Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Ngày này.Năm Ấy


Ngày này.Năm Ấy
Một độc giả, đọc bài “ Ngày 30 tháng tư năm 1975 “ của tôi, đã viết thư hỏi về trường hợp riêng tôi, những ngày cuối cùng của cuộc chiến, trong khi bao nhiêu người tìm cách rời khỏi đất nước thì tôi, lúc ấy đang có mặt ở Sài Gòn, lại cứ nhất quyết tìm mọi cách để trở về đơn vị.
Chưa hết, kể cả khi tướng Dương Văn Minh, vị Tổng Tư Lệnh cuối cùng đã ra lệnh cho các quân nhân QLVNCH hãy buông súng , bàn giao cho những người phía bên kia, bản thân tôi lúc ấy đã cởi bỏ bộ quân phục thay vào bằng bộ đồ dân sự xin được từ một nhà dân gần đó, vẫn cùng với một sĩ quan phục vụ ở Ty ANQĐ Tiểu khu Long an, tìm đường “ trở về đơn vị “, chứ không phải trở về nhà.
Đơn vị nào ở cái thời điểm giờ thứ 25 ấy mà về ?
Một câu hỏi , thực ra, không có gì là khó để trả lời.
Nhưng câu trả lời chân thật nhất của tôi liệu có làm tổn thương đến những người may mắn thóat đi được vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến ?
Từ nhiều năm nay, trong những bài viết, tôi chỉ nhắc đến sự kiện, về hình ảnh không hề phai nhòa trong trí tưởng tôi vào cái ngày tháng Tư định mệnh ấy. Tôi không muốn đào sâu hơn nữa. Có lúc tôi nghĩ việc làm ấy chẳng ích gì, chỉ khiến lòng mình nặng trĩu thêm mà thôi. Vả lại, đã mấy chục năm trôi qua, bao nhiêu nước chảy dưới cầu, nhắc lại cũng chỉ như kể một truyện cổ tích không vui.
Trong bài “ Ngày 30 tháng 4 năm 1975 của tôi “, tôi viết :
“ . . . Trước đó một tuần, khi con đường Quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn và những tỉnh miền Tây còn chưa bị Việt Cộng chặt đứt ở khúc Bến Lức, tôi đã từ đơn vị Tiểu Khu Long An “ dù “ về Sài Gòn thăm nàng. Suốt gần một tuần ở Sài Gòn, tôi không hề có ý tưởng đi tìm nơi chạy thóat qua Mỹ, dù lúc đó ở Sài Gòn, đó là chuyện thường được nhắc tới nơi những quán cà phê. Tôi chỉ nôn nóng tìm cách trở lại đơn vị. Để làm gì, tôi không biết. Nhưng lúc ấy, giữa không khí hỏang lọan của một Sài Gòn đợi chết, mặc dù ở bên cạnh là người tình tấm mẳng của 3 năm Đà Lạt và 2 năm đóng hụi tháng cho các hãng xe đò chạy đường Sàigòn-Đà lạt , tôi vẫn chỉ cảm thấy yên lòng khi được ở đơn vị sống chết cùng với những người bạn, người lính của mình . . .”
Những hàng chữ nói trên rất thật.
Từ đơn vị ở Tiểu Khu Long An, cách Sài Gòn 40 cây số về phía Nam với khỏang 1 giờ xe đò, tôi “dù” về thành phố không phải để tìm cách “ chạy trốn quân Cộng sản “ như nhiều sĩ quan cao cấp hơn tôi đã làm từ trước đó hàng mấy tuần lễ. Đơn giản chỉ là nhớ người yêu mà thôi . Trước đó, khi nàng còn ở Đà lạt, từ Long An tôi đã dzọt lên Đà Lạt thăm nàng hàng tháng . Đi sáng thứ bảy, chiều đến nơi, rủ nàng đi uống cà phê, ăn phở để rồi sáng hôm sau, chủ nhật, lúc 5 giờ sáng tôi và nàng lại ôm nhau ngồi co ro ở bến xe uống cà phê bí tất chờ chuyến xe đò tài nhất về lại Sài Gòn. Và ngay khi xuống xe đò Sài Gòn- Đà Lạt tại Bùng binh Ngã Bẩy tôi lại nhẩy vội lên xe lam ra xa cảng miền Tây đáp chuyến xe đò cuối cùng về Long An.
Tuần lễ cuối cùng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, tuy có mặt ở Sài Gòn, ở bên cạnh nàng, nhưng tâm tư tôi vẫn một nửa hướng về đơn vị. Nơi đó, có 3 người bạn đồng khóa 3 CTCT Đà Lạt thân nhau như anh em ruột thịt. Nơi đó có những chiến hữu quen biết khi tôi đáo nhậm đơn vị. Hai năm làm việc bên nhau, tuy không phải xông pha lửa đạn như những đơn vị tác chiến để chia sẻ với nhau sự sống và sự chết, nhưng chúng tôi có cùng một lý tưởng để phục vụ. Đọan đường Sài Gòn về miền Tây ( Quốc lộ 4) bị Cộng quân đặt một chốt chặn khúc gần chân cầu Bến Lức ngay hôm sau khi tôi có mặt ở Sài Gòn. Đó là lý do duy nhất khiến tôi có mặt trên Quốc lộ 4, phía bên này chốt chặn hướng về Sài Gòn. Nếu không, tôi đã có mặt ở đơn vị vào giây phút cuối cùng của miền Nam, tham gia vào “đòan lính VNCH chân đất, không nón không vũ khí, tay úp lên đầu, đi lũ lượt trên quốc lộ.”
Thành thực mà nói, những ngày ấy ở Sài Gòn, tuy có nghe nói về những cách khả thi để thóat khỏi đất nước trước khi quân Bắc Việt tiến vào, nhưng tôi không tha thiết lắm đến việc vượt thóat. Tôi và nàng có bàn với nhau về việc đó, nhưng cả hai đều bế tắc ở đọan “ còn gia đình mình thì sao ? “. Nàng còn mẹ, còn anh em. Tôi cũng còn các em tôi phải lo lắng chăm sóc. Nếu tôi đi rồi thì chúng sẽ ra sao ? Chúng tôi không nghĩ đến mình. Vì lúc ấy chúng tôi đang ở bên nhau. Chỉ nghĩ đến người thân. Phần tôi, còn nghĩ đến những anh em của mình ở đơn vị.
Thời gian này, ngày nào tôi cũng thăm dò xem đọan Quốc lộ 4 bị chặn ấy đã giải tỏa được chưa để tôi trở về đơn vị. Đến sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, bồn chồn không yên vì tin tức chiến sự ngày càng bi đát, tôi quyết định lên xe đò miền Tây trực chỉ hướng Bến Lức, dù đã được cho biết xe đò không thể đi xa hơn Bến Lức. Bất chấp nước mắt ngắn dài của nàng, tôi khư khư giữ vững ý định của mình. Nàng hỏi tôi anh về đơn vị thì sẽ giải quyết được gì ? Tôi ngọng miệng không biết trả lời thế nào để thuyết phục đựợc nàng bằng lòng để tôi đi. Tôi chỉ có thể năn nỉ nàng hãy để tôi về với các bạn của mình, vì giây phút này đây , lúc mà tương lai cuộc chiến , tương lai của chính bản thân tôi chưa biết như thế nào, chúng tôi cần ở bên nhau để bàn tính điều đúng nhất cần làm. Biết không thể giữ được tôi, nàng lau nước mắt tiễn tôi rời Sài Gòn.
Thế là tôi có ngày 30 tháng 4 năm 1975 của tôi không giống ai.
Trong cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 ấy, trở về đơn vị không còn mang ý nghĩa trở về một trại lính, một văn phòng làm việc, một nhiệm sở, mà là trở về với đồng đội .
Nhiều năm sau, trong những trại tù, đêm trằn trọc vì đói, vì rét, vì nỗi nhớ nhà quay quắt, tôi lại nghĩ đến cái tuần lễ cuối cùng định mệnh ấy của đời mình. Tôi vẫn tin rằng mình đã có lựa chọn đúng. Trong trại tù, tôi đã gặp nhiều người ra đi đến được đảo Guam rồi, nhưng nỗi nhớ nhà, sự lo lắng cho vợ con còn kẹt lại đã khiến họ cương quyết đòi trở về cho bằng được trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín tháng 9 năm 1975 . Chẳng may, chính quyền Cộng sản tàn ác bất nhân, đã không cho họ được gặp thân nhân, còn đầy họ vào những trại cải tạo xa nhất ở miền Bắc và ngày về của họ còn thăm thẳm hơn cả chúng tôi. Đối với chúng tôi, tình cảm gia đình luôn là thứ thiêng liêng nhất. Vì gia đình, một số người nhất quyết không chịu tìm sự bình an riêng cho thân mình. Vì gia đình, nhiều người tuy đã đến đựợc thiên đường, nhưng vẫn quay trở lại để được sống chết cùng với cha mẹ vợ con.
Với tôi, sau gần 9 năm dài đăng đẵng trong những nhà tù từ Nam chí Bắc, khi tôi trở về thì nàng đã không còn đủ sức chờ đợi tôi được nữa. Tôi không hề trách nàng. Mỗi người chỉ có một thời tuổi trẻ. Tôi, vì tai trời ách nước, đã phí hòai mất 9 năm đẹp nhất đời mình trong tù. Đó là định mệnh của riêng tôi, của rất nhiều những bạn bè tôi. Nhưng không vì thế mà phải khiến những người khác liên lụy, trong đó có nàng, “ người tình tấm mẳng của 3 năm quân trường và 2 năm đóng hụi tháng cho các hãng xe đò chạy đường Sàigòn-Đà lạt “.
Đã có lúc tôi nghĩ đến chữ “ Nếu “.
Nếu tuần lễ cuối cùng ấy có mặt ở Sài Gòn, tôi và nàng cương quyết tìm đường vượt thóat, và cơ may là chúng tôi thóat được. Hẳn cuộc tình 5 năm không kết thúc tội nghiệp như nó đã kết thúc. Và gia đình riêng của hai chúng tôi, có thể sẽ được chúng tôi lo lắng một cách cụ thể hơn về mặt vật chất như nhiều người khác may mắn thóat được sớm đã lo cho gia đình họ.
Nhưng, lúc ấy đâu có ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Chúng tôi chỉ quyết định theo sự thôi thúc của lương tâm mình. Cái đúng với người này, có thể là cái sai với người khác. Những người từ đảo Guam về lại Việt Nam trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín tháng 9 năm 1975 mà tôi được biết không có ai hối tiếc về quyết định của mình, dù có người trải gần 13 năm trong những trại cải tạo. Và khi họ được thả về, vợ con họ đã tìm đường vượt biên. Gia đình họ chỉ đòan tụ sau khi có chương trình HO, tức là gần 20 năm sau.
Tất cả sự đau khổ, chia ly, những nghịch cảnh xót xa xẩy ra trong một đọan đời khó quên của đất nước, chẳng qua chỉ là định mệnh mà dân tộc phải gánh chịu. Mỗi người, trong đọan đời ấy, có số phận riêng của mình. Ngày nay, mấy mươi năm sau, nhìn lại, dù nỗi đau có lớn thế nào, cũng chỉ là quá khứ.
Có lẽ chúng ta nên cố gắng quên quá khứ đi thì tốt hơn chăng ?

T.Vấn
30 tháng 4 năm 2011
T.Vấn(c)2011

__________________________________

Phụ Lục :

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 của tôi
. . . Đó là một ngày ảm đạm , ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Giữa dòng người hốt hỏang trên Quốc Lộ 4 nối liền thành phố Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Việt Nam, tôi đã cởi bộ quân phục mặc trên người, đủ bình tĩnh để xếp chúng lại thật ngay ngắn phẳng phiu, cẩn thận cột giây đôi giầy trận theo đúng quy cách quân trường, rồi đặt chúng nằm cạnh bộ quân phục . Tôi còn nhớ cái bóng của mình đã đứng thật nghiêm, bàn tay trái nắm chặt để ngón cái chạy xuôi theo đùi chân trái, tay phải đưa lên ngang tầm mắt, thật dõng dạc chào một lần cuối những thứ tôi vừa cởi bỏ trên người ở chân cầu Bến Lức khi giọt nắng cuối cùng vừa biến mất phía sau nhà lồng chợ quận.
Trước đó một tuần, khi con đường Quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn và những tỉnh miền Tây còn chưa bị Việt Cộng chặt đứt ở khúc Bến Lức, tôi đã từ đơn vị Tiểu Khu Long An “ dù “ về Sài Gòn thăm nàng. Suốt gần một tuần ở Sài Gòn, tôi không hề có ý tưởng đi tìm nơi chạy thóat qua Mỹ, dù lúc đó ở Sài Gòn, đó là chuyện thường được nhắc tới nơi những quán cà phê. Tôi chỉ nôn nóng tìm cách trở lại đơn vị. Để làm gì, tôi không biết. Nhưng lúc ấy, giữa không khí hỏang lọan của một Sài Gòn đợi chết, mặc dù ở bên cạnh là người tình tấm mẳng của 3 năm Đà Lạt và 2 năm đóng hụi tháng cho các hãng xe đò chạy đường Sàigòn-Đà lạt , tôi vẫn chỉ cảm thấy yên lòng khi được ở đơn vị sống chết cùng với những người bạn, người lính của mình.
Ngày thứ Ba 29 tháng 4 năm 1975, bất chấp sự ngăn cản của nàng, tôi lên xe đò Sài Gòn –Bến Lức tại xa cảng miền Tây. Đường số 4 chưa thông, nên không có xe đò nào vượt quá Bến Lức. Đến Bến Lức, tôi cảm thấy yên tâm hơn, vì mình đã ở gần đơn vị một nửa đọan đường. Đêm hôm ấy, tôi ngủ tạm tại nhà một nhân viên thuộc quyền. Cô được tôi bằng lòng cho về nhà kể từ khi doanh trại bị pháo kích thường xuyên. Sáng hôm sau, tôi vội vã chạy ra ngòai lộ để mong có tin tức gì về việc giải tỏa đọan đường bị tắc nghẽn gần tuần nay. Bên này cầu Bến Lức vẫn đông nghẹt người từ Sài Gòn tìm cách đổ về các tỉnh miền Tây.
Lúc 9 giờ sáng, có một chiếc trực thăng đáp xuống ngay bãi đất trống trước quận đường Bến Lức. Tôi thấy Đại tá Lê Văn Năm, cựu tỉnh trưởng Long An và đương nhiệm Trung đòan Trưởng một trung đòan của Sư Đòan 9 Bộ Binh bước xuống từ trực thăng. Một chiếc xe jeep của chi khu Bến Lức ra đón ông đi về hướng Bộ Chỉ Huy Hải quân Bến Lức. Từ đó, tôi không thấy bóng ông đâu nữa. Chiếc trực thăng vẫn còn nằm đó cho đến khi nào tôi không biết.

 Khỏang 10 giờ rưỡi sáng, tôi nghe mọi người xôn xao túm tụm quanh chiếc máy phát thanh của một quán cà phê cạnh quận đường. Lệnh của vị Tổng thống cuối cùng của VNCH cho mọi quân nhân buông súng, chuẩn bị bàn giao cho những người bên kia . Mọi người nhìn nhau, không ai nói một câu . Tôi không bị xúc động nhiều lắm, vì đó là điều tôi đang mong đợi , sau một tuần lễ quan sát những gì xẩy ra ở Sài Gòn.
Lặng lẽ, tôi đi vào khu nhà dân bên kia đường, hỏi xin một bộ quần áo cũ. Mọi người nhanh nhẹn và sốt sắng tìm giúp tôi ngay thứ tôi đang cần. Bộ quân phục với chiếc nón có gắn cặp lon mới tinh, tôi xếp ngay ngắn và để lại ở bên này chân cầu Bến Lức.
Giữa đám người hỗn lọan, tôi gặp một vị sĩ quan trẻ làm việc ở TY An Ninh Quân Đội tỉnh. Anh lái chiếc xe Vespa Sprint. Gặp nhau, chúng tôi mừng như bạn quen lâu ngày. Không cần bàn cãi lâu, chúng tôi cùng quyết định “ quay trở về đơn vị Long An “, vì lúc đó đòan người đang ùn ùn kéo nhau qua cầu, có nghĩa là đọan chốt của Việt Cộng phía bên kia cầu không còn nữa. Hòa Bình rồi, còn súng đạn đâu nữa mà sợ.
Chúng tôi qua cầu Bến Lức, phóng bạt mạng về hướng Long An. Hai bên đường, xác lính ở cả hai bên nằm la liệt. Cả tuần lễ, mấy tiểu đòan địa phương quân tiểu khu được lệnh giải tỏa khu bị chốt. Về gần đến Long An, chúng tôi thấy từng đòan lính VNCH chân đất, không nón không vũ khí, tay úp lên đầu, đi lũ lượt trên quốc lộ. Rải rác bên ngòai là mấy anh người lính bộ đội mang súng AK đi canh chừng. Họ đi đâu, chúng tôi không biết. Ngang qua chỗ rẽ vào thị xã, nhìn về phía doanh trại thấy người lớn trẻ nhỏ khiêng vác đồ đạc chạy tới chạy lui. Tôi còn một tủ sách và nàng thì còn một giỏ quần áo để quên khi đến thăm tôi hôm đầu tháng 4. Đến lúc này, chúng tôi hiểu rằng mình thực sự không còn “ đơn vị “ để quay về. Vậy thì điều duy nhất nên làm lúc này là về nhà.
Trời đã chiều. Đòan người vẫn ùn ùn đi về hai hướng ngược chiều nhau. Chúng tôi về tới Sài Gòn thì trời đã xẩm tối. Anh bạn Ty ANQĐ, sốt ruột về nhà, đã bỏ tôi lại trên ngõ Chợ Lớn. Tôi phải đi bộ về nhà nàng ở tận Bà Chiểu. Hai bên đường, dân cứ túa ra đứng nhìn những đòan bộ đội cũng thất thểu không kém tôi đi qua.

 Chiến tranh đã chấm dứt. Ít ra, lúc đó, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm với ý tưởng này. Ngày mai ra sao, tôi tạm chưa nghĩ tới.
Dòng người , như dòng đời, cuốn tôi mất hút trong đó. Tôi đi về một phía, và em đi về một phía. Bóng tôi xiêu đổ theo cả một nửa đất nước đổ xiêu cái ngày tháng 4 định mệnh ấy. Ngày ấy, với đôi chân trần rướm máu lê những bước mệt mỏi về lại thành phố Sài Gòn, tôi không biết rằng, rồi đây , cũng đôi chân trần ấy tôi sẽ bước những bước lưu đầy trên khắp miền đất nước : Trảng Lớn, Long Giao, Kà Tum, Suối Máu, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú , Xuân Lộc . . .
Gần 9 năm sau ngày 30 tháng 4 định mệnh ấy, tôi trở về từ những trại giam . Bước những bước chân buồn bã trên hè phố Sài Gòn, tôi không thể không nhớ đến cái ngày mà tôi thực sự muốn quên. Và tôi lại nghĩ đến nàng cùng với nỗi tuyệt vọng của sự chờ đợi.
Bước chân trên hè phố cũ 9 năm sau không phải để đến nhà nàng . Người xưa  quá mòn mỏi vì đợi chờ nên đã theo người khác về một nơi tôi không bao giờ biết, không muốn biết.

Vậy mà tôi vẫn muốn gặp được người.

Vậy mà tôi vẫn không thể quên ngày 30 tháng 4 năm 1975 của tôi.

T.Vấn

T.Vấn(c)2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét