liên quan với hiểm hoạ ấy, phần đông chúng ta đã quá quan tâm đến khiá cạnh quân sự, mà thiếu lưu tâm đến khía cạnh kinh tế. Thật ra chính kinh tế là nền tảng của quốc phòng vững mạnh , là mặt trận gay go nhất mà hiện nay TQ đang ở thế áp đảo VN, và Mỹ thì chưa hề tỏ ra muốn chìa tay giúp đỡ. Chính nền kinh tế yếu kém của VN đã khiến cho giới lãnh đạo Hà Nội e dè đối với các phản ứng của TQ. Không riêng VN, mà cả khối ASEAN, kế từ sau khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997 đều bị cuốn hút dần vào quỹ đạo kinh tế của TQ. Việc hình thành khu tự do mậu dịch ASEAN-TQ khởi sự từ năm nay là một bằng chứng.
Ngay lúc này thì về mậu dịch, VN đang bị khiếm khuyết mậu dịch (trade deficit) lớn nhất với TQ. Có đến 90% sự khiếm khuyết mậu dịch là từ TQ. Tổng trị giá mậu dịch chính thức TQ-VN năm 2009 là 21.3 tỉ dollars, và được ước đoán sẽ lên đến 25 tỉ dollars trong năm 2010 này theo như cam kết thúc đẩy mậu dịch của cả hai thủ tướng TQ và VN. Nhưng chỉ riêng 5 tháng đầu của năm nay, VN xuất cảng qua TQ được 2.3 tỉ dollars, nhập cảng từ TQ lại lên đến 7.3 tỉ dollars; nghĩa là khiếm khuyết mậu dịch đến 5 tỉ dollar[xiii]; tính ra 1 tỉ dollars/ tháng! Mức khiếm khuyết đó nói lên mối đe doạ của kinh tế TQ đối với sự tăng trưởng kinh tế của VN.
VN xuất cảng sang TQ gồm dầu thô, nông sản, hải sản, cao su thiên nhiên, café và trái cây. VN nhập cảng từ TQ chính yếu là sắt thép, hàng chế tạo, máy móc, xe gắn máy, giày dép, áo quần, xăng dầu, hoá chất, và nhựa tổng hợp. Ngoài vấn đề khiếm khuyết mậu dịch ra, cơ cấu hàng nhập cảng từ TQ là một trở ngại khác cho sự phát triển kỹ nghệ chế tạo của VN.
Một khiá cạnh khác là mặc dầu VN là thị trường cho hàng xuất cảng của TQ, nhưng TQ lại đầu tư ít hơn các quốc gia khác vào VN; đứng sau Nhật, Pháp, Hoà Lan, Nam Hàn, Đài Loan, và Singapore. Hơn nữa, có những dự án đầu tư, TQ đưa cả công nhân của mình vào, giành mất công việc của công nhân VN, dự án khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên là một ví dụ điển hình. Những phân tích kinh tế cho thấy rằng TQ đã dùng việc đầu tư vào VN là một phần nằm trong chiến lược“hạ sơn” (going out) để thực tập việc mở rộng thị trường cho tư bản tư nhân hoặc của các SOE của TQ mà thôi, hoặc để tăng cường mạng lưới tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp TQ, và chủ trương đó chắc chắn gây một áp lực cạnh tranh lớn lên các doanh nhân VN yếu vốn và non kinh nghiệm. Các hình thức viện trợ của TQ cho VN cũng chỉ là một dạng thức trợ cấp trá hình cho các công ty quốc doanh (SOEs) của TQ; nghĩa là TQ dùng chuyển số tiền viện trợ cho một SOE của mình để công ty đó qua VN hoặc trùng tu một cơ sở sản xuất đã có trước kia trong chiến tranh hoặc mở một chi nhánh doanh nghiệp mới tại VN.
                                          Bảng 2 Ý nghĩa của mậu dịch TQ-VN.
Năm
Xuất cảng ($ million)
Nhâp cảng($ million)
Bách phân trong tổng mậu dịch của TQ
Bách phân trong tổng mậu dịch VN
1991
21
11
0.02
0.7
1994
342
191
0.2
5.4
1997
1,079
357
0.4
6.3
2000
1,537
929
0.5
8.2
2003
3,179
1,456
0.5
10.3
2005
5,639
2,549
0.6
12.0
            Source: IMF (various years). [xiv]


Điểm đáng chú ý khác là mậu dịch qua vùng biên giới Hoa-Việt ở phía Bắc. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là việc buôn lậu đủ các loại hàng hoá mà không có một biện pháp kiểm soát nào hữu hiệu được áp dụng. Trong các mặt hàng buôn lậu có cả buôn người và buôn lúa gạo. Có nguồn tin ước tính rằng hàng năm có đến chừng 700,000 tấn gạo buôn lậu qua biên giới TQ! Đây cũng là đầu cầu để khi cần TQ có thể phát tán tiền giả vào VN như đã được làm trước đây vào những năm 1980s.Người ta cũng ngay cả không nắm vững được con số chính xác của tổng trị giá khối lượng giao dịch giữa các tỉnh biên giới của hai bên như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Vân Nam, Quảng Tây, v.v…là bao nhiêu. Năm 2009 có chừng gần 5 triệu người qua lại mua bán ở vùng biên giới Phòng Thành. Số người này buôn bán theo kiểu trao đổi (barter), và tất nhiên chẳng có thuế má gì cả!Lưu lượng ước tính chính thức đối với mậu dịch qua lại giữa Phòng Thành và Móng Cái năm 2008 lên đến 4.1dollars![xv] Rõ ràng mậu dịch qua biên giới là một phương cách khéo léo của TQ nhằm vào hai mục đích: một là giúp nuôi sống các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam rất nghèo và kém phát triển mà chính phủ trung ương Bắc Kinh chưa có điều kiện để tài trợ; hai nữa là dùng biên giới Hoa Việt làm cửa ngõ mở rộng mậu dịch xuống vùng ĐNA phục vụ cho nhu cầu phát triển của kỹ nghệ nội địa TQ.

Điểm khác nữa ít ai lưu ý là vai trò của người Hoa trong nền kinh tế VN hiện nay. Theo ông Gabriel Kolko, tác giả của hai quyển sách về VN khá nổi tiếng là VN: Anatomy of War và VN: Anatomy of Peace thì một ước tính cho thấy rằng ở Miền Nam VN hiện nay người Hoa, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, đang làm chủ đến gần 60% cơ sở sản xuất kỹ nghệ nhẹ! Phần đông số người Hoa này trước đây bị trục xuất khỏi VN trong những năm 1977-1980; nhưng sau đó dưới chính sách Đổi Mới lại được cho trở lại VN và ngay cả được trả lại tài sản để tiếp tục sinh sống! Trước năm 1975, ai cũng biết là người Hoa ở Chợ Lớn nắm quyền thao túng thị trường lúa gạo toàn Miền Nam. Chính phủ VNCH trước 1963 đã ra lệnh cấm người Hoa không được làm một số nghề. Sau 1963, đã có một vị Thủ Tướng trẻ của Miền Nam xử bắn nơi công cộng một đại thương gia Hoa kiều vì tội đầu cơ lúa gạo. Đặc điểm của người Hoa ở VN là họ luôn tự xem mình là người Hoa. Năm 1975, họ đã dương ảnh Mao Trạch Đông để chào đón Bộ đội VN tiến vào SG-Chợ Lớn. Khi ra hải ngoại, họ không bao giờ chịu thừa nhận cờ VN, họ hoặc xin chào cờ Thanh Thiên hoặc cờ Ngũ Tinh! Với tinh thần dân tộc đó của người Hoa, người ta không thể không nghi ngờ rằng TQ đang dùng Hoa kiều để xâm chiếm VN về phương diện kinh tế, hoặc chí ít cũng dùng họ như là Đạo quân Thứ Năm trong quan hệ Hoa-Việt.
Tóm lại TQ, do ưu thế tuyệt đối về kỹ nghệ và tài chánh, đã nổ lực biến VN thành thị trường cung cấp nguyên nhiên liệu, thị trường tiêu thụ hàng kỹ nghệ đang lên, đầu cầu đi vào ĐNA của doanh nghiệp, và giúp góp phần vào sự phát triển các tỉnh lạc hậu Quảng Tây, Vân Nam. Nghĩa là biến VN thành một thứ sân sau của nền kinh tế TQ. Đồng thời, TQ cũng dùng kinh tế như một lợi khí để chi phối chính trị VN; đặc biệt là dùng kinh tế như một vũ khí, phối hợp với chiêu bài “ xã hội chủ nghĩa anh em”, kín đáo uy hiếp, lung lạc và gây chia rẽ trong giới cầm quyền ở Hà Nội.
CHIẾN LƯỢC BẤT CÂN XỨNG CỦA TQ ĐỐI VỚI MỸ 
Về mặt quân sự, các chuyên gia đều đồng ý rằng hiện Mỹ vẫn ở thế thượng phong. Lực lượng quân sự của TQ tuy mạnh, nhưng vẫn còn kém xa Mỹ về mọi phương diện. Nhiều dự đoán cho rằng phải mất vài thập niên nữa, TQ mới có hy vọng đuổi kịp Mỹ. Riêng về hải quân thì Mỹ hầu như chiếm ưu thế gần tuyệt đối. Trên mặt biển thế giới ngày nay, hệ thống Carrier Strike Groups (CSG) của Mỹ làm chủ tất cả các đại dương. Mỹ hiện có cả thảy 11 CSG, đồn trú ở Mỹ 10, và một ở Okinawa. Mỗi CSG thường gồm một Hàng Không Mẫu Hạm Nguyên tử, tháp tùng có một frigate, hai missle- guided destroyers’ và hai missle-guided cruisers. Hệ thống CSG có khả năng triển khai hoả lực của mình trên phạm vi bốn biển trong một thời gian rất ngắn. Tầm hoạt động trung bình, cả tấn công lẫn do thám, của một CSG có thể lên đến tầm 1000km. TQ trong những năm qua đã cố gắng phát triển hải quân của mình lên để có thể trở thành một cường quốc hải quân ngang tầm với các cường quốc khác. Tuy vậy, hiện TQ vẫn chưa có một hàng không mẫu hạm nào hạ thuỷ và có khả năng tác chiến so được với Mỹ. Trước đây, năm 2002, TQ có mua lại chiếc HKMH Varyag của Nga, trọng tải khoảng 60,000 tấn, chưa hoàn tất. TQ định tu sửa chiếc Varyag đó lại, hiện chỉ dùng cho việc huấn luyện. TQ đang cố gắng, với sự giúp đỡ kỹ thuật của Nga, tự xây dựng một HKMH khác ,dự trù sẽ hạ thuỷ ở đảo Hải Nam. Để khắc phục sự yếu kém của mình, TQ đã xây dựng một chiến lược gọi là Chiến lược Bất Cân Xứng (asymmetric strategy). Vắn tắt có thể hiểu rằng đó là chiến lược của kẻ yếu vận dụng những gì mình có để đối phó và thắng được kẻ mạnh hơn mình. ( tương tự như nguyên tắc “Dĩ nhược thắng cường” hay “ lấy đỏan binh, chế trường trận”). Điểm căn bản trong chiến lược đó là vận dụng phương tiện sẳn có để hoặc đánh vào yếu điểm, hoặc nhằm tiêu huỷ những vũ khí lợi hại nhất của đối phương. Ba mục tiêu mà Chiến lược Bất Cân Xứng nhắm vào là tiêu diệt các HKMH, làm mù các vệ tinh do thám và gây nghẽn hệ thống truyền tin phức tạp của Mỹ (hệ thống C4ISR, Command, Control, Communications, Computers, Intelligence, Surveillance and Reconnaissance).
Để có thể bắn phá các HKMH, TQ lâu nay đã tập trung phát triển hai loại vũ khí: tàu ngầm và hoả tiển đạn đạo chống tàu chiến (submarines and antiship ballistic missles,ASBM). Trong báo cáo mới đây với Quốc Hội của chuyên gia hải quân, ông Ronald O’Rourke ngày 5/8/2010, có đề cập đến việc TQ đang bắn thử lần cuối, với sự cải tiến lớn, loại DF-21D này. Các chuyên gia hải quân gọi loại hoả tiển này là Carrier killers. Khác với các cruise missles là loại phi đạn bay thấp ( khoảng 15m-20m cách mặt đất), có động cơ phản lực và hệ thống tự động nhắm đến mục tiêu gắn liền với đầu đạn (payload), và có đường bay tự động uốn theo bề địa hình (contour); các ballistic missles (Anti-Ship Ballistic Missle, ASMS) như loại DF- 21D này được phóng đi bằng rockets vào quỹ đạo trái đất rồi bay theo ảnh hưởng của trọng lực, khi đến gần mục tiêu sẽ được hệ thống maneuverability re-entry vehicle (MArV), gắn liền với đầu đạn, điều chỉnh để rời khỏi quỹ đạo bay đến mục tiêu. Sự lợi hại của loại ASMS DF-21D (Dong-Feng)

này là ở chỗ hiện nay các chiến hạm tháp tùng HKMH trong các CSG, như anti-missle cruisers, anti-missle destroyers, hoặc anti-missle frigates chỉ được trang bị các phương tiện chống lại cruise missles mà chưa có phương cách hữu hiệu để chống lại ASMS. Ưu điểm khác của ASMS DF-21D là với một hệ thống MArV tối tân các missles này có thể vượt qua được hệ thống chống phi đạn (missle-defense system) Aegis dùng bảo vệ HKMH, và đánh trúng các mục tiêu di động với độ chính xác rất cao. Ở trên là hình vẽ đạn đạo của đầu đạn DF-21D. Nguyên tắc của hệ thống missle defense là dựa vào các thông tin về đạn đạo của đầu đạn khi mới được phóng lên để theo dõi và xác định vị trí của đầu đạn tại từng thời điểm để từ đó dùng phi đạn bắn phá đầu đạn. Nguyên tắc đó không áp dụng được với DF-21D vì đạn đạo của nó được hệ thống MArV điều khiển sẽ đột ngột đổi đạn đạo theo sự di động của mục tiêu. Với tốc độ bay lớn đến 13,000 miles/hr thì chỉ cần một sự thay đổi góc bay rất nhỏ từ trên quỹ đạo cũng  tạo một thay đổi lớn đối với đạn đạo khiến cho hệ thống chống phi đạn Aegis rất khó định vị đầu đạn chính xác trong từng  khoảnh khắc rất ngắn để bắn phá.
Hiện DF-21D của quân đội TQ có tầm bắn đến 2150km Tầm bắn đó đủ cho TQ thực hiện được mục tiêu quân sự quan trọng vẫn ấp ủ lâu này là ngăn cản không cho các CSGvào được một vùng chiến sự lựa chọn; chẳng hạn như Đài Loan, hay Biển Đông. Giới chuyên gia quân sự Mỹ gọi đó là anti-access capability. Nhiều nguồn tin cho hay TQ đang có kế hoạch để nâng tầm bắn của các DF-21D này ra xa hơn nữa lên đến 3000-5000km để thực hiện mục tiêu làm chủ một dây chuyền các đảo từ eo Malacca lên tới Đài Loan nhằm mở lối ra cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương. Carrier Killers DF-21D, như vậy, là một phương cách TQ dùng để bổ khuyết cho sự yếu kém đối với Mỹ trong lãnh vực xây dựng HKMH. Ông Patrick Cronin, Giám đốc của Asia-Pacific Security Program, đã nhận định rằng: “Khả năng phi đạn chống tàu chiến mới ra đời của TQ, đặc biệt là loại FD-21D, là một khả năng đầu tiên từ sau Chiến Tranh Lạnh có thể ngăn cản sự khai triển hoả lực của hải quân chúng ta. Và hải quân từ lâu đã rất e ngại những khả năng Carrier killing đó”.[xvi]
Vũ khí thứ hai TQ tập trung phát triển để đối phó với các HKMH của Mỹ là tàu ngầm. Đến nay TQ đã có đến 70 tàu ngầm đủ loại, trong đó có 10 chiếc tàu ngầm nguyên tử. Lúc đầu TQ mua tàu ngầm của Nga, về sau tự sản xuất lấy. Một trong những loại tàu ngầm chạy bằng diesel do TQ tự sản xuất là loại Song dài 160 bộ Anh, chạy rất êm, năm 2007 đã trồi lên mặt nước, trước con mắt sửng sờ của hải quân Mỹ, khi chỉ cách HKMH Kitty Hawk, một HKMH lớn với hơn 4,500 thuỷ thủ, trong tầm bắn thuỷ lôi mà không hề bị phát hiện trước. Một viên
chức NATO đã nhận xét rằng vụ đó đã khiến cho giới hữu trách hải quân Mỹ bị shocked không khác gì trước kia tin về vệ tinh Sputnik của Liên Xô được phóng lên không gian vậy.[xvii]
Điểm đáng quan tâm khác về tàu ngầm TQ là loại tàu ngầm nguyên tử mang hoả tiển đạn đạo liên lục điạ (Nuclear-powered Intercontinental Ballistic Missile Submarines, SSBNs). Loại này của TQ tuy con số còn ít so với Nga và Mỹ, nhưng cũng đủ để tham gia vào một cuộc chiến cùng huỷ diệt với hai quốc gia đó. Mỗi SSBN được tr
ang bị với 12 hoả tiển liên lục điạ, loại JL-2 SLBM với tầm xa chừng 8000km, đủ để bắn đến phần lớn các bang ở Mỹ nếu các tàu ngầm đó ra được đến Thái Bình Dương. Căn cứ Sanya hay còn gọi là Yulin ở đảo Hải Nam hiện là một căn cứ của loại SSBN này, có trang bị hệ thống Khử từ (Demagnetization) để khử từ tính trên thân tàu ngầm trước khi xuất phát nhằm giảm thiểu mức độ bị đối phương phát hiện. Căn cứ hải quân ở đó còn có cả một hệ thống địa đạo phức tạp để che dấu và bảo vệ cho các SSBNs này[xviii].
Kế đến là kế hoạch làm mù các vệ tinh do thám của Mỹ khi tranh chấp xảy ra. Lâu nay Mỹ đã dựa vào hệ thống vệ tinh tối tân của mình để theo dõi các hoạt động của các đối thủ trên toàn thế giới. Hệ thống đó còn giúp vào công tác truyền tin và phối hợp hoạt động của các lực lượng hải, lục và không quân trên các chiến trường. Cuộc xâm chiếm chớp nhoáng Iraq thành công phần lớn là nhờ vào hệ thống vệ tinh đó. Có thể ví hệ thống vệ tinh của Mỹ như những thiên lý nhãn thời đại. Nhận biết được ưu điểm và vai trò quan trọng đó của hệ thống vệ tinh, các chiến lược gia TQ trong nhiều năm qua đã tập trung tối đa khả năng kỹ thuật vào việc chế tạo ra các hoả tiễn dùng bắn hạ vệ tinh, và họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Tháng 1/2007 TQ đã dùng hoả tiển bắn hạ một vệ tinh viễn thông cũ của họ bay trên quỹ đạo cách quả đất 500 miles. Sự kiện đó gây xôn xao dư luận, khiến nhiều giới chức các nước lo ngại; ngay cả phát ngôn viên của Hội Đồng An ninh Quốc gia Mỹ, là ông Gordon Johndroe, cũng lên tiếng cho rằng việc bắn phá vệ tinh như vậy của TQ là không phù hợp với tinh thần hợp tác giữa hai TQ-Mỹ trong lãnh vực không gian.[xix] Tất nhiên đằng sau lời phát biểu đó là mối quan tâm mang tính chất quân sự, bởi nếu chiến tranh xảy ra không ai cản được TQ sẽ dùng kỹ thuật bắn hạ vệ tinh đó để phá huỹ “ thiên lý nhãn” của Mỹ.
TQ, trong suốt nhiều năm qua, cũng đã nổ lực phát triển kỹ thuật tin học cho mục đích quân sự. Quốc Hội Mỹ đã từng được các viên chức quân sự cao cấp điều trần về các công trình chiến tranh tin học (cyber warfare) mà Quân đội Nhân dân Giải phóng TQ (PLA) đang thực hiện. Mục tiêu chính của PLA là nhằm tấn công hệ thống C4IRS của Mỹ khi chiến sự xảy ra để hoặc gây rối loạn, hoặc chí ít giảm thiểu hiệu năng, cho hệ thống phối hợp tác chiến trên chiến trường lớn của quân đội Mỹ. Cho đến nay đã có một số vụ “electric strikes” nhắm vào hệ thống tin học của Mỹ được ghi nhận.
Cuối cùng, công cụ còn lại của TQ trong chiến lược bất cân xứng với Mỹ là kho vũ khí nguyên tử. Về mặt này, TQ chỉ có một số lượng rất nhỏ đầu đạn nguyên tử so với Mỹ, Nga, ít hơn Pháp và tương đương với Anh. Bảng dưới đây ghi vắn tắt số vũ khí nguyên tử của các nước trên thế giới
BẢNG 3 KHO VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ THẾ GIỚI (Trích từ CRS Reports on Nuclear Weapons) VBBABBStatus of World Nuclear Forces 2010*
QUỐC GIA
LOẠI CHIẾN     LƯỢC
LOẠI KHÔNG CHIẾN LƯỢC
SỐ KHẢ DỤNG
TỔNG TỒN KHO
NGA
2600
2050
4650
12,000
MỸ
1968
500
2,468
9,600
PHÁP
300
N/A
300
300
ANH
160
N/A
160
185
TRUNG QUỐC
180
N/A
180
240
ẤN ĐỘ
60-80
N/A
?
60-80
PAKISTAN
70-90
N/A
?
70-90
DO THÁI
80
N/A
?
80
BẮC HÀN
<10
N/A
?
<10
(Trong bảng trên là số đầu đạn (warheads) với sức nổ trung bình là 20-40 kilotons TNT, tức gấp đôi hay gấp ba sức nổ của quả bom đã ném xuống Hiroshima năm 1945).

                                                Bảng 4 Các loại Hoả tiển của TQ
Loại Hoả tiển
Số  dàn phóng
Số hoả tiển
Tầm bắn ước lượng
DF-5 ICBM
20
20
8,460km
DF-4 ICBM
10-14
20-24
5,470km
DF-3 IRBM
6-10
14-18
2,790km
DF-21 MRBM
34-38
19-50
1,770km
DF-15 SRBM
70-80
275-315
600km
JL-2 SLBM
3?
36?
>8,000km
DF-31A ICBM
?
?
11,270km
        
 Rõ ràng số lượng đầu đạn nguyên tử và hoả tiển tầm xa của TQ là không đáng kể so với của Nga-Mỹ, nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để hoặc làm nản lòng (deterrence) hoặc gây một thiệt hại không chịu đựng nổi hay ngay cả tiêu diệt một trong hai quốc gia kia, nếu đại chiến xảy ra. Vì tầm mức huỷ diệt của các đầu đạn nguyên tử hiện nay là quá lớn, nên vấn đề chênh lệch về số lượng không còn trở nên quá quan trọng trong việc ước tính tương quan quân sự giữa đôi bên. Đó cũng là lý do khiến giới bình luận quốc tế và các chính khách không đánh giá cao việc Nga-Mỹ ký Hiệp Ước Tài Giảm Vũ khí Chiến lược vừa qua. Bởi lẽ cho dù hai bên có cắt giảm đến ½ lượng đầu đạn nguyên tử đi nữa, thì số lượng còn lại vẫn đủ để nổ tung toàn thế giới một khi hai bên đại chiến với nhau!
Tóm lại, tuy TQ còn thua kém Mỹ rất xa về sức mạnh quân sự, nhưng với chiến lược Bất Cân Xứng, vận dụng năng lực của những phương tiện hiện có trong tay nhắm vào việc khai thác tối đa những yếu điểm, hoặc đánh đòn chí mạng vào những ưu điểm của đối phương để giành phần thắng, TQ cũng không hẳn sẽ dễ dàng bị Mỹ hoàn toàn áp đảo như nhiều người vẫn nghĩ. TQ đang áp dụng một chiến lược đặt trọng tâm vào việc đánh bại ý muốn chiến đấu (will of fighting) của đối phương ngay khi đang còn trong giai đoạn tính toán sự thành bại, cân nhắc giá phải trả (opportunity cost calculations) cho một cuộc đối đầu, theo đúng như lời của Tôn Tử đã nói: “Thượng sách là phá vỡ sức kháng cự của đối phương mà không cần phải lâm trận”; nghiã là chỉ cần làm cho đối thủ cảm thấy đánh nhau không lợi tức là đã thắng rồi! Nguyên tắc đó lại càng dễ dàng thực hiện trong thế giới ngày nay hơn, khi mà sức huỹ diệt của vũ khí nguyên tử, dù chỉ với vài ba đầu đạn, là vô cùng khủng khiếp.
Những tính toán của chiến lược Bất Cân Xứng trên đây làm nhiều phần tử hiếu chiến TQ lên tinh thần và điều đó gây lo ngại cho nhiều người yêu chuộng hoà bình trên thế giới.Chẳng hạn như cựu Phụ tá Bộ trưởng Ngoại Giao Phụ trách về quan hệ TQ dưới thời TT Bill Clinton, bà Susan L. Shirk đã viết: “Tôi thường xuyên lo về rủi ro chiến tranh giữa hai cường quốc nguyên tử. Thật là khủng khiếp khi nghĩ về một cuộc chiến tranh giữa TQ và Mỹ[xx].
Cũng may là mối tương quan MỸ-TRUNG ngày nay không mang tính chất đối đầu lưỡng cực thù địch như giữa Mỹ-Liên Xô trước đây, mà là một quan hệ vừa tương tranh về quyền lực vừa tương thuộc về kinh tế. Tính chất đó, cộng với sự khủng khiếp của chiến tranh nguyên tử, giúp giảm thiểu rất nhiều khả năng giải quyết tranh chấp bằng quân sự giữa hai bên. Hơn nữa, ở Á Châu, TQ còn phải bị cạnh tranh mạnh bởi Nhật, Ấn Độ, và Nga nữa. Đây là những điểm người Việt cần lưu tâm trong việc cân nhắc và phán đoán các phản ứng của hai siêu cường này trong quan hệ với VN.
LỰC LƯỢNG QUÂN SỰ VIỆT NAM
Đối phó với các khả năng quân sự của TQ như vừa nêu ở trên, câu hỏi đặt ra tiếp theo là còn về phía VN có trong tay những gì để t vệ trước sự uy hiếp của TQ. Sự thật thì có rất ít tài liệu với thông tin đầy đủ về lực lượng quân sự VN. Sau đây là vắn tắt một số tin tức thu lượm được.
Có thể nói ngay rằng quân đội VN (VPA) căn bản là lục quân; hải quân và không quân chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ. Kể từ sau khi rút khỏi Campuchia năm 1989, VN cho giải ngũ bớt, cắt giảm quân số từ trên 1.2 triệu xuống còn khoảng hơn 480,000 bộ đội tại ngũ thuộc về khoảng 25 Sư đoàn. Về hải quân thì chỉ chừng hơn 13,000 thủy thủ, cộng thêm khoảng chừng 27,000 người thuộc lực lượng phối hợp có vai trò gần như thuỷ quân lục chiến. Không quân thì khoảng 30 ngàn gồm cả lực lượng Phòng không. Có khoảng 40,000 người thuộc lực lượng Biên phòng, khoảng 100,000 Công an Vũ trang,  Lực lượng Trừ bị khỏang 5,000,000 người.
Chi phí quốc phòng năm 2007 của VN là chừng 3.7 tỉ dollars, so với 6 tỉ dollars của Bắc Hàn, 6 tỉ dollars của Singapore, 8 tỉ dollars của Đài Loan, và 80 tỉ dollars của Trung Quốc![xxi]
Trước đây phần lớn vũ khí của VPA đến từ Liên Xô. Từ sau ngày Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, VPA phải mua vũ khí với giá thị trường quốc tế trả bằng ngoại tệ mạnh hoặc trao đổi nguyên nhiên liệu. Giai đoạn từ sau 1989 cho đến khoảng năm 1995, VN tập trung phát triển kinh tế, chỉ xử dụng một bách phân rất nhỏ cho ngân sách quốc phòng. Tình hình có phần thay đổi theo chiều hướng gia tăng kể từ năm 1995 trở về sau này. VN dần dần thắt chặt quan hệ mua sắm vũ khí với Nga. Nước này đã thỏa thuận đáp ứng cao nhất nhu cầu vũ khí của VN. Tháng 9/2008 Bộ trưởng Quốc Phòng Nga đã mô tả VN như là “đối tác chiến lược của Nga tại ĐNA”.
VN đã mua phần lớn chiến đấu cơ tối tân, tàu chiến, radar, hoả tiển và tàu ngầm từ Liên Bang Nga. Ngoài  ra, VN cũng tìm mua vũ khí từ các quốc gia thuộc khối Varsovie trước đây như Ba Lan, Tiệp Khắc, Ukrain, v.v…và cả từ Ấn Độ và Do Thái.
Điểm chính yếu là vì ngân sách quốc phòng quá nhỏ, 3.7 tỉ dollars, so với nhu cầu quốc phòng quá lớn lao. VPA vẫn còn là một quân đội nhà nghèo, đi mua sắm vũ khí theo kiểu bòn nhặt, chắp vá. Chẳng hạn Lục quân vẫn phải, hoặc tự làm, hoặc thuê nước ngoài, tân trang lại khoảng hơn 50 xe thiết vận xa M.113 cổ lổ cách đây hàng 40 năm! Hoặc phải mướn Do Thái tu bổ lại toàn bộ 850 xe tanks T-54/55 để dùng. Có trường hợp phải đi mua đồ cũ bán lại (second hand), như năm 2005 mua 150 chiến xa T-72 từ Ba Lan với trang bị bảo trì và đạn dược.
Khó khăn nhất là mua chiến đấu cơ tối tân cho Không Quân. Vì các loại chiến đấu cơ đó thường rất đắt. Có nhiều trường hợp, VN đã ký hợp đồng mua bán rồi, nhưng sau đành phải huỷ bỏ nửa chừng vì không đủ tiền chi trả, hoặc đành phải đổi qua mua lọai rẽ hơn, hay đành phải trở về đại tu những chiến đấu cơ sẳn có! Như năm 2008, VN dự trù mua 20 chiếc Sukhoi-30 hoặc Mig-29; nhưng cuối cùng chỉ mua nổi 8 chiếc Sukhoi và phải đến năm 2010-2011 mới nhận được hàng. VN cũng đã hợp đồng nhờ Ấn Độ đại tu các phi cơ Mig-21 cho mình và cung cấp bộ phận rời cho các phi cơ đó.
Trong lãnh vực Phòng Không, trước đây vũ khí phòng không đều do Liên Xô cung cấp. Từ ngày Liên Xô sụp đổ, các vũ khí phòng không của VN hư hỏng, xuống cấp nặng và trở nên lỗi thời. Nhưng mải đến năm 2000 VN mới bắt đầu quan tâm đến việc phục hồi và tăng cường khả năng cho bộ đội phòng không bằng cách bắt đầu mua các hoả tiển mới từ Liên Bang Nga và Ukraine. Lần mua lớn đầu tiên năm 2003, trả cho Nga 200 triệu dollars để mua hai pháo đội hoả tiển đất đối không 300PMU-1s.
Về hải quân, do nhu cầu bảo vệ các hải đảo và các địa điểm khai thác dầu trên Biển Đông, VN đang cố gắng để trang bị cho mình một số tàu có phi đạn chống tàu chiến (antiship missles). Như năm 1997 mua lại hai chiếc tàu ngầm nhỏ của Bắc Hàn, đem về tu bổ lại. VN cũng đã chính thức yêu cầu Ấn Độ giúp huấn luyện về tàu ngầm. Ấn Độ, kể từ năm 2000 sau khi ký Thỏa Thuận Hợp Tác Quốc Phòng, đã giúp đỡ VN rất nhiều trong việc tu bổ ,tân trang và sản xuất các tàu tuần tiểu nhỏ, cố vấn kỹ thuật cho hai xưởng đóng tàu Ba Son và Hồng Hà. Năm 2008, khi Nam Tư chia đôi, VN cũng đã mua lại một số tàu ngầm cũ của Serbia. Năm nay và sang năm 2011, hải quân VN sẽ nhận hai tuần dương hạm đặt mua hồi năm 2006 với giá tổng cộng 300 triệu dollars từ Nga. Năm 2008 VN cũng đã ký hợp đồng với Nga 670 triệu dollars để được cung cấp vật liệu rời cho việc tự lắp ráp tàu chiến và các vũ khí đi kèm tại VN.Từ những vật liệu rời đó, VN đã lắp ráp được một số tàu tuần duyên nhỏ và cả khinh tốc đỉnh(corvettes).[xxii]

Thiết diện của tàu ngầm loại Kilo
Một trong những mua sắm lớn nhất mới đây là việc VN ký hợp đồng, hồi tháng 4/2009 mua của Nga 6 chiếc tàu ngầm tấn công (attack submarines)loại Kilo chạy bằng diesel-điện trị giá tổng cộng gần 2 tỉ dollars. Các tàu ngầm này được trang bị ngư lôi hạng nặng và hoả tiển. Cũng theo hợp đồng mua sắm đó thì Nga hứa giúp VN xây dựng căn cứ tàu ngầm, bến cảng bảo trì và tài trợ một số dự án hải quân khác. [xxiii]
Tắt lại thì lực lượng quân sự VN rất khiêm tốn, ngân sách ít ỏi và trang thiết bị rất thô sơ xét theo tiêu chuẩn hiện đại. Tương quan lực lượng giữa VN và TQ quá sức chênh lệch, nhất là lực lượng hải quân và không quân, và đó là một nổi ưu tư lớn lao cho mọi người Việt Nam.

Chiến đấu cơ
Xe tăng các loại
Tàu chiến các loại
Tàu ngầm
Hoả tiển Liên lục địa
Việt Nam
221
1315
75
8*
0
Trung Quốc
2643
7580
660
60
46
*Trên thực tế chỉ có  hai chiếc đang vận hành, 6 chiếc còn lại đang ở giai đoạn sản xuất, chưa nhận được.[xxiv]
PHẢI LÀM SAO?
Thiết nghĩ đó là câu hỏi đang gây băn khoăn cho hầu như mọi người Việt Nam ở khắp nơi trước những động thái mới của chính phủ Mỹ đối với vùng ĐNA và Biển Đông, trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Thật ra không phải vấn nạn chỉ nảy sinh từ lúc có lời phát biểu của Ngọai trưởng Mỹ, mà nó đã bắt rễ từ lâu trong sự biến đổi của tương quan quyền lực giữa các cường quốc trên phạm vi thế giới và khu vực. Tất nhiên để biết phải làm sao hay nên làm gì ngõ hầu duy trì được độc lập, bảo vệ đuợc sự toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ được bản sắc Dân tộc, xây dựng được một xã hội tiến bộ với nền kinh tế ngày càng phát triển, trong một tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay không phải là điều đơn giản nằm trong khả  năng giải đoán của vài cá nhân, hay của một tập đoàn lãnh đạo nào đó; mà trái lại là kết quả của một nổ lực tra vấn tập thể, toàn diện và rộng lớn, của mọi người VN. Người viết bài này chỉ xin nêu lên vấn đề, nhưng không có tham vọng cũng như khả năng để khởi đầu cho việc đề ra lời giải đáp. Chỉ xin, sau đây, thổ lộ đôi suy tư vụn vặt của mình.
Như đã đề cập đến ở đoạn trước rằng bầu không khí ngày nay trong quan hệ giữa Mỹ-TQ không giống như bầu không khí chiến tranh lạnh trước đây trong quan hệ giữa Mỹ-Liên Xô. Trước kia hai khối CS và Tư Bản phân ranh rạch ròi, đối đầu sinh tử; hai bên hoàn toàn không có mối tương thuộc kinh tế chặt chẻ; nền kinh tế của Mỹ không bị ràng buộc bởi nền kinh tế của Liên Xô và ngược lại. Còn ngày nay, mối quan hệ giữa Mỹ-TQ lại khác, nó là một mối quan hệ hổn hợp giữa sự tương tranh quyền lực và sự tương thuộc kinh tế. Trong Chiến Tranh Lạnh, hai bên Mỹ-Liên Xô, do nguy cơ cùng bị huỷ diệt, đã không dám trực tiếp đụng đầu mà ghìm nhau trong tình trạng balance of terror. Mặt khác, thế giới thời Chiến Tranh Lạnh là thế giới lưỡng cực. Khối các nước thứ ba quá yếu kém về mọi mặt để có thể có những ảnh hưởng làm đổi thay tình trạng lưỡng cực đó.
Ngày nay, TQ tuy yếu hơn Mỹ nhiều về quân sự; nhất là trên quy mô toàn cầu, nhưng ở phạm vi Á Châu, những nổ lực lớn lao của TQ đã khiến  ưu thế quân sự của Mỹ không còn là công cụ chính, đắc lực trong việc giải quyết các tranh chấp giữa hai bên. Không phải vô cớ mà ngoại trưởng Mỹ đề nghị quốc tế hoá vấn đề Biển Đông. Người ta chỉ quốc tế hoá hay định chế hoá một vấn đề bao lâu quân sự không phải là giải pháp tối ưu.Ngược lại, TQ cũng có những nhược điểm nội tại và sự cạnh tranh ráo riết của các đối thủ khác ở Á Châu: Nhật, Ấn, Nga, và Úc.
Vắn tắt, người Mỹ “trở lại” lần này không phải để phục hồi một SEATO của những năm 1950s, hay hình thành một liên minh quân sự để đương đầu với TQ. Tuy rằng có xác suất cao là Mỹ sẽ hậu thuẩn cho vài quốc gia trong khu vực ĐNA nâng cao khả năng quốc phòng của mình, nhưng đó chỉ là để hổ trợ cho mặt trận kinh tế, chính trị, ngoại giao trong nổ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm be chắn sự lớn mạnh lên của TQ theo quỹ đạo toàn cầu của mình và sau nữa cũng để mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp vũ khí. Sự “ trở lại” đó của Mỹ mới chỉ là một nước cờ mới, và tất nhiên còn phải chờ xem phía TQ sẽ đối phó như thế nào, ngoài những lời phản ứng mạnh mẽ nhất thời của bộ trưởng Dương Khiết Trì. Sau đó, cũng phải chờ xem những bước đi kế tiếp của Mỹ. Tất nhiên rất khó mà đoán trước được các bước đi kế tiếp của mỗi bên. Có lẽ cần phải dựa vào những gì đã xảy ra trong một hoàn cảnh tương tự để đối chiếu với những diễn biến ở Biển Đông.
Không đâu có những điểm tương tự với Biển Đông hơn vùng Biển Vàng ở giữa Trung Quốc và Đại Hàn. Vừa qua sau vụ chiếc khinh tốc đỉnh Choenan của Nam Hàn bị đánh đắm, từ hồi tháng Sáu, Mỹ và Nam Hàn đã chuẩn bị một cuộc thao diễn chống tàu ngầm ở Vùng Biển Vàng. Thông báo về cuộc tập trận đó đã gặp phản ứng mạnh mẽ của TQ, đồng thời ngay sau đó hải quân TQ lập tức cho tập trận với đạn thật dọc theo vùng bờ biển đối diện với Biển Vàng trong nhiều ngày. Kết quả phía Mỹ-Nam Hàn hoãn đi hoãn lại nhiều lần việc thao diễn của mình, mải đến cuối tháng Bảy mới bắt đầu. Dầu vậy, lúc đầu dự trù là có Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử trọng tải 100,000 tấn George Washington tham dự. Nhưng đến ngày thực sự tập trận thì HKMH Washington không vào Biển Vàng mà chỉ dừng lại ở Biển Nhật Bản. Điều đó khiến nhiều người nhớ lại là trước đó chính quyền TQ đã cảnh cáo rằng việc đưa HKMH vào vùng biển quá gần với TQ là một đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh của họ.  Có lẽ không mấy ai chú ý đến chi tiết đó, tuy rằng nó rất quan trọng để lượng giá khả năng phản ứng của mỗi bên. Và đó là chi tiết đáng cho người Việt ở cả trong và ngoài Nước suy ngẫm, để đừng quá vội vàng trong việc kết luận mức độ đối địch Mỹ-TQ chỉ do một đôi động thái dò dẫm khởi đầu của một bên.
Nhiều lắm thì chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng nước cờ mới của Mỹ sẽ khiến tốc độ bành trướng của TQ ở ĐNA phần nào bị chậm lại. Thời gian bị chậm lại đó bao lâu, có lẽ không một ai có thể đoán chắc được, bởi nó sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi kinh tế của Mỹ, khả năng duy trì sự phát triển và ổn định của Bắc Kinh, và tình hình của các cường quốc Á Châu khác : Nhật, Ấn Độ, Nga. Nhưng dù sao cũng sẽ có thêm một khoảng thời gian hoà bình cho châu Á và ĐNA, trong đó TQ chưa ngoi lên được địa vị trọng tài số một của khu vực. Và đó là khoảng thời gian người Việt cần gấp rút nắm lấy. Cần tỉnh táo nhận ra rằng nước cờ của Mỹ chỉ tạo ra cơ hội cho chúng ta; nhưng không đem lại giải pháp trong vấn đề quan hệ giữa VN-TQ. Vấn đề là biết nắm lấy thời cơ và thích ứng với thời cơ ấy để củng cố vị thế đối với TQ.
 Cũng xin đừng quên rằng hơn 80 triệu người Việt không thể bỏ mãnh đất hình chữ S, tràn xuống Úc hay Tân Tây Lan để “tị nạn”, lập một nước VN khác, tránh được hoạ người Hán. VN phải chấp nhận thực tế là mình luôn sống cạnh một đại cường nhiều tham vọng, và để sống được cần khôn khéo với bên ngoài, phải giữ một sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc và không nên quên rằng sẽ không ai giúp mình nếu mình không tự giúp mình trước. Vậy, cấp tốc tranh thủ sự ổn định do sự “trở lại” của Mỹ tạo ra để ổn định bên trong, tự mình cường thịnh lên hầu đủ lực đương đầu với tình thế mới khi bàn cờ chính trị quốc tế biến động trở lại. Thiết nghĩ, có lẽ cần:
1. - Đoàn kết trong ý thức quốc gia-dân tộc. Nước Việt Nam đã thống nhất về mặt hành chánh hơn 35 năm rồi, nhưng chưa thật sự thống nhất về mặt tình tự dân tộc, đại đa số, kể cả không ít những người trong giới cầm quyền, vẫn chưa thoát khỏi hậu quả của sự tuyên truyền thời Chiến Tranh Lạnh, còn vướng mắc trong vũng lầy ý thức hệ, vẫn còn nhìn đồng bào của mình qua lăng kính phân tranh. Đó là hệ quả của sự kém ý thức quốc gia-dân tộc, chưa biết đặt Dân Tộc-Tổ Quốc lên trên hết, trên cả đảng phái và chế độ chính trị. Những khẩu hiệu như “Trung với Đảng” hay “Yêu Nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội” là bằng chứng rõ ràng về sự thiếu ý thức quốc gia-dân tộc đó.
Tại sao không trung thành với Tổ Quốc VN, mà trung thành với Đảng? Không lẽ Đảng chính là Tổ Quốc hay cao hơn Tổ Quốc? Hay không lẽ Đảng cũng trường tồn như Tổ Quốc? E rằng sẽ là một sự phạm thượng, nếu có ai đó trả lời khẳng định những câu hỏi vừa nêu. Hoặc hơn thế nữa, không chỉ là phạm thượng mà là phi lý, là trái với chân lý và điên rồ.
Cũng vậy, Chủ nghĩa Xã hội chỉ là một chế độ chính trị, mà chế độ chính trị, dù tốt bao nhiêu cũng chỉ là hình thái xã hội của một giai đoạn, chỉ mang tính chất tạm thời; trong lúc Nước là trường cữu. Tất nhiên không thể đánh đồng làm một giữa chế độ chính trị và Nước được. Việt Nam với lịch sử hàng mấy ngàn năm, đã trải qua nhiều chế độ chính trị, nhiều triều đại. Điều đó nói lên tính cách nhất thời của chế độ và tính lâu dài của Tổ Quốc và sự khác biệt, không thể đánh đồng làm một, giữa hai thực thể.
Hai câu khẩu hiệu chính yếu trên, không những xuất phát do thiếu ý thức quốc gia-dân tộc mà còn gây ra một hậu quả vô cùng tai hại khác; đó là đã gây chia rẽ giữa cộng đồng Dân tộc, đã tiếp nối sự phân ly có từ thời phong kiến và vô tình tạo kẻ hở cho kẻ thù khai thác.
Chỉ có sự đoàn kết, xuất phát từ ý thức quốc gia- dân tộc và thoát khỏi mọi định kiến ý thức hệ ngoại lai, mới khiến người Việt Nam có được sức mạnh tổng hợp, cần thiết để đương đầu với hiểm hoạ ngàn đời Bắc phương cũng như vận dụng một cách hữu ích nước cờ mới của Tây Phương. Chỉ có một dân tộc có ý thức đầy đủ về mình mới đủ sức chống lại một dân tộc có ý thức quốc gia cao như người Hán. Người Trung Quốc, kể cả những người ngày nay vẫn nhận mình là Cộng Sản, đã và đang đề cao hoặc quảng bá Khổng Tử, đang lập Viện Khổng Tử khắp nơi trên thế giới, chứ không hề lập viện Karl Marx hay Lénine. Người Việt chúng ta cần suy ngẫm về điều đó; nhất là những người vẫn tự cho là chỉ có mình mới xứng đáng là người lãnh đạo Đất Nước.
2.-Trong trường kỳ thì kinh tế là yếu tố quyết định cho nền an ninh của Tổ Quốc. Bởi vì chỉ có quốc phòng vững mạnh khi có kinh tế tự chủ, phát triển nhanh, ổn định và cân đối. Mối nguy hiện nay của VN không chỉ là sự yếu kém về quốc phòng mà là ở quan hệ thực dân kiểu mới về kinh tế đối với TQ, ở tư thế vừa cung cấp nguyên nhiên liệu, vừa là thị trường tiêu thụ kỹ nghệ nhẹ và là sân sau của TQ. Cấp thiết phải thoát ra khỏi quan hệ phụ thuộc đó, mới mong có được an ninh và độc lập. Vì vậy điều chúng ta thật sự cần ở những cường quốc đối trọng với TQ không chỉ là vũ khí quân sự mà là đầu tư kỹ thuật và hợp tác kinh tế thật sự trên cơ sở tương trợ đồng minh.
Một khía cạnh của nền kinh tế-quốc phòng là việc phát triển mậu dịch hàng hải. Nền kinh tế lấy nông nghiệp làm trụ cột, qua hàng ngàn năm đã trói chặt người Việt vào đồng ruộng, khiến con người không kịp ngững mặt nhìn lên để thấy ngoài kia một bờ biển dài hơn 2000km với vô số triển vọng tươi sáng. Chính vì bỏ không ưu thế về biển, không quan tâm phát triển hàng hải mà ngày nay VN phải gánh lấy hậu quả bị TQ lấn hiếp trên Biển Đông vì không có một hạm đội đủ mạnh để chống lại. Lịch sử thế giới cho thấy rằng dân tộc nào biết tận dụng và phát huy ưu thế về biển thì đều trở nên phồn thịnh về thương mãi, có những đội thương thuyền mạnh, kèm theo là những hạm đội thiện chiến. Vậy có nên chăng tận dụng thời cơ hiện nay để đặt vấn đề phát triển hàng hải làm nền tảng cho việc xây dựng hải quân mạnh đủ sức bảo vệ biển về sau?
Ngoài ra phải giải quyết mối nguy kinh tế bên trong; đó là sự bất bình đẳng quá lớn về phân phối lợi tức. Sự phân cách giàu nghèo quá xa là mầm móng của mọi bất ổn chính trị-xã hội, của sự mất đoàn kết dân tộc và là lực cản của sự phát triển; hơn nữa là một sự diễu cợt lớn đối với tên gọi Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa của VN hiện nay. Nguồn gốc của sự bất bình đẳng là do mâu thuẩn giữa hạ tầng kinh tế tư hữu hoá/tư bản hoá với thượng tầng lãnh đạo chuyên chính kiểu Stalinist. Về mặt kinh tế, VN đã đi đúng một vòng tròn (luẩn quẩn): từ sung công ruộng đất, đấu tố tiêu diệt địa chủ đến tư hữu hoá đất đai và khai sinh giai cấp địa chủ mới (đỏ); từ cải cách công thương nghiệp xoá bỏ tư doanh, xây dựng kinh tế quốc doanh đến chuyển qua kinh tế thị trường và tư bản hoá. Nhưng lãnh đạo thì vẫn là… “Vô ra cũng cha khi nãy”! Chính sự mâu thuẩn đó là căn nguyên của sự lạc hậu hiện nay của VN; một nước có đến 86 triệu dân mà GDP chỉ hơn 93 tỉ dollars ; trong khi đó Thái Lan có 66 triệu dân ,nhưng GDP lại đến 264 tỉ dollars!
3.-Nền tảng của kinh tế là Văn hoá. Một dân tộc nhỏ, sống cạnh một dân tộc to lớn, nếu muốn có độc lập thật sự thì không thể cứ mải mải tôn sùng và lấy văn hoá của dân tộc lớn đó làm mẫu mực cho mình. Đã hàng mấy ngàn năm, VN vẫn không thoát được vòng kiềm toả của Trung Quốc cũng chỉ vì dân Việt không tích cực tạo cho mình một bản sắc văn hoá độc lập, mà cứ sao chép văn hoá của TQ. Đến bây giờ vẫn vậy. Không phải tình cờ mà chế độ chính trị hai nước hiện nay gần hoàn toàn giống nhau, mà chính là vì tâm thức hay não trạng sùng bái TQ đã thấm vào trong xương tuỷ của đa số người VN; nhất là ở tầng lớp các thành phần ưu tú. Chẳng những giống nhau về chính trị, mà ngay cả các tệ trạng ở tầm mức quốc nạn cũng giống nhau. Đó là vấn đề tham nhũng và hối lộ lan tràn khắp nơi, thấm vào đến tận cùng mọi ngóc ngách của xã hội, trở thành một thứ ung thư ở giai đoạn cuối khi mà mức di căn (metastasis) đã phát tán toàn thân. Sự sụp đổ của Liên Xô trước đây, không phải do tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản phương Tây mà chính do loại ung thư tham nhũng này phát sinh từ bên trong Liên Xô.
Phải chấm dứt sự nô lệ văn hoá TQ, phải tận diệt óc sùng mộ Trung Quốc dưới tất cả mọi hình thức, người Việt phải quyết tâm xây dựng một bản sắc văn hoá cho riêng mình để thật sự độc lập và giữ được biên cương của Tổ Quốc.Phải trả thánh Khổng lại cho người Hán, và giữ lấy thánh Trần cho riêng mình.
4. - Cuối cùng căn bản của xây dựng văn hoá là xây dựng con người. Ngay trong thời phong kiến, ở thế kỷ 14, tiền nhân cũng đã nhận ra rằng “cần phải khoan sức dân, để bền gốc rễ”; nghĩa là người xưa đã ý thức được vai trò chủ tể của người dân đối với giang sơn. Nhưng tiếc thay hôm nay, ở thế kỷ 21, ở thời đại của Tự Do-Dân Chủ, mà người dân Việt Nam vẫn chưa được tham gia một cách tích cực vào việc quyết định vận mệnh của dân tộc và đất nước mình. Vẫn có một thiểu số tự phụ, một cách rất lố bịch, rằng chỉ có họ mới biết lãnh đạo, chỉ có họ mới thật sự là đại biểu của dân, để rồi từ đó tự giành cho mình độc quyền quyết định mọi vấn đề sinh tử của Đất Nước, không cho một người dân nào khác, ngoài những người thuộc phe đảng của họ, can dự vào. Thiểu số đó vẫn ngang nhiên chà đạp lên những Dân quyền và Nhân quyền căn bản của đa số dân chúng mà không gặp phải một sự chế tài nào. Ngay cả việc  người dân bày tỏ lòng yêu nước và sự phẩn nộ trước việc Đất Nước bị xâm lăng họ cũng không cho! Họ tự đặt mình, không những cao hơn đám quần chúng mà chính họ luôn vận động sự ủng hộ, mà còn lên trên cả Luật Pháp; không khác gì trong chế độ phong kiến xưa vua luôn đứng trên luật pháp. Điều nghịch lý ở đây là họ, những con người độc quyền lãnh đạo đó, lại tự nhận mình là đảng của nhân dân.
Ai cũng biết là không thể xây dựng con người, và xây dựng văn hoá một cách trọn vẹn và phổ quát trong một chế độ toàn trị, khi mà nền tảng pháp trị bị đặt xuống hàng thứ hai, phục tùng vào ý chí tuỳ tiện của thiểu số cầm quyền. Giải pháp duy nhất cho vấn đề xây dựng con người-văn hoá là một chế độ Dân chủ, trong đó quyền quyết định thuộc về người dân; và một hệ thống pháp luật nghiêm minh chặt chẻ, đại diện công lý và là nền tảng của tổ chức quốc gia, có thẩm quyền tài phán đối với mọi cá nhân, đoàn thể hay đảng phái. Người Việt sẽ không còn lựa chọn nào khác nếu muốn vận dụng có ích nước cờ ngoại giao của Tây Phương hiện đang đi để tự cường, đủ sức bảo vệ mình khi phải chấp nhận sống bên cạnh mối đe dọa lưu cữu Bắc Phương.
Sunnyvale, ngày 30/8/2010
TRƯƠNG ĐÌNH TRUNG



[i] http://www.zanesvilletimesrecorder.com/article/20100811
[ii] http://www.state.gov/secretary/rm/2010/01/135090.htm
[iii] Wayne M. Morrison, China economic conditions, Report RL.53534 (CRS 11/20/2008).
[iv] http://www.ustr.gov/countries-regions/china
[v] Stratfor, Global Intelligence,  August 9th 2010.
[vi] http://www.worldpress.org/Asia/3608.cfm.
[vii] Drew Thompson, China’s soft power in Africa, China Brief N. 21.
[viii] Norman, James R. The Oil Card, Triday LLC.
[ix] Dr. Henry J. Kenny, Shadow of the Dragon, Brassey’s Inc. 2002. P.42-43
[x] Trần Quang Cơ, Hồi Ức và Suy Nghĩ.
[xi] Carlyle Thayer, The structure of Vietnam-China relations,1991-2008.
[xii] Www. Asiansentinel.com/index2.php?option=com_content&task
[xiii] http://english.vietnamnet.vn/biz/201007/Viet-Nam-looks-to-ease-trade-deficit-with-China-922282/
[xiv] Ariel Hui-min Ko, University of Glasgow, UK- China’s Foreign Economic Policy towards Vietnam.
[xv] http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2010-02/08/content_9444539.htm
[xvi] http://news.yahoo.com/s/ap/20100805/ap_on_re_as/as_china_us_carrier_killer
[xvii] http://www.dailymail.co.uk/news/article-492804/The-uninvited-guest-Chinese-sub-pops-middle-U-S-Navy-exercise-leaving-military-chiefs-red-faced.html
[xviii] http://www.fas.org/blog/ssp/2008/04/new-chinese-ssbn-deploys-to-hainan-island-naval-base.php
[xix] http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2007/01/18/AR2007011801029.html
[xx] Susan L. Shirk, China- Fragile Superpower p.1, Oxford University Press 2007.
[xxi] http://csis.org/files/media/csis/pubs/060626_asia_balance_powers.pdf
[xxii] Carlyle A. Thayler, Vietnam People’s Army: Development and Modernizaton, 2009.
[xxiii] http://www.defenseindustrydaily.com/Vietnam-Reportedly-Set-to-Buy-Russian-Kilo-Class-Subs-05396/
[xxiv] http://www.scribd.com/doc/3099200/The-Asian-Conventional-Military-Balance-in-2006-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét