12/2/2010
Ngày Chủ nhật sau lễ Tạ ơn vừa qua, hàng trăm ngàn tài liệu, văn thư tuyệt mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bị trang mạng Wikileaks tung lên net. Toà Bạch Cung ra thông cáo báo chí, cho rằng những điều này đã xâm hại đến an ninh và lợi ích nước Mỹ. Dù vậy, những hành động này cho đến nay vẫn chưa tìm ra lý do để bị coi là bất hợp pháp, bằng không, trang mạng này đã dễ dàng bị đánh sập và ngưng hoạt động. Sau lưng Wikileaks là ai và bằng cách nào tổ chức này có được hàng trăm ngàn trang tài liệu tuyệt mật này? Câu hỏi vẫn đang là sự thách thức và mối đe dọa cho lực lượng an ninh và tình báo Hoa Kỳ.
Julian Assange
Đinh Yên Thảo
Sử dụng Đạo luật Tự do Thông tin - The Freedom of Information Act, trang mạng Wikileaks chính thức hoạt động năm 2007, đã đưa ra đại chúng khá nhiều những thông tin và tài liệu quan trọng, trong đó có cả những tài liệu tuyệt mật bị rò rỉ ra ngoài. Đây là một tổ chức truyền thông quốc tế phi lợi nhuận và hoạt động như một nguồn cung cấp thông tin cho đại chúng, thông qua các ký giả và hệ thống tin tức nước ngoài đã sử dụng những thông tin từ đây. Những hoạt động của Wikileaks mang tính truyền thông phi truyền thống, tức đưa tin không dẫn nguồn hay nhận thông tin rò rỉ nặc danh, nhằm bảo vệ an toàn cho nguồn hay người cung cấp thông tin. Wikileaks trở thành một công cụ báo chí cho các ký giả phóng sự điều tra và các hãng tin lớn, thậm chí được đánh giá cao và nhận được những tưởng thưởng trong vấn đề truyền thông hiện đại. Rất non trẻ, nhưng Wikileaks phát triển rất nhanh và nhận được sự e dè lẫn ngạc nhiên từ giới truyền thông lão làng trên thế giới.
Đinh Yên Thảo |
Logo của Wikileaks
Lẽ ra hoạt động và đường lối của Wikileaks nên dừng lại ở vai trò truyền thông mang tính thông tin và dữ liệu, theo như tôn chỉ trên trang mạng của mình là “kết hợp kỹ thuật an ninh tuyệt xảo trên nguyên tắc đạo đức và báo chi” để phục vụ nhu cầu thông tin đại chúng, Wikileaks đã đi quá xa khi bằng cách nào đó, tung ra những thước phim và tài liệu tuyệt mật của Hoa Kỳ và đồng minh. Hồi tháng 4 năm nay, Wikileaks tung ra một đoạn phim về vụ lính Mỹ đã bắn lầm vào các thường dân Iraq hồi năm 2007 trong cuộc chiến Iraq. Rồi đến tháng 7, dù cho Ngũ Giác Đài và các Tư lịnh quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Afghanistan khẩn thiết yêu cầu đừng tung ra các tài liệu về cuộc chiến có thể gây thương máu cho binh sĩ Hoa Kỳ, Wikileaks vẫn tung ra 76,900 tài liệu về cuộc chiến Afghanistan, mà trước đó chưa từng được công bố trên bất cứ phương tiện đại chúng nào.
Tháng 10 vừa qua, Wikileaks tiếp tục tung ra khoảng 400,000 tài liệu về chiến tranh Iraq. Rồi trong dịp Lễ Tạ ơn vừa qua, Wikileaks lại tiếp tục đưa ra hàng trăm ngàn tài liệu mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong đó có những thông tin đầy tế nhị, có thể ảnh hưởng nhiều đến các quan hệ và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với các nước thù địch lẫn đồng minh. Khoảng 250,000 văn thư trao đổi, báo cáo, mệnh lệnh từ Bộ Ngoại Giao HK và 270 văn phòng ngoại giao, nằm trong vụ rò rỉ thông tin này.
Trang chính của Wikileaks
Đây là hành động không khác gì một vụ “nổ bom khủng bố” nhắm vào nước Mỹ. An ninh và tình báo Mỹ có lẽ đang lồng lộn và ráo riết ngày đêm truy tầm manh mối rằng, tại sao và bằng cách nào mà Wikileaks có được những tài liệu mật này. Những trao đổi mật giữa Hoa Kỳ cùng giới lãnh đạo các quốc gia, những chiến thuật, sách lược liên quan đến các điểm nóng như Afghanistan, Iran và Bắc Hàn bị lộ ra. Những đánh giá, nhận xét hay các báo cáo “tế nhị” cả về các nước đồng minh cũng bị rò rỉ.
Thậm chí các lịnh thu thập các dữ liệu chi tiết về Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, những nhân viên dưới quyền hay các viên chức ngoại giao tại LHQ cũng bị bạch hoá. Tất cả những điều này đưa Hoa Kỳ vào một tình thế khó xử và sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ ngoại giao trong tương lai. Dù Bộ Ngoại giao HK bác bỏ những cáo buộc cho nhân viên ngoại giao của mình làm “gián điệp” như Wikileaks đưa ra và bảo rằng việc thu thập thông tin chỉ là điều bình thường, nhằm đưa ra những đường lối và hành động ngoại giao thích hợp, nhưng quả thật khó xử lẫn khó ăn khó nói khi bị bạch hoá những văn bản ra lịnh theo dõi cả những lãnh đạo LHQ và các nước đồng minh như vậy. Bạch Cung lên án hành động tung các tài liệu mật này là một hành động “tạo nguy hiểm cho các quan chức ngoại giao, nhân viên tình báo Mỹ và cả những người đến Mỹ để cổ vũ cho dân chủ và chính thể cởi mở”, cũng như trấn an phía đồng minh rằng những “văn kiện không đầy đủ” kia không thể hiện một đường lối ngoại giao chính thức của Hoa Kỳ.
Ai và tổ chức nào đứng đàng sau lưng Wikileaks? Câu hỏi này vẫn là điều bí ẩn cho đến nay, vì chưa chính thức có danh sách những người trong nhóm tạo dựng nên tổ chức và trang mạng này. Trên Wikileaks chỉ để rằng “được thành lập từ một nhóm nhân vật ly khai gốc Hoa, những ký giả, các nhà toán học và kỹ thuật gia từ Mỹ, Đài Loan, Châu âu, Úc và Nam Phi”. Nhưng người xuất hiện và đại diện Wikileaks trước đại chúng hiện nay là Julian Assange, mang quốc tịch Úc, là một chuyên viên lập trình, một cựu sinh viên toán và vật lý, một tay tin tặc, và tất nhiên là một ký giả. Sinh năm 1971 tại Queensland, Úc Châu, Julian Assange, 39 tuổi, được coi là Chủ Bút kiêm Phát ngôn viên cho Wikileaks. Julian từng sinh sống tại nhiều quốc gia khác nhau và nhận được nhiều giải thưởng báo chí danh tiếng. Năm 21 tuổi, Julian bị cảnh sát Úc bắt giữ vì tội danh tin tặc, nhưng được trả tự do với một khoản tiền phạt nhỏ khi quan toà cho rằng hành động mang tính “tò mò của trí tuệ” hơn là phá hoại, khi đột nhập hệ thống điện toán của một đại học Úc và hãng Nortel, cùng vài tổ chức khác. Bên cạnh một số giải thưởng báo chí, Julian được tạp chí Anh xếp hạng 23 trong số 50 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm 2010 này, được tạp chí Mỹ Utne Reader xếp vào danh sách 25 nhân vật có viễn kiến làm thay đổi thế giới, và hiện nay đang đứng đầu trong bảng đề cử Nhân vật trong năm (2010) của tạp chí Time.
Julian Assange, Chủ Bút kiêm Phát ngôn viên của Wikileaks
Nhưng hiện nay Julian cũng đang bị Cảnh sát Quốc tế truy nã về tội danh lạm dụng tình dục và cưỡng dâm theo án lịnh của toà án Stockholm, Thụy điển. Cáo buộc này thực hư ra sao, nhưng trùng hợp trước những hành động của Julian sau hàng loạt vụ công bố các tài liệu mật, cho đến khi Hoa Kỳ tìm được những lý do chánh đáng để bắt giữ Julian. Bởi vì việc thông tin những bí mật hay tài liệu mật trên báo chí không phải là tội hình, nhất là Julian không phải công dân Mỹ. Người có tội là người có thẩm quyền đã tiết lộ, hay để các nguồn tài liệu này bị rò rỉ ra ngoài. Hoặc những nhóm chủ mưu đã đột kích vào hệ thống điện toán của Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao để đánh cắp các tài liệu này. Chính phủ Mỹ cũng không thể hành động như Trung cộng để có thể tấn công hay ngăn chận việc nối mạng vào Wikileaks.
Nhưng rõ ràng, với hành động xâm phạm và đe dọa đến an ninh quốc gia và lợi ích của nước Mỹ, có thể ví đây như là một hành động khủng bố. Ắt hẳn người dân Mỹ đang mong đợi những tên “tội phạm hợp pháp” này như hiện nay, sẽ bị mang ra ánh sáng công lý không bao lâu.
ĐYT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét