Trong bài báo gởi từ Hà Nội vào hôm nay, nhật báo Mỹ The Washington Post đã nêu bật một sự kiện mà tờ báo này gọi là bước ngoặt lịch sử của chế độ cộng sản Việt Nam. Đó là nêu bật vấn đề : Trung Quốc là đối thủ của người Việt Nam. Tuy nhiên, theo tờ báo, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam vẫn mạnh mẽ.
Viện Bảo Tàng Lịch sử Quân Sự Việt Nam (DR) |
Thế nhưng ở phía tường bên kia, Viện Bảo tàng Lịch sử đã thực sự làm nên lịch sử. Trên tường, người ta đã treo dao găm, tranh vẽ và những câu trích dẫn liên quan đến cuộc đấu tranh của Việt Nam với một đối thủ khác : đế quốc Trung Hoa. Các trận đánh vào những năm 1077, 1258, và thế kỷ 14 và 18 đã được minh họa một cách chi li.
Đưa Trung Quốc lên ngang hàng với "Kẻ xâm lược phương Tây" đánh dấu một bước đột phá tâm lý đối với quân đội Việt Nam, đồng thời là một thông tin đáng phiền cho Bắc Kinh.
Trong nhiều năm trời, Trung Quốc đã cố gắng để gầy dựng một mối quan hệ đặc biệt với chính quyền Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên sự vươn lên của Trung Quốc - và thái độ ngày càng hung hăng đối với Việt Nam - đã gióng lên tiếng chuông báo động nơi giới lãnh đạo của đất nước 90 triệu dân này, thúc đẩy họ nhìn người láng giền của họ một cách khác đi. Bắc Kinh nguy cơ bị mất đi tư thế một đối tác cộng sản anh em đối với Việt Nam, để bị đẩy trở lại vị trí lâu năm trước đây của họ. Đó là đế chế phương Bắc đã từng nhào nặn và dày vò Việt Nam trong nhiều thế kỷ.
Thay đổi về nhận thức nói trên đã chuyển Việt Nam vào một hướng đi khác thường : đó là làm bạn với thế giới để có hàng rào chống lại Trung Quốc. Và nổi bật trong số bạn tri kỷ mới của Việt Nam lại là Hoa Kỳ, vốn cũng rất muốn tìm đối tác giúp mình đối phó với Bắc Kinh.
"Có thêm một người bạn mới luôn luôn là điều tốt", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vinh đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn. "Thậm chí lại còn tốt hơn khi người bạn đó từng là kẻ thù của mình."
Biểu hiện về mối quan hệ thân hữu Mỹ-Việt đã được phô bày hôm thứ sáu 29/10/2010 khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton đến Hà Nội trong chuyến công du Việt Nam thứ hai của bà trong vòng bốn tháng. Không đấy ba tuần trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates cũng đã có mặt ở đây. Vào tháng 08/2010, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tham gia cuộc đối thoại an ninh đầu tiên của họ với đối tác Việt Nam tại Hà Nội. Ba chiếc tàu Hải quân Hoa Kỳ cũng đã đến Việt Nam trong năm qua. Hơn 30 sĩ quan Việt Nam đang theo học tại các học viện quân sự Mỹ.
« Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam để kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc » và « bây giờ họ phát huy quan hệ hữu nghị với Việt Nam... cũng để kềm hãm sự vươn lên của Trung Quốc ». Một cựu quan chức cao cấp Việt Nam không được quyền nói chuyện với phóng viên báo chí đã nhận định như trên.
Việt Nam và Hoa Kỳ đang hoàn chỉnh một thỏa thuận cho phép Việt Nam thủ đắc công nghệ năng lượng hạt nhân của Mỹ. Theo các quan chức Việt Nam, điều đó có thể giúp Hà Nội chấm dứt sự lệ thuộc vào nguồn điện từ Trung Quốc. Cùng lúc, các quan chức quốc phòng Việt Nam cho biết họ rất muốn mua công nghệ quân sự Mỹ, trong đó có thiết bị sonar để theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc. Hà Nội cũng tham gia các cuộc đàm phán để có phụ tùng cho kho máy bay trực thăng Mỹ UH-1 Iroquois, một biểu tượng của Chiến tranh Việt Nam. Và bất chấp áp lực từ Trung Quốc, ba công ty dầu của Mỹ đang tiến hành thăm dò ngoài khơi trong vùng biển của Việt Nam.
Tuy vậy, theo Washington Post, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Cải cách kinh tế của Việt Nam - được gọi là đổi mới - đã lấy cảm hứng từ Trung Quốc, và các lực lượng an ninh Việt Nam đã học được rất nhiều từ đối tác Trung Quốc về cách duy trì chế độ độc đảng. Như vậy, Hà Nội cẩn thận tránh làm phiền Bắc Kinh, hoặc không làm phiền quá nhiều. Tại Viện Bảo tàng Quân đội Việt Nam chẳng hạn, có một cuộc chiến không hề được nhắc đến : đó là cuộc xung đột biên giới đẫm máu Việt Nam - Trung Quốc vào năm năm 1979.
Giới kiểm duyệt Việt Nam cũng thường xuyên cấm loan tin tức chống Trung Quốc. Hôm thứ năm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra lệnh cho Vietnamnet, tờ báo trên mạng hàng đầu của Việt Nam là phải rút một bài viết dự đoán rằng các nước Đông Nam Á sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp vùng biển và những vấn đề khác.
Việt Nam đàn áp ly khai, nhưng không bị phản ứng
Việt Nam hôm nay còn được nhật báo Pháp Libération chú ý nhưng trên một bình diện khác : « Việt Nam tiến hành đàn áp, nhưng không gây phản ứng », tựa bài báo trên trang quốc tế. Libération giải thích đó là vì những khách mời của Hội Nghị Thượng đỉnh ASEAN không dám chỉ trích nước chủ nhà.
Tác giả bài báo, thông tín viên Hervé Lisandre, mở đầu bài viết, liệt kê một loạt vụ bắt giam, cũng như bản án tù đối với các nhà ly khai Việt Nam : từ vụ hôm thứ ba, khi ba nhà hoạt động nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động bị kết án 7 đến 9 năm tù, cho đến vụ một hôm sau, đến lượt 6 giáo giáo dân Cồn Dầu, bị xử tù. Một ngày trước khi ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội, thì một cựu đảng viên hoạt động dân chủ, đã bị bắt tại nhà.
Libération nhìn thấy là cuộc họp thượng đình ASEAN đã không làm giảm đi sự hăng say đàn áp của chính quyền Việt Nam. Không chỉ tuần này, bài báo còn nhắc lại tuần trước đây, hai người viết blog ở TP Hồ Chí Minh đã bị câu lưu, 2 người khác bị quản thúc tại gia.
Nhưng tờ báo còn chú ý, là trước khi Đại Hội Đảng diễn ra trong 3 tháng tới đây, dù cố bóp nghẹt các tiếng nói phản đối, nhưng Việt Nam không bọp nghẹt hết các cuộc tranh luận, như trên vấn đề thay đổi phương thức bầu tổng bí thư được báo chí Việt Nam đăng tải.
Libération trích lời giáo sư Nguyễn Quang A, giải thích là chế độ Việt Nam không ngại những lời chỉ trích, dù thế nào đi nữa, từ những cá nhân, nhưng hãy coi chừng việc tập hợp trong các tổ chức.
Bài viết trên Libération nhắc lại bối cảnh là Việt Nam siết chặt gọng kềm trên giới bất đồng chính kiến vào lúc mà Hà nội tổ chức một loạt các cuộc họp thượng đình của ASEAN. Tác giả tỏ vẻ không tán đồng thái độ các khách mời của Việt Nam, đã không hề cảm thấy khó chiụ trước loạt hành động đàn áp này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, hôm qua, khi được hỏi về vấn đề nhân quyền trong khu vực, cũng đã tránh né tình hình Việt Nam. Các nước ASEAN thì cũng không nói gì, mà chỉ quay sang trách cứ Miến Điện một cách lấy lệ. Chỉ có Mỹ là đã lên tiếng, nhưng thông qua Đại sứ Mỹ chứ không phải là qua bà ngoại trưỏng Hillary Clinton.
Trung Quốc tìm cách chen vào thị trường phóng vệ tinh
Theo Le Monde, hiện nay tập đoàn Châu Âu Arianespace vẫn đứng đầu thế giới trong lãnh vực này. Thứ năm vừa qua, việc phóng hoả tiễn Ariane 5đã thành công. Hoả tiễn mang lên quỹ đạo hai vệ tinh, W3B cho tập đoàn Eutelsat của Pháp, và BSAT-3b cho tập đoàn Mỹ Lockheed Martin.
Đối với Le Monde, thị trường phóng vệ tinh rất béo bở, và các cường quốc đang cạnh tranh gay gắt. Đối thủ lợi hại của tập đoàn Châu Âu là tập đoàn Mỹ - Nga ILS (international Launch Services), từ đầu năm đến nay, đã giành được 6 hợp đồng trong lúc Châu Âu được đến 9 hợp đồng.
Sự phát triển của thị trường vệ tinh này là do hệ thống số lượng kênh truyền hình phát qua vệ tinh ngày càng tăng : từ 27.000 kênh năm ngoái, dự kiến sẽ tăng lên gần 39.000 trong năm, bảy năm tới đây. Trung Quốc không bỏ lỡ một thị trường như thế, tìm cách chen chân với hoả tiễn Trường Chinh, với giá phóng rất hời.
Cách đây hai năm tập đoàn Eutelsat của Pháp đã chọn Trung Quốc để phóng vệ tinh W3B, vì đã được giá thấp hơn đến 40% so với Arianespace, nhưng vệ tinh do ThalesArianespace chế tạo bị chậm trễ, cho nên đã phải nhờ trở lại đến tập đoàn Châu Âu. Theo Le Monde, hiện nay hoạt động của Trung Quốc cũng bị giới hạn do việc Hoa Kỳ cấm bán một số linh kiện nhạy cảm cho Bắc Kinh.
Hoa Kỳ : Obama sắp bị cử tri trừng phạt
Nhìn ra thế giới, cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ vào ngày 2/11, là hồ sơ quốc tế lớn của báo giới Pháp. Họ tìm hiểu do đâu đảng Dân chủ và tổng thống Obama bị mất uy tín và sắp bị cử tri Mỹ trừng phạt. Nhìn chung báo Pháp nêu bật hai lý do : kinh tế đình trệ và chính sách cải tổ của ông Obama, nhất là cải cách hệ thống y tế.
Le Figaro nhận thấy ''ông Obama đang ở tuyến đầu'', một tựa trên trang nhất. Ở trang trong, tờ báo nêu bật trường hợp nghị sĩ Harry Reid ở Nevada, một gương mặt nặng ký của đảng Dân chủ, có nguy cơ mất ghế ở Thượng viện cho dù được ông Obama hỗ trợ. Tổng thống Obama đã đích thân đến tận Las Vegas để hậu thuẫn cho ứng cử viên Dân chủ. Nhưng chỉ có 45% cử tri là muốn bỏ phiếu cho ông, trong lúc mà 49% thông báo là họ muốn bầu cho đối thủ của ông, bà Sharron Angle, mà người ta luôn thấy vận động quần chúng trong các cuộc mít tinh của phong trào Tea Party.
Thất bại của ông của Harry Reid, theo Le Figaro, là thất bại điển hình của các chính sách cải tổ của tổng thống Obama, như việc cải tổ hệ thống y tế mà dân chúng Nevada bác bỏ, bên cạnh hậu quả của tình hình kinh tế đình trệ, mà Nevada, theo bài báo, bị tác động rất nặng nề : tỷ lệ thất nghiệp đạt kỷ lục 14,4%, trong khi trung bình cả nước chỉ là 9,6%.
Nevada cũng nắm kỷ lục về địa ốc bị phá sản : tỷ lệ người bị buộc bán nhà ở đây rất cao : 1 người trên 58. Le Figaro cũng nhắc lại là Nevada là một tiểu bang có truyền thống bảo thủ, nhưng đã bầu cho Obama cách đây hai năm.
Giáo dục là con bệnh của Hoa Kỳ
Tờ La Croix nhìn lại hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ, mà tờ báo nhận thấy cũng không ổn, qua tựa đề trang nhất : ''Ngành giáo dục, con bệnh của nước Mỹ''.
Theo La Croix, cứ mỗi ngày học là có 7000 học sinh cấp 3, bỏ trường lớp. Tính ra 1/4 thanh niên Mỹ không học hết bậc trung học. Tất cả các cuộc điều tra quốc tế đều cho thấy ngành giáo dục Mỹ bị đình đốn. Nếu cách đây 40 năm, Hoa Kỳ đứng đầu thế giới, và là mô hình mà các nhà giáo dục trên thế giới noi theo thì giờ đây lại khác.
Theo La Croix, thật ra không phải là số lượng người có bằng cấp tai Mỹ giảm tuột, nhưng không tăng nhanh bằng các nước khác. Tờ báo trích dẫn một bản so sánh năm 2007, cho thấy về tỷ lệ người có bằng cấp trong lứa tuổi 55- 64, trong 15 nước hàng đầu : Hoa Kỳ đứng hàng thứ 4, Sau Nga, Israel, Canada, nhưng trước Nhật Bản đứng hàng thứ 15.
Còn trong lứa tuổi 25-34, thì Hoa Kỳ tụt xuống hạng thứ 12. Dẫn đầu trong lứa tuổi này là Canada, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản. Pháp còn đứng hàng thứ 9. Trong 30 quốc gia phát triển của tổ chức OCDE, Hoa Kỳ đứng hàng thứ 21 về khoa học và hạng 25 về toán học.
Đối với ông Eric A Hanushek, đại học Stanford trả lời La Croix, tình hình đáng ngại vì tình trạng giáo dục xấu đi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đến tăng trưởng của Mỹ trong tương lai. Theo ông, những nước khác trên thế giới đã cải thiện hệ thống giáo dục của họ, trong lúc mà Mỹ thì vẫn dậm chân tại chỗ. Đà thoái hoá của nền giáo dục Mỹ không phải mới đây, và diễn ra liên tục, đều đặn.
Trong quá khứ người ta không mấy chú ý đến vấn đề này vì ưu thế kinh tế và sức cạnh tranh tốt của Mỹ. Bây giờ thì khác, nhưng cũng chỉ gần đây thôi, thì giới chính khách Mỹ mới quan tâm đến vấn đề này.
Theo ông Hanushek, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình dậm chân tại chỗ là vì giáo dục thuộc trách nhiệm các tiểu bang, có những chính sách khác nhau. Chính quyền Liên Bang khó can thiệp vào. Mặt khác theo ông các công đoàn giáo dục rất mạnh, họ không muốn thay đổi gì cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét