Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Dàn Quân

- Nguyễn Đạt Thịnh

Trong chuyến thăm viếng Ấn Độ ngày 19 tháng Bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói với giới lãnh đạo Ấn là họ cần vượt ra ngoài biên giới Ấn để nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm chiến lược trong địa phương Nam Á, nhất là trong vùng Biển Đông.

Câu nói của người nắm quyền lực ngoại giao Hoa Kỳ làm tình hình Á Châu chuyển động mạnh: Ấn ký với Việt Nam khế ước khai thác hai giếng dầu 127 và 128 trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, song song với những hiệp ước hợp tác quân sự Việt-Ấn, đưa đến việc chiến hạm Airavat đang di chuyển ngoài khơi Nha Trang đột ngột nói là có người lên băng tần truyền tin cảnh cáo Airavat đang vi phạm lãnh hải Trung Quốc.
Phát ngôn viên ngoại giao của Tàu, bà Khương Du, phủ nhận chuyện đó; bà nói hải quân Trung Quốc không hề cảnh cáo Airavat. Tuy nhiên, phủ nhận một việc không xảy ra là điều rất khó làm, huống chi phủ nhận một diễn tiến trên Biển Đông, liên quan đến 3 địa hạt không ai đồng ý với ai cả: một là ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước, hai là lãnh hải lưỡi bò của Trung Quốc, và ba là sở hữu chủ của những giếng dầu được nói là rất lớn, nằm dưới lòng Biển Đông.
Xét kỹ việc chiến hạm Airavat bị cảnh cáo thì chỉ 1 phần 10 việc này có thể có thật, nhưng đến 9 phần 10 là giả thuyết Ấn tạo ra để đòi bạch hóa 3 điểm mù mờ vừa nêu.
Trung Quốc không coi nhẹ việc Ấn vào Biển Đông, nhất là sau cuộc viếng thăm Hà Nội của ngoại trưởng Ấn Độ Ranjan Mathai. Họ gia tăng nỗ lực tạo dư luận chống Ấn, nhưng vẫn chưa đưa một chiến hạm nào vào Biển Đông, trong lúc Ấn đã đưa chiếc tàu đổ bộ Airavat vào thăm Nha Trang và Hải Phòng; và Nhật đưa chiếc M.T. Choyo đến thăm dò môi trường đặt nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận.


Đối phó với việc Ấn đưa chiến hạm vào Biển Đông, Trung Quốc chỉ nâng cao mức độ khẩu chiến; họ đưa thêm nhiều cơ quan truyền thông của chính phủ tham dự cuộc đánh võ mồm. Tờ báo Anh ngữ Global Times viết: "Bắc Kinh phải cương quyết hơn trong nỗ lực ngăn chặn ONGC (hãng dầu quốc doanh của Ấn), không cho hãng này xúc tiến việc khui giếng dầu trong hải phận Trung Quốc".
Việc một tờ báo của Bắc Kinh bảo Bắc Kinh phải làm gì là một nét luẩn quẩn trong sinh hoạt truyền thông cộng sản; tuy nhiên, cho đến giờ này tờ Global Times khá thành công trong việc khích động tinh thần quốc gia của người Hoa. Tờ báo thất bại trong trọng trách thứ nhì là đe dọa những quốc gia Biển Đông về hiểm họa chiến tranh với lập luận nước nào chống lại Trung Quốc là gây chiến với Trung Quốc.
Về khế ước khai thác hai giếng dầu trong vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam, tờ Global Times viết: "Nếu Ấn không thay đổi thái độ sau những phản kháng ngoại giao, Trung Quốc phải sử dụng mọi phương tiện khác để ngăn cấm việc Ấn khui giếng dầu trong lãnh hải Trung Quốc".
Ấn trả lời là những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc không dựa trên một căn bản nào vững chãi cả, trong lúc theo luật biển thế giới năm 1982, ấn định vùng kinh tế đặc quyền (KTĐQ) của mỗi quốc gia là 200 hải lý (322 cây số), thì hai lô 127 và 128 nằm bên trong vùng KTĐQ của Việt Nam, và Việt Nam có đầy đủ tư cách sở hữu chủ để ký khế ước trao việc khai thác giếng dầu cho Ấn.
Trung Quốc nói khế ước giữa Việt Nam và Ấn Độ là bất hợp pháp vì không có sự đồng ý của Trung Quốc, quốc gia sở hữu chủ của cả hai lô. Chuyên viên Ấn nói đo từ mũi chót của đảo Hải Nàm xuống đến hai lô dầu khí này thì khoảng cách lên đến 1,200 cây số.
Vị trí của chiếc Airavat, khi hạm trưởng chiến hạm này nói là ông nhận được cảnh cáo vi phạm lãnh hải Trung Quốc, chỉ cách bờ biển Nha Trang có 45 hải lý, có nghĩa là hải phận Trung Quốc rộng hàng ngàn hải lý và bao trùm lên vùng KTĐQ của Việt Nam.
Ngoại trưởng Ấn Krishna còn nói với các phóng viên tại Hà Nội: "Dù có sự chống đối của Trung Quốc, hãng dầu Ấn ONGC vẫn tiếp tục xúc tiến việc khui giếng dầu trong hai lô đã ký khế ước với Việt Nam. Ông còn nói Nhà Nước cộng sản Việt Nam cam kết sẽ tích cực yểm trợ việc làm của ONGC".
Việc Việt Cộng thay đổi lập trường là điều đáng mừng, dù thay đổi này vẫn còn mang tính cục bộ. Hà Nội sắp được giao hàng nhiều tiềm thủy đĩnh tấn công mà họ đặt mua của Nga; thứ vũ khí này có tác dụng du kích trong hải chiến. Dù nhỏ, nhưng tiềm thủy đĩnh vẫn có khả năng bắn chìm những chiến hạm lớn hơn, nếu không bị địch khám phá ra sự hiện diện của tàu dưới mặt biển.
Thái độ nhập cuộc của Ấn, và những gì Ngoại trưởng Ranjan Mathai tiết lộ cho Hà Nội biết có thể là động cơ khiến Hà Nội quay ngược 180 độ. Một tay cựu tình báo nổi danh của Ấn, ông B. Raman, nói thái độ của Ấn cho thấy họ ý thức được và sẵn sàng chấp nhận một cuộc chạm trán võ trang với Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc chưa sẵn sàng, họ tiếp tục khẩu chiến và chỉ trích Hoa Kỳ đứng sau lưng làm hậu thuẫn cho Ấn với lời hứa hẹn Hạm Đội 7 sẽ nhanh chóng nhập cuộc ngay khi Ấn có nhu cầu trợ chiến. Bắc Kinh nói Ấn đã lầm khi tưởng là chiến lược "Sợi chuỗi hột châu" (string of pearls) của Trung Quốc nhắm mục đích cô lập hóa Ấn, phát ngôn viên quốc phòng Trung Quốc nói là Trung Quốc không hề nuôi ý đồ bao vây Ấn.
Trung Quốc có thái độ cầu hòa với Ấn, và cả với những quốc gia ven Biển Đông. Thái độ này rõ rệt đến mức đài BBC cho là họ có thể hủy bỏ lãnh hải 'lưỡi bò" để tránh một va chạm quân sự đang mỗi lúc một trở thành hiện thực hơn.
Tháng Tám 2011, Phó Đô đốc Scott Van Buskirk, Tư lệnh Hạm đội 7, đến thăm Hà Nội và hội đàm với Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chính phủ Mỹ cho phép Buskirk thực hiện những biện pháp chữa trị y tế giúp đỡ người Việt Nam như một thái độ thân thiện giữa hai đạo quân từng giao tranh ác liệt trên chiến trường.

Ngoài việc chọn Ấn đứng mũi chịu xào trong cuộc dàn quân trên Biển Đông, Hoa Kỳ còn tạo thế liên kết quân sự giữa những quốc gia khác; ngày 20 tháng Chín, Tổng thống Phi Luật Tân, ông Benigno Aquino III, đến Nữu Ước hội đàm với nhiều chính khách Hoa Kỳ.
Trong một cuộc nói chuyện trước những hội viên của Asia Society ông nhấn mạnh về chính sách đặt nặng việc bảo vệ lãnh hải. Biển Nam Hải được người Phi Luật Tân đổi tên là biển Tây Phi, như Việt Nam đổi Nam Hải thành Biển Đông.
Ông nói Phi Luật Tân tìm kiếm một thế mạnh để răn đe Trung Quốc đừng xâm phạm lãnh hải Phi.


Aquino III trình bày là trong 6 quốc gia đòi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, Trung Cộng muốn dùng sức mạnh để độc chiếm; 6 quốc gia ông đề cập đến là Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc. Do đó, ông và lãnh tụ 4 quốc gia còn lại mưu tìm một thế mạnh hải quân.
Khoảng cách giữa Đài Loan và Trung Quốc với Trường Sa quá xa để họ đòi chủ quyền, nhưng Trung Quốc nói tất cả những hải đảo trên Biển Đông đều là tài sản lịch sử của họ, và mỗi hòn đảo này lại có một vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý bao quanh, nên toàn bộ Biển Đông là của họ, trừ khoảng 12 hải lý hải phận của mỗi nước.
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ được tiếp nối bằng việc Nhật Hoàng Akihito mời Aquino III sang thăm Nhật để cùng với Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda ký kết một hiệp ước hỗ tương quân sự.
Nằm ngoài cuộc tranh chấp Biển Đông, nhưng Nam Dương vẫn nhập cuộc, bằng một thỏa ước quân sự với Việt Nam tạo ra những cuộc tuần tiễu chung của chiến hạm hai nước.

Cuộc dàn quân đưa Ấn vào vị trí đối đầu với hải quân Trung Cộng, hai hải lực không tương đương hoàn toàn, nhưng thế hơi yếu hơn của Ấn được bù đắp bằng hải lực đang được tăng cường của các quốc gia ven Biển Đông, chưa kể hải lực Nhật, Úc, và thế ứng chiến của Đệ Thất Hạm Đội.
Đối phó với cuộc dàn quân này, Trung Quốc không có đồng minh nào, trừ Bắc Hàn, để tạo thế liên minh tấn chiếm Biển Đông. Họ cũng không có cách nào đuổi hãng ONGC ra khỏi hai giếng dầu 127 và 128, và hậu quả của thế bất lực quân sự đó sẽ đưa những hãng dầu khác trở lại Biển Đông.

Mặc dù câu châm ngôn chiến lược "giặc cùng, đừng đuổi" có thể rất khôn ngoan, nhưng thế cùng của Trung Quốc vẫn không đưa đến chiến tranh, vì Bắc Kinh đủ khôn ngoan để hiểu là hải quân của họ không trốn được vào rừng để đánh du kích; mặt khác họ cũng ý thức được là hải lực của họ có thể bị tiêu diệt trong một cuộc hải chiến không dài hơn một tuần lễ.
Không còn hải quân Trung Quốc lại hiện nguyên hình là một sức mạnh bộ chiến, để thỉnh thoảng xua lục quân sang những nước láng giềng đánh những trận chiến biên giới để giành đất và để "dạy một bài học" như họ đã dạy Ấn năm 1962, và dạy Việt Nam năm 1979.

Phải khen Hillary Clinton bằng câu "đàn bà dễ có mấy tay; đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan", bà quả là một tay ngoại trưởng cứng cỏi mà khéo léo, biết cách răn đe, bắt anh du côn địa phương Trung Quốc ngồi im mà không tốn một viên đạn nào cả.
Không chỉ riêng một mình Hồ Cẩm Đào nổi da gà, mà cả Thúc Sinh Bill Clinton cũng nể bà nội tướng ngoại trưởng này, không còn bao giờ dám "léng phéng" gì nữa.

Nguyễn Đạt Thịnh


Posted by Duc H. Vu's Blog

Last edited by TU_NHAN_DAN_; hôm qua at 02:43 PM.
Reply With Quote

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét