Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

LAN MAN VỀ THỜI SỰ Ở MỸ (phần 1)

Trương Đình Trung
Kết quả bầu cử cho thấy rằng đa số dân chúng không còn muốn tiếp tục trao quyền kiểm soát Quốc Hội cho đảng Dân Chủ; đảng Cộng Hoà đã chiếm thêm được 60 ghế Dân Biểu và trở thành đa số ở Hạ Viện, và thêm được 6 ghế khác ở Thượng Viện. Về mặt nào đó kết quả như vậy cho thấy rằng cử tri Mỹ đã có một nhận thức rất cao về cách xử dụng lá phiếu của mình. Nói đúng hơn là đa số cử tri đã thực thi khéo léo một đòi hỏi rất căn bản của Hiến Pháp Hoa Kỳ; đó là sự Kiểm soát Lẫn nhau và Cân bằng (Check and Balance) giữa 3 quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, trong bối cảnh chính trị của hệ thống lưỡng đảng.
Trong hai năm qua đảng DC đã nắm cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp. Họ chiếm đa số ở cả HV lẫn TV; còn Hành pháp nằm trong tay của TT Obama. Một ưu thế như vậy thường là trở ngại cho mọi sự thoả hiệp vốn là nét cốt yếu cho nền Dân chủ. Bằng cớ là trong suốt hai năm đó, sự bất đồng giữa hai đảng ngày càng lớn, mức phân cực chính trị trong xã hội ngày càng cao, gây nên sự trì trệ trong quá trình thông qua những chính sách lớn cần thiết để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng đang xảy ra.
Đây là một bài học Dân chủ rất bổ ích: Quyền lực lớn luôn là trở ngại chính của sự thỏa hiệp;  một yếu tố then chốt của nền Dân chủ. Bầu cử là một biểu hiện Dân chủ, là phương tiện giúp cử tri thể hiện quyền của mình. Nhưng Bầu cử thôi chưa đủ để có Dân chủ. Điều cần thiết là phải có định chế chính trị thích hợp và nhận thức cao của cử tri. Hiến pháp Hoa kỳ đã phối hợp với hệ thống lưỡng đảng để tạo ra một định chế cần thiết đó. Cử tri Mỹ, trong suốt hai trăm năm qua đã sử dụng nhuần nhuyễn quyền đầu phiếu của mình để duy trì nền Dân chủ và trạng thái cân bằng đối với các chính kiến trái ngược. Tổng quát thì các chính kiến đó luôn ở về hai cực: Bảo thủ và Tự do, Conservative và Liberal, Tả và Hữu, Elitism và Populism, v.v… Nhưng kết quả chung cuộc, do sự can thiệp của cử tri, luôn là sự thỏa hiệp để rồi, trên phạm vi quốc gia hay chính sách, mọi người đồng thuận với nhau ở điểm giữa, center, không hoàn toàn cực tả hay cực hữu.
Để thoả hiệp, TT Obama đã gác qua một bên sự chống đối việc giảm thuế cho giới giàu, đồng ý với phía đảng CH, gia hạn, thêm hai năm nữa, luật giảm thuế của chính phủ Bush, vốn sắp hết hạn cuối tháng 12 này, áp dụng cho mọi thành phần xã hội. Hôm qua TT Obama đã ký đạo luật Middle Class Tax Relief Act of 2010 (H.R. 4853)[i]. Ngoài việc gia hạn luật giảm thuế của Bush, Luật cũng giảm thuế An Sinh Xã hội (ASXH) (Social security Payroll Tax) trong một năm, từ 6.25% xuống còn 4.25%; và gia hạn khai hưởng trợ cấp thất nghiệp (UI benefits) đến hết năm 2011 cho những người thất nghiệp trên 26 tuần nhưng chưa quá 99 tuần.

Việc giảm thuế ASXH một năm từ 6.25% xuống 4.25% sẽ giúp một người, nói ví dụ, với mức lương 50,000/năm được giảm 1000$ tiền thuế.
Việc gia hạn khai hưởng trợ cấp thất nghiệp đến hết năm 2011 đã khiến một số người hiểu lầm rằng thời hạn được hưởng thất nghiệp sẽ, ngoài 99 tuần ra,  tăng thêm 13 tháng. Thật ra, Luật chỉ gia tăng thời hạn để khai xin trợ cấp thất nghiệp của Liên Bang thôi, chứ không tăng thêm tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng thời gian ấy vẫn trong giới hạn tối đa 99 tuần cho mọi người thất nghiệp.
Hồi đầu tháng Năm, TNS Debbie Stabenow, cùng với một số TNS thuộc đảng DC, đã đưa ra dự luật nâng tổng thời gian được hưởng tiền thất nghiệp lên một đợt (tier) nữa, gọi là tier V, tức là từ 99 tuần lên 119 tuần cho những người thất nghiệp ở những bang có mức thất nghiệp trên 7.5% (chừng 34 bang),nhưng dự luật đã gặp nhiều sự chống đối và không được Uỷ Ban Tài Chánh Thượng Viện thông qua.[ii]
Đến đây xin mở ngoặc vắn tắt nói về các đợt (tiers) trợ cấp thất nghiệp (UI). Người mới vừa thất nghiệp được hưởng 26 tuần UI đầu tiên của tiểu bang. Đợt này, vì là của tiểu bang, không bị chi phối bởi các quyết định của Quốc Hội. Hết đợt của tiểu bang, người thất nghiệp bắt đầu được nhận UI từ Liên Bang, tuần tự theo các đợt (tiers) như sau đây:
UI của Tiểu Bang
26 weeks
1st Tier of Federal Extension
20 weeks
2nd Tier of Federal Extension
14 weeks
3rd Tier of Federal Extension
13 weeks
4th Tier of Federal Extension
6 weeks
Separate FED-ED Extension
20 weeks
TỔNG CỘNG TỐI ĐA
99 weeks

Để hiểu ý nghĩa và hiệu lực của việc Quốc Hội tái tục (renewal) gia hạn khai hưởng UI, xin nêu một ví dụ. Giả sử một người bắt đầu thất nghiệp đầu tháng 10/2010. Người đó sẽ nhận 26 tuần UI của tiểu bang nơi mình cư trú, sau đó nếu còn thất nghiệp sẽ tiếp tục được chuyển qua nhận các đợt UI của Liên Bang cho đến cuối tháng 12/2011. Đến lúc đó, người này sẽ nhận tổng cộng, cả của tiểu bang lẫn của Liên Bang là 65 tuần, tức là đang ở tuần thứ 5 của đợt 3(3rd tier) của LB như bảng trên. Nếu như đến lúc đó, tức 31/12/2011, Quốc Hội không tái tục gia hạn nữa, thì người đó sẽ chỉ được tiếp tục nhận 8 tuần còn lại của đợt 3 mà thôi. Nghĩa là tổng cộng người đó sẽ chỉ nhận được 73 tuần UI, chứ không phải tổng số tối đa 99 tuần. Nhưng giả dụ, sau đó Quốc Hội đến cuối tháng 1/2012 lại tái tục gia hạn thêm 6 tháng nữa, thì đến lúc ấy người đó sẽ tiếp tục được nhận các tiers khác.
Trở lại Luật Giảm Thuế, thì ngoài việc cắt giảm thuế lợi tức, thuế ASXH, như vừa nêu ở trước, Luật còn giúp mở rộng tín dụng thuế con nhỏ (Child Tax credits), giảm thuế cho sinh viên, giảm thuế đầu tư tư bản và lợi tức cổ phần (dividend). Thuế di sản (estate tax) cũng được giảm nhiều, mức tối thiểu là 35%. Theo luật mới này, một cặp vợ chồng có thể di sản cho con đến giới hạn 10 triệu không phải đóng thuế.[iii] Trước đó đề nghị giới hạn trị giá di sản miễn thuế, do đảng DC đề nghị, là 7 triệu dollars và mức thuế tối thiểu là 45%. Luật thuế di sản mới này đã bị chỉ trích kịch liệt. Theo bà Pelosi, hiện đang là Chủ tịch Hạ viện, nhưng sắp trở lại cương vị lãnh tụ đa số DC ở Hạ Viện khi năm 2011 đến, thì việc nâng giới hạn di sản miễn thuế từ 7 triệu dollars lên 10 triệu dollars và giảm thuế xuống 35% chỉ tăng thêm lợi tức cho chừng 6,600 gia đình giàu của giới thượng lưu, nhưng lại gây thất thu cho ngân sách đến 23 tỉ dollars!
Tổng chi phí cho việc thực hiện Luật Giảm Thuế này được ước tính là sẽ lên đến 846 tỉ dollars; nghĩa là mức khiếm hụt ngân sách của chính phủ sẽ tăng thêm bằng chừng đó! Đây là một điểm rất thú vị và đáng chú ý. Số liệu cho biết rằng mức thu ngân sách Liên bang năm 2008 là chừng 2,520 tỉ dollars, nhưng chính phủ đã phải chi tổng cộng chừng 3,500 tỉ dollars; nghĩa là mức khiếm hụt trong chỉ một năm 2008 xấp xỉ gần 1,000 tỉ dollars! Cộng hết nợ nần tính cho đến nay của chính phủ Mỹ là chừng 14,000 tỉ dollars![iv] Trong khi đó thì ước tính về Tổng Sản Phẩm Nội Địa (GDP) của Mỹ hiện nay là 14,834 tỉ dollars![v] Nghĩa là tổng số nợ gần bằng GDP! Thật khũng khiếp!
Kể từ khi đảng DC chiếm được Toà Bạch Ốc và đa số ở Quốc Hội, thì đảng CH đã liên tiếp công kích đảng DC là làm phình to bộ máy nhà nước, gia tăng chi tiêu, gây thâm thủng ngân sách và gia tăng nợ nần. Khẩu hiệu của đảng CH từ đó đến nay là cắt giảm chi tiêu (spending cut); đặc biệt là các chi tiêu công ích: trợ cấp xã hội, giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở, v.v… và cả cắt giảm thuế (tax cut); nhất là giảm thuế cho giới thượng lưu và doanh nghiệp. Lý luận căn bản của phe CH là cắt giảm chi tiêu, thu nhỏ chính quyền để giảm bớt thiếu hụt ngân sách. Đồng thời giảm thuế sẽ tác động kinh tế từ phía Cung (supply side): Khi giới doanh nghiệp và thượng lưu được giảm thuế, họ sẽ dùng tiền đó để gia tăng mức đầu tư, thúc đầy sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, và giúp kinh tế phát triển. Yếu điểm của lý luận này là rằng khi cắt giảm thuế thì ngân sách bị thu hẹp, vai trò chính phủ bị giới hạn lại thì làm sao có thể chủ động kích thích kinh tế để thoát ra khỏi tình trạng suy thoái hiện nay. Điểm khác nữa là có gì bảo đảm chắc chắn là giới thượng lưu và doanh nghiệp, khi được giảm thuế, sẽ dùng ngay số tiền đó để bỏ vào đầu tư, biết đâu họ chỉ để dành tiền , chờ đợi đến khi qua khỏi suy thoái mới đầu tư thì sao.
Hơn nữa, khi đảng CH chấp nhận bộ Luật Giảm Thuế mà Obama vừa ký, với mức tổn phí ngân sách đến 848 tỉ dollars trong thời hạn chỉ hai năm, làm trầm trọng thêm mức nợ nần quốc gia thì nhiều người không khỏi ngờ vực những khẩu hiệu cắt giảm chi tiêu và nợ nần đó của phe CH chỉ thuần tuý là giả tạo cho mục đích mị dân để kiếm phiếu mà thôi.
Điểm đáng chú ý khác nữa, là tuy nhìn bên ngoài Obama có vẽ yếu, đã phải nhượng bộ nhiều để đạt được sự thoả hiệp với phe CH, nhưng một cách sâu xa thì Luật Cắt Giảm Thuế mới này lại tác động như một đợt kích thích kinh tế mới và điều đó được xem như là một thắng lợi của chính phủ. Hơn nữa sự nhượng bộ của Obama mang lại lợi ích trước mắt cho mọi thành phần trong xã hội, từ thượng lưu đến người thất nghiệp, và điều đó sẽ trở thành một vốn liếng chính trị đáng kể cho Obama trong mùa tranh cử năm 2012. Ngoài ra, sự gia hạn giảm thuế lại nằm trong hạn kỳ hai năm, trùng khớp với mùa tranh cử. Đến lúc đó, khi mà kinh tế có lẽ sẽ hoàn toàn phục hồi, vấn đề giảm thuế, biết đâu sẽ lại là lợi khí tranh cử cho Obama dùng để chống lại ứng viên của đảng CH . Để chờ xem!
LAN MAN THỜI SỰ PHẦN 2

Trở lại phần về Luật Giảm Thuế. Người ta tranh cải nhau nhiều trước đó về việc nên hay không gia hạn cho luật giảm thuế của chính phủ Bush sẽ hết hạn vào cuối tháng 12/2010. Thiết nghĩ có lẽ cũng nên lược sơ lại chính phủ Bush đã giảm thuế như thế nào.
Chính phủ Bush giảm thuế lần đầu vào năm 2001 khi kinh tế bị suy thoái, tên của luật đó là Economic Growth and Tax Relief Reconciliation Act of 2001 (EGTRRA). Luật đó có thời hạn 10 năm. Theo một số chuyên gia kinh tế thì sự giảm thuế đó có lợi nhất cho những gia đình có con nhỏ và những người có thu nhập trên 200,000 dollars/năm. Để thực hiện đạo luật đó trong 10 năm từ 2001 đến 2011, chính phủ Mỹ phải nợ thêm tổng cộng là 1,320 tỉ dollars!

Lần giảm thuế thứ hai của TT Bush là vào năm 2003, với tên gọi là Growth Tax Relief Reconciliation Act of 2003 (JGTRRA). Luật này gia tốc việc thực hiện Luật EGTRRA, tập trung chính vào việc giảm thuế đầu tư tư bản và cổ phiếu, từ 25% xuống còn 15%, và giảm thuế cho giới tiểu doanh nghiệp.

Lần giảm thuế thứ ba của TT Bush là vào năm 2008, theo đó thì 6000 dollars lợi tức đầu tiên cho một người, và 12,000 dollars cho một cặp vợ chồng, sẽ không bị đánh thuế. Đợt giảm thuế này phí tổn 140 tỉ dollars, được các kinh tế gia xem như một khoản kích thích kinh tế đang bị cuộc khủng hoảng tài chánh đe doạ, tương đương với 1% của tổng GDP của Mỹ (khoảng 14,000 tỉ ).

Các chính sách giảm thuế của chính phủ Bush khơi mào hai vấn đề chính: một là gia tăng sự khiếm hụt ngân sách và nợ quốc gia (budget deficits and national debts), hai là sự phân phối lợi tức không công bằng giữa các thành phần xã hội.

Đảng Dân Chủ thường chỉ trích chính sách giảm thuế của TT Bush là ưu đãi cho giai cấp thượng lưu, đặc biệt là đối với 1% thành phần giàu nhất nước Mỹ, mà lại không tác động tích cực đến việc ra khỏi cơn suy thoái và giúp phát triển kinh tế. Một chính sách như vậy sẽ khiến sự phân phối lợi tức trong xã hội trở nên bất công, sự cách biệt giữa giới thượng lưu và giai cấp trung lưu ngày càng rộng.

Như đã nói ở đoạn trước, rằng luật giảm thuế của chính phủ Bush đã gia tăng nợ quốc gia thêm hơn 1,400 tỉ dollars, nâng tổng số nợ lên 14,000 tỉ dollars, tức gần bằng với tổng GDP của Mỹ.Số nợ ấy là kết quả của sự khiếm hụt ngân sách- nghĩa là của việc giảm thu thuế, nhưng chi tiêu không giảm hoặc tăng lên- tích luỹ hết năm này qua năm khác. Về mặt tâm lý, việc giảm thuế đánh đúng vào óc vị kỷ của người dân. Nhưng việc giảm thuế có tính cách mị dân (demagogic) như vậy lại gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia trong trường kỳ.

Hai phần ba trong tổng số nợ quốc gia đến từ nợ công cộng (public debt), mà chủ nợ là tư nhân, các doanh nghiệp, và chính phủ ngoại quốc (phần lớn là Nhật, Trung Quốc, Anh và Arab Saudi). Số phần ba kia là từ các quỹ An Sinh Xã Hội, các quỹ hưu bổng từ các hedge funds.

Chính phủ Mỹ vay nợ bằng cách bán ra các công trái do Bộ Ngân Khố phát hành, gọi chung là Treasury Bills, Notes, và Bonds. Bills dành các công trái ngắn hạn dưới một năm. Notes là những công trái thời hạn từ 2 năm cho đến 10 năm. Còn Bonds là loại có thời hạn 30 năm. Một cách tổng quát thì thời hạn càng lâu, lãi suất (interest rates) càng cao. Công trái của Bộ Ngân Khố Mỹ, thường được gọi chung là Treasuries, do quy mô và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ, từ lâu trở thành một công cụ đầu tư có mức an toàn cao nhất, nếu không muốn nói là tuyệt đối, và vì vậy có sức hấp dẩn đặc biệt đối với giới đầu tư trên toàn thế giới. Thông thường mức đầu tư tối thiểu để mua các Treasuries đó là 10,000 dollars, mức này tất nhiên vượt xa khả năng của đa số dân thường như chúng ta. Mặc dầu vậy cũng xin nói thêm đôi chút về các Treasuries đó để rồi từ đó hiểu thêm hậu quả mà món nợ quốc gia khổng lồ gần 14,000 tỉ dollars kia sẽ gây ra cho nền kinh tế và cho cả các thế hệ con cháu.

Trước hết, Treasuries được Bộ Ngân Khố bán ra với giá chính thức và lãi suất nhất định (fixed face values and interest rates), thông thường được bán dưới hình thức đấu giá (auction). Nghĩa là sẽ tuỳ theo tình hình cung-cầu đối với Treasuries. Khi mức Cầu cao, người đầu tư sẳn sàng trả giá cao hơn giá chính thức (face values) của Treasuries, và ngược lại. Về phía Cung, tức phía chính phủ, cũng sẽ tuỳ nhu cầu mà tăng giảm lãi suất. Trên nguyên tắc, khi Treasuries đáo hạn, người sở hữu sẽ được chính phủ trả lại số tiền bằng trị giá chính thức (face values) cộng thêm tiền lời dựa trên lãi suất và thời hạn định trước. Nhưng mức lời thật sự, mà người Mỹ gọi là treasuries yields, thì tuỳ thuộc và giá trị thật sự mua lúc đấu giá; nghĩa là nếu mức Cầu thấp, gía lúc auction sẽ thấp thua giá chính thức, thì mức yield, tức số lời thật sự khi đáo hạn, sẽ cao hơn. Ngược lại nếu mức Cầu đối với Treasuries cao, giá lúc auction sẽ cao hơn giá chính thức, và như vậy số lời (yield) sẽ thấp. Có thể nói rằng giá cả thật sự của Treasuries luôn đi nghịch chiều với mức lời (yield) thật sự. Và vì Treasuries được mua đi bán lại hằng ngày trên thị trường tư nhân, nên sự thăng giáng giá cả của Treasuries ít nhiều phản ảnh phần nào tình trạng của thị trường đầu tư và nền kinh tế nói chung.

Điểm nữa là có sự liên quan mật thiết giữa sự thăng giáng của Treasuries Yield nói ở trên với Lãi suất Địa ốc Cố định. Thường thì Lãi suất đó chỉ cao hơn chút ít so với lãi suất của Treasuries Bond (loại 30 năm). Khi Treasuries Yield tăng cao, thì Lãi Suất Địa Ốc tăng theo khiến việc vay nợ địa ốc trở nên đắt đỏ khó khăn, mức Cầu địa ốc và giá nhà cửa sút giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến lên nền kinh tế và khiến mức tăng trưởng GDP chậm lại.

Những quốc gia sỡ hữu Treasuries ,và qua đó, trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Nhật, Anh và Arab Saudi. Theo thống kê của Bộ Ngân Khố thì tính đến giữa tháng 10/2010, Trung Quốc sỡ hữu đến 908 tỉ dollars các công trái của Mỹ( chưa kể số của Hồng kông); Nhật đứng hàng thứ hai với 877 tỉ dollars; Anh Quốc chừng 477 tỉ; và Arab Saudi gần 200 tỉ.

Mặt khác, một trong những hậu qủa trước mắt của khối quốc trái gần 14,000 tỉ dollars là ngân sách phải dùng để trả phần tiền lời cho món nợ khổng lồ đó hàng năm. Theo một vài số liệu thì trong tài khoá năm 2010, chính phủ Liên Bang đã phải chi đến 414 tỉ dollars để trả tiền lời (interest) cho quốc trái. Mức chi đó lớn hàng thứ tư sau mức chi tiêu về Quốc Phòng và An ninh: 890 tỉ; chi cho An sinh Xã hội: 730 tỉ; và Medicare: 490 tỉ! Và tất nhiên mức chi trả tiền lời cho số nợ đó sẽ ngày càng tăng theo với số nợ.

Để có ý niệm rõ hơn về tầm mức lớn lao của ngân sách chi trả khoản tiền lời hàng năm cho món quốc trái khổng lồ, xin so số liệu nêu ở trên, 414 tỉ dollars/ năm 2010, với vài hạng mục ngân sách quan trọng khác:
Ø Y tế : 84 tỉ dollars,
Ø Giao thông Vận tải: 76 tỉ dollars,
Ø Giáo dục: 46.8 tỉ dollars,
Ø Gia cư & Phát triển Đô thị: 44 tỉ dollars.
Nghĩa là ngân sách để trả tiền lời cho quốc trái gần gấp đôi tổng số ngân sách chi cho các hạng mục quan trọng của đời sống xã hội như vừa nêu trên đây!
Tất nhiên với số quốc trái khổng lồ gần 14,000 tỉ dollars đó, uy thế của nền kinh tế Mỹ đang bị suy gỉam, ngày càng lệ thuộc nhiều hơn, ở mặt này hay mặt khác, vào các quốc gia khác; đặc biệt nhất là sự ràng buộc với Trung Quốc.

Đồng dollars, từ trước đến nay vẫn được xem là đồng tiền thế giới, nhưng đang có triệu chứng bị cạnh tranh ráo riết bởi đồng euros. Một số quốc gia bắt đầu có thái độ “ bất kính” đối với dollars. Chẳng hạn như Saddam Hussein vào năm 2000 đã thôi bán dầu hoả lấy dollars mà thay vào đó lấy đồng euros. Argentina trong nhiều trường hợp đã không bán dầu hoả lấy dollars như thông lệ quốc tế đòi hỏi, mà lại chơi trò trao đổi (bartering): đổi dầu hoả lấy sản phẩm khác. Trung Quốc bắt đầu thành lập các Quỹ Hoán Chuyển Tiền tệ ( Currency swapped funds) đối với vài quốc gia Á Châu; trong Quỹ đó đồng tiền yuan renminbi được đem ra đổi thẳng với đồng tiền của quốc gia liên hệ ( như Nam Hàn chẳng hạn), bỏ qua sự trung gian của đồng dollars.

Một bằng chứng khác, rõ nét hơn, về sự suy giảm uy thế và vai trò lãnh đạo của kinh tế Mỹ là mới vừa rồi tại cuộc họp của nhóm G-20, nhóm 20 quốc gia giàu và phát triển nhất thế giới, tại Seoul Nam Hàn tháng Mười một vừa qua, những đề nghị của Mỹ đưa ra nhằm cải thiện tình hình tiền tệ và mậu dịch quốc tế đã không được đa số các quốc gia khác hưởng ứng, ngay cả đồng minh thân cận lâu đời nhất là Anh Quốc cũng có thái độ hửng hờ. Hai đề nghị chính của Mỹ tại Hội nghị là:

Ø Thiết lập giới hạn thặng dư hoặc khiếm hụt mậu dịch của mỗi quốc gia không quá 4% GDP của quốc gia đó. Có nghĩa rằng những quốc gia như Trung Quốc, Đức hay Nhật phải cắt giảm mức xuất cảng của họ, đồng thời gia tăng tiêu thụ nội địa để giảm mức thặng dư mậu dịch xuống. Nghĩa là các quốc gia đó , trong mậu dịch với Mỹ, phải tăng nhập cảng và giảm xuất cảng.
Ø Đề nghị thứ hai là thiết lập một cơ chế toàn cầu nhằm giải quyết các tranh chấp về hối đoái (foreign exchange disputes) và buộc các quốc gia không được tuỳ ý can thiệp vào hối suất tiền tệ mà để mặc cho mức cung cầu của thị trường quyết định. (Đề nghị này rõ rang nhắm vào Trung Quốc).

Các quốc gia chống đối mạnh mẽ nhất với đề nghị của Mỹ là Trung Quốc, Nhật và Đức, là những nước luôn thường có thặng dư mậu dịch với Mỹ và được lợi nhờ vào sự thặng dư đó. Các quốc gia còn lại hưởng ứng theo, không đồng lòng lên án việc giảm giá tiền tệ tuỳ tiện cũng như không chấp thuận những biện pháp cắt giảm sự thặng dư mậu dịch do Mỹ đề nghị. Kết quả hội nghị G-20 không đạt được một thoả thuận cụ thể nào, phải hoãn đến tháng Sáu sang năm, mặc dù trước đó để chuẩn bị cho Hội nghị, FED của Mỹ đã đột ngột in thêm 600 tỉ dollars tung vào lưu hành, gọi là Quantitative Easing; một biện pháp phá giá (currency devaluation) đồng dollars nhằm cảnh cáo và làm áp lực trước các nước. Sự đơn độc của Mỹ tại G-20 là hoàn toàn tương phản với những gì đã xảy ra trước đây, vào năm 1944 lúc sắp kết thúc Thế Chiến Thứ Hai, tại Hội nghị Bretton Wood, nơi khai sinh ra IMF, World Bank và ITO (tiền thân của WTO), là hội nghị mà ở đó Mỹ là người đề nghị còn hơn 40 quốc gia khác thì chỉ biết chấp thuận.

Để chờ xem nước Mỹ sẽ phản ứng ra sao trong những ngày sắp đến trong việc đối đầu với cuộc chiến kinh tế đang âm thầm diễn ra và phục hồi nền kinh tế cũng như địa vị quốc tế của mình.

TRƯƠNG ĐÌNH TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét