● Một mai tóc bạc da mồi
Ba mươi năm nhớ một lời biệt ly
( Ngọc Phi )
1.
Nghe nhạc, đọc thơ thường đưa người ta về những hồi ức ở rất xa trong quá khứ. Thứ cảm gíac có thể làm sống lại cả một quãng đời thanh xuân trai trẻ mấy mươi năm. Hôm trước, trong những giây phút nhàn rỗi hiếm hoi của một ngày bận rộn, tình cờ tôi xem được trên truyền hình đọan phim một ông gìa tóc bạc , một mình trong căn phòng nhỏ, trước mặt ông là chiếc máy điện thọai mở sẵn. Ông từ từ nâng cây đàn violon, mắt nhắm lại, rồi say sưa kéo một bài nhạc tình rất cũ, miệng ư ử hát theo những âm thanh không rõ nét. Phía bên kia của đầu dây điện thọai, một phụ nữ tóc cũng bạc không kém, tay đặt sát ống nghe vào tai, đôi mắt tha thiết theo tiếng nhạc, và rồi bà cũng cất tiếng hát theo giọng vĩ cầm bên kia đầu dây. Họ là hai người tình của nhau từ một thuở nào lâu lắm. Đời chia họ đi hai ngã. Đến lúc tình cờ gặp lại nhau sau khi đã kinh qua mọi đắng cay ngọt bùi của cuộc đời thì họ lại không còn trẻ nữa. Có trẻ chăng chỉ là kỷ niệm về bài hát một thời đánh dấu những ngày họ yêu nhau và tưởng rằng không có gì có thể chia cách được tình yêu của họ. Dầu vậy, cái giây phút mà hai người ở hai không gian khác nhau, mượn đường truyền điện thọai để cùng sống lại với nhau quãng đời thơ mộng ấy, thật tuyệt. Đời người trăm năm, nhưng những khỏanh khắc tuyệt vời ấy, không nhiều và không dài.
Vài ngày sau đó, tôi nhận được CD nhạc của một người bạn nhạc sĩ với 12 bài tình ca chứa đựng trọn vẹn những cảm xúc của một người đã bước đi từ những ngày xanh cho đến những ngày vàng. Cuối đời, bỗng thấy nhớ mối tình tưởng đã lãng quên từ lâu, như hai nhân vật trong đọan phim tôi mới được xem.
Tha thiết một ngày
chờ nhau tóc trắng,
ai biết một ngày
chia nhau nhớ nhung,
ai biết một ngày
mình xa nhau từ đấy.
( Nỗi buồn không thấy – Nhạc: Phạm Chinh Đông )
http://www.t-van.net/nhac/nhacdong.htm
2.
Tháng Hai, trời còn rét ngọt. Không biết có phải vì thế, mà ở phương tây, người ta gọi tháng Hai là tháng của tình yêu, của lễ hội Valentine, của những người yêu nhau, trẻ cũng như gìa. Tôi thóang nghe lao xao các con tôi muốn mẹ chở đi mua thiệp và quà Valentine cho các bạn học cùng lớp. Đám bạn gìa chúng tôi vốn không quen với tập quán mới mẻ này ( dù rất đáng yêu ) nơi xứ người, nhưng món quà của người bạn nhạc sĩ quen biết từ mấy chục năm nay của tôi, đến vào một thời điểm thật thích hợp. CD nhạc mang cái tên như một sự tiếc nuối ( một thời đã qua ) : Chút Hương Trần Gian .
Bắt đầu từ những thác nguồn trăn trở, từ những đồi thông rét mướt trong sương mù Đà lạt, một cuộc tình đã đến và rồi đã đi, sáng ngời nhưng đơn sơ như lá Mimosa, bên con dốc ngày nào còn mượt mà dấu chân tình nhân bé bỏng. Xa lắm rồi, người lang thang góc biển , kẻ chân mây vẫn đôi mắt trông vời .
( Lời Mở Đầu – CD Chút Hương Trần Gian – Giọng đọc : Thọai Anh)
Quả thật, anh bạn tôi mưốn mượn âm thanh và chữ nghĩa để ghi lại những “ tâm tình từ một thời thanh xuân không còn nữa , như một chút hương trần gian vẫn còn mãi thơm tho “ . Đã là một thứ định luật, càng đi dần về phía cuối đường ( đời ), người ta càng ý thức được cái ngắn ngủi , hữu hạn của trần gian. Và vì sợ rằng không còn dịp sống lại những gì đã qua, người ta thường hay ngoái cổ nhìn lại, để tiếc nuối, để ân hận hay để gặm nhắm chút hương vị ngọt ngào của thú đau thương. Người có tâm hồn nghệ sĩ và khả năng trời cho như anh bạn nhạc sĩ của tôi, thì cố gắng biến những riêng tư của mình thành những tác phẩm nghệ thuật cho đời , và cho mai sau thưởng ngọan. Riêng tư thật, nhưng trong đó, vẫn chứa đựng rất nhiều những cái chung . Ai mà không có một thời để yêu, một thời để hối tiếc , và một thời ngồi nhìn quá khứ, trước khi đi vào một thời để . . . chết đang chờ sẵn. Có lẽ vì thế mà âm nhạc, thơ phú luôn luôn có mặt trong mỗi chặng đường đời người ta đi qua. Mỗi hai kẻ yêu nhau đều có một bài nhạc, bài thơ mà khi nhắc đến, nghe lại, họ tưởng chừng như hơi ấm của nhau vẫn còn quanh quẩn đâu đó như thể họ mới vừa chia tay nhau lúc nãy.
Ngày đó
khi ta xa nhau,
đời nghiêng xuống những cơn mưa sầu.
Tình chia trên đôi môi khô
một lần thôi là hết.
Đời đưa ta đi muôn phương,
một hôm giá buốt len trong hồn,
đời chia như trăm con sông
( Ngày của người – nhạc: Phạm Chinh Đông)
Tình yêu thời nào cũng có, vì người ta không thể sống thiếu tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng đem lại cả hạnh phúc lẫn khổ đau, vì nếu thiếu một trong hai thứ, thì sẽ chẳng có thứ nào cho ra hồn. Và khi khổ đau nhiều hơn hạnh phúc, người ta gọi đó là cuộc tình buồn. Và, hình như, cuộc tình nào cũng buồn cả. Có nghĩa, “ yêu là đau khổ “, cho nên :
tôi khóc cho người
một cuộc tình buồn.
Con nuớc về xuôi
thôi hết người ơi
yêu đương qua rồi
lòng còn đớn đau.
. . . . . . .
Gom thời gian
cho tôi tiễn người về muộn màng.
Khi xa người
không còn nụ cười
từ đó.
Từ đó
người về bước chân nhọc nhằn
ăn năn lệ đời mưa xuống.
( Tôi khóc dùm người – Nhạc: Phạm chinh Đông)
Một đời thăng trầm chúng mình đã đi qua, cách này hay cách khác mà cách nào cũng hoạn nạn nhiều hơn diễm phúc, khổ đau nhiều hơn vui mừng. Qua đi, qua đi, những cơn mê. Tình này chồng chất lê thê. Được, thua rồi chẳng còn gì. Chỉ còn lại là những kỷ niệm rực rỡ của một thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy nữa. Giờ đây, tạm yên thân nơi xứ lạ quê người, cũng là lúc dọn mình đi xuống. Xuống một nơi bình yên nhất của một kiếp nhân sinh phù du.
Và trên con đường buồn bã kia, chỉ có hơi ấm ở hai bên : vợ con và bạn bè ngày cũ.
Cầu xin mọi người giữ mãi ngọn lửa nhỏ nhoi này.
( Phạm Chinh Đông)
4.
Thi ca ( thơ và nhạc) luôn luôn là thứ thực phẩm thượng thừa của trần gian. Nó nâng tâm hồn con người lên đến chỗ trang trọng nhất của cái Đẹp, chỗ trường cửu nhất của cái Hữu hạn. Xưa nay, đã có biết bao “ chàng phiêu lãng ôm đàn tới giữa đời “ (Tà Áo Văn Quân – Nhạc Phạm Duy Nhượng ), biết bao “ con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi “ ( Lời Thơ Vào tập Gởi Hương – Thơ Xuân Diệu ), vậy mà thứ thực phẩm hảo hạng ấy dường như không bao giờ đủ cho nhu cầu trần thế . Cho nên, CD nhạc Chút Hương Trần Gian của Phạm Chinh Đông , một tập hợp bao ao ước của một đời loay hoay với những con chữ và những nốt nhạc, nay, trước khi thanh thản “ dọn mình đi xuống. Xuống một nơi bình yên nhất của kiếp nhân sinh phù du “ , được anh gời đến bạn bè vào những ngày tháng Hai buốt gía của mùa Đông xứ người, như một đóng góp nhỏ nhoi vào việc cung cấp cho đời thứ thực phẩm hiếm quý, thứ mùi thơm trần gian tuy ngắn ngủi mà dư hương của nó sẽ còn đọng lại mãi mãi đến ngàn sau. Cũng vì thế, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc khi ngồi trong căn phòng viết ấm cúng, nhìn ra bên ngòai những lọn tuyết bay đầy bầu trời đêm trắng xóa, với tiếng ca lời nhạc Chút Hương Trần Gian phủ kín không gian. Nhờ vậy, tôi ý thức hơn lúc nào hết rằng trần gian này đáng yêu biết bao, đáng sống biết bao và cũng đáng . . . tiếc nuối biết bao.
Xin được bắt chước những người trẻ tuổi đang hân hoan mừng lễ hội tình yêu , đang tha thiết gởi đến nhau những nụ hoa tình đẹp nhất đời thanh xuân, tôi muốn hòa giọng cùng anh bạn nhạc sĩ thân mến nói lên lời tạ ơn Chút Hương Trần Gian.
Tôi xin tạ ơn,
tôi xin tạ ơn người
cho tôi tình vui
dù phút giây thôi.
( Tạ Ơn Người – Phạm Chinh Đông ).
© T.Vấn 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét