Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

2010: Trọng tâm kinh tế thế giới dời khỏi Âu Mỹ?

Nghe
Reuter
Khối euro đang trực diện với hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi đồng tiền chung ra đời. Hoa Kỳ vẫn lấn cấn với tỷ lệ thất nghiệp gần 10%. Trọng lượng kinh tế của các nước đang trỗi dậy ngày càng lớn.
Ngược thời gian trở về với mùa hè năm 2007, khi toàn cảnh kinh tế thế giới còn rất tươi sáng, và tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu đạt đỉnh cao 5% thì cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime đã bùng nổ. Tiếp theo đó đến tháng 9/2008, thị trường tài chính lớn nhất thế giới Wall Street đã trải qua một trận đại hồng thủy với vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers và từ đó đén nay thì có thể nói hai chữ « khủng hoảng » gần như được gắn liền với các bài phân tích về kinh tế : cộng đồng quốc tế đánh mất 0,7% GDP trong năm 2009. Riêng đối với năm nay, chỉ số này đã tăng trở lại được gần 4%, cao hơn nhịp độ trung bình của thế giới trong 3 thập niên vừa qua (GDP toàn cầu tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 1980-2009). Nhưng khác hẳn với giai đoạn tiền khủng hoảng- trước 2008- các động cơ chính của con tàu kinh tế thế giới không còn được đặt tại Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản mà đã được dời về khu vực các quốc gia đang trỗi dậy. Trong số này đứng đầu là Trung Quốc và Brazil.
Với trên 2600 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc dư thừa phương tiện để « cứu nguy nhiều tập đoàn » của châu Âu và Mỹ lâm nạn. Chỉ riêng đối với ngành công nghiệp xe hơi, năm nay, hai « con chim đầu đàn » của Âu Mỹ là Volvo và Ford đều đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc. Lại cũng Bắc Kinh đã tung tiền mua công trái của Nhật Bản : trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc mua 15 tỷ euro công trái của Nhật. Quê hương của ông Đặng Tiểu Bình gần như khiêu khích phần còn lại của thế giới với tỷ lệ tăng trưởng trên dưới 10%
Trong lúc Hoa Kỳ và châu Âu đau đầu vì vấn đề nhập siêu, thì bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nội trong tháng 11 vừa qua, cán cân thương mại Trung Quốc thặng dư gần 23 tỷ đô la.
Về phần ông khổng lồ của châu Mỹ La Tinh là Brazil, thì nền kinh tế đang vươn lên này tạo thêm 2 triệu rưỡi việc làm trong 10 tháng đầu năm, thành tích chưa từng thấy này làm 19 nước còn lại trong khối G20 phải ganh tị. Song song với thành quả kinh tế, Brazil còn là một trong những quốc gia hiếm có trên thế giới có thể tự hào là đã đưa 20 triệu dân ra khỏi cảnh bần cùng trong vỏn vẹn chưa đầy một thập niên.
Tại châu Âu, sau khi tuột dốc không phanh vào năm ngoái, để thất thoát hơn 5% GDP, kinh tế Đức trong năm nay đã lấy lại phong độ một cách hết sức ngoạn mục : tổng sản phẩm nội địa tăng 3,4% nhờ vào ngành xuất khẩu rất năng động bất chấp tỷ giá đồng euro bị coi là quá cao so với đô la và yen. Thế nhưng trong toàn khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu thì nước Đức của thủ tướng Merkel cùng với Ba Lan gần như là những ngoại lệ.
Khối euro trong năm nay đã phải trực diện với hai cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng của Hy Lạp và Ailen phải thận trọng trước hiện tượng dầu loang từ Athenes và Dublin đến những mắt xích yếm kém nhất trong khối như là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ý.
Nhìn sang bên kia Đại Tây Dương, tại Hoa Kỳ, vấn đề « cơm áo gạo tiền » đã cướp mất đa số của Đảng Dân chủ ở Hạ Viện. Về mặt kỹ thuật thì nước Mỹ đã thoát khỏi khủng hoảng và quay trở lại với con đường tăng trưởng, thế nhưng đó là một tỷ lệ tăng trưởng èo uột và nhất là không đả thông bế tắc trên thị trường lao động.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California phác họa toàn cảnh chung trong năm 2010 của siêu cường kinh tế số 1 thế giới :
"Riêng kinh tế Hoa Kỳ hồi phục quá chậm. GPD sụt hơn 4% vì 18 tháng suy trầm thì vẫn chỉ tăng được có từ 1 đến 2%. Cả năm nay thất nghiệp mấp mé 10% và hiện nay là 9,8% dân số lao động. Trong số hơn 15 triệu người thất nghiệp có sáu triệu bị mất việc trên sáu tháng và đáng chú ý nhất : thành phần mất việc lại là người có chuyên môn và lợi tức hạng trung lưu, loại nhân viên cổ cồn áo trắng chứ không chỉ có công nhân áo xanh như trước đây. Song song, tài sản của nhiều người là ngôi nhà thì sụt giá vì nạn bể bóng gia cư từ năm 2006/200. Năm qua còn mất thêm hơn 4%. So với đỉnh cao năm 2006 thì mất một phần tư. Vì vậy, đa số đều thấy là mình nghèo đi".
Vì muốn đem lại một vài điểm tăng trưởng mà cả chính quyền Bush trước đây lẫn chính quyền Obama kể từ đầu 2009 đã không ngại tốn kém để « hà hơi tiếp sức » cho hệ thống kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa điểm lại những nỗ lực của chính quyền liên bang :
"Các định chế hữu trách đều áp dụng mọi biện pháp kinh điển như tiền tệ và ngân sách mà chưa công hiệu. Về tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt lãi suất tới số không và giữ nguyên ở đó đã tròn hai năm rồi. Đây là chuyện cực kỳ bất thường. Bất thường hơn nữa là Ngân hàng Trung ương còn in tiền, bơm bạc vào kinh tế hai lần liền, lần trước là hơn hai ngàn tỷ đô la, và lần thứ hai là thêm 600 tỷ trong tám tháng, kể từ đầu tháng 11.

Về ngân sách thì chính quyền đã hai lần bơm tiền kích thích trị giá 185 tỷ thời ông Bush và hơn 800 tỷ thời ông Obama mà chưa có kết quả. Ngày 17/12/10, lại thêm 858 tỷ được quyết định bơm thêm trong hai năm tới. Chưa biết kết quả ra sao thì ngân sách năm qua đã bội chi 1.400 tỷ, gần 10% GDP và còn bội chi nữa, nên chính phủ phải đi vay dù đã mắc nợ tới 87% tổng sản phẩm nội địa.
Một lý do giải thích là hai năm qua, chính quyền Obama và Quốc hội Dân Chủ không coi việc kích thích kinh tế và việc làm là ưu tiên mà lại tập trung vào việc cải tạo xã hội. Vì vậy cử tri mới phản ứng mạnh trong cuộc bầu cử tháng 11 khiến đảng Dân chủ thảm bại và ông Obama phải hợp tác với đối lập Cộng hoà để cứu nguy kinh tế".
Tại cường quốc số 1 thế giới, về mặt đối nội khó khăn kinh tế đã dẫn đến hậu quả chính trị tai hại đối với Nhà Trắng. Trên trường quốc tế, tổng thống Obama cũng tỏ ra bị lép vế so với lãnh đạo Trung Quốc, và đã phải đấu dịu trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh trong hồ sơ tiền tệ.  Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa so sánh :
"Tôi có chú ý đến chuyện lép vế ấy khi thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc thăm Ấn Độ tuần qua với cả trăm doanh gia trong phái đoàn. Sau ba ngày đàm phán với một nước xưa nay là đối thủ, đôi bên ký kết nhiều hợp đồng trị giá mười mấy tỷ đô la. Sau đó, ông Ôn Gia Bảo thăm Pakistan và dự trù ký 35 tỷ đô la hợp đồng nữa. So với kết quả chuyến thăm viếng Ấn Độ tháng 11/2010 rồi sự thất bại của ông Obama tại Seoul bên lề thượng đỉnh G-20 thì quả là Trung Quốc có vẻ vượt xa. Nhưng thật ra, thế mạnh của Bắc Kinh là thế ảo của nhà nước với 2.660 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ tung ra mua chuộc thiên hạ trong khi xã hội bên dưới thì vẫn nghèo nàn lạc hậu".
Nhưng toàn cảnh kinh tế Hoa Kỳ không hoàn toàn u ám như mọi người lầm tưởng. Nước Mỹ của ông Obama còn rất nhiều chủ bài trong tay. Chìa khóa lớn nhất mà hiếm ai có được chính là sức mua của các hộ gia đình. Vấn đề đặt ra là chỉ cần các nhà đầu tư, giới doanh nghiệp mạnh dạn tin tưởng vào chính sách của Washington. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa gắn liền hồ sơ kinh tế với môi trường chính trị ở Hoa Kỳ :
"Về việc cứu nguy kinh tế Mỹ, có lẽ tâm lý của thị trường sẽ là yếu tố quyết định. Các doanh nghiệp Mỹ đang có mấy ngàn tỷ bạc trong tay mà không dám bung ra làm ăn và tuyển dụng vì chưa yên tâm về chánh sách của nhà nước. Với Quốc hội mới, tình hình sẽ khá hơn và kinh tế có hy vọng đạt mức tăng trưởng chừng 4% vào năm tới. Nhưng thất nghiệp thì chưa thể giảm ngay, phải năm năm nữa thì may ra mới thấy lại tỷ lệ 5% trước khi bị suy trầm. Và quan trọng nhất, phải có một cuộc cách mạng trong đầu các chính khách thì mới đẩy lui được thói tật gây bội chi ngân sách và đi vay bừa phứa. Khi bội chi và mức công trái - là nợ nần của nhà nước - bắt đầu giảm thì tình hình mới đổi khác.

Chính là trong mấy năm thắt lưng buộc bụng để trả nợ sắp tới người ta càng tin rằng kinh tế Mỹ bị suy bại. Nhưng tôi không tin là Hoa Kỳ sẽ mất cả chục năm như Nhật Bản. Lý do là sau vụ bể bóng năm 1990, Nhật phản ứng chậm với nhiều quán tính và xứ này lại có dân số bị lão hóa, già nhiều hơn trẻ. Hoa Kỳ thì linh động và liều lĩnh hơn nên sau hai năm sai lầm vừa rồi, họ sẽ lại rút kinh nghiệm. Nhất là khi họ ý thức được là kinh tế Hoa Kỳ đã chuyển qua một hình thái sản xuất khác và cần loại giải pháp khác mà rồi họ sẽ tìm ra sau khi cho các chính khách một bài học".
2010 là năm kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục. Cho dù mới chỉ ở giai đoạn đầu và theo các nhà phân tích thì đây chỉ mới là những tiến bộ rất nhỏ, nhưng sự bình phục đó được coi là « chậm mà chắc ». Có điều, như nhận xét của Marc Touati, phó giám đốc cơ quan đầ tư Global Equities ngày càng có nhiều nghi vấn chung quanh đồng tiền chung châu Âu. Khủng hoảng tài chính của Hy Lạp, rồi Ailen, những khó khăn chồng chất của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và trong một chừng mực nào đó là của vương quốc Bỉ, của Ý và cũng không loại trừ trường hợp của Pháp- đang làm sứt mẻ uy tín của đồng euro.
Kể từ khi đơn vị tiền tệ châu Âu này chào đời, 2010 cũng là lần đầu tiên mọi người đặt câu hỏi về « tuổi thọ » của đồng euro. Điều làm giới đầu tư lo ngại là khu vực đồng euro lâm vào bế tắc chính trị và khi đó người ta lo ngại là hệ thống tiền tệ chung châu Âu bùng nổ. Hy Lạp trong tình huống « dầu sôi lửa bỏng » hồi mùa xuân vừa qua, sang thu thì đến lượt Ailen bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Nhưng 16 nước thành viên khối euro và nhìn rộng ra hơn là 27 nước Liên Hiệp Châu Âu lại không có cùng một quan điểm.
Trong khi đó Uncle Sam thì đang bước sang một mô hình phát triển mới mà ở đó tăng trưởng không nhất thiết tạo thêm công việc làm. Mặt khác Hoa Kỳ cũng phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, và các trang thiết bị công nghiệp tránh để bị các nền công nghiệp còn "non trẻ" và năng động như Brazil hay Trung Quốc qua mặt Ngun Nguồn :http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20101221-2010-trong-tam-kinh-te-the-gioi-dang-doi-khoi-au-my

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét