Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Lan man thời sự phần 3

Trương Đình Trung
Thật là ngoạn mục khi Hành pháp và Quốc Hội Mỹ chỉ trong 2 tuần còn lại của giai đoạn chuyển tiếp (lame duck Congress) đã thoả thuận được với nhau để thông qua 3 đề tài vô cùng quan trọng: Luật Cắt Giảm Thuế (Tax Relief Act), phê chuẩn Hiệp Ước Tài Giảm Vũ Khí Chiến lược Nga-Mỹ (Strategic Arm Reduction Treaty, START), và bãi bỏ Luật Don’t Ask Don’t Tell đối với những quân nhân đồng tính luyến ái (Repeal DADT). Kết quả như vậy không khỏi khiến cho nhiều người nghĩ rằng vấn đề then chốt đối với phía đảng CH là việc cắt giảm thuế cho giới thượng lưu. Nhiều người thuộc đảng DC, và ngay cả TT Obama, đã từng cho rằng “The Republicans are holding the middle class tax cut 'hostage' to their insistence on tax cuts for the wealthy.; Cộng Hoà đã giữ việc cắt giảm thuế cho giai cấp trung lưu làm “ con tin” để đòi cho được việc giảm thuế cho giới giàu. Cảm nghĩ đó không phải không có căn cứ, bởi vì ngay sau khi TT Obama nhượng bộ phe CH trong việc giảm thuế cho giới thượng lưu, thì mọi sự việc diễn ra suôn sẻ một cách rất bất ngờ trong hầu hết những vấn đề khác; cả hai bên, CH và DC, đã cùng nhau đạt được một hiệu năng làm việc, mà theo nhận định của giới quan sát, là cao nhất trong nhiều thập niên qua, kể từ thời TT Johnson vào những năm 1960[1]!

Ngoài Luật Giảm Thuế và sự thủ tiêu DADT, sự kiện quan trọng là việc phê chuẩn START giữa Nga-Mỹ (Ratification of START). Thượng Viện, mặc dù gặp sự phản đối của một số TNS đảng CH muốn dời việc phê chuẩn đến đầu tháng Giêng 2010, cuối cùng vào ngày 22/12 vừa rồi đã thông qua với tỉ lệ 71 phiếu thuận và 26 phiếu chống, hội đủ 2/3 số phiếu đòi hỏi, phê chuẩn cho Hiệp ước START, về tài giảm vũ khí chiến lược giữa hai quốc gia Nga-Mỹ, đã được TT Obama và TT Medvedev ký với nhau hồi tháng Tư vừa rồi. Như vậy Hiệp ước chỉ còn chờ phía quốc hội Nga, viện Duma, phê chuẩn nữa là xong. Nhiều triệu chứng cho thấy rằng Viện Duma sẽ phê chuẩn START vào tháng Giêng 2011.

Tầm quan trọng của START không phải ở vấn đề số lượng đầu đạn nguyên tử cắt giảm xuống còn 1,550 cho mỗi bên, bởi vì cho dù có giảm xuống chỉ còn 500 đầu đạn thôi, mỗi đầu đạn có sức tàn phá gấp 4 lần quả bom ném xuống Hisroshima năm 1945, thì mối nguy huỷ diệt thế giới vẫn còn đó và không thay đổi. Điều quan trọng là ở chỗ niềm tin vào nhau giữa hai siêu cường, làm khởi điểm cho những hợp tác khác trong các vấn đề quốc tế, trong khuôn khổ của chính sách “Reset” đối với Nga đã được Ngọai trưởng Clinton đề ra trước đây. Các nhà bình luận đã xem START như một bellwether (người dẩn đường) trong mối quan hệ Nga-Mỹ.  Mọi người dễ dàng nhận ra mối liên quan giữa sự kiện START được Obama và Medvedev ký kết với việc, ngay sau đó, Nga đã đồng ý với Mỹ trong việc cấm vận Iran. Ngoài Iran ra, hiện tình thế giới cho thấy, Mỹ cũng đang cần sự hợp tác của Nga trong nhiều vấn đề quan trọng khác. Chẳng hạn như vấn đề bán đảo Triều Tiên, và mối quan hệ đối với Trung Quốc.

Ý nghĩa quan trọng khác của việc Thượng Viện phê chuẩn START là nó chứng minh khả năng của chính phủ Obama trong vấn đề hình thành chính sách đối ngoại riêng của mình, phần nào khác với chính sách của chính phủ tiền nhiệm. Có thể nói, ở mức nào đó, rằng việc ký kết và phê chuẩn START là hòn đá thử vàng đầu tiên dành cho chính sách đối ngoại, mệnh danh là Smart Power, của chính phủ Obama; một chính sách tự nhận là thay thế đường lối đối ngoại Hard Power của chính phủ Bush. Một trong những nét chính đang lộ dần của chính sách Smart Power là hoà hoãn, tìm sự hợp tác của Nga để duy trì sự ổn định hiện trạng ở Âu Châu và Trung Đông, giảm thiểu sự đe doạ của khối Hồi Giáo cực đoan, nhờ đó rảnh tay phối hợp các nổ lực văn hoá, kinh tế, và áp lực quân sự khi cần, để duy trì ưu thế tại Á Châu, ngăn ngừa châu này rơi hoàn toàn vào sự lãnh đạo của Trung Quốc và đi ra ngoài quỹ đạo toàn cầu của Mỹ.

Sau START, một thử thách thực tế khác của chính sách đối ngoại của chính phủ Obama là tình hình nóng bỏng ở bán đảo Triều Tiên đang diễn ra trong mấy tuần qua; một tình hình hết sức nguy hiểm, khiến nhiều người lo ngại rằng, nếu các bên không khôn khéo tự kiềm chế, một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác, mà hậu quả sẽ rất khó lường, có thể xảy ra.

LƯỚT QUA LỊCH SỰ HIỆN ĐẠI CỦA TRIỀU TIÊN

Từ góc độ điạ lý chiến lược mà xét, bán đảo Triều Tiên-nằm giữa Bắc vĩ tuyến 33 đến 43, và giữa Đông kinh tuyến 124 và 131, dài từ Bắc xuống Nam khoảng 1,100km, từ Đông sang Tây rộng chừng 175km, diện tích chừng hơn 220,000km2-có một vị trí chiến lược rất quan trọng; nó là đầu cầu dẩn vào Trung Quốc và Nga qua vùng Đông Tam Tỉnh. Cả Nga lẫn Trung Quốc, vì vậy, rất quan tâm đến Triều Tiên trong các chiến lược phòng thủ của mình. Thời kỳ đầu trong Đệ Nhị TC, Nhật đã từ Triều Tiên, chiếm Đông Tam Tỉnh, để rồi từ đó đánh vào lục địa Trung Hoa. Liên Xô, vào giai đoạn cuối Thế Chiến, cũng đã đổ quân truy kích đội quân Quan Đông của Nhật ở vùng Đông Tam Tỉnh, rồi tràn xuống chiếm cứ Triều Tiên đến vĩ tuyến 38.

Do vị trí chiến lược quan trọng đó, sau khi đánh bại Nga năm 1905, Nhật đã tìm cách xâm chiếm Triều Tiên. Từ năm 1910 trở đi, Triều Tiên hoàn toàn lọt vào tay thống trị của Nhật. Đài Loan cũng lọt vào tay Nhật. Sự vươn lên đó của Nhật đe doạ sự bành trướng của Mỹ trên Thái Bình Dương, là cường quốc vào lúc đó đã kiểm soát từ Hawaii, Soma, Guam qua Philippines. Sự đụng độ giữa Mỹ và Nhật, trong nổ lực bá chủ vùng biển Thái Bình Dương, là khó tránh khỏi. Điều đó dẩn đến một loạt biến cố tiếp nhau từ trận Trân Châu Cảng, cho đến khi Nhật đầu hàng vào năm 1945. Sau đó Mỹ tiếp quản hết Đài Loan, rồi đến Nam Triều Tiên từ tay Nhật.

Trong suốt 35 năm bị Nhật đô hộ, người Triều Tiên đã liên tục kháng chiến để giành lại nền độc lập của mình. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, các tổ chức kháng chiến ấy đã nắm lấy cơ hội thành lập một chính phủ của riêng mình với các Uỷ Ban Nhân dân ở các địa phương. Nhưng chính phủ và các Uỷ Ban ND ấy không được quân Mỹ chiếm đóng từ phía Nam vĩ tuyến 38 chính thức thừa nhận. Thay vào đó, quân đội Mỹ đã tìm cách để thành lập một chính quyền của người Triều Tiên thân thiện với Mỹ. Syngman Rhee, tức Lý Thừa Vãn, một người Triều Tiên đã cư trú ở Mỹ 40 năm, có bằng Tiến Sĩ từ đại học Princeton, có vợ Mỹ, đã được đưa về thành lập chính phủ đó lấy tên là Cộng Hoà Triều Tiên (Republic of Korea, ROK).

Phía Bắc vĩ tuyến 38, Liên Xô vào giải giới quân Nhật, thừa nhận chính phủ và các Uỷ Ban ND của Kim Il Sung, một lãnh tụ kháng chiến nổi tiếng với thành tích hơn 30 năm chống Nhật, và là lãnh tụ của đảng Công Nhân (Workers Party). Khỏi nói là chính phủ Bắc Triều Tiên, danh xưng là Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea, DPRK) đi theo đường hướng chính trị, kinh tế và xã hội của Liên Xô. Đến cuối năm 1948, Liên Xô rút quân ra khỏi Bắc Triều Tiên. Ở Nam Triều Tiên thì quân đội Mỹ vẫn ở lại cho đến hôm nay.

Trong thời gian đầu xây dựng Bắc Triều Tiên, chính phủ DPRK đã thực hiện, trước hết, việc cải cách ruộng đất. Các địa chủ bị tịch thu ruộng đất, không bồi hoàn, và được chọn lựa hoặc di dân qua Nam Triều Tiên, hoặc ở lại cày cấy trên phần đất  được chia lại như những nông dân khác. Kết quả là có chừng 400,000 địa chủ đã từ Bắc Triều Tiên bỏ đi qua Nam Triều Tiên. Đặc điểm đáng chú ý là việc cải cách ruộng đất của Bắc Triều Tiên không bạo động và đẩm máu như cải cách ruộng đất ở Trung Cộng và Bắc Việt, không hề có cảnh đấu tố địa chủ như sau này đã xảy ra ở Miền Bắc VN.
Bắc Triều Tiên, DPRK, đã có những đóng góp lớn lao cho phe Cộng Sản trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng ở Trung Quốc, sau khi Mao Trạch Đông toàn thắng ở Hoa Lục, có chừng từ 50,000 đến 70,000 chiến sĩ bắc Triều Tiên, trước kia từng chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Hoa (PLA), đã trở về bắc Triều Tiên, mang theo toàn bộ vũ khí. Kim IL Sung, vào năm 1950, với tham vọng thống nhất Triều Tiên, đã xử dụng số quân đó, tràn qua Nam TriềuTiên. Lúc đầu, quân Bắc Triều Tiên thắng rất dễ dàng và hầu như không gặp một sự kháng cự nào đáng kể, đi đến đâu tái lập các Uỷ Ban ND đến đó.

Nhưng rồi Mỹ với sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc, đã đưa thêm quân vào giúp Nam Triều Tiên (ROK) đánh bật quân DPRK trở về bắc, tướng Douglas Mac Arthur của Mỹ đã truy kích lên tận biên giới Trung Cộng. Lập tức Trung Cộng tung hơn 1 triệu quân qua giúp Bắc Triều Tiên, đầy lùi quân Mỹ-Liên Hiệp Quốc về lại vĩ tuyến 38. Cuộc chiến trở thành dằng co, bất phân thắng bại, cuối cùng các bên lâm chiến đồng ý ký kết một cuộc đình chiến, tại Bàn Môn Điếm  vào ngày 27/7/1953.

Kết quả chiến cuộc, theo một vài nguồn số liệu là có đến hơn 3 triệu người Triều Tiên thiệt mạng, Trung Quốc chết gần một triệu, và Mỹ thiệt mất khỏang hơn 53,000 người!

Điểm đáng chú ý là khác với cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, được kết thúc bằng một Hiệp Định Đình chiến ký kết vào ngày 20/7/1954 với sự bảo đảm quốc tế có sự tham gia của nhiều cường quốc. Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc chỉ bằng một Hiệp ước Ngưng bắn (Armistice) giữa các bên lâm chiến và không có một bảo đảm quốc tế nào. Điều đó có nghĩa rằng chiến cuộc có thể tiếp diễn bất kỳ lúc nào khi một trong các bên liên quan muốn. Và điều này đã đặt Bắc Triều Tiên vào trong tình trạnh luôn lo ngại một cuộc tấn công bất thần có thể xảy ra từ phiá Mỹ và Nam Triều Tiên.

Thiết nghĩ cũng nên lưu ý một vài đặc điểm khác nữa của Bắc Triều Tiên (DPRK). Trước hết, kể từ sau chiến tranh, Mỹ và khối Tự Do, do tình thế của Chiến Tranh Lạnh, đã tìm cách cô lập DRPK, khiến cho về mặt kinh tế nước này chỉ còn biết dựa vào Trung Cộng và Liên Xô. Tiếp  sau đó, vào giữa thập niên 1960, khi rạn nứt giữa Trung Cộng-Liên Xô xảy ra, và DRPK, khác với Việt Nam Dân Chủ CH, đã đứng hẳn về phía Trung Cộng, nên bị Liên Xô bỏ rơi, cắt bỏ hầu hết các viện trợ, khiến kinh tế của DRPK gặp vô vàn khó khăn. Đến khi Liên Xô sụp đổ, DRPK hoàn toàn rơi vào khủng hoảng kinh tế, và chỉ còn biết dựa vào Trung Cộng. Cho đến nay, Trung Quốc cung cấp đến gần 90% năng lượng, 80% tiêu thụ phẩm cho DRPK, và gần 100% các hàng xa xỉ.

Điểm khác nữa, là có dư luận cho rằng sỡ dĩ năm 1950, Kim Il Sung mạnh dạn xua quân tấn công ROK là vì đã được Staline bí mật hứa hẹn sẽ hậu thuận cả về ngoại giao lẫn quân sự cho Kim. Nhưng bằng cớ cho thấy là sự ủng hộ của Staline-Liên Xô về mặt quân sự là không tương xứng với những gì Staline đã hứa. Người ta nghĩ rằng có lẽ thâm tâm Staline chỉ muốn dùng DPRK để gài cho Trung Quốc và Mỹ đối đầu với nhau, trong lúc Liên Xô đóng vai ngư ông thủ lợi. Và có lẽ cũng vì e ngại về một tình huống có lợi cho Liên Xô như vậy, nên Tổng Thống Truman đã bác bỏ đề nghị của Tướng Douglas Mac Arthur là thừa thắng đánh tràn vào Hoa lục thẳng lên Bắc Kinh.

Mối quan hệ tay ba, kiểu Tam Quốc Chí như vậy, giữa Mỹ-Trung Quốc-Liên Xô, về sau này lại xảy ra một lần nữa vào cuối thập niên 1960s. Vào thời đó, từ năm 1965 trở đi sự rạn  nứt giữa Trung Quốc-Liên Xô trở nên trầm trọng, hai bên đã dàn quân và liên tiếp đụng độ nhau ở dọc biên giới. Sau khi Liên Xô đã đưa quân đàn áp Tiệp Khắc năm 1968, Brezhnev tuyên bố rằng Liên Xô có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của khối Cộng Sản, từ đó trở đi các xung đột biên giới Nga-Hoa lại trở nên thường xuyên hơn. Theo Immanuel C.Y. Hsu trong quyển The Rise of Modern China thì Liên Xô ngay cả đề nghị Mỹ, hoặc hợp tác, hoặc làm ngơ, để Liên Xô đánh phủ đầu (pre-empty attack) vào các cơ sở chế tạo bom nguyên tử của Trung Quốc, lúc đó đang còn ở giai đoạn phôi thai, nhưng TT Mỹ Nixon đã bác bỏ đề nghị đó. Ngược lại, Nixon đã bắt tay với Bắc Kinh để buộc Liên Xô ở vào vị thế yếu và phải nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề tài giảm vũ khí chiến lược cũng như vấn đề Việt Nam. Đến đây câu hỏi đặt ra là liệu một quyết định chiến lược như vậy của Mỹ vào lúc đó có khôn ngoan hay không? Phải chăng quyết định đó của Nixon không hợp tác với Liên Xô để tấn công Trung Quốc, tuy trong đoản kỳ, có giúp Mỹ ở thế thượng phong đối với Liên Xô, nhưng lại tạo ra hậu quả một Trung Quốc lớn mạnh lên nhanh ngày hôm nay và đang đe doạ quyền lợi của Mỹ. Tình hình thế giới hôm nay sẽ ra sao nếu vào năm 1969, Nixon chấp thuận hợp tác với Liên Xô trong một cuộc tấn công phủ đầu phá huỷ toàn bộ cơ sở chế tạo vũ khí nguyên tử của Trung Quốc?

Một điểm nữa đáng cho người Việt Nam, ở cả hai phiá, suy ngẫm là trong quan hệ giữa các siêu cường từ trước đến nay, ý thức hệ chỉ là bình phong, là khẩu hiệu, là chiêu bài. Cả Mao và Staline đều đặt vấn đề quyền lợi quốc gia của họ lên hàng đầu, nhiều bình luận gia Mỹ đã cho rằng those leaders are more of geopoliticians than ideologues.( Hai lãnh tụ đó là những nhà địa lý chính trị hơn là những ý hệ gia).

Trở lại tình trạng sôi bỏng ở bán đảo Triều Tiên hiện nay. Kể từ năm 2006 khi Bắc Triều Tiên  tái tục  chương trình thử nghiệm bom nguyên tử, và tiếp theo sau đó với những lần bắn thử các loại hoả tiển tầm trung và nổ lực phóng vệ tinh, tình hình ở vùng bán đảo Triều Tiên trở nên sôi động hẳn. Tháng Ba vừa rồi, một khinh tốc đỉnh Cheonan của Nam Triều Tiên bị đắm, chết nhiều thuỷ thủ. Uỷ Ban Điều tra hổn hợp Mỹ-Nhật-Nam Triều Tiên đã kết luận là chiếc tàu đó đã bị tàu ngầm của Bắc Triều Tiên đánh đắm. Nhưng Bắc Triều Tiên phủ nhận cáo giác đó và yêu cầu được tham gia điều tra. Cả Trung Quốc và Nga đều không đồng ý tính cách khách quan của kết quả điều tra, và vì vậy không đồng ý để Hội Đồng Bảo An có một nghị quyết đối với Bắc Triều Tiên. Một số dư luận từ các nguồn trung lập nghi ngờ rằng chiếc Cheonan đã bị đắm do mìn hoặc thuỷ lôi của bạn bắn nhầm.

Bất kể thủ phạm thật sự là ai, vụ tàu Cheonan bị đắm đã khiến Mỹ và Nam Triều Tiên phản ứng rất mạnh. Ngay lập tức, một cuộc tập trận lớn Mỹ-Nam Triều Tiên đã được thực hiện quanh vùng biển tiếp giáp Nam-Bắc Triều Tiên. Cuộc tập trận lúc đầu dự trù có cả Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử USS George Washington, nặng 97,000 tấn với hơn 6000 thuỷ thủ và 80 chiến đấu cơ tham gia, cùng với gần 20 chiến hạm đủ loại khác. Về sau, Trung Quốc phản đối quyết liệt, xem việc Hàng Không MH Mỹ đi vào Hoàng Hải là trực tiếp đe doạ đến anh ninh quốc gia và chủ quyền của mình, cảnh cáo rằng sự hiện diện của HKMH đó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Đi đôi với cảnh cáo đó, TQ đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn dọc theo vùng duyên hải đối diện với Hoàng Hải.

Có lẽ vì phản ứng mạnh của TQ, phía Mỹ đã có những thay đổi trong kế hoạch tập trận, HKMH George Washington không vào Hoàng Hải mà chỉ dừng lại ở vùng Biển Nhật Bản. Rồi sau đó HKMH này lại qua Biển Đông VN trong một diễn tập nhỏ với Việt Nam. Dù sao, sự thay đổi như vậy về phía Mỹ đã khiến tình hình cũng có phần nào dịu đi. Nhưng rồi đột ngột vụ tàu Cheonan của Nam Triều Tiên bị đắm, tình hình trở nên căng thẳng trở lại. Từ đó trở đi, liên tiếp nhiều cuộc tập trận quy mô lớn diễn ra quanh vùng biển biên giới giữa Nam-Bắc Triều Tiên. Chẳng hạn cuộc tập trận tháng Tám/2010 với 56,000 quân Nam Triều Tiên phối hợp cùng 30,000 quân Mỹ, có nhiều tàu chiến và phi cơ tham dự. Đến tháng Chín lại có một tập trận chống tàu ngầm khác xảy ra trong vùng Hoàng Hải, với sự tham gia của nhiều khu trục hạm trang bị phi đạn, của Mỹ và Nam Triều Tiên.

Nhưng cuộc tập trận tháng Mười Một là đáng kể hơn và chính do cuộc tập trận này mà Bắc Triều Tiên đã trả đủa bằng cách pháo kích vào đảo Yeonpyeong, đêm 23/11, gây thiệt hại nhân mạng cho Nam Triều Tiên. Cuộc tập trận đó có tên là Hoguk Exercise, (Hoguk có nghĩa là Vệ Quốc) thời hạn dự trù là từ 22-30/11, gồm 70,000 quân Nam Triều Tiên, 50 tàu chiến, gần 600 phi cơ các loại; đặc biệt có thêm đơn vị tinh nhuệ 31st Marine Expeditionary Unit, MEU, của Thuỷ Quân Lục Chiến và Không Lực số 7 của Mỹ tham gia. MEU là một đơn vị đặc nhiệm, đồn trú ở Okinawa, thuộc vào lực lượng phản ứng nhanh có tầm hoạt động xa ở Đông Á của Mỹ, được huấn luyện để từ tàu chiến đổ bộ thần tốc lên bờ và đánh đặc công trong thành phố. Có tin là đơn vị này được chuẩn bị để đột nhập bất ngờ vào các trung tâm chế tạo nguyên tử của Bắc Triều Tiên nhằm cấp tốc khống chế kho vũ khí nguyên tử này trong trường hợp chế độ CS Bắc Triều Tiên đột ngột sụp đổ.
A:  Northern Limit Line: Claimed by South Korea since 1953
B: Military Demarcation Line: Claimed by North Korea since 1999
1: Yeonpyeong  island
2 Baengnyeong  island


Ở đây xin mở ngoặc để nói chút ít về việc tập trận. Thao diễn quân sự hay tập trận, military exercises, war games, là những từ ngữ nghe rất ôn hoà và có vẻ vô hại. Thực tế không như vậy. Những cuộc tập trận lâu nay vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt tại vùng Hoàng Hải quanh bán đảo Triều Tiên, trong thời gian vừa qua, mang một  tính chất uy hiếp quân sự và tấn công rất đáng sợ. Các chiến hạm lớn của hải quân Mỹ như cruiser USS Cowpens và destroyer USS Shiloh, hay Fitzgerald, trọng tải gần 10,000 tấn, trang bị với hàng trăm phi đạn Tomahawks có tầm hoạt động từ 1,000-2,500km, mang đầu đạn thường 450kg hoặc nguyên tử, bay với tốc độ 880km/ giờ . Có nghĩa rằng khi những chiến  hạm đó thao dượt ngoài khơi, cách bờ biển chỉ chừng hơn 50km, thì toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên, và phần lớn vùng duyên hải quan trọng của Trung Quốc, gồm các trung tâm kỹ nghệ và thương mãi, hoàn toàn lọt vào tầm bắn của những chiến hạm đó. Chưa kể là, ngoài các phi đạn, các phi cơ trên HKMH USS George Washington còn có tầm hoạt động đến cả ngàn kms; trong đó đáng kể nhất là các phi cơ loại E-2C được trang bị những dàn radars rất tối tân, với bán kính hoạt động rất rộng, được gọi là những flying radar bases (đài rada bay). Đây chính là lý do khiến, không những Bắc Triều Tiên, mà cả Trung Quốc đã phản đối quyết liệt sự hiện diện của HKMH Mỹ trong vùng biển Hoàng Hải.

Riêng đối với Bắc Triều Tiên thì mối đe doạ của các cuộc tập trận Mỹ-Nam Triều Tiên là rất lớn lao. Trước hết là vì, như đã trình bày ở trên, giữa Mỹ-Bắc Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao, Mỹ chưa bao giờ thừa nhận Bắc Triều Tiên như một quốc gia, và quan hệ giữa hai bên không gì hơn chỉ là một hiệp ước ngưng bắn tạm thời. Điều đó có nghĩa rằng một trong hai bên có thể đơn phương chấm dứt việc ngưng bắn bất kỳ lúc nào. Điểm khác là, những cuộc tập trận lớn lao, với khả năng tấn công tiềm tàng lớn như vậy của Mỹ-Nam Triều Tiên đã đặt Bắc Triều tiên trong tình trạng báo động khẩn cấp thường xuyên, khiến phải luôn duy trì một ngân sách quân sự lớn lên trên nền kinh tế vốn liên tục bị cấm vận gắt gao từ năm 1953 đến nay. Có thể nói rằng các cuộc tập trận đã tạo ra một cuộc chiến tranh hao mòn (war of attrition) làm kiệt quệ dần Bắc Triều Tiên.

Trở lại tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Sau khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong vào đêm 23/11, rạng ngày 24/11 hạm đội  USS George Washington carrier strike group (CVN 73) rời Nhật bản, qua phối hợp với lực lượng hải quân Nam Triều Tiên thực hiện một cuộc tập trận lớn trong vùng Hoàng Hải/ Tây hải của bán đảo Triều Tiên. Hạm đội này gồm các chiến hạm trang bị phi đạn tầm trung như tuần dương hạm USS Cowpens và USS Shiloh, các khu trục hạm USS Stethem và USS Fitzgerald , cùng một số tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử khác. Khác với những lần trước, lần này HKMH George Washington đã vào hẳn trong Hoàng Hải, vùng biển đối diện với ,và chỉ cách bờ biển Trung Quốc không quá 200 hải lý; một việc mà lâu nay Trung Quốc vẫn liên tục phản đối mạnh mẽ.

Cùng lúc Nam Triều Tiên tăng cường các dàn pháo binh tầm xa, đặt các phi cơ chiến đấu tối tân trong tình trạng sẳn sàng chiến đấu. Phiá Bắc Triều Tiên cũng cho di chuyển các dàn hoả tiển đất-đối không SA-2 vào những vị trí gần biên giới cùng với lời cảnh cáo rằng Bắc Triều Tiên sẽ khai hoả nếu Mỹ-Nam Triều Tiên tiến hành cuộc tập trận.Cùng lúc Tổng thống Nam Triều Tiên là ông Lee Myung Bak đã đọc một bài diễn văn với lời lẽ nghiêm khắc lên án Bắc Triều Tiên, tuyên bố rằng đã đến lúc Nam Triều Tiên không dung thứ được cho bất kỳ một hành động quân sự nào của Bắc Triều Tiên gây nguy hại cho an ninh trong Vùng.

Cũng may là sau đó, trong suốt cuộc tập trận của Mỹ-Nam Triểu Tiên, đã không có một phản ứng quân sự nào từ phía Triều Tiên. Có lẽ là nhờ ít nhiều vào sự vận động của cả Nga lẫn Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, trong thời gian căng thẳng, Bắc Triều Tiên đã mời, một cách không chính thức, cựu Thống Đốc bang New Mexico, Bill Richardson đến thăm. Trước đó, Robert Calin và hai nhà khoa học khác của trường đại học Stanford đã được Bắc TT mời thăm viếng  trung tâm nguyên tử ở Yongbyon. Những gì các nhà khoa học Mỹ chứng kiến đã khiến họ kinh ngạc về trình độ tiến bộ  kỹ thuật nguyên tử của Bắc TT, vượt xa mọi dự đoán trước đây.[2] Dư luận chung cho rằng bằng việc mời Thống Đốc Richardson và các nhà khoa học Mỹ đến thăm, Bắc TT dường như muốn khơi mở một cuộc đàm phán trực tiếp tay đôi với Mỹ về các vấn đề của bán đảo Triều Tiên; một điều lâu  nay vẫn bị phía Mỹ từ chối. Phía Mỹ chỉ chấp nhận các cuộc đàm phán 6 bên, trong đó có cả Nga, Trung Quốc và  Nhật cùng tham dự, và đang có nguồn tin là các bên liên quan đang nổ lực tái tục cuộc đàm phán đó trong những ngày sắp tới.

Cuối cùng, điểm khác nữa cũng đáng lưu ý là những phản ứng của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên đã được phối hợp với một vài động thái khác ít được công luận chú ý. Đó là việc bộ ngoại giao Mỹ, dưới sự đạo diễn của Hillary Clinton, hiện đang hồi phục lại một liên minh khác, đã có từ trước, trong vùng Thái Bình Dương : liên minh ANZUS, gồm Australia, New Zealand, và Mỹ. Ý nghĩa của động thái phối hợp đó có thể được dễ dàng nhận thấy khi quan sát kỷ bản đồ của vùng biển kéo dài từ New Zealand lên đến tận vùng biển Okhotsk của Nga. Có vẻ như Mỹ vẫn cương quyết, và cho đến nay vẫn đủ ưu thế quân sự cũng như liên minh chính trị, không đề cho Trung Quốc và Nga có thể có cơ hội để vươn ảnh hưởng ra vùng biển này của Thái Bình Dương. Nghĩa là, cho đến lúc này, Mỹ vẫn là người bá chủ của  Thái Bình Dương.

TRƯƠNG ĐÌNH TRUNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét