Chào Mừng Các Bạn Đã Ghé Thăm . . . . .... K3CTCT

Dịch từ Anh Ngử tới các ngôn ngử khác

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Nhân ngày cựu chiến binh . . . ( 11-11)

 Nhìn hình thêmVui Lòng Bấm vào  aSGuest74661 ở Link trên
clip_image001

Người chiến sĩ cuối cùng
Không còn ai vuốt mắt
(thơ Ngọc Phi )


Như thường lệ hàng năm, đúng 1 tuần trước ngày lễ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ 11 tháng 11, mấy người bạn cùng sở làm Bưu Điện gốc là cựu binh lại gởi đến tôi chiếc áo T-shirt màu đen có huy hiệu POW-MIA và hàng chữ : You are not Forgotten. Đó vừa là món quà, vừa là sự nhắc nhở. Và năm nào cũng vậy, chúng tôi đều tụ họp nhau lại, kẻ mặc chiếc áo T-Shirt ngày còn trong quân ngũ, kẻ đội chiếc mũ cũ kỹ đầy dấu vết thời gian, người trịnh trọng trong bộ quân phục còn những nếp ủi thẳng thớm, tay đặt lên ngực, mắt hướng về phía lá cờ to tướng chiếm nguyên một góc phòng, lắng nghe bài quốc ca quen thuộc . Rồi sau đó là  phút tưởng niệm những người đã bỏ mình vì tổ quốc. Năm nào cũng vậy, cũng những lễ nghi quen thuộc, nhưng nỗi xúc động vẫn cứ tràn đầy như thể đó là lần đầu tiên. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau ý nghĩ đó khi quây quần lại bên bàn cà phê. Có người nào đó nhắc đến chiến tranh Việt Nam hơn 30 năm trước, đến bức tường đá đen ở khu nghĩa trang quốc gia, đến cuộc chiến tranh ở Iraq, ở Afghanistan hiện vẫn còn tiếp diễn cùng với những thiệt hại về nhân mạng xẩy ra hàng ngày.

Bất kể mọi bài học đẫm máu của lịch sử, chiến tranh vẫn cứ xảy ra trên mặt đất loài người. Bất kể những tính toán thiếu chính xác về cuộc chiến tranh Việt Nam hơn 30 năm trước , dẫn đến con số 58 ngàn quân nhân Mỹ hy sinh cho mảnh đất châu Á xa xăm , ngày nay người Mỹ lại có mặt ở mảnh đất đầy hận thù Iraq, tốn bao nhiêu tiền của, hy sinh hàng ngàn người lính trẻ, cũng chỉ để rước lấy nhiều cay đắng từ phía những người được họ đến cứu giúp. Dầu vậy, những người bạn cựu chiến binh của tôi, vốn mang trong người tinh thần kỷ luật của người lính, vẫn chỉ có mối quan tâm lớn nhất đến những người lính trẻ của họ còn đang xông pha giữa lằn tên mũi đạn nơi hực  lửa hận thù ấy. Họ không một lời oán trách những người có trách nhiệm đã gây ra cuộc chiến tranh . Và tôi, người lính cũ của cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến đã gây cay đắng cho người Mỹ còn nặng nề hơn cuộc chiến Iraq hiện nay, phải nghiêng mình ngưỡng mộ tấm ân tình huynh đệ chi binh nơi những người lính già . Hơn ai hết, họ hiểu được nỗi cô đơn của người lính trở về từ một cuộc chiến đã khiến người dân nước họ ngao ngán. 30 năm trước, với tư cách những cựu binh của chiến tranh Việt Nam, họ đã không có cái vinh dự mà những cựu binh của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai được hưởng. Khi mà người dân ngao ngán vì gánh nặng và sự thiệt hại của một cuộc chiến tranh mà họ cho rằng sự tham dự của nước họ vào cuộc chiến tranh ấy là một sự tính toán sai lầm của chính phủ, người lính trở về từ cuộc chiến ấy thường không tránh khỏi sự lãnh đạm, dù rằng nỗi nhọc nhằn gian khổ của người lính trong bất cứ cuộc chiến tranh nào đều giống nhau.

Chiến tranh là sản phẩm của những phân tích và quyết định chính trị, nhưng những binh đoàn lại là câu chuyện sống chết của những con người. Phản chiến hay không phản chiến, ủng hộ chiến tranh hay không ủng hộ chiến tranh, cái lẽ tự nhiên rất  bình thường là người ta nên dừng lại mỗi khi gặp một người mặc quân phục, dù là ở phi trường, bến xe bus, hay một góc phố bận rộn, để bắt tay và cám ơn sự xả thân phục vụ của những người lính trẻ. Nhưng người ta cũng phải thông cảm cho sự cay đắng của thân nhân những người lính đã nằm xuống. Không một lý lẽ gì có thế biện minh được cho những cái chết non ấy.

Vì thế, khi phát động một cuộc chiến tranh, những người có trách nhiệm cần nhiều đắn đo suy tính. Một trong những đắn đo đó, và có lẽ là sự đắn đo quan trọng nhất, đó là liệu mục đích của cuộc chiến tranh ấy có đủ chính đáng để chịu đựng sức nặng của những oan hồn – dân cũng như lính -, sức nặng của bao nỗi thống khổ đến với từng cá nhân, từng gia đình bị cuốn trong cơn lốc ác nghiệt ấy . Cộng thêm vào sức nặng ấy là nỗi cô đơn của những người vợ trẻ, nỗi cô đơn của những bà mẹ nuôi con một mình, cảm giác đau đớn không chịu đựng nổi của những ông bố bà mẹ mất con, mỗi khi thức giấc nhìn cuộc sống xám xịt trước mắt  mà mong cho ngày cuối cùng của đời mình đến càng sớm càng tốt. Và còn phải kể thêm những thương binh què cụt sống quãng đời dài dằng dặc trong sự tàn phế,  những cựu binh tuy lành lặn thể xác nhưng đầu óc luôn cần đến những liều thuốc an thần.

Câu chuyện về chiến tranh quanh bàn cà phê nhân ngày lễ cựu Chiến Binh Hoa Kỳ lại buộc tôi phải liên tưởng đến cuộc chiến 30 năm trước của đất nước mình. Nếu như những người phát động cuộc chiến tranh ấy tiên đoán được cái gánh nặng mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng, cả trong và sau chiến tranh, liệu họ có đủ nhẫn tâm mà cứ tiếp tục mở rộng và kéo dài cuộc chiến, tiếp tục ném cả một thế hệ tuổi trẻ vào lò lửa hận thù ?

Điều đau xót là ngay khi tiếng súng chưa chấm dứt, người ta đã nhìn ra cái cái vô nghĩa trong những mục đích mà cuộc chiến ấy nhắm tới. Để rồi sau gần 20 năm kiệt quệ vì gánh nặng hậu chiến, những người đã từng mạnh tay phát động cuộc chiến hủy diệt ấy, lại phải mở cửa để rước chính kẻ thù năm xưa quay trở lại giúp tái thiết đất nước. Có nghĩa là hàng mấy triệu con người ở cả hai bên chiến tuyến năm xưa đã bị hy sinh thật oan uổng. Chưa kể đến những hậu quả đáng sợ mà người sống sót phải đối đầu.

Bài học lịch sử còn đó, nhưng chẳng có người nào chịu để mắt chiêm nghiệm.

clip_image002
Trong mớ hồi ức còn vang vọng tiếng súng nổ, tiếng khóc than, tiếng rên rỉ đau đớn, tôi lại được chứng kiến những hình ảnh thật quen thuộc với bất cứ một người Việt Nam nào từng sống sót qua cuộc chiến. Trên những con đường đất nghèo nàn của thành phố Goma, xứ Congo bên Châu Phi, bên cạnh những chiếc xe tăng đen đúa, những người lính tay súng lăm lăm là những đoàn người chạy giặc, tay xách nách mang, những đứa trẻ thất thểu chân đất, vẻ mặt kinh hoàng bám chặt lấy bàn tay cha mẹ, những cụ già chậm chân rớt lại  phía sau. Và xa xa là ánh chớp những quả đạn pháo làm tung mặt đường, trộn lẫn thây người cùng bụi bậm bay mù. Cuộc chiến sắc tộc âm ỉ từ mấy năm nay đã đến hồi bộc phát dữ dội. Từ cuối tháng 8 , cả triệu người dân Congo bỏ nhà bỏ cửa chạy loạn, trong đó 60 phần trăm là trẻ con, người già yếu, bệnh tật. Họ sống trong những điều kiện vệ sinh tối thiểu nhất, thường xuyên khan hiếm nước sạch, thực phẩm.

Mục đích nào của cuộc chiến hiện đang diễn ra dưới con mắt quan sát của cả thế giới đủ lý và tình để biện minh cho sự đau khổ của hàng triệu con người vốn đã khốn khổ vì nghèo nàn , lạc hậu ? Và những người có trách nhiệm gây nên cuộc chiến, đã suy xét tường tận trước khi cho nổ phát súng khai hỏa chưa, hay đơn giản chỉ là để thỏa mãn những mục tiêu chính trị mà quên đi sức nặng của nối đau khổ mà người dân ( cũng như người lính trực tiếp trên chiến trường ) phải gánh chịu ?

Đã đành, chiến tranh thời nào cũng có. Nhưng khi con người tiến đến một giai đoạn tiến hóa như hiện nay, hẳn phải  liệt mầm mống gây ra chiến tranh vào loại những vi trùng ung  thư nguy hiểm nhất cho nhân loại và phải nỗ lực tìm mọi phương thức hầu ngăn ngừa và chữa trị.

Nếu không làm được điều đó, thì nhiều ngàn năm tiến hóa của nhân loại sẽ mãi mãi nằm trong nguy cơ bị hủy diệt toàn diện. Thực ra, từ khi có lịch sử , thế giới chưa một ngày không có chiến tranh. Và khắp nơi trên địa cầu, người ta không xa lạ gì với hình ảnh các cựu binh ngồi trầm tư bên nhau lặng lẽ lau nước mắt khi nhớ đến những đồng đội khuất mặt. Sống chết ở đời là điều bình thường, nhưng sự ra đi của những người lính, những cái chết non , những cái chết không an lành, những cái chết cô đơn không có người thân bên cạnh để vuốt mắt, không bao giờ cho phép lương tâm kẻ sống sót yên nghỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét