Nhiều người chết vì cái lưỡi. Nhiều người khác thân sơ thất sở vì cái lưỡi. Nhưng cũng có nhiều người sống nhờ cái lưỡi, vinh thân phì gia nhờ cái lưỡi, chinh phục được bao người đẹp kỳ vĩ trong thiên hạ cũng nhờ cái lưỡi. Sự lợi hại của cái lưỡi cần rất nhiều giấy mực để bàn bạc, tranh cãi.
Nhưng đó không phải là trọng tâm của trang ghi chép nhỏ này.
Ai cũng biết thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư. Người hút thuốc lá lâu năm, có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn người không hút thuốc lá. Thế còn người không hút, chỉ nhai thuốc thôi thì sao ? Cần chú ý một điều là thuốc lá nhai không có khói. Mà khói thuốc là nguồn gây bệnh chính khi người hút ( hoặc người không hút nhưng hít phải khói thuốc – secondhand smoke ) hít vào phổi. Nói nhai có nghĩa là dùng răng để nhai. Răng thì ở trong miệng, bạn ở chung buồng với lưỡi.
Nhai thuốc lá, không có khói, nên không có nguy cơ cao nhiễm ung thư phổi. Nhưng lại dễ bị ung thư miệng ( mouth cancer ), hoặc có người còn gọi ung thư lưỡi ( tongue cancer ).
Câu chuyện cái lưỡi bắt đầu từ đây.
Một người Mỹ tên Bobby Hill ở thành phố Canton, tiểu bang North Carolina, bắt đầu nhai thuốc lá từ năm 13 tuổi. 29 năm sau, tức năm 2003, ông chết vì bị ung thư lưỡi ở tuổi 42. Người chết vì bị ung thư lưỡi do nhai thuốc lá chắc cũng không phải hiếm hoi gì, nhưng đây là lần đầu tiên công luận Mỹ được biết đến chính danh một người chết vì bệnh này . Nguyên nhân là vì nhà sản xuất thuốc lá nhai không khói Skoal and Copenhagen ( mà tiền thân của nó chính là US Smokeless Tobacco Company ) mới đây đã đồng ý bồi thường cho gia đình ông Bobby Hill số tiền 5 triệu Mỹ Kim, tuy về mặt pháp lý, họ không công nhận có lỗi trong trường hợp sự thiệt hại gây ra cho người tiêu thụ là từ chính những sản phẩm của hãng mình. Nhận lỗi hay không nhận lỗi, thì việc đồng ý bồi thường khỏan tiền khổng lồ 5 triệu nói trên cũng gián tiếp công nhận rằng , ông Bobby bị ung thư lưỡi là vì đã tiêu thụ dài hạn thuốc lá nhai của hãng sản xuất này.
Giá trị thành tiền của cái lưỡi quả không nhỏ. Nói một cách thực tế hơn, 5 triệu đồng đô la Mỹ chắc chắn sẽ giúp gia đình ông Bobby Hil sống một cuộc sống sung túc, thảnh thơi. Với trường hợp cụ thể này, giới nhai thuốc hẳn sẽ phải đắn đo trước khi tiếp tục xỉa cục thuốc vào miệng, giống như nhiều người hút thuốc đã phải tìm cách tự hạn chế lượng thuốc hút trong ngày hoặc , nếu được, bỏ hút ( và nhai ) thuốc luôn. Nhưng¸nếu như người nghiện không thể bỏ được thói quen nhai chóp chép cục nicotine trong miệng thì cũng có thể tìm được lý do an ủi mình. Rằng, nếu chẳng may cái lưỡi của mình có mệnh hệ nào thì gia đình vợ con – những người thường xuyên càu nhàu mình vì cái tật nhóp nhép – có thể tìm cách nhờ luật sư kiện anh bán thuốc nhai mà kiếm ít tiền dằn túi, vừa dễ dàng sang ngang bước đi bước nữa, mà con cái cũng đỡ phải vay student loan chi trả học phí đại học.
Câu chuyện ung thư lưỡi vì nhai thuốc lá đã rõ ràng như hai với hai là bốn rồi. Chẳng còn gì để tranh cãi, biện minh nữa. Và cái lưỡi ung thư trị giá 5 triệu Mỹ kim cũng đã rành rành. Chính ông Luật sư Antonio Ponvert III, người đại diện pháp lý của gia đình chủ nhân cái lưỡi Bobby Hill, đã tuyên bố với hãng thông tấn AP hôm thứ ba mùng 7 tháng 12 năm 2010.
Tôi lại phân vân, không biết nhai thuốc có phải là nguyên nhân duy nhất gây ra ung thư lưỡi không ?
Thế còn những người , tuy không nhai thuốc lá, nhưng dùng cái lưỡi để uốn éo chuyển chuyện không thành có, chuyển có thành không, chuyển đen thành trắng, chuyển trắng thành đen, nay tung hô mai đả đảo, thì sao ? Liệu họ có bị ung thư lưỡi không ?
Hoặc những người ỷ mình có cái lưỡi hào sảng, ban phát cho bất cứ ai không đồng chính kiến với mình một cái mũ như mũ cối chẳng hạn, hoặc cái mũ Việt gian ( và Mỹ gian, Pháp gian, Úc gian . . .), hoặc , rộng lượng nghĩ đến hòan cảnh thất nghiệp tràn lan hiện nay, ban cho người mình “ thương “ những cái job thơm tho béo bở như tay sai ( cộng ), nằm vùng v..v.. Những cái lưỡi đó có bị ung thư không ?
Giả sử những cái lưỡi đó cũng bị ung thư, thì liệu gia đình họ có thể kiện ai để đòi bồi thường và số tiền bồi thường có được tới cỡ 5 triệu Mỹ kim như luật sư của gia đình ông Bobby Hill vừa hồ hởi phấn khởi loan báo khắp bàn dân thiên hạ ?
Đây quả là một câu hỏi hắc búa. Tôi sẽ giữ lại đó, để khi có dịp nào gặp được ông luật sư mồm mép ( lưỡi giỏi ) Antonio Ponvert III – nhắc đến ở trên – nhờ ông góp ý.
T.Vấn
08 tháng 12 năm 2010
* Phụ Lục :
Nhân câu chuyện về thuốc lá và các chứng bệnh gây ra do thuốc lá, tôi đọc được tin về bản báo cáo của Bộ Y tế Hoa Kỳ công bố hôm thứ tư 08 tháng 12 năm 2010 đưa ra một triển vọng còn ảm đạm hơn nữa cho những người còn dan díu với người tình khói sương. Bà Regina Bejamin, người đứng đầu ngành Y tế Hoa Kỳ, đã xác nhận “ chỉ cần một hơi thuốc hít vào phổi là có thể bị nguy cơ trụy tim.” . Bà còn nhắn nhủ “ tôi khuyến cáo mọi người nên bằng mọi cách tránh xa những nơi nào có khói thuốc lá.”.
Cũng theo phân tích của bản báo cáo nói trên, cứ mỗi một hơi thuốc bập vào, là cơ hội cho hơn 7,000 những chất hóa học khác nhau xâm nhập cơ thể, len lỏi vào từng bộ phận để gây thiệt hại cho các tế bào. Ngòai ra, không chỉ những hơi thuốc hít trực tiếp gây hại, một không khí nhiễm khói thuốc lá cũng gây nên tác hại ngay tức thì không lường được cho những người chung quanh.
Con số thống kê mới nhất cho biết, mỗi năm có khỏang 443,000 người Mỹ chết vì các chứng bệnh do thuốc lá gây ra . Năm 1964, khi bản báo cáo đầu tiên của bộ Y tế Hoa Kỳ được công bố cảnh cáo về nguy cơ gây bệnh chết người của thuốc lá, số người bỏ thuốc đã gia tăng đáng kể. Nhưng thập niên vừa, con số ấy đã chững lại. Hiện nay, có khỏang 46 triệu người – tức cứ 5 người Mỹ lại có 1 người vẫn còn đang sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức . Hàng chục triệu người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc thải ra trong không khí. Các giới chức chính quyền ( Mỹ ) , đã từng nuôi hy vọng hạ tỷ lệ người hút thuốc xuống 12 phần trăm vào cuối năm 2010. Chỉ tiêu này nay bị thất bại, và được gia hạn cho đến năm 2020, tức 10 năm nữa.
Bản báo cáo y tế lần thứ 30 công bố hôm nay của bộ Y tế Hoa Kỳ bao gồm hơn 700 trang giấy đã đặc biệt nhấn mạnh hơn nữa đến những nguy cơ gây bệnh của thuốc lá, cũng như chi tiết hóa những phản ứng sinh học của cơ thể khi phát hiện ra những hóa chất theo đường hít thở khói thuốc xâm nhập. Bản báo cáo còn dựa vào những phát minh mới nhất trong lĩnh vực di truyền học để phân tích tại sao , cùng một lượng tiêu thụ thuốc lá hàng ngày, người này lại nghiện nhiều hơn người khác hoặc người này sớm mắc phải những chứng bệnh do thuốc lá gây ra hơn người kia.
Bản báo cáo kết luận, không có một mức độ tiếp xúc với khói thuốc nào được coi là an tòan, bất kể là người hút trực tiếp hay người chung quanh. Nhưng, chắc chắn và rõ ràng một điều, phản ứng tai hại do thuốc lá gây ra – nhất là với người mắc bệnh tim – là cấp kỳ. Nói cách khác, chỉ cần hiện diện trong một môi trường có người hút thuốc lá, những người mắc bệnh tim rất dễ dàng bị đột quỵ.
Hy vọng phần phụ lục này góp thêm chất liệu để những kẻ nặng tình khói sương suy ngẫm.
T.Vấn
09 tháng 12 năm 2010
T.Vấn©2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét