1.
“Ông chết nhẹ nhàng như gấp lại một cuốn sách. Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày. “
Những dòng chữ “ nhẹ nhàng “ kết thúc “ Để tang cho sách “ của nhà văn Khuất Đẩu hẳn để lại một dư vị chẳng lấy gì làm nhẹ nhàng lắm cho người đọc, nhất là những người đọc đã từng sống qua những ngày tháng không dễ gì quên được kể từ khi bộ đội miền Bắc cắm lá cờ chiến thắng trên nóc phủ tổng thống miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tại sao lại phải “ để tang cho sách “ ? Vì “sách của ông tưởng sẽ sống đến ngàn năm đã bị bức tử một cách oan nghiệt.Khi người ta đội lên đầu những quyển sách của ông, có những quyển già như một ông tiên đầu bạc, có những quyển xinh tươi như những thiếu nữ trẻ trung, những chiếc mũ có tên là “nọc độc”, là “đồi trụy”, là “phản động” thì hơn ai hết ông hiểu đó là một lời tuyên án tử hình . “
Nhân vật người Ông của Khuất Đẩu đã chọn một giải pháp thật đẹp, đẹp hơn cả “ lý tưởng của người Cộng sản “ : “ông đã chọn cho mấy trăm cuốn sách một cái chết dũng cảm. Đó là chính ông tự mình đốt sách. Một quyết định cháy lòng.”
Ít nhất, nhân vật của Khuất Đẩu đã bảo tòan được “ khí tiết “ của sách qua cử chỉ dũng cảm của một viên tướng bại trận, tự sát chết trước khi để thân xác của mình lọt vào tay kẻ địch.
Trong thực tế, những gì đã xẩy ra ở những đô thị miền Nam sau khi người anh em cùng máu đỏ da vàng ở phía bên kia rầm rập tiến vào tay phất cao ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng ?
Đó là những ngày tháng tủi hổ nhất cho lịch sử Việt nam, khi hàng ngàn thanh niên sinh viên học sinh của bên thua trận bị chính quyền mới ra lệnh vào tận những nhà sách, nhà xuất bản, cả những kệ sách tư nhân, tịch thu tòan bộ sách báo, ấn phẩm, tất cả những gì được in ấn, phát hành ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975 đem ra đốt.
Nhà văn Nguyễn Thụy Long, người chứng kiến tận mắt , đã kể lại :
Một cảnh đốt sách thật tang thương tháng 5 năm 1975 ở Sài Gòn |
Một ông lớn tuổi đầu hói mang kính cận dầy cộm chạy ra la giằng lại cuốn sách đóng bìa da to vĩ đại:
- Các cháu ơi cho bác xin, đây là quyển Bách Khoa Từ điển tiếng Tây. Không phải văn hóa đồi trụy.
Chú nhóc miệng còn hôi sữa giằng lại cuốn sách, ném luôn vào thùng phuy đang bốc lửa:
- Đốt hết, đốt hết, sách là đốt. Lệnh trên như vậy.
Ông già ôm mặt khóc bên lề đường. Tôi quay mặt nhìn đi chỗ khác, tôi biết ông cụ. Giáo sư đại học luật, Vũ Đăng Dung. Tiến sĩ luật công pháp quốc tế. Ông cụ ở đường bên cạnh nhà tôi, đường Đinh Công Tráng, con đường nổi tiếng bán bánh xèo. . . . “
( Nguyễn Thụy Long – Viết trên gác bút – Hồi Ký )
Ngọn lửa phần thư không chỉ cháy trên đất nước chúng ta những ngày tháng 4 năm 1975. Trước đó, nó đã bùng lên trên phố phường Hà Nội năm 1954 cũng dưới lá cờ của chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng :
“Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số ‘lớp Chín hậu phương’, năm sau sẽ sáp nhập thành ‘hệ mười năm’. Số học sinh ‘lớp Chín’ này vào lớp không phải để học, mà là ‘tổ chức Hiệu đoàn’, nhận ‘chỉ thị của Thành đoàn’ rồi ‘phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!’. Họ truy lùng… đốt sách!
Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn ‘kiểm tra’, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang ‘tập trung’ tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt. Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm ‘phấn khởi’, lời hô khẩu hiệu ‘quyết tâm’, và ‘phát biểu của bí thư Thành đoàn’: Tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là… ‘cực kỳ phản động!’. Vào lớp học với những ‘phê bình, kiểm thảo… cảnh giác, lập trường”.
( Hồi Ký của một người Hà Nội- Nguyễn Văn Luận)
Lịch sử còn ghi chép và nguyền rủa cuộc “ phần thư khanh nho “ ( đốt sách chôn học trò ) của Tần Thủy Hòang xẩy ra từ năm 213 trước Công Nguyên.
Trong lịch sử thế giới cận đại, người ta vẫn chưa quên cuộc “ tàn sát văn học “ của nhà độc tài Hitler , một kẻ “chưa tốt nghiệp trung học, là kẻ ghét chữ. Ngay sau khi lên cầm quyền vào đầu năm 1933, tên trùm phát xít đã lập tức phát động một chiến dịch đốt sách rầm rộ trên toàn quốc: Kéo dài suốt từ 7/3/1933 ở Dresden cho đến 9/10/1933 ở Rendsburg, “lễ đốt sách” được tiến hành tại hơn 100 thành phố lớn nhỏ ở Đức với tất cả nghi thức “trọng thể”.Riêng tối 10/5/1933, đốt sách đồng loạt được thực hiện tại 22 trường đại họctổng hợp của Đức. Trong đó cuộc đốt sách ở ĐHTH Berlin có tới 70.000 tham gia, dưới sự giám sát trực tiếp của Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels, đã thiêu hủy hàng vạn cuốn sách.
Để thực hiện chiến dịch đốt sách,thuộc hạ của Goebbels lập ra các “Danh sách đen”, liệt kê các tác giả và tác phẩm“không mang tính Đức” cần thiêu hủy, trước hết đó là những tác giả theo chủ nghĩa Marx, người Do Thái, có tư tưởng hòa bình… “Danh sách đen” được lập ở các lĩnh vực như văn học (127 tác giả); lịch sử (51); nghệ thuật (13 tác giả và công trình nghiên cứu); chính trị và quốc học (125)… Ngoài ra còn có tôn giáo, triết học, sư phạm… Trong số này có 15 tác giả được yêu cầu cần đốt sạch, “không có ngoại lệ”, như nhà triết học Karl Marx và nhà lý luận Mác-xít Karl Kautsky; nhà văn Heinrich Mann, Erich Kaestner, Erich Maria Remarque; nhà tâm lý học Sigmund Freud, hay nhà báo Kurt Tucholsky… Thậm chí sách của nhiều nhà khoa học tự nhiên cũng bị thiêu hủy,như nhà vật lý Albert Einstein. Dựa trên các danh mục này, những cuộc lục soát được tiến hành trên toàn quốc, trước hết là ở các thư viện, trường học, hiệu sách… để thu hồi và tập trung sách lại đốt trước công chúng. “
( trích : Tái sinh từ cuộc “ tàn sát văn học “ – Phan Đức – TT&VH )
Khi người ta có thể đốt sách được, thì việc đốt người ắt phải xẩy đến. Sự kiện hàng ngàn nhà tù ( trại cải tạo ) mọc lên như nấm sau mưa trên khắp đất nước những ngày ấy đã chứng minh cho điều này. Đó là những nơi sẽ chôn thây, sẽ hành hạ những thành phần ưu tú nhất của đất nước, những người góp phần làm cho những quyển sách “ tội phạm “ ra đời, tồn tại.
Quả là một sự phí phạm “ kinh thiên động địa “.
Nhân vật người Ông của Khuất Đẩu, qua sách vở, đã nhìn thấy trước những gì sẽ xẩy ra khi đất nước lọt vào tay người Cộng sản, và ông đã chọn cách hành xử của riêng mình.
Để tang cho sách đúng một trăm ngày, ông chết theo sách.
Để tang cho sách, là để tang cho người. Không chỉ một người (ông). Mà là cả một thế hệ và những mất mát không cách nào có thể lấy lại được. Từ những quyển sách , tài sản vô giá của đất nước nay hòan tòan tuyệt bản, cho đến những chấn thương trong lòng người chủ sở hữu, tác gỉa của quyển sách, đến nỗi ân hận dày vò trong tâm hồn những người thanh niên trẻ năm 1975 tham gia vào chiến dịch đốt sách độc ác, vì sợ hãi, vì ngây thơ không hiểu hết hậu quả việc làm của mình.
2.
Từ bấy đến nay, bao nhiêu nước đã chẩy dưới cầu, và lịch sử đã đi những bước ngọan mục. Ngọn cờ Mác-lê bách chiến bách thắng năm nào nay đã rũ nát trong những đống rác của lịch sử vì sự nguyền rủa của những nạn nhân, của chính những người đã từng bị lừa gạt hy sinh một đời dưới ngọn cờ độc ác ấy. Những tàn dư của nó phải thay tên đổi họ để tồn tại. Những người trẻ năm xưa trên đường phố Sài Gòn tay giương cao những biểu ngữ cổ vũ cho cuộc phần thư , nay đã già lão và tất nhiên cũng đã trưởng thành để hiểu rõ việc làm của mình ngày ấy. Họ chẳng phải là người có tội, chỉ chẳng may phải sống ở đất nước những ngày nhiễu nhương khốn khổ.
Từ những đống tro tàn , tưởng đã nguội lạnh sau ngần ấy năm, những quyển sách đã hồi sinh. Không một chế độ cầm quyền nào có thể dùng một nền văn hóa thấp mà thay thế cho nền văn hóa cao hơn, dù đó là chế độ độc tài Cộng sản. Vì thế, mặc cho kẻ chiến thắng đã từng ra mệnh lệnh phần thư vẫn còn ở ghế thống trị, những tác phẩm văn hóa văn học miền Nam đang chứng tỏ giá trị ưu thắng của mình bằng sự tái sinh mạnh mẽ. Trước hết, nhờ sự nuôi dưỡng của lòng dân. Từ những tủ sách tư nhân được che giấu bằng mọi phương cách, từ những mánh lới moi móc, tìm kiếm của người buôn sách cũ, rất nhiều những tác phẩm cũ đã được bảo tồn .* Và giờ đây, nhờ những phương tiện khoa học kỹ thuật, nhờ Internet, chúng đã có mặt trên tòan thế giới, kể cả Việt Nam, kể cả miền Bắc , hiện hữu trong mọi tủ sách gia đình, dưới dạng sách in hay ấn bản điện tử. Những cái tên tác giả miền Nam trước 1975, dù còn sống hay đã chết, đã trở nên quen thuộc với nhiều người đọc trẻ sinh sau cuộc chiến ở cả hai miền đất nước. Những nỗ lực tuyệt vọng của giới cầm quyền hòng bóp nghẹt sự tái sinh ấy vẫn không thể ngăn chặn nổi sức sống mãnh liệt của những giá trị văn hóa đích thực, những giá trị vượt hẳn lên trên mọi ý thức hệ chính trị nhất thời để trở thành kho tàng văn hóa của dân tộc.
Năm 2008, ở Đức, trung tâm Moses Mendelssohn thuộc trường đại học Postdam đã thành lập “ Thư Viện những quyển sách bị đốt “ nhằm sưu tập, in ấn , phát hành trên tòan nước Đức những tác phẩm văn hóa giá trị đã bị thiêu hủy bời chế độc Phát Xít Hitler năm 1933. Ngòai sự ủng hộ tài chánh của nhiều quỹ, nhiều cơ quan tư nhân, trung tâm Moses Mendelssohn còn nhận được sự tài trợ chính thức từ chính phủ Đức với ngân khỏan hơn hai triệu Euros.
“ Thư viện những quyển sách bị đốt “ sau cuộc phần thư năm 1954 ở miền Bắc, năm 1975 ở miền Nam, tuy không được chính thức thành lập và thực hiện, nhưng trong thực tế, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay, và mỗi ngày đang trở nên lớn mạnh. Ngày nay, người đọc ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, sẽ không khó khăn gì khi muốn sưu tập tòan bộ những tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan, của những nhà văn tiền chiến ( dù nhiều tác giả sinh sống ở miền Bắc trước 1975 đã bị buộc phải chối bỏ chính tác phẩm của mình ), những tác phẩm giá trị và nổi bật của miền Nam trước 1975 phong phú ở mọi thể lọai, trường phái . . . Hàng trăm những thư viện sách cung cấp miễn phí cho người đọc hiện hữu trong thế giới ảo, đa dạng từ đầu sách , nội dung sách cho đến hình thức thể hiện sách để bất cứ người đọc nào với những phần mềm máy tính khác nhau, nếu muốn, cũng có thể mở ra đọc, hoặc đem về máy nhà cất giữ dành đọc khi thuận tiện.
Chưa bao giờ người thụ hưởng văn hóa lại được có cơ hội lựa chọn phong phú như hiện nay. Chưa bao giờ cuộc cạnh tranh giữa cái giá trị và không giá trị trong văn hóa lại sòng phẳng như hiện nay. Trong bối cảnh đó, sự tái sinh của văn hóa miền Nam, của những quyển sách nạn nhân của cuộc phần thư đầy xấu hổ năm nào trên đất nước chúng ta, là điều tất nhiên mà không một thế lực nào có thể ngăn cản hay làm chậm lại.
Và chúng ta đã có thể làm lễ mãn tang cho những tác giả của những tác phẩm bị đốt , nay chẳng may không còn sống để nhìn thấy những đứa con của mình sống lại. Tôi tin rằng linh hồn họ sẽ thanh thản siêu thóat .
3.
Dầu vậy, tôi vẫn không quên những hũ tro sách của nhân vật người Ông trong “ Để tang cho sách “ của Khuất Đẩu. Tôi cho rằng, nếu nhân vật người Ông sống tới ngày hôm nay, được chứng kiến sự hồi sinh của những quyển sách mà ông nâng niu như máu thịt, thì hẳn ông cũng vẫn chưa hài lòng trọn vẹn. Bởi vì, những quyển sách phải cụ thể là những trang giấy thơm mùi mực, hay thơm mùi cũ kỹ của thời gian, phải sờ được, phải cầm được, phải được trân trọng khẽ khàng xếp chúng vào tủ để ngày ngày ra vô nhìn ngắm, chiêm ngưỡng. Có thế mới thực sự là sách. Có thế thì kẻ hậu sinh vài chục năm sau, vài trăm năm sau, cầm tới quyển sách ố vàng vì thời gian, những mép trang đã quăn lại, biến màu vì dấu tay tiền nhân, mới cảm nhận được trọn vẹn giá trị gia tài quý báu mình đang thừa hưởng.
Có thế, sách mới thực sự như người.
Còn như, những trang sách điện tử . . .
Vì thế, hồn sách vẫn còn trong những hũ tro với bài vị là tờ giấy ghi tên sách trong ngăn tủ mà 30 năm sau vẫn còn được nhang khói mỗi khi giỗ chạp.
Hồn người (ông ) thì có thể siêu thóat, nhưng hồn sách có lẽ vẫn mãi còn “ lãng đãng “ quấn quýt. Cho đến ngày những kẻ ra bản án tử hình sách năm nào đền tội nơi chín tầng địa ngục của Diêm Vương.
T.Vấn
28 tháng 10 năm 2011
Chú thích :
Trong những lần về thăm nhà, tôi để dành rất nhiều thời gian đi dạo những khu sách cũ của Sài Gòn. Mỗi lần như vậy, tôi đều tìm được một quyển sách cũ nào đó trước 1975. Khi thì một tác phẩm của Phạm Công Thiện long bìa, thiếu trang, khi thì những tờ báo vàng ố, lấm lem màu mực xanh học trò, có khi lại là một quyển sách đóng bìa da trang trọng với dấu tích thuộc về một tủ sách tư nhân mà người chủ phải là một kẻ mê sách và yêu sách như nhân vật của nhà văn Khuất Đẩu. Mặc dù, có quyển sách tôi đã từng được đọc lại nội dung, đã có mặt trong tủ sách “ điện tử “ mà tôi sưu tập , nhưng cảm giác lúc đó là tôi muốn “ làm chủ “ quyển sách cũ ấy với đầy đủ những dấu vết thời gian , vì nó là hiện thân của chính tôi, của sự sống sót sau một cuộc đảo điên của lịch sử. Người bán sách cũ , mang bản năng bẩm sinh của kẻ sinh ra để làm thương mại, đã căn cứ vào vẻ mặt của tôi vào lúc ấy để ra giá quyển sách. Tất nhiên, có đắt cách mấy cũng không ngăn được tôi thỏa mãn ý muốn của mình.
Nhưng kỷ niệm về sách báo cũ của tôi đáng nhớ nhất là lần mới đây về thăm nhà. Anh bạn nhạc sĩ Trần Lê Việt của tôi, có mấy người em gái vẫn còn sinh sống ở Sài Gòn. Họ đã đọc bài viết “ Sài Gòn và những trang sách cũ “ của tôi nói đến cuộc viếng thăm khu bán sách cũ của lần về VN trước đây nhiều năm. Khi tôi ghé thăm với tư cách một người bạn lâu năm của gia đình, mấy chị em đã bàn nhau và quyết định “ gởi biếu “ tôi gần 100 số báo Tuổi Ngọc mà họ đã tích lũy từ thuở còn làm học trò mắt sáng môi tươi. Đây là tài sản quý giá , chứng nhân của một thời tuổi trẻ đẹp đẽ, mấy chị em đã tìm đủ mọi cách cất giấu , nhất là trong những ngày tháng 5 năm 1975 của chiến dịch bài trừ, thiêu hủy sách báo “ phản động, đồi trụy “ mà nhà cầm quyền mới phát động. Đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm, vì bản thân họ lúc ấy là sinh viên , học sinh, đã không chịu tham gia tích cực vào chiến dịch do phường khóm điều động, lại còn tìm cách cất giấu , bao che cho “ kẻ phạm pháp “. Ngần ấy năm, những tờ báo Tuổi Ngọc “ vô tội “ đã sống sót qua cuộc phần thư, trú ngụ an tòan dưới mái nhà những nữ chủ nhân đáng yêu. Và nay, những nữ chủ nhân ấy muốn chúng được vĩnh viễn “ an tòan “ nơi miền đất tự do, trong bàn tay chăm sóc của kẻ mà họ đã “ chọn mặt gởi vàng “.
Tôi đem tài sản quý giá một đời ấy của mấy cô em gái người bạn qua bên Mỹ với sự trân trọng của một người biết mình đang mang trong mình trọng trách bảo tòan những kỷ niệm không chỉ của mấy chị em, mà còn là của cả một thế hệ thanh niên nam nữ Việt Nam may mắn được sống trọn vẹn những ngây thơ lãng mạn của tuổi trẻ, chứ không phải bị nhồi nhét những thứ ý thức hệ giai cấp chỉ biết đến thù hận như những người bạn cùng trang lứa, cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, nhưng chẳng may sinh ra và lớn lên ở miền Bắc .
Tôi dùng những dòng ghi chú này như một lời cám ơn chính thức gởi đến những cô em gái người bạn , những nữ chủ nhân đáng yêu của hàng trăm số báo Tuổi Ngọc quý gía, mà mỗi lần ngồi lần giở chúng, tôi như được sống lại khỏang đời đẹp đẽ ấy thêm một lần nữa, nhiều lần nữa. T.Vấn.
Nhân đây, tôi cũng muốn trang trọng giới thiệu trang Blog của người rất trẻ tuổi hiện sinh sống ở Việt Nam. Anh có một đam mê bỏng cháy là đi tìm lại những tác phẩm xuất bản trước 1975 ở miền Nam, dù thời gian ấy, anh chưa ra đời. Tất cả những gì anh tìm thấy, đều được anh chia sẻ với tất cả mọi ngưởi trên trang Blog bằng những ảnh chụp, hoặc phóng ảnh, kể cả việc anh chịu khó đánh máy lại nội dung để đưa lên mạng và kèm theo những nhận xét rất thông minh và đáng yêu. Khi tôi hỏi động cơ nào khiến cháu bỏ công sức làm công việc này, anh trả lời vì cháu không muốn những di sản văn hóa của đất nước bị mai một. Và đây là địa chỉ trang Blog của Nguyễn Trường Trung Huy : http://huyvespa.multiply.com/journal
Dưới đây là vài hình ảnh tôi bắt gặp trên Blog của Trung Huy :
©T.Vấn 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét