Càng gần đến ngày 30/4 những người chiến thắng, đích danh gọi là cộng sản Bắc Việt thì họ sẽ sơn son thếp vàng lại tấm bảng “PHONG THÁNH” cho cuộc “Đại Thắng Mùa Xuân 1975” thật thần thánh “Chống Mỹ, cứu nước - Giải phóng Miền Nam”, đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Đúng như thế, Mỹ đã phải tủi nhục thân tàn ma dại chạy trối chết thoát khỏi vũng lầy chiến tranh VN; còn bọn Ngụy, đích danh gọi là Quân Đội VN Cộng Hòa và chính quyền tự do dân chủ Miền Nam bàng hoàng lo sợ chịu thân phận của kẻ chiến bại và phải chấp nhận tất cả mọi sự trừng trị của cs Bắc Việt. Hình như sự trừng phạt này vẫn còn tiếp tục… kéo dài đến 36 năm nay. Chỉ cần lật một trong 700 tờ báo lề phải, như tờ QĐND trong những ngày cuối tháng 4 là người đọc thấy họ đang rỉ rả về những luận điệu thù hận này.
|
Phóng viên chiến trường người Anh, ông John Pilger thuở ấy ghi lại nhật ký chiến trường vào những ngày cuối cùng của tháng 4/1975 tại thủ đô Sài Gòn. Lúc ấy vị đại sứ Mỹ Graham Martin xuất hiện trên truyền hình Sài Gòn, cam kết Washington sẽ không rời Việt Nam. Lời cuối cùng của ông Martin: "Tôi, Đại sứ Mỹ, sẽ không chạy trốn lúc nửa đêm. Bất kỳ ai cũng có thể tới nhà tôi và chứng kiến tôi chưa thu dọn hành lý".
Một lời trấn an hèn nhát của vị đại diện chính quyền Washington trước khi đào tẩu. Phóng viên Pilger cho biết thêm về một tín hiệu triệt thoái rút quân toàn diện của quân đội Mỹ vào ngày 29/4/1975 khi lực lượng quân đội Mỹ cho phát sóng Radio mật hiệu di tản bằng bản nhạc Giáng Sinh bất hủ do ca sĩ nổi danh Bing Crosby hát: " I'm dreaming of a white Christmas " – (Tôi mơ ước về một Giáng Sinh tuyết) thì một người bạn hữu của nhà phóng viên Pilger đã quyết định ngay lập tức: "OK, chạy được rồi đấy!". (Một thông báo về di tản được bí mật ghi ra như sau: mang theo hai bộ quần áo để thay đổi, một áo mưa, một bộ dụng cụ may vá, một cái ô dù, một cái mở hộp, thuốc phòng chống côn trùng, giấy chứng nhận kết hôn…). Cuộc di tản căng thẳng chớp nhoáng và cuối cùng trên nóc nhà tòa đại sứ Mỹ đã đưa được khoảng 7.000 người bằng trực thăng ra khỏi VN, gồm 1.300 người Mỹ và 5.500 người Việt trong vòng 18 tiếng đồng hồ.
|
Thế là hết! Chấm dứt cuộc tham chiến của Mỹ với người bạn Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/4/1975. Miền Nam Việt Nam đã bị bức tử!
Thời gian qua mau, đã 36 năm rồi! Thời gian của một nửa đời người sống trên hành tinh này! Bắc Nam đã thống nhất, nhưng đến ngày kỷ niệm thứ 36, thay vì có thể kể cho nhau nghe những từ ngữ yêu thương, hòa giải, nối kết tình anh em giữa hai miền thì người Miền Nam vẫn còn phải đón nhận những mặc cảm của kẻ chiến bại, vẫn còn là ngụy quân, ngụy quyền, bù nhìn tay sai, phục vụ cho âm mưu thực dân mới, những từ ngữ Mỹ cút Ngụy nhào vẫn còn oang oang nơi cửa miệng của kẻ tiếp tục say men chiến thắng để chủ đích kết án bản chất hiếu chiến phản động cho người Miền Nam. Điều ấy chẳng khác chi một bản giáo điều bảo thủ mù quáng nhằm nuôi dưỡng thù hận của quá khứ chiến tranh!
Đến nay, chưa có một luận đề tin tưởng và bao dung nào được nói về sự hòa giải bình đẳng của dân tộc ngoài cách đe dọa cải tạo hoặc bắt đi tù học tập từ năm 1975 tại Việt Nam. Nước Đức sau thống nhất, các nhà lãnh đạo chính trị cũng như tôn giáo, xã hội quá khoan dung, thay vì trả thù hoặc kết án kẻ chiến bại, tất cả mọi người đồng tâm đưa tay ra kết đoàn nâng đỡ và xây dựng đất nước.
Tại Việt Nam, chờ mãi đến 35 năm sau mới có một người can đảm ký tên Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ gửi thư lên Quốc Hội VN vào ngày 30/8/2010: “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa”. Lời kiến nghị này chẳng khác những gì người Đức giữa Đông và Tây đã thực hiện thành công trong 20 năm vừa qua cho dân tộc họ. Luật sư Cù Huy Hà Vũ - người đang được thế giới chú ý về bản án tù bất công 7 năm, đã đưa ra luận đề thuận lòng người, ít nhất cho những người đã được hưởng cuộc sống tự do của chế độ VN Cộng Hòa: “Dù là tất yếu để Non – Sông Việt Nam liền một giải, để Độc lập Dân tộc được toàn vẹn thì đó vẫn là một cuộc Nội chiến, một cuộc chiến tranh Huynh - Đệ tương tàn giữa những người Việt Nam.
Vì vậy, một khi chiến tranh chấm dứt thì xóa bỏ hận thù giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến hay Hòa giải Dân tộc là Nghĩa vụ, và hơn thế nữa, là Đạo lý của mọi người Việt Nam. Và trong sự nghiệp Hòa giải này – tôi khẳng định – vĩ đại không kém cuộc chiến vừa kết thúc nhằm thống nhất đất nước – những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ chung - Tổ quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại sum họp Một Nhà!
… Trớ trêu thay, Ban lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất sau 30 năm chiến tranh chẳng những đã không học tập tấm gương hòa giải dân tộc của Hồ Chí Minh, mà ngược lại, còn khoét sâu vết thương của dân tộc bằng việc tập trung “cải tạo” trong nhiều năm trời cả trăm nghìn quân nhân, viên chức Việt Nam cộng hòa, bằng kỷ niệm liên tục 35 năm nay “Ngày giải phóng Miền Nam” đậm chất “thắng – thua”… đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ rơi vào vòng xoáy của sự thù hận với hệ quả là một số người bị chính quyền mới kết vào “tội xâm phạm an ninh quốc gia”!
Một khúc mắc thời đại, hay đúng hơn là một vết thương nhiễm trùng chưa có thuốc kháng chế bám chặt trên cơ thể của 3 triệu đảng viên csVN từ 36 năm qua. Vết thương này, cho đến nay không ai được phép đụng vào cứu chữa cho nó. Ngày nay Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tìm cách tiếp cận đến thân chủ để mổ xẻ ung nhọt độc hại này: “Và hận thù ấy lại dẫn đến chia rẽ khác không kém phần đau đớn, lần này ngay trong nội bộ những người đã ca khúc khải hoàn, bởi có mấy gia đình Việt Nam không có người thân ở bên kia chiến tuyến.
Kinh khủng hơn nữa, chính những hận thù và chia rẽ dân tộc ấy đang từng ngày, từng giờ tiếp tay cho nguy cơ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ Tư và lần này e vĩnh viễn!”. - Hết trích.
Theo thống kê, người Việt Nam đang sống trong giải đất hình chữ S với dân số 85 triệu thì gần 2/3 đã được sinh ra sau chiến tranh VN - hai thế hệ trẻ người Việt Nam đã sinh ra sau 1975, như thế trên dưới 50 triệu người VN chưa bao giờ nghe tiếng súng hoặc tiếng bom nổ trong đời của mình, và họ không phải nghĩ đến cảnh cầm súng bắn vào nhau nơi chiến trường. Tại sao phải gieo lòng thù hận của quá khứ chiến tranh vào tâm trí của hai thế hệ trẻ này?! Có thể nói dân tộc Việt Nam sau sự đô hộ 100 năm của thực dân Pháp, bây giờ là lúc ngưng tiếng súng hoàn toàn để tạo thành một khối, gói trong cùng một bọc để có thể sống trong hòa bình xây dựng đất nước hùng mạnh.
Trong lúc này tư tưởng hòa giải thật lòng, từ con tim giữa hai miền Nam Bắc của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cần thiết hơn bao giờ hết cho dân tộc Việt Nam.
Minh chứng đã có của dân tộc Đức, họ chỉ cần thời gian 20 năm sau thống nhất đã thành công xây dựng đất nước tiến lên và nước Đức đang trở thành một quốc gia giàu mạnh nhất trong khối Liên Hiệp Âu Châu.
Phát triển đất nước Việt Nam thời hiện tại bằng kinh tế mũi nhọn Vanashin?
Còn Việt Nam với chính sách toàn quyền đảng trị của csVN sau 36 năm thống nhất chúng ta thực đã đủ sức vươn lên cao như sức mạnh của con rồng Á Châu? Chúng ta đã được phép tự hào sánh vai song bước cùng các quốc gia bạn bên cạnh và trong vùng? Được gia nhập WTO thay vì gia tăng được sức mạnh từ đôi tay của mình hay luôn phải cúi đầu ngửa tay nhận viện trợ của người ngoài nhằm tiếp tục xóa đói giảm nghèo?
Sức mạnh của thế giới được tính theo sự tăng trưởng kinh tế và sự nâng cao đời sống của người dân. Dường như người quốc nội cũng như những nhà đầu tư ngoại quốc đang nhìn thấy những công trình mũi nhọn của VN cứ như con tàu thả dốc không phanh xe. Tên gọi Vinashin với số nợ kinh hoàng hơn 86.000 tỷ đồng, tiếp theo với các tin tức trong những ngày vừa qua đăng tải về vụ Công ty Cho thuê tài chính ALC II liên quan đến ngân hàng Agribank cũng đang trên đường phá sản giống như dập khuôn với Vinashin vì thua lỗ 3.000 tỉ đồng. Được kể thêm phải nêu ra Tổng công ty xăng dầu đang thâm thủng ngân quỹ hàng ngày tỉ đồng chỉ trong vòng 3 tháng. Thua lỗ cứ gia tăng như cơn sóng thần Tsunami cuốn vào nền kinh tế VN, ví dụ năm 2010 công ty Điện lực Việt Nam (EVN), một tập đoàn lớn của Nhà nước đã thông báo lỗ hơn 8.000 tỉ đồng. Thế mà vào đầu tháng 4/2011 tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cho biết, EVN còn nợ tập đoàn này khoảng 5.000 tỉ đồng. Chuyện nợ ngàn tỉ cứ như trò đùa chẳng khác đưa tay mua vài bó rau trong thời bão giá: đã lỗ thật to làm sao còn sớm trả được nợ? Tiếp theo vào đầu tháng 3/2011 Thanh tra Chính phủ cho biết 5 ngân hàng to đã có nhiều sai phạm gây thất thoát 160 tỷ đồng cho nhà nước.
|
Câu chuyện nợ nần của VN chưa kịp đến hồi kết thúc thì cách đây vài hôm, 20/4/2011 báo chí lại khui thêm ra việc Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã lên tiếng về việc EVN nợ mình 1.600 tỷ đồng, thời điểm mang nợ tính đến 31/3/2011. Như vậy, trong khoảng một thời gian ngắn tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bị phanh phui ra số nợ lớn của PetroVienam và Vinacomin, cộng chung nợ của 2 nơi là 6.600 tỷ đồng. Nếu tính thêm vào số thua lỗ 8.000 tỉ đồng trước đó sẽ tổng cộng ra một con số rất nghiêm trọng 14.600 tỉ đồng. Tập đoàn EVN luôn được mệnh danh là đứa “con cưng” của nền kinh tế Việt Nam và đang “ngập đầu ngập cổ” trong nợ nần.
Lại một đứa “con cưng” khác của nền kinh tế nước nhà, Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thua lỗ đậm trong 3 tháng đầu năm. Báo SGTT đưa tin: sáng nay 4/4, bà Đàm Thu Huyền, phó tổng giám đốc tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, thống kê nhanh của đơn vị này cho thấy, tính đến hết ngày 31/3, Petrolimex đã lỗ 2.650 tỉ đồng trong quý 1. Tính ra mỗi ngày công ty Petrolimex đang lỗ một khoản tiền khổng lồ trên 29 tỷ đồng. Nhà nước đang giữ 75% cổ phần của tổng công ty này.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận một sự phá sản có hệ thống từ những tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước thua lỗ khi ông cho biết thống kê cách đây 2 năm trước: Năm 2009, cả nước có 1.358 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI hoạt động. Tuy nhiên, có tới 56% trong số này báo cáo làm ăn thua lỗ. Hầu như họ đều là những doanh nghiệp nhà nước hoặc có cổ phần của nhà nước.
Nhìn thất bại thê thảm như thế người ta có thể nói rằng một đằng do quản lý kinh tế, tài chính yếu kém, đằng khác phải có một động cơ to lớn đứng sau lưng, đó là một màng nhện rối mù nhằm hưởng lợi chia chác miếng bánh với nhau hoặc táo tợn tham gia vào đục khoét tham nhũng, rửa tiền hoặc lấy tiền nhà nước làm của riêng.
Sự tụt dốc về kinh tế đang đè nặng lên nợ công của Việt Nam, năm 2010 đã đạt đến mức 56,6% GDP: tổng sản lượng quốc gia. Mức nợ công kỷ lục của VN dưới triều đại của TT Nguyễn Tấn Dũng. Con số này so sánh với nợ công của Hy Lạp khoảng 1/3. Đây là một tiếng chuông báo động cho nền kinh tế VN, dù rằng nhiều chuyên gia kinh tế VN vẫn kiên định số nợ công của VN còn nằm trong ngưỡng cửa an toàn. Người bi quan cho rằng nợ công ở Việt Nam đang tăng nhanh và sẽ trở thành căn bệnh "kinh niên" của nền kinh tế. Đàng khác những tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cứ tiếp tục thua lỗ - có nơi đã tuột dốc đến 3 năm rồi – thì lãi xuất của nợ công rõ ràng càng tăng lên cao.
Tình hình kinh tế lụn bại chưa từng xảy ra đang làm cho người dân VN xoay sở rất khó khăn trong thời bão giá trầm trọng này. Nạn lạm phát đang từ 8,93, nay trong tháng 3 đã phi mã tới mức độ báo động 13,89% khiến cho Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế phải liên tục cảnh báo nhà nước csVN. Nơi đang đoạt giải quán quân gây sốc về lạm phát là TP Sàigòn với 14% so với năm vừa qua và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2008. Lại thêm một kỷ lục mới về lạm phát của TT Nguyễn Tấn Dũng khi ông hãnh diện đưa ra chỉ tiêu lạm phát chỉ đến ngưỡng 7% cho năm 2011. Ngoài ra nguồn ngoại tệ dự trữ của năm 2010 là 25,8 tỉ Đôla, bây giờ đã bốc hơi nhanh chóng mất đi một nửa còn 12,2 tỉ trong đầu năm 2011. Công ty xếp hạng tín nhiệm về đầu tư Moody's Investors Service Inc. cảnh báo rằng nếu nguồn ngoại tệ dự trữ tiếp tục giảm sẽ làm mất cán cân cân bằng kinh tế tại VN.
|
Nếu tính thêm nợ nước ngoài chúng ta sẽ thấy con số cứ vùn vú tăng lên cao cho nhà nước VN. Vào tháng 1/2011 Bộ Tài chính đã công bố bản tin nợ nước ngoài số 6 và cho biết trong năm 2010 VN đã vay thêm 1 tỉ USD, nâng tổng số nợ lên 29 tỉ USD, chiếm 42,2% GDP. Số tiền lãi phải trả cho chủ nợ nước ngoài thì Việt Nam phải cần trên 4 tỉ USD, tương đương 80.000 tỉ ĐVN để hoàn thành số nợ cho năm 2011. Các nhà kinh tế nhìn ra số tiền này đang chiếm đến 11,9% tổng chi ngân sách của VN.
Nhà nước csVN luôn có một biệt tài chạy chữa theo kiểu đột phá “vỡ chỗ nào đắp ngay chỗ đấy” hoặc là “đi tắt đón đầu” trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” đang làm cho cuộc sống của người dân điêu đứng lầm than về bão giá: thực phẩm, điện, nước, gas xăng dầu, nhà cửa, thuốc men, v.v… tăng lên như phi mã và cộng thêm với đồng tiền VN trượt giá. Dân nghèo cứ phải thắt lưng buộc bụng sống vất vưởng cho qua ngày.
Tiện nói về lạm phát chúng ta cần biết thêm một chút về Hy Lạp và Ireland. Tại Hy Lạp mức lạm phát trong năm 2010 tăng lên 5,4%, mức cao nhất từ 13 năm nay. Và Ireland cũng trong năm 2010 nạn lạm phát phi mã lên 5,6%, khi ấy trong khi khối Liên Minh Âu Châu đồng lòng lấy tiêu chuẩn ở mực cao nhất là 3%. Việc gì đã đến với hai quốc gia này thế giới đã biết tỏ tường: bị phá sản toàn diện, dân chúng lầm than với bão giá. Như thế, mức báo động đỏ 13,89% vượt kỷ lục lạm phát ở VN có làm cho người dân lo sợ không? Và VN đang tiến dần đến bờ vực thẳm phá sản chăng?
Đọc được 2 bình luận trong báo nhà nước, tờ mạng Vietstock (Thông tin dữ liệu tài chính kế toán kinh tế VN) vào ngày 20/04/2011 với tựa đề “Lạm phát của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới” cho thấy tình hình kinh tế hiện tại rất khẩn trương. Nhìn vào các nước trong khu vực tại châu Á, họ chỉ có lạm phát từ mức 0 đến 6% mà thôi.
Tại diễn đàn mở của báo Vietstock chúng ta đọc được những bức xúc hiện tại của người dân, ví dụ điển hình qua:
- San (20/04/2011 - 14:44): Bao nhiêu năm liền gần đây lạm phát VN luôn ở mức quá cao, dân nghèo càng ngày càng khổ, mà sao không thấy ai phải chịu trách nhiệm nhỉ?
- Đỗ Trọng Tường (20/04/2011 - 12:22): Hoan hô VN ta đứng hạng nhì thế giới (về lạm phát). Thật là OAI - HOÀNH TRÁNG và vinh dự cho VN ta. Như vậy ta có đi ra ngoại quốc thì thế giới sẽ phải NGẢ NÓN mà kính nể TA chứ. Đây là một minh chứng hùng hồn cho sự TÀI LÃNH ĐẠO và điều hành kinh tế của đất nước. HY VỌNG rằng trong thời gian tới TA phải Đứng hạng 1 thế giới, thế mới thật là OAI hoàn hảo.
Trở về đống sắt vụn khổng lồ Vinashin, một điều thú vị khi tìm được các tài liệu của các năm cũ, một chi tiết cho chúng ta thấy nợ quá hạn của Vanashin vào năm 2008 khi được thanh tra kiểm đến chỉ là một con số rất nhỏ không đáng lo ngại cho một mũi nhọn kinh tế nhà nước hàng đầu: 3.812 tỉ đồng nợ. Đùng một cái, như cơn sóng thần Tsunami ụp đến, chỉ qua 2 năm sau tiền nợ đã trở thành 86.000 tỉ đồng. Kỷ lục của Việt Nam!
Một chi tiết khác chúng ta cần biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN, tính đến 31/12/2008, tổng nợ tín dụng của 7 Tập Đoàn mũi nhọn quốc gia (Dầu khí, Than khoáng sản, Cao su, Dệt may, Công nghiệp Tàu thủy, Điện lực, Bưu chính Viễn thông) là 128.786 tỉ đồng, tăng nợ lên 20,54% so với cuối 2007, chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế VN ở cùng thời điểm.
Như thế, những món nợ và thua lỗ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước kể trên có thể tuột dốc theo dấu vết của chiếc tầu mũi nhọn Vinashin không? Thời gian sẽ là mức đo chính xác nhất cho họ và cho nhà nước csVN!
Cuộc cứu nguy nền kinh tế VN bằng cách xuất khẩu lao động hoặc là buôn nô lệ?
Theo cách nhìn của chính quyền csVN, qua cuộc Hội thảo Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội thì chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn (Sic!), nhằm góp phần giải quyết nhiều vấn đề của lao động xã hội như giải quyết việc làm cho người dân.
Cách định nghĩa này xem thật mỹ miều và mang tính nhân văn kinh tế. Kế hoạch cứu nguy nền kinh tế này đã được thực hiện trong nhiều năm nay. Lý do chính đáng là lợi nhuận quá to lớn cho người ban hành luật về nó, còn công nhân đi lao động cũng có dịp cải thiện cuộc sống kinh tế cho riêng mình và gia đình, điều này không ai có thể phủ nhận về việc mang sức lực và mồ hôi đổi lấy cơm ăn áo mặc của họ. Nhiều người cũng đã dựa vào đó để đạt được thành quả tốt đẹp.
Một con số thống kê chính thức làm cho người đọc thấy được lợi nhuận đang nằm trong tay của nhà nước csVN. Theo báo cáo của Quỹ hỗ trợ XKLĐ thuộc Bộ LĐ-TB-XH vào tháng 3/2009 mở mắt cho chúng ta thấy một siêu lợi nhuận như sau: “… Từ năm 2004 (thời điểm thành lập) đến nay, Quỹ hỗ trợ XKLĐ đã thu tới hơn 92 tỷ US (Đôla Mỹ) nhưng đến nay Quỹ này mới chi hơn 2,4 tỷ. Theo Quyết định số 163/2004/QĐ-TTg, Quỹ hỗ trợ XKLĐ thuộc Bộ LĐ-TB-XH nhằm thực hiện việc phát triển thị trường lao động ngoài nước; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động VN trên thị trường lao động quốc tế; hỗ trợ rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp trong hoạt động XKLĐ.”
Một cú làm ăn nhẹ nhàng, không tốn sức, giầu nhất mà lại nhàn nhất, chẳng cần phải bỏ vốn đầu tư mà siêu lợi nhuận mang về hàng tỉ Đôla Mỹ, hơn hẳn rất nhiều các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước.
Vì thế khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23/3, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH khẳng định trong năm 2011, có thể hoàn thành chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2010, các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động Việt Nam đã đưa lao động đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 85.546 lao động, đạt 100,64% kế hoạch, tăng 16,4% so với năm 2009.
Theo đánh giá của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, hầu hết lao động nghèo đang có việc làm khá ổn định ở nước ngoài với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia; 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng ở Libya, UAE và 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết con số của năm 2010 như sau:
28.499 lao động đi Đài Loan
11.741 lao động đi Malaysia
8.628 lao động đi Hàn Quốc
5.903 lao động đi Lào
5.242 lao động đi Libya
5.241 lao động đi UAE
4.913 lao động đi Nhật Bản
4.725 lao động đi đến các thị trường khác là
3.615 lao động đi Campuchia
3.124 lao động đi Macao
2.729 lao động đi Ả rập Xê út
1.204 lao động đi Bahrain
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo bảng thống kê từ năm 2007 đến tháng 6/2010 có 282.106 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức, trong đó họ đi đến các quốc gia làm việc:
89.887 lao động đi Đài Loan
39.817 lao động đi Malaysia
39.382 lao động đi Hàn Quốc
32.196 lao động đi Khu vực Trung Đông
19.590 lao động đi Nhật Bản
12.092 lao động đi Khu vực châu Phi
Nhìn con số 282.106 lao động chính thức (chưa tính thêm vào con số lớn lao động chui) để có đủ hồ sơ nhận việc làm cũng như để xuất cảnh, chi phí cho cò, cho các công ty có chức năng xuất khẩu lao động, cho chính quyền địa phương, các tòa đại sứ, vé máy bay, v.v… Đổ đồng mỗi bộ hộ sơ người lao động phải ứng trước cả 10.000 USD, có chỗ việc làm tốt phải chi nhiều tiền hơn. Điều này đã mang lại gần 3 tỉ USD, so sánh hơn một nửa số nợ khổng lồ của đống sắt vụn Vanashin. Một sáng kiến buôn nô lệ của thời đại mới như là cách thức nhằm tăng cường kinh tế cho họ. Ngoài ra, hàng năm phải cộng thêm số tiền gửi về cho gia đình của những người đi lao động nước ngoài khoảng 2 tỉ USD (số ước tính qua các ngân hàng, con số gửi ngoài có thể lên cao hơn nữa).
Thêm một tin thú vị sốt dẻo và thật mới vào ngày 22/4, tại TP Cần Thơ, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc về “Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”. Tình trạng phụ nữ VN lấy chồng nước ngoài trở thành ồ ạt theo phong trào „ra đi xóa đói giảm nghèo“ và bên cảnh xuất cảnh lao động thì việc lấy chồng nước ngoài cũng được xem là một nền kinh tế mũi nhọn quan trọng hàng đầu. Qua những tổ chức trung gian, cò và chi phí cho nhà nước làm giấy tờ số tiền lên đến hàng tỉ Đôla Mỹ. Tại hội nghị này Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: “Từ năm 1995-2010, cả nước có hơn 257.555 công dân VN kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân định cư ở nước ngoài, trong đó có trên 80% là phụ nữ. Công dân VN đã kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 11%, Đài Loan chiếm 30%, Mỹ gần 14 %, Hàn Quốc gần 13%... Theo thống kê của Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Bắc, hiện có hơn 100.000 cô dâu VN đã lấy chồng sang Đài Loan. Con số lấy chồng nước ngoài này cũng chẳng kém gì những người đang đi lao động nước ngoài trong 15 năm vừa qua.
Hiện nay, 539.661 người đi lao động nước ngoài và các chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài đang là một nguồn lợi vô tận (không vốn) cho nhà nước csVN.
Báo chí Mỹ phanh phui ra vụ “Lao Nô” Việt Nam tại Mỹ vào ngày 15/4/2011
Những ngày vừa qua bài toán cho sự bền vững của kế hoạch đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài vẫn chưa thể giải quyết vẹn toàn, nếu ký giả Lise Olsen tờ báo Mỹ của Housten Chronicle, Texas phát hành ngày thứ sáu, 15/4/2011 không viết về tệ nạn buôn người lao động bất hợp pháp từ VN với tựa đề dựa theo bản dịch của anh Ba Sàm: „Họ là những “Lao Nô nhập cư” bị các công ty của Mỹ lừa? Công nhân Việt cáo buộc các công ty ở bên nhà đã bóc lột họ“. (Were they 'indentured servants'? Cheated by U.S. firms, Vietnamese allege homeland exploited them). Một bài báo dài lột tả rõ ràng những chi tiết đen tối đứng đằng sau sân khấu lấy tên Xuất khẩu Lao động của nhà nước csVN.
Vị thẩm phán của Quận Harry đưa ra quyết định một khoản tiền bồi thường chưa có tiền lệ là 60 triệu Đôla cho những thợ hàn người Việt được tuyên bố là đã bị các công ty cung ứng lao động của Mỹ bóc lột.
Đơn kiện xác định thủ phạm là hai công ty lớn của Việt Nam, cả hai công ty này đều do nhà nước (VN) sở hữu một phần: Công ty Dịch vụ và Đầu tư Thương mại, tên viết tắt là Interserco, và Tổng công ty Công nghiệp Ô tô, tên viết tắt là Vinamotors.
Luật sư của các công nhân này, Tony Buzbee, cho rằng các công ty có quan hệ với chính phủ Việt Nam nói trên đã cố tình tuyển dụng lừa đảo để xuất khẩu rất nhiều người lao động và bóc lột họ theo cách chiếm đoạt số tiền tiết kiệm của họ rồi đưa họ sang làm việc tại những công ty của Mỹ chỉ muốn thu lợi từ những nhân công “chung quy chỉ là những lao nô nhập cư.” Đơn kiện lên tòa án liên bang này đòi một khoản tiền bồi thường nữa là 100 triệu đô.
Một điều hèn hạ theo thói quen làm việc cẩu thả vô trách nhiệm của các vị đại diện của nhà nước csVN tại nước sở tại- nơi nào cũng thế, họ trốn tránh gặp gỡ báo chí. Tờ báo Housten Chronicle cho độc giả Mỹ biết thêm tình tiết:
Nhân viên tại tòa lãnh sự quán của Việt Nam ở Houston đã không nhấc máy trả lời những lời cáo buộc và những cuộc gọi tới tòa đại sứ Việt Nam ở Washington rồi được hướng dẫn là phải gọi tới lãnh sự quán ở Houston. Phát ngôn viên của tòa đại sứ đã không nhấc máy trả lời các cú điện thoại gọi tới hôm thứ Tư.
Lý do thưa kiện được tờ báo địa phương này viết rất rõ ràng:
Năm 2008, người lao động muốn được tuyển dụng phải trả ngay một khoản thủ tục phí lên tới 15.000 đôla – số tiền này được gom từ tiền thế chấp nhà cửa, bán phương tiện làm ăn sinh sống và vay mượn tiền tiết kiệm cả đời của những người họ hàng. Để đổi lại, họ được hứa hẹn sẽ nhận được tổng số tiền công vào khoảng 100.000 đôla cho một hợp đồng kéo dài 30 tháng.
Sau khi sang tới Mỹ, những công nhân này được đưa tới sống trong “những ngôi nhà như dành cho súc vật”, “bị đối xử như những lao nô nhập cư” và bị sa thải sau 8 tháng khi chính các công ty môi giới này dự định thay họ bằng những chuyến hàng mới và do đó là những khoản thanh toán thủ tục phí mới, theo các cuộc phỏng vấn và theo đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang hàng quận ở Galveston.
“Đây là cường quốc và chúng tôi không thể tin nổi, rút cục chúng tôi đã bị lừa như thế này, công ty đang lừa chúng tôi,” Ngo Ba Chin, một người trong số những công nhân nói trên đã trả lời báo Chronicle thông qua một người phiên dịch. Tình cảnh ở đây tồi tệ hơn bất cứ nước nào khác mà anh ta từng tới làm việc chẳng hạn như Nga, Hàn Quốc và Lybia. “Không khác gì đi tù.”
Vấn đề ngoại giao được đặt ra về nhân quyền và quyền của người lao động do tờ báo Housten Chronicle tiếp tục luận cứ:
Bộ Ngoại giao Mỹ công bố từ rất lâu trước đây đã chỉ trích chính phủ Việt Nam không bảo vệ công dân của mình khỏi nạn buôn người trong đó bao gồm cả việc “các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam”, hầu hết là những công ty của nhà nước, đã thu những khoản phí bất hợp pháp và quá cao. Những khoản phí này thuộc loại “cao nhất” so với mức phí của “nhân công nước ngoài đến từ tất cả các nước châu Á khác”, điều này khiến cho họ rất dễ bị rơi vào tình trạng bị trói chặt vì nợ nần và lao động cưỡng bách,” Báo cáo năm 2010 về tình hình buôn người do Bộ Ngoại giao công bố đã viết như vậy.- Hết trích.
Như thế, lần này nhà nước csVN sẽ phải muối mặt đối diện với dư luận của người dân Hoa Kỳ đang giơ tay chỉ đích danh kẻ buôn người bất hợp pháp mà nhà nước csVN luôn tìm cách dối trá che đậy. Nếu cuộc kiện cáo này còn kéo dài nơi pháp đình của nước Hoa Kỳ tự do và báo chí có dịp khui thêm ra các ngõ ngách lừa đảo đưa dân VN đi làm nô lệ thì e rằng nhà nước VN phải cúi đầu nhục nhã nhận tội. Một điều ai cũng biết - chính quyền sở tại cũng như người VN sống tại nước ngoài, mọi người rõ ràng nhìn thấy cánh tay vươn dài của một hệ thống buôn người trái phép của csVN chính là những tòa đại sứ, lãnh sự VN ở nước ngoài. Đối với hạng người này chỉ biết có tiền, tiền và tiền…, và họ sẵn sàng hành hạ dân của mình sống ở nước ngoài để nhận được tiền đưa tay. Ai đang ở Mã Lai luôn biết rõ rằng khi gọi điện thoại vào sứ quán VN thì cả ngày không có ai chịu bắt máy nghe.
Tạm kết
Tiền đề viết cho chủ đề bài này: Phải chăng kẻ chiến thắng cam tâm tình nguyện đi làm „lao nô“ cho quân thù? cho thấy điều ấy đã trở thành hiện thực ngay trên quê hương của đế quốc Mỹ. Rồi kẻ chiến thắng, được gọi là cs Bắc Việt phải cúi đầu chịu nhận án xử từ chiếc búa công lý tại toà án Mỹ.
Ký giả Lise Olsen phải là một người rất am tường về Việt Nam cũng như về kế hoạch buôn người trái phép của csVN để tố cáo “kẻ chiến thắng” với những lời lẽ đanh thép. Thiết tưởng rằng nếu chúng ta thêm lời bình luận vào cũng bằng thừa.
Nơi đây chúng ta nên đặt câu hỏi cho người cs Bắc Việt: Đâu rồi chiến thắng thần thánh của 30 tháng 4 năm 1975? Đâu rồi lý tưởng giải phóng đánh đuổi thực dân, chống lại bóc lột của tư bản? Đâu rồi một thiên đường cộng sản xã hội chủ nghĩa luôn hão huyền hứa hẹn cho dân tộc VN từ 66 năm nay?
Không lẽ người cộng sản VN đang phản bội lại lý tưởng cao quý của mình để dã tâm trở thành một kẻ mang chính dân mình bán đi làm nô lệ cho những kẻ tử thù đã thất bại khi đối địch trong cuộc chiến như đế quốc Mỹ và thực dân Pháp, nếu thêm các Đồng Minh tư bản tự do khác vào nữa như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Mã Lai…? Hoặc diễn tả theo cách khác: việc buôn người cho kẻ thù tư bản là nguồn lợi nhuận duy nhất và đang là kế hoạch mũi nhọn cứu nguy nền kinh tế của người chiến thắng, cs Bắc Việt! Nếu đúng như thế thì Lao Nô đi bán sức mình cho bọn “Tư Bản giãy chết” nước ngoài đang trở thành người “Con Cả rất tốt bụng” nằm trong diện kinh tế vĩ mô “giàu nhanh mà nhàn” của nhà nước csVN. Đểu cáng đến mức tận cùng lúc được nghe từ cửa miệng một vị quan to ở Hà Nội phán ra rằng: “Đấy, nhà nước thật lòng muốn giúp dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho họ!”.
Một câu hát trong bản nhạc Chiều Tây Đô được phép tạm kết cho bài viết này: “… Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ?”.
… với vài phút mặc niệm cho ngày 30/4/1975
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét