Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu*


Da Màu và Bạn, Tùy bút  

T. Vấn  ♦ 15.03.2011

 


VUG-PCT


1.
Mẩu tin trên mạng một buổi sáng lang thang đã đem đến cho tôi nỗi ngậm ngùi. Người mà tôi mơ ước được một lần gặp gỡ để “ thanh toán cho xong cái quá khứ đã chấp trong tôi ” bằng cách bắt chước chính ông “ Phùng Phật sát Phật. Phùng Miller sát Miller,” để rồi biến thành “Phùng Phạm sát Phạm,” không còn nữa. Phạm Công Thiện đã qua đời trước khi tôi có cơ hội “ sát thủ.”

Phạm công Thiện chết rồi, mặt trời sẽ hy vọng có thực. Ngày ông qua đời, thứ Ba 8 tháng 3 năm 2011, mặt trời mùa đông vạch mây ngó xuống . Đó là một ngày nắng hiếm hoi.
Trong bài tựa cho lần tái bản quyển sách nổi tiếng “Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học” do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành năm 1970, ông viết:
Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.
Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.
Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.
Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất.
Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.
Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.
Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.
Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.
Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới.
Chẳng may, ông đã mất năm 71 tuổi (ông sinh năm 1941). Ông không kịp chờ cho “núi Hy mã Lạp Sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.“  Nhưng nếu ông còn sống, liệu ngày ấy có đến không?

Đã đi mất hẳn đi rồi.


Đó là câu thơ của chính ông trong tập thơ cuối cùng ( Trên Tất Cả Các Đỉnh Cao Là Lặng Im ) mà nhà thơ Viên Linh đã mượn làm đề tựa bài viết ngắn về cái chết của vị triết gia thi sĩ thần đồng. Có thật là Phạm Công Thiện “đã đi mất hẳn đi rồi” ?
Với ai thì chắc hẳn là không cần phải hỏi lại. Nhưng với Phạm Công Thiện thì khác. Vẫn phải bắt chước ông (lại một lần nữa tôi bắt chước ông!) hỏi chính mình : Đã đi rồi đã đi chưa?


Tại sao?

Vì Phạm Công Thiện là một hiện tượng chưa một lần được lý giải thỏa đáng cho người đương thời, cho các thế hệ nối tiếp mỗi khi họ ngồi lần giở những trang cảo thơm của quá khứ. Kể từ khi xuất hiện năm 1957, lúc mới 16 tuổi , bằng cách tự xuất bản quyển Anh Ngữ Tinh Âm, rồi tiếp theo ông cho ra đời những tác phẩm gây chấn động cả một tầng lớp trí thức, sinh viên thành thị dưới nhiều hình thức : nghiên cứu triết học, tôn giáo, thi ca, văn học v..v. Ở tuổi chưa tới 30, ông đã lần lượt đảm trách nhiều chức vụ nghiên cứu, giảng dạy khác nhau ở đại học và các tu viện Phật giáo ( dù ông xuất thân từ một gia đình theo Thiên Chúa Giáo). Đó là chưa kể những sự kiện khác thường trong cuộc đời của ông. Năm 1964, giữa lúc tiếng tăm nổi lên như cồn, ông từ bỏ Thiên Chúa giáo của mình để trở thành một nhà sư với pháp danh Thích Nguyên Tánh. Năm 1970, rời bỏ đất nước sang Israel, Đức, rồi Pháp sinh sống. Tại đây, ông cởi áo cà sa, lấy vợ – một người theo đạo Thiên chúa.

Từ bấy đến nay đã hơn 50 năm trôi qua, nhiều người già tóc bạc da mồi đương thời với ông vẫn còn phải tự hỏi mình:
Phạm Công Thiện, ông là ai?


Cho đến buổi chiều ngày thứ Ba 8 tháng 3 năm 2011 lúc mà Phạm Công Thiện “mệt dần, bắt đầu nhập định và ra đi nhẹ nhàngtại thành phố Houston, tiểu bang Texas, câu hỏi lại càng nổi cộm hơn bao giờ hết, vì đã đến lúc “ cái quan định luận,” khi thể xác ông đã thực sự là một thi hài như thi hài của bao con người khác khi chết. Thiên tài hay thường nhân, bạo chúa hay minh vương, nằm xuống rồi cũng thì có khác gì nhau. Thế nên, với Phạm Công Thiện, câu hỏi từ 50 năm vẫn lơ lửng.
Phạm Công Thiện là một triết gia hay kẻ mắc bệnh điên tư tưởng? Là một học giả hay chỉ là con mọt sách? là một thi sĩ, một nhà văn hay kẻ lộng ngôn xem chữ nghĩa như một trò chơi? Là bậc tu hành tinh thông lẽ đạo bằng trí thông minh tuyệt vời hay kẻ mượn áo cà sa trốn lánh việc đời rồi hốt nhiên trở nên “ngộ một cách bất đắc dĩ? Là con người lập dị nhờ vào khả năng ngôn ngữ hơn người hay kẻ phá phách cậy mình thông kinh đạt quyển nên tung hoành chốn trường văn trận bút như chỗ không người? Là vị thần đồng thực sự hay kẻ kiêu ngạo coi trời bằng vung?


Nhiều người đương thời đã tìm cách lý giải hiện tượng Phạm Công Thiện với nhiều cách nhìn khác nhau, đôi khi đối nghịch.

2.

VSG-PCT
Hãy đọc tiểu sử của Phạm Công Thiện :
Sinh ngày 01 tháng 6 năm Tân Tỵ, 1941, tại Mỹ Tho, Việt Nam.
- Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne, Pháp,
- Nguyên Giáo Sư Triết Học tại Đại Học Toulouse, Pháp,
- Nguyên Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn tại Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn; Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các Phân Khoa của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1966 tới năm 1970,
- Nguyên Chủ Biên Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn,
- Nguyên Giáo Sư Phật Học tại các Học Viện, Cao Đẳng Phật Học tại Hoa Kỳ,
- Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo .

Hãy đọc danh sách những tác phẩm của ông :
• Tiểu Luận Về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền Tông (1964)
• Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Triết Học (1965)
• Ngày sanh Của Rắn (1967)
• Trời Tháng Tư (1966)
• Im Lặng Hố Thẵm (1967)
• Hố Thẵm Của Tư Tưởng (1967)
• Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967)
• Bay Ði Những cơn Mưa Phùn (1970)
• Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988)
• Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong
Tư Tưởng Phật Giáo (1994)
• Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995)
• Làm Thế Nào Ðể Trở Thành Một Bậc Bồ Tát
• Sáng Rực Khắp Bốn Phương Trời (1998)
• Tinh Tuý Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998)
• Trên Tất Cả Ðỉnh Cao Là Im Lặng
• Một Ðêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử
• Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu: Triết Học Là Gì ?
• Ðối Mặt Với 1000 Năm Cô Ðơn của Nietzche



Tác phẩm dịch đã xuất bản
Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968)
Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)


Một tiểu sử và những thành tựu đáng nể. Cho tới nay, trong thế giới người Việt ở cả trong lẫn ngòai nước, chưa thấy ai có những thành tựu đa dạng và ở một số tuổi ít ỏi như thế.
Ông là một thiên tài. Điều này ít ai có thể chứng minh ngược lại. Không phải là thiên tài thì làm sao có được sự nghiệp đồ sộ khó ai bì như vậy. Nhưng không phải là không có người bảo ông điên. Mặt khác, cũng chính ông đã từng viết “bệnh điên trở thành một thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài.Ở Phạm Công Thiện dường như điều đơn giản nhất cũng trở nên rối rắm, khó hiểu. Thí dụ như định nghĩa về thiên tài, về ranh giới mong manh giữa thiên tài và cuồng sĩ.

Ông là một triết gia. Chính bản thân mình, ông chưa bao giờ tự nhận là triết gia. Có lẽ là do ông dạy Triết, viết sách Triết, nghiên cứu Triết với ngôn ngữ của kẻ lập ngôn nên nhiều người tưởng lầm, hoặc do quá hâm mộ nên tôn sưng ông là triết gia. Hệ lụy đời ông có lẽ cũng bắt đầu từ ngộ nhận mang tầm vóc bi kịch này. Và cũng từ đây, có kẻ đương thời khẳng quyết triết gia là kẻ mắc bệnh ung thư tư tưởng.

PCT-cusi
Cư sĩ Phạm Công Thiện, pháp danh Nguyên Tánh


Ông là một học giả. Tinh thông nhiều ngọai ngữ, là chìa khóa mở ra những cánh cửa văn hóa thế giới. Có đọc Phạm Công Thiện ( tuy không hiểu được hết những điều ông viết ), mới thấy hết sự mênh mông của sở học mà ông chiếm hữu. Đã thế, những trang sách Phạm Công Thiện mang một đặc tính khác thường so với những trang sách kinh điển : hòai nghi, phản kháng , phủ nhận , với sự mãnh liệt và thái độ cao ngạo của tuổi trẻ. Vì vậy mà có người cho rằng ông là kẻ phá phách, coi trời bằng vung chăng ? Dẫu cho có là một thiên tài, thì tuổi trẻ vẫn cứ là tuổi trẻ với những thuộc tính làm nên một lực đẩy khiến nhiều người già khó chịu. Thiên tài cộng với tuổi trẻ thì khó tránh được những điều ong tiếng ve . Hãy đọc một đọan trích trong bài tựa cho lần tái bản thứ tư của quyển sách Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (YTMTVNVTH) thì sẽ thấy quả chẳng oan cho ông tí nào :

“ . . .Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!


Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài . . . “.


Ông là người tinh thông đạo Phật. Chắc cũng khó chối cãi. Mới 23 tuổi, ông đã viết sách về Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ sư của Thiền tông. Rồi một lọat những trọng trách ông đảm nhận liên quan đến việc giáo dục các tăng sĩ, những chức vụ trong các tổ chức Phật giáo, những họat động nhằm xiển dương Phật giáo, những tác phẩm nghiên cứu về Phật pháp sau này. Nhưng cũng có người cho rằng ông mặc áo nhà tu, rồi cởi áo nhà tu, rồi lại tuồng như mặc lại chiếc áo ấy chỉ là phản ánh sự bất định trong tâm hồn một người tưởng mình là cái rốn của vũ trụ. Ngày ông lên chùa Hải Đức ở Nha Trang cạo đầu , mặc áo cà sa, mang pháp danh Thích Nguyên Tánh, người thời ấy bảo ông trốn việc quan đi ở chùa. Có người bảo ông tìm nơi an tịnh để chữa bệnh “ khủng hỏang tâm linh”. Giải thích gián tiếp về việc này, ông viết “sự chọn lựa đi tu cũng là một thái độ sống trước hư vô. Đi tu đâu phải là chuyện dễ; có lẽ có thể nói rằng phải có can đảm lắm và nhiều sức mạnh lắm mới đi vào con đường cô đơn ấy . . . “ . Nhưng cũng có người mãi đến hôm nay vẫn xưng tụng ông là Bồ tát ( chính xác hơn là “khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Ðức Phật. “ ).


Ông là nhà văn. Quả thật, chỉ với “ Bay đi những cơn mưa phùn”,viết từ năm chưa tới 30 tuổi, kẻ ganh tị nhất với ông cũng phải thốt lên lời tán thưởng. Đó là những trang văn xuôi của thơ, là hình ảnh trau chuốt của cái đẹp, là sự thăng hoa của tâm hồn con người, là chữ nghĩa cuối cùng đã thóat ra khỏi được những giam hãm của đời sống. Có người bảo bao tinh anh của ông đã phát tiết hết cả từ những ngày còn trẻ, phát rộ sớm thì lụi tàn sớm, thế nên nhiều năm nay ở hải ngọai ông có còn viết được gì nữa đâu ngòai một tập tùy bút “ Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất “.


Ông là nhà thơ. Đến đây thì chắc nhiều cái đầu gật gù. Theo nhiều người thân cận với ông thì ông chỉ muốn là, được gọi là, thi sĩ. Ông đã từng khẳng định chắc nịchôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu. Chắc ông đã mãn nguyện. Tập thơ mỏng manh “ Ngày sanh của rắn “ xuất bản năm 1966 ở Sài Gòn đã khẳng định vị trí thi sĩ của ông. Sau này, với bài Trường Giang Mỹ Tho viết năm 1980 đã được nhiều người coi là tuyệt tác, hoặc tập thơ cuối cùng “ Trên tất cả đỉnh cao là lặng im,” với lời mở đầu rất “Phạm Công Thiện nhưng tôi chưa thấy ai phàn nàn:
“… Một đêm, tôi nằm chiêm bao thấy Goethe hiện về, bảo tôi hãy nhớ lại câu thơ ngắn của ông và gợi ý gián tiếp cho nhan đề tập thơ này:
Ueber allen Gipfeln Ist Ruh
(Trên Tất Cả Những Đỉnh Cao
Là Bình Yên)



Có lẽ là vì trần gian này đã có quá nhiều thi sĩ ngông nên có thêm một vị nữa cũng chẳng chết “ thằng tây “ nào chăng ? Nhưng mà ngày xưa, ông đã bị mỉa mai là “thi sĩ khều mặt trời” với những câu thơ “đình đám “ trong tập “ Ngày sanh của rắn”:
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
Mặt trời có thai!
Sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt

( Ngày sanh của rắn )


Vì đình đám quá nên những câu thơ “ thời thượng“ mà ai cũng biết ấy đã che khuất đi những câu thơ tuyệt vời khác, chẳng hạn:

Mưa chiều thứ bẩy tôi về muộn Cây khế đồi cao trổ hết bông“


Quả là khẩu khí một thi sĩ . . . triết gia.

3.

PCT-raubac
Nhưng với tôi, kẻ mang một quá khứ không thể tách rời cái tên Phạm Công Thiện thì cách lý giải của Nguyễn Ngọc Tuấn trên Tiền Vệ khiến tôi dễ dàng chấp nhận hơn :

“. . . theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.


Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ. ....”


Những người không sống ở Sài Gòn vào thập niên 1960s, khoảng thời gian cái tên Phạm Công Thiện biểu trưng cho một hiện tượng thật đình đám dù là không khí chiến tranh đã ngự trị khắp nơi kể cả những thành phố lớn, có thể không cảm và hiểu hết được những tác động đối nghịch nhau mà Phạm Công Thiện đã tạo cho người đương thời. Nay, gần 50 năm đã trôi qua, cái gì còn đọng lại đã chứng tỏ gía trị của chúng, hoặc ít nhất cũng chứng tỏ khả năng sống sót sau cơn lũ thời gian. Với trường hợp Phạm Công Thiện, dù ông vẫn không ngừng sáng tác sau khi rời nước để phiêu bạt giang hồ từ năm 1970, nhưng những đề tài được bàn luận về ông, cho tới hôm nay, phần lớn vẫn là về những gì ông viết trong thập niên đáng nhớ ấy. Liệu chi tiết này có nói thêm được gì không về giá trị những suy tưởng của một thanh niên chưa tới 30 tuổi ngày nào?

4.
Trong tập thơ Nhân Gian, xuất bản năm 2006, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã vẽ Phạm Công Thiện bằng 4 câu thơ:

Con người hóa kiếp nhà thơ
Khi bay thành nhạc khi chờ là hương
Lang thang trong cuộc đoạn trường
Lấy trăng thái cổ soi đường bến mê



Con người dù có hóa kiếp nhà thơ cũng sẽ đến lúc phải “xả bỏ thân tứ đại.” Thọ 71 tuổi như ông , tuy chưa đủ để gọi là chết già, nhưng “lang thang trong cuộc đọan trường” bấy nhiêu năm ai mà không mệt mỏi, dù có là thiên tài. Cho nên, nằm xuống là yên nghỉ . . . đời đời. Khi sinh thời, nhà thi sĩ triết gia nổi tiếng cao ngạo vốn đã bỏ ngòai tai mọi lời chê tiếng khen thì lúc này đây, còn có gì để ông phải bận tâm dùng dằng. Có bận tâm chăng là bận tâm cho kẻ hậu sinh ôm di sản của ông mà chợt rùng mình nghĩ đến gánh nặng oằn vai trên đoạn đường dài trước mặt. Từ đây, trọng tâm của mọi cuộc bàn luận sẽ chỉ còn là về những gì ông để lại cho đời. Khi mặt đất này không còn bóng dáng con người mang cái đầu quá lớn trên thân xác nhỏ nhoi của mình nữa, thì mọi hệ lụy trần gian cũng sẽ biến thành hạt bụi theo gió bay đi như những cơn mưa phùn.

Nhà thơ Nguyên Sa sinh thời có viết bài thơ nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện , trong đó có hai câu cuối:

Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh
Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu

( Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện – Nguyên Sa)


Tôi chợt có ý nghĩ rằng , có lẽ giây phút này đây, chính thi sĩ triết gia Phạm CôngThiện đang thét vang trong gió hai câu thơ ấy của người bạn cũ.

Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu. Thắp nén hương lòng, tôi cầu chúc cho ông đạt được ý nguyện./.


T.Vấn
03-12-2011
*Thơ Nguyên Sa
___________________________________
*Bài này có nhiều chỗ trích dẫn, trích giải. Tuy nhiên, nó không có tầm cỡ một bài khảo luận nên tôi nghĩ không nên làm cho bài viết trở nên nặng nề một cách không cần thiết bằng những dấu chỉ gốc của những đoạn trích dẫn, trích giải. Thay vào đó, tôi dùng thủ thuật nối kết ( Hyperlink ) dẫn đến nguồn của đoạn trích dẫn, trích giải được hiển thị qua những chữ đổi màu trong bài. T.Vấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét