Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Lữ Khách


Tù Khúc : Lữ Khách
T.Vấn & Bạn Hữu
Những tác phẩm tù khúc, dấu tích khốn khó của một thời nhiễu nhương mà những ai đã từng sống qua sẽ không thể nào quên cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Mai đây, thế hệ chúng tôi sẽ ra đi, nhưng những chứng tích này phải được bảo tốn để con cháu chúng ta có cơ hội đọc, nghe, cảm nỗi thống khổ của cha ông mà cố gắng  hết sức mình ngăn ngừa mọi sự lập lại của lịch sử, nhất là lịch sử 50 năm sau cùng của thế kỷ 20.

Phạm Thiên Tứ & Phạm Kim Khôi : Lữ Khách

Lữ Khách – Tranh : Trần Thanh Châu
” . . . Trong số hàng trăm ca khúc được sáng tác trong trại tù sau ngày 30/4/1975, nổi bật và được nhiều người biết đến, có lẽ là Lữ Khách, Hai Hàng Cây So Đũa, Quê Hương Ba Vòng Ngục Tù, tháng Tư 29 ngày… Nội dung của những bài hát này không chỉ nói đến sự mất tự do, kìm kẹp, mang âm hưởng bi tráng, mà lời ca nghe ai oán, mong một ngày được giải thoát để chim về được với trời xanh. . . ” ( Vũ Hòang RFA )
Chúng ta sẽ nghe chính tác giả – anh Phạm Thiên Tứ – nói về bản nhạc của mình :
” . . . Tôi không thể tưởng tượng được những ngày cuối cùng cuả tôi và đồng đội …đã từ giã Đà Lạt cuối tháng Ba năm 1975, đi vào bước ngoặt oái oăm mà nhiều thanh niên đã lớn lên, trưởng thành và đầy ước vọng.
Trong những nỗi đau buồn ấy, những dày vò dằn vặt suy tư ấy, đã dấy lên biết bao uất hận ở trong lòng tôi, qua vài nốt nhạc ngu ngơ, nghẹn ngào đầy đắng cay chua xót!
Mãi đến năm 1980 khi Cộng Sản di chuyển các anh “tù cải tạo” từ Bắc trở về miền Nam uất hận không riêng màu cờ sắc áo cuả các quân binh chủng. May thay ấy là lúc tôi đã hân hạnh mừng rỡ gặp lại rất nhiều anh “tù cải tạo” & các bạn: từ thượng cấp đến hạ cấp trong trại tù trở về  miền Nam  (trại tù “cải tạo” Z 30A & B  Gia Rai Xuân Lộc, Đồng Nai). Chính lúc đó tôi đã gặp một “chinh-khách”… Đó là thi sĩ Phạm Kim Khôi. Đúng ra anh ấy là “chinh khách” thật; vì anh ấy đã từ bỏ tuổi thanh xuân, để vào Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Ra trường đi bảo vệ quê hương, tổ quốc. Nhưng khốn thay số phận cuả tôi và tất cả các anh lại hẩm hiu, không thuận thời.
Từ cảm xúc đó, tôi đã viết một bản nhạc không lời, lấy tưạ đề là: “Chinh khách” . Nhưng tôi diễn tả chưa trọn ý với nỗi khắc khoải trong lòng cuả người viết lời cho bản nhạc nầy. Vì thế thi sĩ Phạm Kim Khôi chỉ muốn đặt tên bản nhạc là: LỮ KHÁCH mà thôi. . . ” ( Phạm Thiên Tứ )
Lữ Khách – Nhạc: Phạm Thiên Tứ &Lời : Phạm K Khôi. Trình bày : Việt Long

( Nhạc Audio )
Mưa rơi vai phong trần
Mái tóc xanh phai dần
Nặng trĩu từng bước chân
Lỗi ước với sông hồ
Còn chăng là thương nhớ
đêm thức giấc trong mơ
Ai chia tay ai rồi
Có nói chi thêm lời
Thì cũng là thế thôi
Dĩ vãng vẫn khơi màu
Tàn canh còn ghi dấu
Thế nhân chưa nguôi hờn đâu
Đêm bạc đầu khó quên
Buồn thân thế phai tàn
Đâu mắt xanh trông đợi
Đâu tiếng cười đêm vui
Đã lạnh lùng cuốn trôi
Mưa thiên thu kinh cầu
Lữ khách nghiêng cơn sầu
Cười giữa trời đớn đau
Có tiếng hát quên đời
Lời ca thành sương khói
Đêm vắng lắng chơi vơi
Ta bên ta đêm trường
Cõi chết hay thiên đường
Đời vẫn còn nhiễu nhương
Có tiếng bước chân về
Đường qua lòng nhân thế
Hóa thân chưa xa bờ mê

Chuyên Mục Tù Khúc
T.Vấn & Bạn Hữu  thực hiện (2012)

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Chuyến tàu về Nam


Tù Khúc : Chuyến tàu về Nam
Những tác phẩm tù khúc, dấu tích khốn khó của một thời nhiễu nhương mà những ai đã từng sống qua sẽ không thể nào quên cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Mai đây, thế hệ chúng tôi sẽ ra đi, nhưng những chứng tích này phải được bảo tốn để con cháu chúng ta có cơ hội đọc, nghe, cảm nỗi thống khổ của cha ông mà cố gắng  hết sức mình ngăn ngừa mọi sự lập lại của lịch sử, nhất là lịch sử 50 năm sau cùng của thế kỷ 20.

Việt Long : Chuyến tàu về Nam
Chuyến tàu về Nam – Tranh : Trần Thanh Châu
“Chuyến tàu về Nam” là một trong những bài tôi rất ưng ý, vì nói lên được đầy đủ tình cảnh và tâm trạng của người tù miền Nam trên con đường đoạ đày trở về quê cũ, từ ga Thanh Hoá gió đêm lạnh cắt da, chúng tôi ngồi sát nhau che tấm nylon đỡ cơn rét lạnh trong những ngày cuối năm dưong lịch 1980.
Lên tàu, tay người nọ còng với tay người kia từng cặp một trong “từng mộng mơ bay cao  tay vẫn mang nét hằn xót đau” để “đêm thao thức trên đường mịt mù, tim nấu nung căm thù”  dọc những sân ga miền Bắc là gió bão tơi bời, rét lạnh khổ đau, với những người dân vô cảm trong những bộ áo quần rách nát tả tơi lác đác trên sân ga trong ngày mưa bão..những con bò bị buộc ngoài đồng trong mưa bão, chay quanh cột để trốn mưa… giữa đồng vắng…. trời đất như âm phủ.
Đến Huế trong màn đêm, tàu nghỉ lại.  Sáng, vừa qua hầm đèo Hải Vân vào ga Đà Nẵng, nắng đâu rực rỡ… Từng đàn em bé bán kẹo bánh chạy qua ném hết cả hàng họ lên cho tù hô vang “mấy chú lấy đi đừng sợ tụi nó… tổ mẹ nó…‘  khi chúng biết tàu chở tù binh miền Nam về Nam. Rồi đồng bào ở đâu ùn ùn kéo vào ga vẫy tay đón mừng, mặc bọn công an huýt còi săn đuổi.  Có em bán kẹo còn dám chui xuống gầm tàu để trốn, công an vừa đi qua thì cậu nhỏ chui ra, tung cả rổ kẹo lên tàu, mặc chúng tôi xua tay can gián.  Ga Nha Trang cũng diễn ra cảnh đồng bào đứng dàn hàng đông chật sau hàng rào công an trên đường vào và ra khỏi nhà ga….  ”Đôi tay vưon cao chị đang vẫy chào, nét môi như thầm trao ước mơ tự do…” là những giòng nhạc dành cho Nha Trang… ngày về… (không phải ngày về của Phạm Duy trên bãi biển nhớ da nhớ thịt đàn bà…dâm dục!)  .
Hình ảnh và tâm trạng ấy tôi đã ghi lại trong hai đoan nhạc nói lên rõ được sự khác biệt như đêm với ngày của hai miền đất nước, hai cộng đồng người Việt Bắc Nam…  ( Việt Long )
Chuyến tàu về Nam
Nhạc &Lời : Việt Long. Trình bày : Việt Long
 ( Nhạc Audio )

Tàu vẫn đi trên cánh đồng rét mướt
Tàu lướt qua bao khúc đường lở lói
Tàu vượt bao sân ga, không nét tươi vui nào thóang qua
Bao kiếp sống âm thầm mù lòa, trong đói rét thương đau
Tàu lắc lư trong tiếng buồn tê tái
Người vẫn đi trong kiếp đời oan trái
Từng mộng mơ bay cao, tay vẫn mang vết hằn xót đau
Đêm thao thức trên đường mịt mù
Tim nấu nung căm thù
Tàu lắc lư trong tiếng buồn tê tái
Người vẫn đi trong kiếp đời oan trái
Từng mộng mơ bay cao, tay vẫn mang vết hằn xót đau
Đêm thao thức trên đường mịt mù
Tim nấu nung căm thù
Vượt Hải Vân, lòng bỗng xôn xao lên trong màu nắng tươi
Màu nắng miền Nam
Từng đàn em , màu mắt vui hân hoan, reo mừng các anh
Ôi ! tình quê hương
Đôi tay chơi vơi, em trao từng cây trái lành
Tình người còn đó, tươi màu xanh
Đôi tay hân hoan, vươn cao chị đang vẫy chào
Nét môi như thầm trao , ước mơ tự do
Qua bao đau thương, quê hương lớn lên hờn căm
Nụ cười ngọt ngào, thắm trao biết bao chờ mong
Tình người dạt dào cho ta sáng thêm niềm tin
Nước non ta ngày mai, sáng trong bình minh



Chuyên Mục Tù Khúc
T.Vấn & Bạn Hữu  thực hiện (2012)

Chúa nhật của người tù


Tù Khúc : Chúa nhật của người tù
Những tác phẩm tù khúc, dấu tích khốn khó của một thời nhiễu nhương mà những ai đã từng sống qua sẽ không thể nào quên cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Mai đây, thế hệ chúng tôi sẽ ra đi, nhưng những chứng tích này phải được bảo tốn để con cháu chúng ta có cơ hội đọc, nghe, cảm nỗi thống khổ của cha ông mà cố gắng  hết sức mình ngăn ngừa mọi sự lập lại của lịch sử, nhất là lịch sử 50 năm sau cùng của thế kỷ 20.


Trần Ngọc Phong : Chúa nhật của người tù
Chúa nhật của người tù – Tranh : Trần Thanh Châu
Trần Ngọc Phong đã nói về tù khúc “ Chúa Nhật của người tù “ trong một cuộc trao đổi với phóng viên Vũ Hòang của đài RFA như sau :
“Tôi rất bâng khuâng về vấn đề đặt một ca khúc làm sao gói trọn chuyện tù đầy cực khổ của mình, thì thực sự tôi có so sánh một số người đặt tù khúc về những cực khổ thì nó dài lê thê, bố cục không gọn, cho nên tôi cứ bâng khuâng hoài không biết đặt làm sao để tròn một ca khúc tiêu biểu.
Tôi nghĩ về văn học, tôi nghĩ đến Alexander Solzhenitsyn thì tôi thấy ông ta có một tác phẩm One Day in the Life of Ivan Denisovich. Tôi thấy rằng ông này bị tù trong trại tập trung của Liên Xô, ông diễn tả được chuyện chỉ một ngày trong nhà tù thôi. Tôi sực nhớ, liên tưởng đến tù của tôi, nên tôi nghĩ, mình trọn một ngày thôi, mà ngày nào bây giờ. Mình tin tưởng vào Chúa, mình cực khổ quá mà cũng chẳng thấy chúa giơ tay ban giúp gì mình, cho nên tôi mới đặt trọn Chúa Nhật Của Người Tù.” ( Trích RFA 04-29-2012)
Chúa Nhật của người tù
Nhạc &Lời : Trần Ngọc Phong. Trình bày : Trần Gia Tỏan
http://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/chua-nhat-cua-nguoi-tu-150x150.jpg
( Xin bấm vào hình để mở lớn )
( Nhạc Audio )

Chúa nhật của người tù, Chúa sao không đến thăm
Người tù ngồi đập đá, duới cơn rét căm căm
Chúa nhật của người tù, có bao giờ được yên
Người làm không kịp thở, dưới họng súng vây quanh
Chúa nhật của người tù, Chúa sao không đến coi
Áo quần tơi tả bước, như những bóng ma trơi
Chúa nhật của người tù, có bao giờ được nghe
Hồi chuông nhà thờ đổ, thay tiếng quát liên hồi
Chúa nhật mùa xuân, thay trâu kéo c ày
Chúa nhật mùa hạ, vào rừng lấy mây
Chúa nhật mùa thu, lên núi kéo gỗ
Chúa nhật mùa đông, lên cơn rét rừng
Chúa nhật của người tù, Chúa sao không đến cho
Người tù ôm bụng đói, ước một bữa ăn no
Chúa nhật của người tù, muốn đêm về thật mau
Nằm lịm trong mộng cũ, mơ những Chúa nhật nào.
Chuyên Mục Tù Khúc
T.Vấn & Bạn Hữu  thực hiện (2012)

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Obamacare: Lắt Léo Của Thể Chế Dân Chủ

Obamacare: Lắt Léo Của Thể Chế Dân Chủ

Vũ Linh
July 12, 2012
 
…đánh thuế 100% hay tịch thu hết tài sản của các triệu phú Mỹ, cũng vẫn không đủ…
Quyết định của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) về luật Cải Tổ Y Tế (CTYT) là một quyết định “để đời” chẳng những vì đã duy trì một bộ luật có tính “để đời” của TT Obama, mà cũng vì đã đưa ra ánh sáng những cái oái ăm của chính trị Mỹ. Ở đây, có khá nhiều vấn đề mà nếu lạc quan, ta có thể gọi là lý thú, nhưng nếu bi quan thì ta phải coi như tiêu biểu cho mặt trái không mấy hoàn hảo của dân chủ “Made in America”.
VẤN ĐỀ HỢP HIẾN
Trước hết, hãy nhìn vào quyết định của TCPV. Quyết định này hoàn toàn bất ngờ, không ai có thể biết trước được. Dĩ nhiên nhiều người từ trước đến giờ vẫn lớn tiếng quả quyết “TCPV không thể nào thu hồi luật CTYT được”, mặc dù những người này cũng là những người có khi luật lưu thông cũng chưa hiểu rõ chứ đừng nói đến luật Hiến Pháp.
Đại cương, vấn đề được đưa ra trước TCPV vì 26 thống đốc theo khuynh hướng bảo thủ Cộng Hòa cho rằng luật CTYT khi áp đặt việc phải mua bảo hiểm sức khỏe lên tất cả mọi công dân trên toàn 50 tiểu bang nếu không sẽ bị phạt, là một lạm quyền của chính quyền liên bang. Chính quyền Obama lập luận việc mua bán bảo hiểm là một giao dịch thương mại, do đó, thuộc phạm vi luật Thương Mại Liên Tiểu Bang và người dân khi vi phạm luật này, có thể bị phạt. Các thống đốc cho rằng quốc hội không thể bắt buộc người dân tham gia vào một sinh hoạt thương mại, đóng tiền phạt nếu không tham gia vào giao dịch đó. Nói nôm na ra, họ cho rằng quốc hội không có quyền lôi người dân ra khỏi nhà, bắt họ phải ra đường, để rồi phạt họ nếu họ ngồi trong nhà không chịu ra đường.
Lý luận của khối bảo thủ là loại lý luận bất cứ người dân bình thường nào trong một xứ tự do cũng có thể hiểu và chấp nhận được, trong khi lập luận của chính quyền Obama có tính cưỡng chế theo mô thức thường thấy trong mấy xứ độc tài XHCN. Hiển nhiên là chính quyền đã với tay ra quá xa, vi phạm những bảo đảm về tự do cá nhân cũng như quyền hành giới hạn của liên bang so với quyền hạn của tiểu bang.
Cuối cùng, TCPV chấp nhận luật CTYT. Mà chấp nhận bằng một lý luận hết sức lắt léo, không thuyết phục được các chuyên gia về luật Hiến Pháp.
Theo các thẩm phán bảo thủ, luật CTYT nếu chiếu theo luật Thương Mại Liên Tiểu Bang như chính quyền Obama viện dẫn, đúng là vi phạm Hiến Pháp như các thống đốc khiếu nại. Chủ Tịch TCPV, thẩm phán John Roberts đồng ý với khối thẩm phán bảo thủ ở điểm này, đưa đến biểu quyết với số phiếu 5/4 chống luật CTYT. Nếu như ngừng tại đây, thì có nghiã là luật CTYT sẽ phải bị thu hồi như mọi người đã nghĩ.
Nhưng ông Roberts quyết định đi xa hơn một bước. Ông cho rằng dù vậy thì luật CTYT vẫn có thể duy trì mà không cần thu hồi vì dưới một góc cạnh khác, luật này hoàn toàn hợp Hiến. Lần này, ông Roberts nhẩy qua phe các thẩm phán cấp tiến và biểu quyết cũng với số phiếu 5/4, việc nộp tiền phạt nếu không mua bảo hiểm là một hình thức đóng thuế, và như vậy thì hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của quốc hội liên bang, vì quốc hội đó có quyền ra luật thuế và áp đặt lên tất cả công dân trên 50 tiểu bang.
Cái oái ăm là đây chính là lập luận ngay từ đầu của đảng Cộng Hoà khi họ tố cáo bắt nộp phạt là một hình thức đánh thuế dân. TT Obama và khối cấp tiến bác bỏ lý luận này một cách mạnh mẽ, nhấn mạnh đây không phải là thuế gì hết mà là một hình thức phạt (penalty). Bây giờ ông Roberts khẳng định đúng là thuế như phe Cộng Hòa đã chỉ trích. Nhưng chính tại vì là thuế nên luật này trở thành hợp Hiến, có thể được áp dụng.
Nhiều người trong phe bảo thủ đã cho rằng ông Roberts “xé rào” biểu quyết cùng khối cấp tiến vì đã khuất phục trước áp lực chính trị của TT Obama khi tổng thống đã đe dọa nếu TCPV thu hồi luật, ông sẽ mang vấn đề TCPV phe đảng để hạ uy tín TCPV. Ông Roberts đã vặn vẹo luật để tìm cách cho thông qua luật của TT Obama. Nhiều người khác thuộc phe cấp tiến thì cho rằng ông Roberts đã sáng suốt nhìn thấy một khiá cạnh phức tạp của luật Hiến Pháp. Chúng ta không phải là luật gia nên không có khả năng bàn luận về lập luận của ông Roberts. Bỏ qua một bên sự tranh cãi này, ta sẽ thấy cái oái ăm của chính trị Mỹ.
Kết quả cuối cùng, TT Obama hoan hô quyết định “hợp Hiến” của TCPV nhưng vẫn cãi không phải là thuế. Một mâu thuẫn vĩ đại. Phe Cộng Hoà đả kích quyết định của TCPV nhưng lại hô hoán đúng là thuế. Một mâu thuẫn không kém vĩ đại. Cái tài “xuất chúng” của ông thẩm phán Roberts là cài cả hai bên vào thế … há miệng mắc quai. Bên Dân Chủ nếu cứ khẳng định tiền phạt không phải là thuế thì sẽ làm mất lý do tồn tại của luật CTYT; trong khi bên Cộng Hoà nếu khăng khăng cho đây là thuế thì phải chấp nhận tính hợp Hiến của luật CTYT. Đưa đến tình trạng cả hai bên đều muốn cho câu chuyện trôi qua, chuyện CTYT không còn là đề tài số một của cuộc tranh cử nữa. Tình trạng này có lợi cho TT Obama khi đa số dân Mỹ vẫn chống luật này, nhưng lại có lợi cho TĐ Romney hơn khi ông bớt phải bối rối giải thích tại sao ông lại chống luật cải tổ mà chính ông đã là cha đẻ, cho dù Romneycare không hoàn toàn giống Obamacare.
Quyết định của ông bảo thủ Roberts chẳng những đi ngược lại quan điểm bảo thủ trong vấn đề CTYT, mà quan trọng hơn nữa, ông đã lập ra một tiền lệ cho chính quyền liên bang. Lấy ví dụ nếu chính quyền liên bang muốn cả nước ăn cải xanh, chỉ cần ra luật ai không ăn cải xanh sẽ phải nộp phạt. Thế là tiền phạt trở thành thuế mà quốc hội có thể áp đặt được. Và cả nước phải ăn cải xanh. Và đây là điều khối bảo thủ lo sợ nhất.
BẮT BUỘC MUA BẢO HIỂM
Mấu chốt trong quyết định của TCPV là điều khoản áp đặt mọi người phải mua bảo hiểm (individual mandate). Ở đây, ta sẽ thấy một ngược ngạo nữa của chính trị Mỹ.
Những năm 2007-08, bà Hillary Clinton tranh cử tổng thống với đề nghị cải tổ hệ thống y tế, bắt buộc tất cả mọi người đều phải mua bảo hiểm. Bà đã từng giúp TT Clinton làm chuyện này năm 1993 nhưng thất bại vì không được hậu thuẫn ngay trong đảng Dân Chủ. Ứng viên Barack Obama kịch liệt chống đối và tố cáo đề nghị này là quá thiên tả (leftist), sẽ đưa đến tình trạng cưỡng bách tất cả mọi người phải mua bảo hiểm, là không hợp với những giá trị văn hoá Mỹ, lấy đi quyền tự do quyết định của mỗi người, và sẽ gia tăng chi phí y tế cho tất cả. Ý định của ứng viên Obama rõ ràng là muốn đưa ra một quan điểm ôn hoà để lấy phiếu của khối cử tri Dân Chủ ôn hòa đồng thời chụp cái mũ thiên tả cực đoan lên đầu bà Hillary. Bây giờ chính TT Obama lại là người chủ trương và làm đúng những gì bà Hillary đề nghị.
Trong khi đó, TĐ Romney, là người khai sanh ra mô thức bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm nếu không sẽ bị phạt khi ông ra luật CTYT của tiểu bang Massachusetts. Khi đó ông cũng bị chỉ trích là đã khai sanh ra một loại thuế mới, và ông đã khẳng định đó là tiền phạt chứ không phải thuế, y như TT Obama hiện nay đang xác định. Bây giờ TT Obama áp dụng mô thức bắt buộc mọi người mua bảo hiểm nếu không sẽ bị phạt, tức là áp dụng mô thức Romney, nhưng TĐ Romney lại là người nặng nề chỉ trích TT Obama và quả quyết sẽ hủy bỏ điều luật này nếu ông đắc cử tổng thống. TĐ Romney bây giờ cũng lại khẳng định tiền phạt chính là thuế.
TĐ Romney ủng hộ chuyện áp đặt mua bảo hiểm khi là thống đốc của tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, bây giờ ra tranh cử trong một đảng bảo thủ, bắt buộc phải đổi lập trường. Vì chuyện này, TĐ Romney bị TT Obama đả kích là “chao đảo” (flip-flop) không có lập trường nhất định. Nhưng chính TT Obama cũng chao đảo không thua gì. Ứng viên Obama chống chuyện áp đặt mua bảo hiểm để đánh bà Hillary lấy phiếu của khối ôn hòa. Thắng cử rồi, ông thay đổi ngay quan điểm, cổ võ cho việc áp đặt mua bảo hiểm để giữ phiếu của khối cử tri cấp tiến.
Nhìn vào những chuyện sàng xê này, người ta chỉ có thể nhận định chính trị coi dzậy mà chẳng bao giờ là dzậy. Quan điểm của các chính khách có thể thay đổi như chong chóng tùy theo nhu cầu chính trị mà vẫn chẳng sao vì họ đều có sẵn những cách giải thích, phân trần, trong khi các cử tri “đệ tử” của họ đều nhắm mắt hò hét theo. Chúng ta càng nghiến răng nghiến lợi sống chết cho một chính khách thì lại càng chứng tỏ mình đã bị vào xiếc của họ, hay đã trở thành con rối cho tham vọng cá nhân của họ.
Obamacare
CẢI TỔ Y TẾ GIÚP NGƯỜI NGHÈO
Đây chính là lập luận “câu phiếu” của TT Obama. Ông quảng bá cải tổ của ông sẽ giúp những người nghèo vì sẽ cho họ cơ hội được bảo hiểm y tế, đồng thời cũng sẽ giảm chi phí các dịch vụ y tế như tiền nhà thương, bác sĩ, thuốc men… Đối với những người nghèo thì cải tổ của ông sẽ khiến Nhà Nước giúp đỡ họ nhiều hơn, như trợ cấp tiền mua bảo hiểm, tăng tiền medicare và medicaid…
Sự thật đây vẫn chỉ là một lời hứa của một chính khách, không hơn không kém.
Với ba chục triệu người được bảo hiểm y tế, trong đó có nhiều người bị bệnh nặng mà tiền chữa trị rất cao tại xứ Mỹ này, gánh nặng chi tiêu của các hãng bảo hiểm bắt buộc phải tăng rất cao, chắc chắn như hết ban đêm thì mặt trời sẽ mọc. Vì cách biệt cung cầu, tiền nhà thương, tiền bác sĩ, tiền thuốc cũng sẽ phải tăng. Mặt khác, gánh nặng trợ cấp của Nhà Nước sẽ tăng, để rồi trước sau gì Nha Nước cũng bắt buộc phải tìm cách bù đắp, hoặc là bằng cách tăng thuế, hoặc là bằng cách cắt chi tiêu tức là cắt trợ cấp.
Trong tình trạng đó thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ là thành phần nạn nhân của sự tăng giá? Nhà Nước Obama khẳng định phí tổn của cải tổ y tế sẽ do giới nhà giàu gánh chịu qua việc tăng thuế họ. Nếu có vị độc giả nào đồng ý thì vị độc giả đó có lẽ đang ngủ mơ. Vẫn tưởng tăng thuế nhà giàu là phép màu có thể giải quyết được tất cả những vấn đề trên cõi đời ô trọc này, từ khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, thâm thủng ngân sách, công nợ chồng chất, chi phí y tế, quốc phòng, giáo dục, … Cứ tăng thuế nhà giàu là có tiền làm đủ mọi chuyện. Thực tế, với những chi tiêu theo mô thức Obama thì có đánh thuế 100% hay tịch thu hết tài sản của các triệu phú Mỹ, cũng vẫn không đủ.
Mấy ông bà nhà giàu luôn luôn dư thừa tiền bạc để mua bảo hiểm tốt nhất, đi nhà thương sang trọng nhất, kiếm bác sĩ chuyên môn giỏi nhất, và mua đủ loại thuốc hữu hiệu nhất, bất kể có luật cải tổ hay không. Luật CTYT chẳng có ảnh hưởng gì đến lối sống của họ hết. Chi phí y tế nói chung có tăng thì cũng chỉ là… muỗi đốt gỗ đối với họ. Vấn đề nữa là mấy ông bà nhà giàu không ngớ ngẩn ngồi chờ Nhà Nước đến tịch thu tài sản của họ. Họ dư tiền bạc để thuê chuyên gia giúp họ trốn thuế qua các kẽ hở của luật lệ, hay qua sự thông đồng với các chính khách hay công chức tham ô. Cùng lắm thì họ mang tiền và doanh nghiệp ra ngoài nước.
Ngược lại, luật cải tổ y tế sẽ ảnh hưởng mạnh nhất trên khối trung lưu, là khối lừng chừng ở giữa, không dư tiền như các nhà giàu để có thể gánh chịu những tăng giá trong dịch vụ y tế, không có khả năng lách thuế, nhưng cũng không đủ nghèo để được Nhà Nước chu cấp.

Giới nhà nghèo cũng không thoát. Ta chỉ cần làm tính cộng trừ nhân chia sơ đẳng cũng thấy phần trợ cấp medicare và medicaid của mỗi người sẽ giảm mạnh trong mười năm tới, hay xa hơn nữa nếu Nhà Nước không có giải pháp nào để lật ngược tình thế. Trong tương lai, những người phải xếp hàng hàng giờ, hàng ngày, hay hàng tháng để được phục vụ cũng sẽ là dân nghèo và trung lưu, chứ không có ông bà triệu phú nào phải xếp hàng chờ bác sĩ hay chờ đi mổ.
Nói trắng ra, luật CTYT có cái giá phải trả. Những nhà giàu sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì hết. Nhưng giới trung lưu và giới nhà nghèo chính là những khối chịu gánh nặng nhiều nhất. Những lời quảng bá đẹp đẽ của TT Obama và phe cấp tiến, phụ họa bởi truyền thông dòng chính, chỉ là nói ra một nửa sự thật. Nói như một ông chính khách Tây, một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, một nửa sự thật không còn là sự thật nữa.
Trước TT Obama, đã có nhiều tổng thống muốn cải tổ y tế toàn diện, gần đây nhất là TT Clinton, nhưng không ai làm vì cái giá phải trả quá lớn. Chỉ có TT Obama là người quyết tâm thực hiện bảo hiểm toàn dân bất chấp cái giá phải trả. Đúng hay sai là chuyện lịch sử sẽ phán xét.
Trong một thế giới hoàn hảo, cải tổ y tế như TT Obama đã làm là chuyện cần thiết vì đó là chuyện nhân đạo giúp cho xã hội bớt mâu thuẫn và xung đột, nhưng các chính khách cũng cần đủ can đảm và lương thiện để nói cho dân biết cái giá phải trả, bao nhiêu, và ai sẽ trả. Đúng như người Mỹ vẫn nói, không có bữa cơm nào miễn phi hết (theres no free lunch). Nhưng làm như vậy thì dĩ nhiên mấy chính khách đó sẽ sớm về vườn ngay trong kỳ bầu cử tới. Mặt trái của dân chủ Mỹ chính là nó chỉ khuyến khích các chính khách hứa cuội, nói láo, và các cử tri trở nên dễ tin, sống trong hy vọng hão huyền của các lời hứa. (8-7-12)
Mitt Romney reacts, blasts
Vũ Linh
Ghi chú: Để làm sáng tỏ một phản biện của một độc giả, luật CTYT không phải chỉ ảnh hưởng lên các công ty với dưới 50 nhân viên, mà sẽ tác động trên tất cả mọi công ty. Ngay cả các công ty lớn, đặc biệt trong ngành bán lẻ (Walmart, Target, Sears…) sẽ tìm mọi cách tránh né luật, sẽ giới hạn việc thuê nhân viên, đặc biệt bằng cách chỉ thuê nhân viên làm bán thời, dưới số giờ tối thiểu để khỏi phải trả tiền bảo hiểm và để trả lương tối thiểu. Nói chung luật CTYT không phải là nguyên nhân gây trì trệ kinh tế, nhưng sẽ có tác dụng kéo dài trì trệ, vì sẽ kéo dài nạn thất nghiệp, nhất là trong khối dân nghèo

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Quân Trường Xưa


Tù Khúc : Quân Trường Xưa
Những tác phẩm tù khúc, dấu tích khốn khó của một thời nhiễu nhương mà những ai đã từng sống qua sẽ không thể nào quên cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Mai đây, thế hệ chúng tôi sẽ ra đi, nhưng những chứng tích này phải được bảo tốn để con cháu chúng ta có cơ hội đọc, nghe, cảm nỗi thống khổ của cha ông mà cố gắng  hết sức mình ngăn ngừa mọi sự lập lại của lịch sử, nhất là lịch sử 50 năm sau cùng của thế kỷ 20.

Vũ Cao Hiến : Quân trường xưa

Quân trường xưa – Tranh : Trần Thanh Châu
“ . . . tôi được nghe lại với niềm xúc cảm khó tả về một bản nhạc mà anh em chúng tôi ở hai trại Nam Hà và Vĩnh Phú đã nghe đi nghe lại nhiều lần, và được kể là một trong những bài hát của một người viết nhạc không chuyên nhưng để lại ấn tượng ray rứt, tiếc nuối cho những người một thời xếp bút nghiên bước vào quân trường theo tiếng gọi của núi sông. Tôi muốn nhắc đến bản ’Quân Trường Xưa’ và tác giả của nó là đại úy Vũ Cao Hiến, một cựu sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia, một người tù cải tạo tôi đã có dịp chung phòng chung trại, nhưng nay thì cả người lẫn tên đã trở thành ‘tượng đài thuyền nhân trên biển’ trong một chuyến vượt biên tìm tự do sau khi anh xuất trại vào giữa thập niên ’80. . . “
“ . . . Nói về bài hát nó hay ở chỗ vừa  biểu lộ tâm tư của chính mình nhớ về những kỷ niệm một thời nơi quân trường cũ, đồng thời nói hộ nhiều người nỗi bức tử của  những người lính ‘qui hàng’ trong tư thế thua cuộc của một đạo quân một thời oanh liệt. Bài hát với ca từ tựa như một bài thơ, một bài thơ phổ nhạc, lời lẽ mộc mạc nhưng tha thiết, âm điệu réo rắt nhưng bồi hồi, pha nỗi tức tưởi của những người lính được đào tạo để chiến đấu chứ không phải để qui hàng khi đất nước lâm nguy. Bối cảnh là quân trường võ khoa Thủ Đức, với các điạ danh cụ thể từ đồi Tăng Nhơn phú, đến Chợ Nhỏ, xóm Tân Vạn…ghi đậm dấu chân của hàng chục ngàn sinh viên sĩ quan trừ bị trải qua năm tháng từ lức quân trường thành lập cho đến lúc tập thể tan hàng. Tất nhiên những ký ức quân trường thì dù xuất thân Đà Lạt hay Thủ Đức vẫn có một nét chung là những ngày huấn nhục, những đêm di hành, những đêm trên chòi gác giặc, những bài học chiến thuật, bài giảng binh thư, những giờ phép cuối tuần trở về phố thị, những phút thăm gặp người yêu, rồi ngày ra trường, ngày ra đơn vị luôn là những kỷ niệm vui buồn, lưu luyến khó quên trong tâm thức những người lính trẻ. . . “ ( Đỗ Xuân Tê – Nhớ Vũ Cao Hiến với bản Quân trường xưa )
” . . . Ở Vĩnh Quang đến năm thứ 6, trại chúng tôi có một đợt tha lớn. Đội Văn Nghệ cũng có một số được đọc tên về. Đến mùa văn nghệ, trại đã phải tăng cường thêm những người có khả năng văn nghệ từ trong trại Vĩnh Quang B ( chúng tôi ở trại Vĩnh Quang A ) . Trong nhóm tăng cường này, nổi bật là Vũ Cao Hiến. Cũng như Đào Đức Hùng tôi nhắc đến ở trên, Hiến là một giọng ca hay nhất tôi gặp trong tù, không điêu luyện như Hùng nhưng lại nhẹ nhàng đơn sơ dễ đến với người nghe. Anh cũng là tác giả của nhiều bài tù khúc được anh em ưa thích, lại được chuyển đến bằng giọng ca truyền cảm của chính tác gỉa, nên tác động của những bài nhạc ấy của Hiến rất lớn. Cuộc đời của Hiến kết thúc một cách buồn thảm. Sau khi ra tù một thời gian ngắn, anh vượt biên và bỏ xác trên đường, để lại bao thương cảm cho bạn bè. Anh kết hôn trước khi vào tù, cuộc sống vợ chồng anh chỉ tính bằng ngày . ( Trần Lê Việt – Những Hình Bóng Cũ ) “
” . . . Tháng 2 năm 2005, có dịp đi San Jose giới thiệu sách của một người bạn tù, tôi gặp lại Ngọc Phi , nhà thơ hiền lành , bạn tù nhiều năm tại Vĩnh Quang. Phi khoe tôi một đĩa nhạc 13 bài tù khúc của Vũ Cao Hiến, do Đinh Quốc Trực ở Texas thực hiện để tưởng nhớ Vũ Cao Hiến. Sau khi làm xong, Đinh Quốc Trực cũng lặng lẽ ra đi. Khi trang T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện chuyên mục Tù Khúc, tôi đã được Ngọc Phi gởi cho một bản sao nhạc Vũ Cao Hiến. Trần Lê Việt cũng đưa cho tôi hai CD nhạc tù khúc, trong đó có vài bài nhạc của Vũ Cao Hiến do Trần Gia Tỏan hát. Trần Gia Tỏan nay cũng đã là người thiên cổ.
Thế là những dấu vết cuối cùng liên quan đến những bài tù khúc của Vũ Cao Hiến đã biến mất khỏi trần gian buồn bã này. Có còn chăng là những hồi ức về anh, về Đinh Quốc Trực, về Trần Gia Tỏan đọng lại ở những trái tim gìa nua của những bạn bè còn sống. Tôi không biết, người vợ chưa cưới năm nào của Vũ Cao Hiến có còn sống ở đâu đó, một mình hay với một người nào, hạnh phúc hay sầu khổ, hay có thể “ may mắn hơn “ đã nắm tay cùng anh đi xuống biển trong cuộc chạy trốn tìm tự do năm xưa . Và những cô em gái trẻ trung xinh đẹp của Vũ Cao Hiến ngày tôi vừa ra khỏi trại tù được gặp gỡ, bây giờ họ ở đâu, làm gì, có còn nhớ chút nào đến những người bạn của anh mình nay đã trở thành những ông già nặng trĩu cặp kính lão không còn tương lai để tha thiết nên chỉ đêm đêm ôm quá khứ mà hỏi “ bạn bè ơi sao cứ bỏ ta đi “.
Biết làm sao khác hơn được. Tiếng vọng chiến tranh chưa mất hẳn mà tiếng vọng tù đày vẫn mãi âm u khiến cổ họng đắng ngắt mỗi khi nghe lại điệu nhạc tù năm xưa . ( T.Vấn -Nhớ Vũ Cao Hiến )

 Quân trường xưa
Nhạc &Lời : Vũ Cao Hiến. Trình bày : Trần Gia Tỏan
http://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/quan-truong-xua-150x150.jpg
( Xin bấm vào hình để mở lớn )
( Nhạc Audio )


Đường vô Thủ Đức, lối về Chợ Nhỏ
Quân trường xưa, một thuở dấu chân anh
Ngày nắng cháy, thao trường đổ mồ hôi
Những đêm đen, ngồi gác giặc bụi bờ
Long Thành Mỹ, cổng số 9 mến thương
Vườn nhà nào, sòai riêng đang mùa trái
Những đêm di hành, về xóm Tân Vạn, chờ nhau

Chiều cuối tuần, nô nức về đô thị
Sống ung dung, như một gã thư sinh
Sáng thứ Hai, trở về khuôn phép cũ
Súng lên vai, theo nhịp bước quân hành
Ngày ra trường, mỗi đứa một phương trời
Phút luyến lưu, như sợ lúc chia phôi
Tôi bước đi, vào vùng 3 biên giới
Những luyến lưu, 9 tháng trời nhớ mong

Rồi tan cuộc chiến, tôi lại trở về
Quân trường xưa, ẩn hiện dưới cây đê
Tôi nghe như tiếng, réo gọi của đồi Tăng Nhơn
Nhớ không anh, bài chiến thuật ngày nào
Thuở học trò, thành chiến sĩ gió sương
Trong binh thư, dạy anh không hề nói đến chuyện quy hàng
Người lính thua cuộc , buồn đau
Người lính thua cuộc , hờn đau
Người lính thua cuộc , hờn đau

Chuyên Mục Tù Khúc
T.Vấn & Bạn Hữu  thực hiện (2012)

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Tù Khúc-Tháng Tư Đen


Tù Khúc : Tháng Tư Đen
T.Vấn & Bạn Hữu (http://t-van.net/)
Những tác phẩm tù khúc, dấu tích khốn khó của một thời nhiễu nhương mà những ai đã từng sống qua sẽ không thể nào quên cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Mai đây, thế hệ chúng tôi sẽ ra đi, nhưng những chứng tích này phải được bảo tốn để con cháu chúng ta có cơ hội đọc, nghe, cảm nỗi thống khổ của cha ông mà cố gắng  hết sức mình ngăn ngừa mọi sự lập lại của lịch sử, nhất là lịch sử 50 năm sau cùng của thế kỷ 20.

Lê Trần & Trần Lê Việt :Tháng Tư Đen

Tháng Tư Đen – Tranh : Trần Thanh Châu
Lời tác giả Trần Lê Việt về bài Tù Khúc được mọi giới ở hải ngọai nhắc đến mỗi năm vào dịp kỷ niệm tháng 4 :
“ Vào khoảng cuối năm 1982, ở trại Xuân Lộc Z30B, một hôm Lê Trần ( trong nhóm Tù Ca Xuân Lộc ) bảo tôi : Ê mi, tao có ý này, cái tháng Tư nó không có ngày 30, ngày đó là một đêm, thành ra tháng Tư chỉ có 29 ngày mà lại có đến 31 đêm, mi thấy sao ? Chưa biết trả lời thế nào với Lê Trần, tôi bỏ về chỗ nằm của mình. Ngay sau đó, nhạc của hai câu đầu tiên được hình thành trong đầu tôi và khỏang một tuần sau, tôi đưa cho Lê Trần trọn bản nhạc, bảo hắn : Rồi đó ! bây giờ là nhiệm vụ của mi. Không nhớ rõ anh ta viết lời bao lâu nữa, nhưng theo tôi biết, Lê Trần là một trong những người viết lời bản nhạc nhanh nhất. “ (Trần Lê Việt ).
Ngòai ra, do câu “ Tháng Tư 29 ngày , 31 đêm . . . “ được nhắc đi nhăc lại nhiều lần trong bài, nên tên bài đã “ được/bị “ đổi thành “ Tháng Tư  29 ngày “. Ngay trong bài phát thanh mới đây của đài RFA về Tù Ca, phóng viên Vũ Hòang  đã nhắc đến : “Trong số hàng trăm ca khúc được sáng tác trong trại tù sau ngày 30/4/1975, nổi bật và được nhiều người biết đến, có lẽ là Lữ Khách, Hai Hàng Cây So Đũa, Quê Hương Ba Vòng Ngục Tù, tháng Tư 29 ngày…” ( Vũ Hòang RFA ). Trong kho lưu trữ âm nhạc của các trang mạng âm nhạc, người ta có thể tìm thấy bài tù khúc “ Tháng Tư Đen “ dưới cái tên “ Tháng Tư 29 ngày “ do hai ca sĩ Kim Lan và Tuấn Khải hát và được xếp vào thể lọai “ Nhạc trữ tình “. Dù  dưới cái tên nào, thì  “ Tháng Tư Đen “ là một bài tù khúc được nhắc đến, nghe lại hàng năm vào dịp 30 tháng 4 ( TV&BH)

Tháng Tư Đen
Nhạc: Trần Lê Việt . Lời : Lê Trần. Trình bày : Việt Long
http://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/Thang-4-150x150.jpg
( Xin bấm vào hình để mở lớn )
( Nhạc Audio )

1.
Anh , anh có biết tại sao ?
Tháng Tư , 29 ngày
Anh , anh có biết tại sao ?
Tháng Tư , 31 đêm
Đêm giữa ban ngày , từ khi đổi thay, đêm dài thật dài
Từ tháng Tư đời đắng cay đọa đày
Đêm mãi hòai, thời gian như đứng lại
Từ tháng Tư 29 ngày 31 đêm
2.
Em, em có biết tại sao ?
Tháng Tư , 29 ngày
Em, em có biết tại sao ?
Tháng Tư , 31 đêm
Ta qua bao ngày, tựa như bóng đêm, nhân lọai muộn phiền
Từ tháng Tư, trời tối đen triền miên
Xin nhớ chuyện, ngày quê hương đắm chìm
Từ tháng Tư 29 ngày 31 đêm
3.
Anh, anh có biết tại sao ?
Tháng Tư , 29 ngày
Em, em có biết tại sao ?
Tháng Tư , 31 đêm
Đêm giữa ban ngày , từ khi đổi thay, đêm dài thật dài
Từ tháng Tư đời đắng cay đọa đày
Đêm mãi hòai, thời gian như đứng lại
Từ tháng Tư 29 ngày 31 đêm
Ta qua bao ngày, tựa như bóng đêm, nhân lọai muộn phiền
Từ tháng Tư, trời tối đen triền miên
Xin nhớ chuyện, ngày quê hương đắm chìm
Từ tháng Tư 29 ngày 31 đêm
Từ tháng Tư 29 ngày 31 đêm
Từ tháng Tư 29 ngày 31 đêm

Chuyên Mục Tù Khúc
T.Vấn & Bạn Hữu  thực hiện (2012)
 Video  Tháng Tư Đen: