Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Căng thẳng với Bắc Triều Tiên về vụ tàu Cheonan...

Căng thẳng với Bắc Triều Tiên về vụ tàu Cheonan đè nặng bầu không khí ARF


Các viên chức tình báo các nước châu Á Thái Bình Dương quan sát xác tàu Cheonan tại căn cứ hải quân Pyeongtaek, ở phía nam Seoul ngày 11/6/2010.
Các viên chức tình báo các nước châu Á Thái Bình Dương quan sát xác tàu Cheonan tại căn cứ hải quân Pyeongtaek, ở phía nam Seoul ngày 11/6/2010.
Reuters




 Đức Tâm
Diễn đàn an ninh khu vực ARF lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/7. Theo giới quan sát và các nhà ngoại giao thì căng thẳng về vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc sẽ đè nặng lên bầu không khí Diễn đàn này.

Việt Nam, nước hiện là chủ tịch ASEAN và tổ chức ARF, cho biết là ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Pai Ui-Chun sẽ tới dự Diễn đàn. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cùng với 26 đồng nhiệm khác như Trung Quốc, Nga, Liên Hiệp Châu Âu, cũng có mặt.

Cách nay vài ngày, chính quyền Seoul đã bày tỏ mong muốn là ARF lên án chính quyền Bình Nhưỡng bắn ngư lôi làm chìm tàu Cheonan, hồi tháng ba năm nay. 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng trong vụ này. Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ những cáo buộc này và đe doạ sẽ trả đũa nếu bị trừng phạt.

Trước khi sang Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton công du Hàn Quốc vào ngày 21/07. Bà sẽ cùng bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tới viếng các binh sĩ Hàn Quốc bị thiệt mạng trong vụ tàu Cheonan tại khu tưởng niệm chiến tranh ở Seoul.

Theo AFP, Diễn đàn an ninh khu vực sẽ chịu “sức ép rất lớn ” trong hồ sơ chìm tàu Cheonan, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố lên án vụ tấn công, nhưng không nêu đích danh thủ phạm là Bắc Triều Tiên. Một nhà ngoại giao cho rằng ARF sẽ phải đề cập đến vụ này. Còn trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell tiết lộ là tại ARF, ngoại trưởng Clinton “sẽ có những phát biểu cụ thể về thảm họa chìm tàu Cheonan”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định là ARF khó có thể đưa ra được những tuyên bố cứng rắn, rõ ràng, về vụ chìm tàu Cheonan, do sự hình thành hai nhóm nước có quan điểm trái ngược nhau : Một bên là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và bên kia là Hàn Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác.

Theo ông Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên, tại trường đại học Sedney, Úc thì Nga và Trung Quốc, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đã tìm mọi cách để bản tuyên bố của Hội Đồng Bảo An ngày 09/07 trở nên rất nhẹ nhàng và chỉ mang tính cách gián tiếp, trái ngược hẳn với những gì mà Mỹ và Hàn Quốc mong muốn.

Bắc Kinh và Matxcơva không công khai cáo buộc Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về vụ bắn chìm tàu Cheonan, bất chấp kết luận của cuộc điều tra quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc, Mỹ và một số nước khác. Theo các nhân viên điều tra, thì có nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy đây là một vụ tấn công bằng thủy lôi Bắc Triều Tiên.

Do vậy, nếu có nói về vụ chìm tàu Cheonan, thì có thể ARF sẽ dựa theo tuyên bố của Liên Hiệp Quốc hoặc sử dụng ngôn từ tương tự và không lên án Bình Nhưỡng.

Việt Nam cũng ở trong tình thế tế nhị. Hà Nội có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Seoul nhưng đồng thời lại coi chế độ Bình Nhưỡng như một đồng minh cùng hệ tư tưởng cộng sản.

Theo ông Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu CSIS tại Hawaii thì “Hà Nội sẽ không tìm cách đối đầu với Bình Nhưỡng một cách không cần thiết, nhưng có thể cũng không ngần ngại bình luận về vụ này”.

Chuyên gia Daniel Pinkston thuộc Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nhận định rằng nếu nhìn vào hình thức hoạt động của Diễn đàn và quy trình đạt được đồng thuận, thì ARF sẽ tìm cách giảm thiểu tầm quan trọng của hồ sơ chìm tàu Cheonan. Các ngoại trưởng có thể viện dẫn là Hội đồng Bảo an đã ra tuyên bố và tránh đi xa hơn văn bản này.

ASEAN là nòng cốt của Diễn đàn an ninh khu vực và một trong những nguyên tắc cơ bản của khối này là không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên.

ARF vẫn thường xuyên bị chỉ trích là một diễn đàn có ít ảnh hưởng trong việc thúc đẩy giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực – từ vấn đề Cachemir cho đến những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông hay những vụ bạo lực ở miền nam Philippines. Vai trò tích cực nhất của Diễn đàn chỉ là giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia.
tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Phân tích - Việt Nam

Nhận định  NT5 Trương Đình Trung
Bài viết của Đức Tâm dường như có liên quan đến một bài báo khác của Timberlake có nhan đề là North Korean Tensions Overshadow Asian Regional Forum, trong link sau đây:

http://leonidpetrov.wordpress.com/2010/07/18/n-korea-tensions-overshadow-asian-security-forum/

Vụ tàu Choenan của Nam Hàn bị thuỷ lôi đánh đắm, chết mất 46 thuỷ thủ ngày 26/3 vừa qua là một dịp tốt cho giới quan sát lượng giá mối quan hệ quốc tế giữa các cường quốc Mỹ-Nga-Trung Quốc trong vùng bán đảo Triều Tiên nói riêng và Á Châu nói chung.

Mặc cho những cáo buộc nặng nề dành cho Bắc Hàn và yêu cầu điều tra của Nam Hàn, Hội Đồng Bảo An trong tuyên bố ngày 9/7 đã chỉ kết luận rằng tàu Choenan đã bị tấn công và lên án hành động tấn công đó, đồng thời kêu gọi mọi thành viên nên có những biện pháp hoà bình để giải quyết vấn đề. Tuyên bố của Hội Đồng cũng ngay cả không nêu đích danh Bắc Hàn là thủ phạm như Nam Hàn đã cáo buộc!

Trong khi đó phản ứng của Mỹ-Nam Hàn cũng tỏ ra rất giới hạn.  Hai quốc gia đã dự trù một cuộc tập trận chung ngay vùng biển Yellow Sea, ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, dự định có cả Hàng Không Mẫu Hạm USS George Washington tham dự vào tháng Bảy. Nhưng rồi cuộc tập trận đó đã bị đình hoãn vô thời hạn.

Vùng biển Yellow Sea là cửa ngỏ dẩn vào vùng Hoa Bắc, chạy dài từ Thiên Tân lên Bắc Kinh, là vùng công nghiệp quan yếu của Trung Quốc. Từ năm 1994 đến nay các chiến hạm của Mỹ đã thôi không vào vùng biển này. Bắc Kinh đã luôn tỏ thái độ quyết liệt đối với việc  xuất hiện của các tàu chiến Mỹ trong vùng này.

Ngay sau tin tức về dự trù tập trận Mỹ-Nam Hàn được đưa ra, Trung Quốc đã cho tập trận bắn đạn thật nhiều ngày trong vùng biển Đông Trung Hoa (East China Sea) giáp ranh vùng Yellow Sea, với sự tham gia của nhiều đơn vị hải quân tinh nhuệ và tàu phóng phi đạn tối tân. Tuy công khai Trung Quốc tuyên bố rằng đây chỉ là cuộc tập trận thường lệ hàng năm, nhưng giới quan sát nghi ngờ động cơ thật sự của cuộc tập trận ấy của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không công khai chỉ trích Bắc Hàn trong vụ chìm tàu Choenan. Nhưng có dấu hiệu cho thấy là ngấm ngầm Trung Quốc đã cố kìm để cho Bắc Hàn không đi xa hơn, gây thêm căng thẳng trong Vùng.

Nga, thành viên của Hội Đồng Bảo An, lại có cùng thái độ với Trung Quốc trong vụ này; nghĩa là không có một tuyên bố nào thuận lợi cho những cáo buộc của Nam Hàn đối với Bắc Hàn cả. Cả Nga lẫn Trung quốc đã không hưởng ứng việc tổ chức điều tra thêm về vụ tàu Choenan.

Như vậy, trong vụ này, Nga-Trung Quốc đã nhiều ít đứng về phía Bắc Hàn. Còn phía bên kia là Mỹ-Nam Hàn, và với Nhật Bản ở vị thế kín đáo hơn. Dường như Mỹ đã không dám phản ứng mạnh trong vụ này, có lẽ vì ngại một sự căng thẳng lớn đối với cả Trung Quốc lẫn Nga. Mỹ không những đang bị cơn suy thoái kinh tế làm cho suy yếu, nhưng còn bị hai cuộc chiến Iraq-Afghanistan cột chặt, làm giảm sút cả lực lượng trừ bị chiến lược toàn cầu của mình. Trước đây, Mỹ cũng đã không phản ứng gì được như nhiều người mong đợi trong vụ Nga tiến quân vào Georgia năm ngoái. Đơn giản chỉ vì lực lượng chiến lược của Mỹ đã bị trãi ra quá mỏng. Đây cũng chính là lý do Mỹ phải rút bớt quân sớm ra khỏi Iraq, và nổ lực kết thúc chiến cuộc Afghanistan bằng giải pháp chính trị sớm để thu quân về nhằm tái lập lực lượng trừ bị chiến lược toàn cầu trong tình hình mới càng sớm càng tốt dưới áp lực của Trung Quốc và Nga.

Tình hình trên đây đáng cho người Việt chúng ta quan tâm theo dõi và suy ngẫm, bởi nó sẽ giúp chúng ta có được những lượng định khách quan và đúng đắn hơn về tương quan giữa các cường quốc chủ yếu trên bàn cờ Á Châu và Thế Giới ngày nay.

Mặt khác, có lẽ cũng nên theo dõi phản ứng của Hà Nội, nếu có, trong vụ này. Có lẽ Hà Nội sẽ im lặng, hoặc nhiều lắm thì chỉ nêu vấn đề giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với tuyên bố của Hội Đồng Bảo An mà thôi. Bởi vì Hà Nội không có nhiều lựa chọn trong trường hợp này. Hơn nữa ARF cũng chỉ là một diễn đàn.

Kính,
Trung nt5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét